Mấy năm nay, Hà Minh Đức in nhiều, thơ, bút ký rồi nghiên cứu. Riêng nghiên cứu, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm dày dặn về các đại thụ văn chương Việt Nam mà phần nhiều là các nhà thơ trong thời kỳ Thơ Mới hoặc ảnh hưởng nhiều từ Thơ Mới: Tố Hữu, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Anh Thơ. Sau khi lần lượt in hết các tập này, theo đề nghị của Nhà xuất bản Thuận Hóa, ông lại cho in chúng thành một tập chung, lấy tên là “Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại”…

Với Hà Minh Đức, đây như sự tổng kết, đồng thời cũng là gián tiếp khẳng định cho một vệt nghiên cứu trước những lời xì xào về động cơ nghiên cứu của ông về tác giả này, tác giả nọ khi không khí học thuật đã có phần xoay chiều. Với chúng ta, đây là dịp may, dù có thể là ngẫu nhiên để nhìn rõ một thời thơ và những người thơ thời đó qua hơn 1.300 trang sách của một tác giả gần như sống đồng thời với các nhà thơ đã kể trên cũng như nhân cách và diện mạo nghiên cứu của tác giả luôn ở điểm nóng của dư luận giới nghiên cứu đương đại.

Như trên đã nói, cuốn “Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại” khá dày, sách lại chia thành nhiều phần, mỗi phần là một tác giả, trong mỗi phần lại gồm nhiều phần nhỏ, có mảng chính luận, có mảng hồi ức tư liệu, có mảng phụ lục nên việc đánh giá từng mảng như thế là rất khó, vả lại có phần trùng lặp, không cần thiết. Bởi vậy, bài này chọn cách nghiêng về tìm hiểu tác giả Hà Minh Đức thông qua những trang viết cụ thể của cuốn sách này. Nếu có gì chưa thật toại nguyện, xin bạn đọc lượng thứ.

Trước hết, đây là cuốn sách, thông qua các tác giả tiêu biểu của nó, đã phản ảnh khá toàn diện, phong phú, có chiều sâu về một thời kỳ thơ sôi nổi, mang tính cách mạng, có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài tới thơ và rộng hơn thơ, tới văn học Việt Nam suốt thế kỷ XX. Đó là thời kỳ mà ta vẫn quen gọi là Thơ Mới. Qua một số tác giả như Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh… Hà Minh Đức đã cho ta một cái nhìn tổng quát, đó là một cuộc lột xác thơ ca khi cái cũ đã từng đạt những thành tựu huy hoàng nhưng không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, rộng hơn là tư tưởng của tầng lớp thị dân và trí thức thời kỳ 1930-1945. Đó là kết quả của sự hội nhập văn hóa Đông – Tây ở mặt tích cực của nó; đó là sự thể hiện qua văn học nghệ thuật xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX khi cái tôi đòi hỏi tự do và không khí dân chủ bắt đầu hình thành. Chủ thể của đổi mới đó là những thanh niên trí thức khao khát cái mới, có tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, không đồng tình với thực tại, ủng hộ và sẵn sàng hội nhập với ánh sáng văn minh từ phương Tây, đặc biệt là tinh thần dân chủ và đề cao cá nhân tự do. Những người này đến với thơ ca như một nhu cầu tự thân, nơi giải thoát những ẩn ức thẩm mỹ của mình và là nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu.

