Truyện ngắn Nhà có ba chị em được tôi viết từ những năm ngay sau đổi mới, những năm 1993-1995. Ban đầu truyện được đặt là Gió từ hướng tây thổi tới. Nhưng sau đó thì lấy luôn cái tên Nhà có ba chị em cho giản dị. Truyện được in trên báo Văn nghệ.

Nhiều bạn đọc thời đó cứ hỏi tôi về đoạn sau của truyện, rằng nhân vật cô con gái thứ hai là Nghi đi đâu? Nghi có chồng và 2 con. Là nhà báo lại trở thành nhà thơ nữa. So ra trong ba chị em thì Nghi là ổn nhất. Nhưng cuộc sống lại luôn mang yếu tố bất ổn. Với một người chồng lạnh giá, và một người đàn ông tưởng như đó là tình yêu. Và rồi nhận ra cô chẳng hề có hạnh phúc. Và có lẽ sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Tôi không viết thẳng ra là Nghi lên núi để nhảy xuống quyên sinh. Nhưng về tinh thần là Nghi đã làm như vậy, vì bế tắc, không tự tìm được lối thoát. Phải chăng càng nhiều chữ nghĩa thì càng nhạy cảm càng khó thích nghi.

Hơi thở của cuộc sống vật chất hiện đại đang tràn vào mọi ngóc ngách mọi gia đình. Cô con gái Út thích nghi với đời sống vật chất nhất, cô mới là người gặp nhiều sự trắc trở, đểu giả bên ngoài xã hội và ngay trong gia đình của chính cô… nhưng cô lại cứ vượt thoát ra theo cách nhẹ nhàng và bền bỉ.

Còn chị cả tên Phương, với lối ăn vận kín cổ kín tay, có thể thấy là một cô giáo mẫu mực. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi, ập vào đời sống xưa cũ, khiến chị cũng đã thay đổi tư duy lúc nào chính chị cũng không nhận ra.

Nhầm tưởng Thư thêm là em Út viết cho mình (thực ra là cho chị hai là Nghi), chị Phương còn tiến xa hơn tưởng tượng của chính chị:

“Chị Phương ra sân ngửa cổ nhìn nắng. Nắng chói chang xói vào mắt. Rồi nhân lúc mẹ còn ngủ, chị Phương cởi áo xống ra đứng giữa sân.

Chị cứ đứng dưới nắng như thế, thầm mong mình có làn da nâu tuyệt đẹp…”

Còn nữa, thực ra bà mẹ đâu có ngủ.

Ý của tôi miêu tả là bà gần như đã không còn nhận ra là mình đang sống hay đã chết, khi đọc lá thư của Nghi. Bà cứ túm chặt lá thư ấy, không còn thiết thở nữa.

Đổi mới mang đến nhiều giá trị cho cuộc sống mới; cũng mang đến những hệ lụy và bi kịch. Mà tầng lớp văn nghệ sĩ lại chính là những người hứng chịu đầu tiên, hay là họ không thích nghi nổi?

Cho đến nay, chính tôi cũng không thể hiểu vì sao ngày đó, mình lại cứ nhất định cho nhân vật nhà báo nhà thơ là Nghi nhảy từ trên vách núi cao xuống, bỏ lại tất cả. Cuộc tự tử này dường như đó là sự tự tử về tinh thần. Nếu bây giờ viết lại, vẫn chỉ có thể cho Nghi tìm đến một thế giới khác như vậy.

NHÀ CÓ BA CHỊ EM

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà

C

ả vạt núi Vôi trống rỗng khi cơn gió lốc khủng khiếp thổi từ hướng tây đến. Cơn lốc xoáy tan tành cây cỏ bao năm bám rễ vào lòng núi. Đá lở lăn xuống vực âm thầm. Trận lốc đó không hề có một hạt mưa nào rơi xuống. Gió lạnh lùng quật ngã tất cả. Chỉ còn trơ lại một gốc si già sù sì và lì lợm như một tảng đá gắn chặt trời và đất. Bên gốc si, một ngôi miếu cổ bỏ hoang không biết rõ từ đời nào, thỉnh thoảng  mới có một chân hương lập loè lặng lẽ vật vã với gió. Và rồi tàn hương nhanh chóng rụng xuống, nhanh chóng bay vào cõi hư vô.

