TRI ÂN NHỮNG ANH HÙNG THƯƠNG BINH LIỆT SĨ – nhân ngày 27.7.2018

Phạm Quang Long

Nhà có 4 người: bà nội, bác dâu, mẹ và nó.
Bốn người sống ở ba ngôi nhà liền nhau cứ như xếp hàng vậy. Nhà này thông sang nhà kia qua những cửa ngách ngang qua những mảnh vườn nhỏ như những khu đệm trước nhà này, sau nhà kia. Nhà nào cũng có cửa chính đi từ ngõ vào nhưng gần như những cư dân của ba ngôi nhà này rất ít sử dụng. Mấy mẹ con, bà cháu toàn đi tắt.

Nhà toàn đàn bà, chỉ mỗi nó là đàn ông nhưng nó mới chỉ là một thằng nhóc. Đầu tiên là bác nó goá chồng. Rồi đến bà. Và sau cùng là mẹ. Cả ba người đàn ông đều chết trong chiến tranh. Họ bị Tây bắn ngay trên cánh đồng, trên sân nhà mình hoặc trong chiến trận. Ông nó bị bắn trên cánh đồng, máu thấm đỏ vẫn cày phơi ải. Thày nó bị bắn ngay trên sân nhà, viên đạn thù bắn gần, vỡ toang lồng ngực nông dân. Chỉ riêng bác nó đi bộ đội, chết đâu tận ngoài cầu Niệm Hải Phòng. Người ta kể thế chứ cả nhà cũng chẳng ai biết cầu Niệm ở đâu để đưa hài cốt về nghĩa địa làng.

Ba người đàn bà đã khóc hết nước mắt vì người này vừa khóc con lớn xong, lại khóc chồng rồi khóc con bé. Người kia khóc chồng xong lại khóc cha chồng rồi đến em chồng. Mẹ nó, khóc anh chồng đầu tiên, rồi đến cha chồng. Nỗi đau chưa nguôi lại khóc chồng mình. Riêng nó không khóc. Nó còn bé, chỉ đứng nhìn ba người đàn bà thân thiết nhất của nó khóc với một nỗi ám ảnh. Sao họ khóc nhiều thế? Sao những người đàn ông nhà nó cứ thi nhau chết thế? Chiến tranh là cái gì nó không hiểu vì khi biết biết được một tí, chiến tranh đã không còn. Thế mà những người đàn bà nhà nó vẫn khóc. Họ khóc trong ngày tết, ngày giỗ và cả trong những ngày thường. Có khi cả ba người đàn bà cùng ngồi khóc với nhau. Những lúc ấy nó sợ lắm nhưng chỉ biết đứng nhìn. Nước mắt họ có khi thấm đến tận ruột quả đất nằm ở đâu đó xa lắm. Thầy giáo bảo nó thế. Xa đến đâu, nó không biết. Nhưng nước mắt nhiều như thế chắc phải chảy mãi, thấm mãi mới hết được. Không chảy đi thì chết lụt vì nước mắt à?

Nó buồn lắm vì chả biết chơi với ai. Không có đứa trẻ con nào để chơi cùng. Chả có người đàn ông nào để giúp nó làm đồ chơi hay giải đáp cho nó những điều khó hiểu. Đàn bà tóc dài nhưng trí óc ngắn, khi nó hỏi gì cũng bảo: “chúng tao đàn bà biết gì mà nói. Đi hỏi chú X., ông Y. ấy”. Chú X., ông Y. là những người hàng xóm. Tốt bụng đấy, hay sang sửa giúp nhà nó những việc của đàn ông như dọi lại nhà khi mưa bão, cày bừa cho đám ruộng nhà vì đàn bà quê nó không ai biết cày bừa, chống lại cái cột bị hỏng, sửa chiếc cỗi giã gạo bị long mộng…nghĩa là tất cả những việc cần bàn tay người đàn ông. Những hôm họ ” làm giúp” ấy, bà, bác hoặc mẹ nó phải nấu cơm, làm thức ăn tươm tất hơn, có khi mua dăm hào rượu nữa dù họ chỉ phải làm trong độ một, hai giờ. Cơm bưng nước rót và phải hàm ơn. Đó là cái lệ ở làng.

Nó tức lắm. Sao bất công thế? Bà nó bảo: “phải thế con ạ. Họ cũng không đòi hỏi gì đâu nhưng người ta giúp nhà mình, mình phải tử tế với họ. Lần này còn lần sau”. Nhà không có người đàn ông khổ lắm. Mà việc của đàn ông thì lúc nào mà chả có. Nó cãi: “Thế cháu không phải là đàn ông à?”. Bà nó cười, nụ cười héo hắt: “Cháu là con trai, chưa phải là đàn ông. Đàn ông phải biết cày bừa, gieo mạ, lợp nhà, đóng cối xay như chú X., ông Y. cơ. Cháu còn bé lắm”. Rồi thở dài: “chả biết có nên cơm cháo gì không đây?”

Nó quyết phải làm đàn ông để làm mọi việc nhà, không cần phải nhờ (phải nói là thuê mới đúng) những ông Y., chú X. nữa. Đi chăn trâu, nó lân la làm quen với bác thợ cày, vừa quan sát, vừa học cách cầm cày, theo trâu. Mấy ông thợ cày thấy nó thích thú công việc cũng vui vẻ chỉ bảo thêm. Nhưng, nó mới cao bằng cái cày, sức vóc thế, vác cày sao nổi? Nó lại học bừa. Vừa lội theo những thợ bừa, nó vừa hỏi thế nào là bừa phá, thế nào là bừa đơn, bừa kép, tại sao phải bẻ que ken vào răng bừa v.v… Những người đàn ông trong làng thấy nó ngồ ngộ, dễ bảo cũng chả ngại gì bày cho nó những việc đồng áng. Được cái sáng dạ, nó học cũng nhanh. Về nhà, không có cày bừa thật, nhưng nó cũng tưởng tượng ra mình đang đi cày, đi bừa, tập làm luôn trên sân nhà, cũng ” vặt, diệt” y như thật. Bà nó cười, bác nó cười nhưng mẹ nó thì đứng nhìn, nước mắt chảy tràn trên má.