Mỗi người một thế mạnh, một phong cách, một đất thơ của mình. Huy Cận cuộc đời và vũ trụ; Xuân Diệu tình yêu và thời gian; Chế Lan Viên mê loạn ma Hời; Hàn Mặc Tử tôn giáo và nỗi đau bệnh tật; Tế Hanh quê hương cùng hoài niệm hoa niên; Nguyễn Bính thôn quê và thất vọng trong tình yêu; Anh Thơ người vẽ tranh thủy mặc phong cảnh nông thôn và Tố Hữu – một nhà thơ ảnh hưởng Thơ Mới, đúng hơn là một tác giả Thơ Mới sớm giác ngộ cách mạng thì chống áp bức, chống bất công để giành lấy tương lai… và rất nhiều người nữa, tất cả quy tụ lại, làm nên 10 năm rộ nở, thay đổi cả mặt bằng nghệ thuật lúc đó, mở hướng thoát cho thơ Việt đã vào thời bế tắc, tàn lụi. Cho dù điên loạn, nổi sung hay trong trẻo, dịu dàng, họ đều là những người lạc quan, yêu và tin vào cuộc đời. Chính vì thế, khi ánh sáng cách mạng tràn tới, họ rất nhanh chóng tìm đến bằng tất cả niềm tin yêu chân thành, với sự sâu sắc và bền chắc nhiều lúc khiến chúng ta ngạc nhiên.

Những người Hà Minh Đức chọn và đặt họ trong danh sách “thế hệ vàng” của thơ ca Việt Nam hiện đại đều có 4 đặc điểm chung. Thứ nhất, họ thuộc thế hệ các tác giả của thời kỳ Thơ Mới; thứ hai – họ đều hồ hởi, nhanh chóng đến với cách mạng; thứ ba, họ đều có thành tựu ở cả hai phần của đời sáng tác; và thứ tư, đó là những tác giả mà Hà Minh Đức đã gặp, đã chuyên chú thu lượm tư liệu công phu trong nhiều năm. Về đặc điểm này, rất đáng ghi nhận ở Hà Minh Đức sự gắng công trong vài chục năm dùi mài nghiên cứu, gây dựng mối quan hệ tin cậy, bình đẳng mà khiêm nhường (trong đó có nhiều người không dễ trò chuyện cởi mở), cần mẫn ghi chép, rồi sắp xếp, bổ sung những ghi chép rất tản mạn do phương tiện ghi hình, ghi âm thiếu thốn, thổi hồn vào đó để chúng trở thành những tư liệu, những bằng chứng sinh động, chân xác, quí giá cho văn học sử, nhất là khi các tác giả đó đã mất. Xếp các tác giả trên vào danh sách “thế hệ vàng” của thơ ca hiện đại theo tôi còn có một ẩn ý nữa, Hà Minh Đức coi những cây đại thụ trong thời kỳ Thơ Mới, đặc biệt là những tác giả Thơ Mới tiếp tục sáng tác sau cách mạng là những trụ cột của thơ Việt Nam, điều đó vừa chiêu tuyết cho Thơ Mới vừa xóa nhòa ranh giới giả tạo giữa Thơ Mới và thơ giai đoạn sau này mà một số người vẫn muốn có.

Điều tôi lật lên, lật xuống còn ở chỗ danh sách những người được Hà Minh Đức  chọn trong cuốn sách này. Có hai người đáng chú ý là Nguyễn Bính và Tố Hữu. Nguyễn Bính thì khỏi nói rồi, bây giờ sách bày la liệt, thơ được phổ nhạc, thậm chí đến cái chết nghèo khổ, có phần bi thảm cũng được mô tả tỉ mỉ trên một số báo Tết. Bây giờ mà ca ngợi Nguyễn Bính thì không có gì đặc biệt. Nhưng đây là những bài viết từ những năm 90, khởi đầu của xu hướng chiêu tuyết cho Nguyễn Bính sau 40 năm rất hiếm khi được nhắc đến. Thời ấy, những bài viết về Nguyễn Bính – đặc biệt là những bài khen rất lẻ tẻ và dè dặt, khó được in, nhưng Hà Minh Đức vẫn viết. Điều đó đã nói lên phần nào bản lĩnh của nhà nghiên cứu trước dư luận và thời cuộc.