Giang bảo với người đàn bà đi cùng rằng anh thích trèo lên trên này để nhìn xuống thành phố chật chội đến tội nghiệp. Ở trên này con người bỗng thấy khinh mạn hết thảy. Người đàn bà nhìn Giang mỉn cười. Giang bỗng lặng đi khi nhìn thấy nụ cười của chị. Anh luôn thèm muốn chiếm hữu cho riêng mình nụ cười ấy. Họ cùng ngồi xuống bên ngôi miếu nhỏ trên núi, im lặng.

“Em về với anh thôi, Nghi”.

Giang kéo tay Nghi đặt lên ngực mình.

“Lồng ngực anh rộng và đẹp thế này, nhiều cô gái chạy theo lắm. Em sợ…”

“Thôi chúng mình đừng nói gì thêm nữa. Em đã hứa với anh rồi. Anh nhất định không nghe em nói lại nữa đâu. Anh thật không nên bắt em phải vội vã”

“Em sẵn sàng nhảy xuống cái vực thẳm kia, nếu như được hồi sinh lại và trẻ trung sánh ngang với anh”.

“Em bắt đầu già rồi, cô bé ạ”.

Tiếng cười của họ vang khắp sườn núi. Có lẽ họ đã lấy lại được niềm vui khi đứng trên đỉnh núi lộng lẫy nắng và gió. Một đốm hương đỏ loè nhỏ xíu bừng lên.

Nghi quỳ xuống, cầu khấn thần linh ban cho mình sức mạnh.

*

Lúc đó người mẹ đang ngồi nhớ cô út, em dưới Nghi.

Nhà có ba cô gái. Đúng hơn là ba người đàn bà, bởi hết thảy đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm, có nhà riêng.

Chị cả tên Phương.

Chị Phương chưa một lần được làm đàn bà, năm nay đã ba mươi chín tuổi. Vì vậy, chị không xoã tóc ngang vai như những thiếu nữ trẻ trung nữa. Chị vấn cao tóc lên và gài vào búi tóc dày một cây trâm gỗ. Quần áo cũng thay đổi: áo kín tay, kín cổ, quần kín gót. Lối ăn vận của chị bắt chước theo lối Hồng Lâu Mộng bên Tàu.Vì thế nom chị bí hiểm xa vời, đàn ông chỉ thích ngắm chứ không thích chạm vào. Chị Phương không hề nhận ra điều ấy. Chị ở riêng. Hàng ngày đi dạy học về thì ghé qua nhà mẹ ăn bát cơm với bà cho vui, rồi lại bỏ sang nhà riêng ngủ vùi một giấc quá nửa buổi chiều. Sau đó sửa sang đi dạy thêm hai tiếng cuối chiều ở nhà người ta, lấy tiền tiêu vặt. Sắc đẹp của chị cứ lặng lẽ nở, lặng lẽ tàn chẳng ai cần tới, kể cả chị.

Nghi là con gái thứ hai trong gia đình. Chị đã có chồng và hai đứa con, một trai, một gái. Chồng chị làm ở một bệnh viện của thành phố. Còn chị là phóng viên một tờ báo ngành. Nhìn vào gia đình Nghi ai cũng thấy yên tâm vì sự bằng phẳng của họ.

Cô gái út thì đã có đến đời chồng thứ hai. Đời thứ nhất, không ra gì, để lại một đứa con gái tính tình ngang bướng, luôn luôn kết tội mọi người. Đời thứ hai, cũng lại không ra gì, không hề để lại gì ngoài sự trống rỗng. Cô út vô tư nhất nhà, xinh đẹp trẻ trung và rất thực tế. Cô viết thư về báo tin mình sắp về thăm nhà trước khi đi thực hiện một quyết định to lớn trong đời.

Lá thư cô út báo tin mình sắp về đến tay người mẹ vào lúc cô gái thứ hai của bà đang đứng trên đỉnh núi đá Vôi nhìn xuống thành phố. Gần đây chị có nhiều bài thơ được đăng báo. Người ta đã bắt đầu gọi chị là nhà thơ trẻ. Đôi khi chị cũng thấy tự hào. Nhưng những gì ùa tới cuộc đời chị từ sau khi chị đặt bút làm ra những lời lẽ rung động nhiều người thì cái được mất của nó mãi sau này chị mới biết.