Học hết lớp 7, nó nghỉ học. Bà, bác rồi mẹ nói thế nào nó cũng không đi học nữa. Bạn bè cùng lứa trong làng đến vận động đi học cho vui, nó lầm lì: “Vui vẻ gì? Tao đi học thì cả nhà tao treo niêu à? Mỗi tuần trọ học hết 5 bơ gạo, một đồng tiền thức ăn, lấy đâu ra. Chúng mày đi học thấy vui chứ tao thấy khổ. Thôi, mỗi thằng một số phận. Tao chọn con đường theo trâu thôi”. Bạn bè về, nó chui vào buồng, không khóc mà nước mắt cứ chảy ra, ướt cả áo.

Bạn bè đi học, riêng nó đi làm HTX rất chăm chỉ. Không ai để ý thời gian trôi đi thế nào. Nó làm hùng hục, việc gì cũng làm nhưng chỉ chăm chăm chuyện cày bừa, ngâm giống, gieo mạ… những việc dành cho các bậc lão nông tri điền. Nó lầm lì, hầm hừ mỗi khi thất bại. Lúc thành công, trên gương mặt sạm nắng gió của nó, nụ cười làm mặt nó sáng lên. Mẹ nó chỉ lặng lẽ nhìn nó lớn lên, dần thạo nghề. Trên gương mặt hiếm khi vui của bà đã thấy những nét tươi hơn. Bà nó bảo: “hai năm nay, tao không mất cơm mời ông Y., chú X. lần nào nữa. Nhà mình đã có đàn ông rồi”. Bác nó cười mà mắt thì cứ ầng ậc nước. Ba người đàn bà vui đến chảy nước mắt. Bà nó bảo: “mày thành đàn ông trong nhà rồi. Chờ lớn thêm ít nữa, lấy vợ nữa là xong”.

Một ngày, tự nhiên thấy máy bay bay đầy trời. Phía thị xã bom nổ, khói bốc lên đen sì. Từ nhà nó vẫn nhìn thấy, cả làng náo loạn. Buổi tối, loa báo tin chiến tranh đã xảy ra. Nó thấy ba người đàn bà nhà nó hay ngồi túm tụm với nhau. Có cái gì đó như sợ sệt. Nhưng sao thấy nó đến lại lúng túng thế. Nó không biết mà cũng không muốn hỏi. Chỉ mãi một hôm, nó thấy bác dâu ngồi khóc, nó hỏi có chuyện gì mới xảy ra. Bác nó mới bảo: “chiến tranh nữa rồi. Liệu người ta có để con ở nhà với chúng ta không?”. Nó bảo: “đi thì đi chứ sao mà phải khóc?”. Bác nó vừa gạt nước mắt, vừa bảo: “con còn chưa hiểu chiến tranh thế nào đâu? Con nhìn nhà ta đây này. Toàn bà goá cả, con ơi!”
Bà, mẹ nó về. Nghe chuyện, mẹ nó chép miệng, buồn buồn: “trai thời loạn, biết làm sao được?”. Bác nó cãi: “nhà ta khác, ba nhà còn nhõn người. Đi nữa thì rồi ra làm sao?”
Sao thì không ai biết. Người ta vẫn gọi nó đi nghĩa vụ. Ngày nó đi, ba người đàn bà mổ con gà, làm cơm cúng ông nội, bác và cha nó. Nó nghe bà khấn: “Ông với các con khôn thiêng phù hộ cho nó nơi mũi tên hòn đạn. Đừng để nó như cha con ông. Chúng tôi còn mỗi nó”. Rồi sụt sịt.
Mãi nó mới hiểu bà nó nói gì. Nó đi cùng anh em. Mẹ nó không khóc. Chỉ nhìn nó như chưa bao giờ nhìn như vậy. Bà ngồi nhà, không đi tiễn nó. Bà bảo, bà già rồi, không muốn nhìn thấy cảnh ấy. Bác nó vừa khóc, vừa thì thào: “Nhà ta còn mỗi mình con thôi đấy. Nhớ bằng anh bằng em nhưng cũng cố mà về. Đừng để chúng tao lại một mình nhé”.

Nó chỉ hiểu lơ mơ là bác nó vừa nói một điều gì đó rất hệ trọng. Nhưng sao mà làm được tất cả những thứ đó. Ở chiến trường, nó không thua kém ai thật. Lúc đánh nhau thì thôi. Lúc rỗi, nó chỉ nhớ có ba người đàn bà. Với nó, đó không chỉ là ba người đàn bà. Họ là ông, là bố, là bác, là anh chị, em của nó. Nghĩa là tất cả những gì mà nó thiếu. Nó vẫn sống đến tận tháng 6 năm 70 và gửi được bốn lá thư về nhưng không nhận được thư trả lời nào cả. Lúc bị thương nặng, hấp hối ở đội điều trị, nó chỉ áy náy mỗi điều: “hết chiến tranh, nó không về, khi nhà có việc cần, lại phải nhờ ông Y., chú X. như xưa thôi”. Nó chỉ thương ba người đàn bà của nó.