Trường hợp Tố Hữu thì ngược lại. Hà Minh Đức viết về Tố Hữu phần lớn trong thời kỳ Tố Hữu còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Ngay sau khi về hưu, uy danh Tố Hữu cũng còn ngất trời. Nhưng sau đó, bắt đầu có những đánh giá khác về ông, người ta gọi thơ ông là thơ chính trị, thơ thời sự, thơ tuyên truyền, thơ của một thời. Nếu trước đó, mỗi khi có thơ Tố Hữu, cả bộ máy tuyên truyền, và nhiều nhà nghiên cứu xu thời xúm vào lấy lòng thì nay, trong đề thi các cấp học, các ngày kỷ niệm, người ta gần như quên hẳn ông, đến mức có người đã đưa Tố Hữu ra ngoài danh sách các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX trong một cuốn sách dùng giảng dạy ở bậc đại học.

Trong bối cảnh ấy, Hà Minh Đức in lại gần 20 bài viết về Tố Hữu của mình như muốn nói ông không có gì phải giấu, phải chữa chạy và sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng những gì mình đã viết. Ngay bây giờ, Hà Minh Đức vẫn công khai bảo vệ quan điểm coi Tố Hữu là một trong số những nhà thơ “thế hệ vàng” của thi ca Việt Nam hiện đại. Đây là một sự sòng phẳng trong học thuật. Hy vọng, cũng như Nguyễn Bính, sẽ đến lúc người ta nghĩ lại về Tố Hữu, khôi phục lại những giá trị thật trong thơ ca của ông, minh chứng cho điều Hà Minh Đức nghĩ hôm nay.

Tương tự như Tố Hữu, Hà Minh Đức cũng sòng phẳng khi nhận xét rằng phần thơ sau cách mạng của Xuân Diệu không bằng phần thơ tình trước cách mạng của ông. Không chỉ vậy, ông còn vạch ra nguyên nhân thất bại của những “con đỉa vắt qua mô đất chết”, “thì ta ăn hết một đê vừa“, “Không bứ, ăn xong lại chẳng đầy/ Lại không chua bụng, đức càng hay” đó. Hà Minh Đức không chê bai cay nghiệt, nhưng cũng không khen những câu thơ trên. Đấy là sự dũng cảm khi so sánh thơ Xuân Diệu trước và sau cách mạng, điều mà giới phê bình và nghiên cứu cứ lảng tránh lâu nay. Giá Hà Minh Đức đi thêm chút nữa, đến kết luận nhìn chung, Xuân Diệu đã thất bại trong thơ, kể cả trong thơ tình viết sau này không phải vì đường lối văn nghệ hay gì khác mà vì ông có những quan niệm sai về thơ. Đi theo xu hướng “chân chân chân, thật thật thật” theo cách hiểu đơn giản đến cực đoan, Xuân Diệu đã thô thiển hóa thơ, đưa thơ đến gần những bản tin thông tấn, đã tự làm hỏng thơ mình.

Và không chỉ ba nhà thơ ấy, khi đánh giá hay nhận xét, Hà Minh Đức bênh vực, khám phá đến tận cùng cái hay, cái đẹp của các nhà thơ nhưng ông cũng thẳng thắn vạch ra những hạn chế của họ. Tôi rất thích những nhận xét tinh tế như Anh Thơ hay tả cảnh nông thôn bằng con mắt thành thị còn Nguyễn Bính lại nhìn thành thị bằng cái tình nông thôn hay những đoạn Hà Minh Đức có ý chê thơ tình của Tố Hữu chưa hay. Nói chung, điều toát lên ở Hà Minh Đức khi nhận xét về các nhà thơ là khiêm nhường và thật. Tôi chưa thấy ý nào không khiêm nhường, nhu nhã  cũng như cố tình đề cao mình khi Hà Minh Đức nói. Tôi cũng thấy ông không khen giả ai bao giờ.

Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ


Vũ Duy Thông


Nguồn: CAND

 

Exit mobile version