Cô út về làm cả nhà vui như ngày hội. Trưa hôm đó bà mẹ nấu món canh hạt sen đãi con gái. Hạt sen để nguyên tâm, ăn vào cô út ngủ say trên giường mẹ như chưa bao giờ được ngủ.

Bà mẹ thì thào với hai cô chị:

– Con Hồng mang tiền về, bảo cho chị Phương hai tờ, chị Nghi ba tờ vì chị Nghi còn nuôi con. Nó cho mẹ năm tờ để sửa bếp với tiêu vặt.

 Cô út trở mình nói như mơ:

– Để con cho mẹ một tờ nữa để mẹ mắc điện thoại.

– Thôi con ạ, điện thoại làm gì cho phí, mẹ già rồi.

Cô út cãi:

– Già mới cần điện thoại chứ. Vả lại, nhà cửa có sang trọng đến mấy mà không có điện thoại, quê lắm. Giá điện thoại ở quê mình rẻ như bèo… Con muốn thỉnh thoảng gọi về để nghe thấy tiếng mẹ. Người ta cũng đỡ khinh dân Việt mình…

Nói rồi cô út trở mình ngủ tiếp. Bà mẹ nghĩ, nó vừa nói gì nhỉ? Người ta đây là ai?

Chị Phương cởi trâm ngả xuống sàn nhà, ngáp một cái. Chị nằm thẳng đơ như khúc cá ướp lạnh.

Chị lẩm nhẩm tính những thứ sẽ tiêu với số tiền em gái cho. Một cái váy đen trong Shop Minh Hằng ở đường Lê Lợi; một cái nhẫn cho ngón trỏ; một đôi bông tai. Số tiền còn lại đập vào sổ tiết kiệm thời hạn sáu tháng. Hồng về, không có đồ diện đi cùng nó, mình ra gì nữa. Lương giáo viên eo hẹp, lại dạy môn lịch sử, không dạy thêm được như những giáo viên Toán, Anh văn… chị phải nhận làm gia sư cho mấy đứa nhỏ lớp 1, lớp 2 hàng chiều. Bọn trẻ nít ở trường, mặt cứ nghệt ra khi nghe giảng về Hai Bà Trưng cưỡi voi giết giặc. Chúng kháo nhau đánh giặc như Hai Bà Trưng thật sướng như tiên, toàn được voi công kênh đi. Chị chờ chúng lao nhao hả hê thì vừa hay trống đánh hết giờ. Thật tội nghiệp cho lũ chúng nó. Chị Phương lại ngáp một cái.

Nghi không biết rằng để có được ngần ấy tiền mang về cho mẹ và các chị, em gái út đã phải làm những việc liều lĩnh như thế nào. Người chồng thứ hai đưa cô út vào Sài Gòn đã ba năm nay. Vừa xuống tàu, cô út biết ngay mình rơi vào tình huống trớ trêu. Tất cả mọi tiền nong tư trang của cô, anh chồng đều ghi chép vào sổ quản lý. Định đánh bức điện về cho mẹ, anh ta bảo cô quá xa xỉ và chỉ cho cô viết thư về dưới sự kiểm soát của anh ta. Căn nhà của hai vợ chồng bao bọc kín mít bằng những lồng sắt. Cô trở thành người ở không công cho cả gia đình nhà chồng gồm cha mẹ và một cô em gái dở người. Cô em gái giống như thằng con trai bệnh hoạn, thỉnh thoảng xồ ra từ góc tối vồ lấy chị dâu rồi cười sằng sặc. Nhưng cô ta cũng ghê gớm không kém gì người anh, không có điều gì cô út làm có thể qua mắt cô ta. Ra chợ, cô ta kèm chặt cô út từng đồng. Một thời gian sau cô út bị đẩy ra đường kiếm tiền. Cô bán hết quần áo đồ bành, rồi đi làm đầu thuê. Hết ngày về nhà, anh chồng đón ngay ở cổng lục lọi túi xách và thu hết số tiền kiếm được trong ngày. Cô út phải gửi tiền nhờ người bạn giữ hộ. Người bạn gái thương tình, lén dẫn cô vào vũ trường. Những đồng đôla cô út kiếm được là ở đó. Cô nhằm vào những người đến từ phương Tây. Sở dĩ cô út chưa bỏ chồng là vì cô còn tính, cô muốn gặp được một người giàu có và yêu thương cô thực lòng. Người ấy đưa cô đi bất cứ đâu cũng được, miễn là cô được sung sướng, và không nhọc nhằn. Cô lao vào học tiếng Anh bằng mọi giá, mọi lúc mọi nơi. Người chồng thấy cô học tiếng Anh thì cười khẩy, bảo làm đĩ mà cũng cần ngoại ngữ. Anh ta tích cực lục túi cô hơn.

 Lần này cô út về là để chia tay mẹ và các chị. Có một người Bỉ yêu cô. Ông này hơn cô tới hai mươi ba tuổi, rất giàu. Lúc đầu cô còn tính nhầm. Cô bảo:

  • Ông ấy hơn em mười ba tuổi. Không cao lắm.

Nghi hỏi lại:

– Vậy là năm nay ông ta bốn mươi tuổi?

– Sao lại bốn mươi, năm mươi chứ.

Hai chị em lẩm nhẩm rồi phá lên cười khi phát hiện ra sự nhầm lẫn của cô út. Nhưng cô út cứ khăng khăng nói ông ta rất trẻ, dáng dấp còn dẻo dai hơn anh chồng người Nam Kỳ bệnh hoạn của cô. Cô út thở dài, đánh một câu:

– Nếu biết trước được đời em khốn nạn thế, hồi xưa em đã chẳng bỏ thằng Hùng. Cứ khoác cái mác chung chuyên với một chồng rồi đi chơi thoải mái. Bây giờ thì không dừng lại được nữa rồi…

Cô út bàn kế hoạch trốn khỏi nhà chồng với Nghi. Cô không dám cho mẹ biết, chị Phương thì càng không nên biết. Chị Phương chẳng có chút kinh nghiệm gì với đàn ông. Nếu biết cô út sắp ra đi với một người nước ngoài, có lẽ chị Phương sẽ ném hết số tiền mà cô út cho, chị sẽ có thể trở thành một bà già lạnh lẽo. Mà điều này thì cô út biết rõ sẽ làm mẹ cô khổ sở hơn ai hết. Nhưng cô không thể không bàn với ai trong gia đình, vì vậy cô út đành kể với Nghi như ngày xưa hai chị em còn ở bên nhau.

Mấy ngày liền Nghi quên mất có Giang trên đời. Mải vui với em với gia đình. Lo mua sắm quà cáp. Bế con sang nhà mẹ ăn cơm rồi chạy về nhà lo bữa ăn cho chồng, đôi lúc chị tự hỏi liệu sự xuất hiện của Giang ở đời chị có tốt hơn cho chị không?

Hôm cô út sắp đi, Nghi vào tìm chồng ở trong bệnh viện kiếm ít thuốc tốt cho cô út phòng thân. Chồng chị đang loay hoay trong phòng thí nghiệm. Nghi bước vào căn phòng mát lạnh, trắng toát, tự nhiên không dám bước mạnh. Người chồng liếc xéo qua ống kính hiển vi, hỏi:

– Gì thế?

– Em…

Chị bỗng ớn lạnh tận sống lưng khi nhìn thấy chiếc bào thai ướp trong lọ cồn mà anh ta đang soi soi lật lật.

Suốt cả ngày hôm đó, chị buồn nôn tới nỗi tưởng mình có nghén. Lúc đó chị mới nhớ tới Giang. Mấy hôm nay anh sống ra sao? Nghi nhìn lên núi Vôi đứng đơn độc phía Tây thành phố. Nhất định mình sẽ rủ Hồng lên đó trước khi nó từ giã đất nước này ra đi. Nghi nói với cô út:

  • Chị có chuyện buồn lắm…

Cô út hỏi:

  • Chuyện gì? Tiền hay tình?

Nghi thấy tắc ở họng. Nhưng cô út không chịu được, dồn một hơi:

– Chị thấy nên thế nào thì cứ sống như thế ấy. Thơ phú cũng tốt thôi nhưng phù phiếm quá, thằng chồng nào chịu được. Hay là chị yêu?

Nghi gật. Cô út thở dài:

– Khi không vác vạ vào thân, thì chị cứ yêu đi, ai cấm được chị. Thích đức hạnh yên ả, thiên hạ cũng không cho chị hưởng đâu. Còn nếu không ở được với chồng thì ly dị. Em ngán cảnh ấy lắm rồi. Hay là…

Nghi ngước nhìn cô út như tìm sự cứu cánh.

– Hay là… sang đó thuận buồm xuôi gió, em sẽ tìm cách đưa chị sang đấy với em. Ờ hay đấy. Kiếm một thằng chồng tây rồi lấy nó cho nhàn thân chị ạ. Để em kiếm cho. Yêu đương làm gì, xa xỉ quá. Quên người ta đi. Với cả, bọn đàn ông nước mình hèn lắm, yêu thì được chứ hễ bàn đến lấy là đem người ta ra cân đong đo đếm từng li từng lạng.

Cô út xả một hơi cho bõ tức lũ đàn ông mà cô từng gặp. Xong rồi tự nhiên im bặt. Hai chị em ngơ ngác nhìn nhau một lúc rồi phá lên cười.

Nghi đi tìm Giang.

Từ hôm hai người lên núi chơi tới giờ, Giang lao vào một công trình mới nên anh cũng ít có thời gian để nhớ nhung tới Nghi. Là kiến trúc sư mới ra trường, Giang hăm hở tìm những hợp đồng quan trọng. Anh muốn sống đàng hoàng tự tin. Muốn như vậy thì anh phải có tiền. Nhưng vẽ tranh là niềm đam mê của anh. Đôi khi vào lúc nửa đêm, hình ảnh Nghi lại hiện lên khiến anh trằn trọc. Anh nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh sống với một người con gái khác không phải Nghi, và điều đó làm anh thấy không chịu đựng nổi. Nghi cứ sống như vậy, mòn mỏi bên một người chồng lạnh lẽo, và thế để làm gì nhỉ? Nếu Nghi không bỏ tất cả để đến với anh, liệu có phải là chị yêu anh không? Anh có quá ích kỷ không?

Giang mời một cô bé làm mẫu vẽ. Anh loay hoay với bột màu và giá vẽ cả buổi với người con gái xa lạ. Lúc đầu cô bé còn lúng túng, về sau bột vẽ và căn phòng mờ mờ tối khiến cô không chịu nổi. Cô tự lột áo mình xuống quá ngực. Giang nhìn vào cái núm ngực nhòn nhọn của cô bé, tự nhiên thấy Nghi vô nghĩa.

Nghi đến lúc Giang đang vẽ dở bức “Chiều”. Giang hớn hở khoe:

– Em xem, anh cũng được việc đấy chứ.

Giang loay hoay tìm hướng bật quạt cho Nghi. Anh đã quên cô bé hôm nào và thật vui khi nhìn thấy nụ cười của Nghi. Chiếc quạt quay vù vù, thổi tốc đám tranh Giang mới vẽ đặt trên giá. Một bức bay sạt xuống nền nhà. Thiếu nữ đang cười mơ màng qua lớp sương mờ. Nghi nâng bức tranh lên.

– Đẹp quá. Ánh sáng tập trung vào mái tóc. Cô bé này chắc phải nghịch lắm phải không anh?

Giang gật đầu:

– Có cá tính!

Nghi xoay xoay ly nước trên tay, thấy buồn buồn thế nào. Rồi sau này sẽ ra sao?

– Em sao vậy?

– Không…

Giang vuốt nhẹ mái tóc của Nghi.

– Em không nên nghĩ ngợi luẩn quẩn. Phải tận hưởng cuộc sống em ạ. Em đừng bó buộc anh, nếu không anh sẽ chán em đấy.

Nghi bàng hoàng. Có phải là anh đấy không, Giang? Ôi, thực ra mình là ai? Chị bỗng thấy mình quá thảm hại trước Giang. Vậy thì phải đứng lên thôi. Ra khỏi căn nhà này, mình vẫn sẽ lại là mình. Nhưng mình có còn là mình nữa không? Làm thế nào để quên được Giang đây?

Nghi đi như bơi trong một thế giới vô hình. Những bào thai ướp cồn bay lơ lửng trước mặt chị. Mấy ngày liền chị sốt lên sốt xuống với những ý nghĩ bệnh hoạn trong đầu. Mỗi ngày cơ thể Nghi teo đi một ít. Một đêm chồng Nghi bỏ dở ca trực về nhà, chạm tay vào người vợ, chị bỗng rú lên hoảng hốt. Đáng lẽ anh phải lấy chăn ủ kín cho chị nhưng anh lại lột hết áo quần của chị ra một cách không thương tiếc. Khí lạnh ập xuống căn phòng của họ không có cách gì chống đỡ nổi.

 Cuối hè, bão đổ xuống thành phố liên tiếp mấy trận. Người mẹ trở mình rên rẩm.

– Mãi không thấy thư con Hồng.

Bà nhắc con gái lớn sang thăm mẹ con Nghi. Chị Phương sang thăm rồi về cằn nhằn với mẹ:

– Con Nghi khùng quá mẹ ạ. Mưa gió thế này mà nó bỏ con bỏ cái trèo lên núi Vôi từ hồi chiều. Khấn vái cái gì trên đó không biết. Hôm nọ con đưa lũ trẻ lên đó thăm quan, chẳng có cái gì ngoài cái miếu thờ họ mới sửa sang lại. Đứng trên đó nhìn xuống phố, thấy ngợp. Dạo này lắm tây sang thế. Họ cũng đua nhau lên đó. Con gặp họ xí la xí lô chào nhau, vui ra phết.

Lâu không thấy chị Phương ríu ran như vậy. Nhưng người mẹ vẫn nóng ruột cồn cào. Suốt đêm bà không sao chợp được mắt. Bà ngồi dậy, nhìn qua cửa sổ. Những ngôi sao nhấp nháy và phả ánh sáng dịu dàng xuống cặp mắt già nua. Hương đêm ngai ngái phảng phất quanh căn phòng vắng lặng. Bàn tay răn reo run rẩy lật từng tấm ảnh của ba đứa con gái hồi chúng còn nhỏ xíu, khi mà cha chúng còn là người đàn ông trẻ trung.

“Bây giờ tôi thấy chúng sống khác lắm ông ạ”.

Bà thì thào với bóng tối. “Chúng tính tiền bằng tờ. Con Hồng đã mắc điện thoại cho tôi. Từ hôm nó đi đến giờ, tôi chờ mãi mà vẫn không thấy nó gọi về. Giá mà tôi có thể gọi đến chỗ ông nhỉ…”

Rồi bà cứ ngồi mãi suốt đêm, nhìn chăm chăm vào máy điện thoại. Bà chờ tiếng chuông reo lên, tính toán những lời ngắn gọn cho cô út đỡ tốn tiền. Bà nhớ tiếng cười trong trẻo của cô út quá.

Sau này bà còn ngồi như vậy nhiều đêm để chờ các con về. Bởi vì sáng hôm sau người đưa thư gõ cửa đưa cho bà một lúc hai lá thư. Tới lúc đó bà mới biết cô út đã đi cách xa bà nửa vòng trái đất; còn Nghi lên núi Vôi từ hôm trước để không bao giờ trở về nữa…

Những bức thư được viết như sau:

Lá thư thứ nhất:

“Con gái Phương Nghi gửi mẹ!

Mưa rơi mẹ ạ. Không biết còn bao lâu nữa, thoạt đầu mảng tường phía trước còn ónh ánh trắng. Mẹ không thể nghe thấy tiếng con vào lúc này. Từng đàn kiến mối bay ra đập cánh vào bức tường rồi rơi xuống. Những cánh kiến cốt vụt bay lên phút cuối cùng rồi mất hút dưới dòng nước con con chảy theo những chỗ trũng trên mặt đất. Con đứng theo tư thế một con kiến mối đã bị gẫy cánh qua một cơn gió. Cơn gió này thổi từ một miền ký ức sâu thẳm, qua sa mạc cháy bỏng, qua những cơn sóng xa lắc rồi ập đến, bất ngờ và dịu ngọt.

Đầu tiên, kỷ niệm về mẹ mà con còn lưu giữ được đó là cơn quẫy đạp đòi được hưởng ánh sáng mặt trời. Con thèm nhìn thấy gương mặt mẹ. Con bú no nê từng giọt sữa trong lành rồi hành hạ mẹ đủ mọi điều. Là vì con thích khẳng định mình. Món đồ chơi đầu tiên mà con ưa thích là những xấp giấy. Con bò tới vươn những cánh tay bé bỏng giằng lấy bất cứ một tờ giấy nào trước mặt, rồi xé toạc ra, xé đến khi chúng chỉ còn là những mảnh vụn. Và rồi những mảnh vụn đó như thứ ánh sáng ngũ sắc bay lên từ mặt đất cằn cỗi, bay lên cao, xa tít, đọng ở đâu đó thành những giấc mơ.

Mẹ ơi! Lá thư này sẽ đến tay mẹ, mang theo hơi thở của con. Hơi thở đã được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ. Trên đầu con từng cơn lá trút xuống ào ào. Mưa đã tạnh từ lúc nào. Cửa sổ nhà ai bên kia đường bắt đầu le lói ánh đèn, có tiếng trẻ khóc đòi ăn. Giờ này những đứa con nghịch ngợm đáng yêu của con đang chờ con ở nhà. Vậy mà con không thể nào lê người ra khỏi cái góc phố tối tăm phía sau bức tường phủ đầy hoa thiên lý. Gió lùa qua khoảng ngõ hẹp làm những cánh thiên lý đu đưa trong bóng tối. Con mặc chiếc áo đen mỏng bằng lụa đã cũ, chiếc áo này con mua lại ở một khu chợ tồi tàn. Chẳng phải vì con tiếc tiền mua áo mới, chỉ vì con nhìn thấy chiếc áo cũ được bày bán và ngay lập tức con có cảm giác chiếc áo đó có một liên hệ huyền bí với con, nó phải là của con. Con mặc chiếc áo này nhìn anh ấy qua bóng tối. Phía sau bức tường kia là tình yêu của con. Anh ấy đang đi lại, rạng rỡ, tin tưởng vào ngày mai. Anh ấy là tuổi trẻ cao ngạo và đầy ước vọng của con. Con và anh ấy đã tìm thấy nhau qua lớp lớp không gian và thuộc về nhau trong từng khoảnh khắc của số phận. Nhưng con đã bước đi lỗi nhịp, trái đất này không có chỗ cho con, dù chỉ là một mảnh nhỏ xíu. Con đã rơi vào vực thẳm. Ở đó không có gì cả. Biết đâu rồi đây con sẽ hồi sinh và đuổi kịp anh ấy ở một thế giới khác đầy ánh sáng.

Mẹ, mặt trời sẽ không tha thứ cho con. Vậy nên con đặt lá thư này vào bóng tối. Bóng tối sẽ giúp con rời xa mẹ và những đứa con tội nghiệp của con.

Mẹ ơi, mẹ đừng khóc khi ngày mai con gái mẹ sẽ thoát khỏi đám đông nhìn con khinh mạn. Ngày mai con sẽ thoát khỏi vầng ngũ sắc độc địa và tự mình bước đi trong bóng tối.

“Mẹ ơi con xin mẹ đừng khóc”.

Lá thư thứ hai:

“Con xin lỗi mẹ đã để mẹ nóng ruột. Tháng sau con sẽ gửi tiền về cho mẹ theo đường dây chắc chắn nhất. À quên, con đã lấy một người Bỉ và hiện nay một mình con làm chủ cả toà nhà mẹ không thể tưởng tượng nó to và đẹp như thế nào đâu. Có điều cả ngày lau chùi dọn dẹp không hết. Con chưa đi đâu được, mà đi đâu nhỉ? Ông ta gửi lời chào mẹ. Thôi con phải đi trang điểm đây, sắp đến giờ ông ta về rồi. Con khoẻ và có nhiều tiền. Chỉ nhớ mẹ và các chị thôi.

Con út của mẹ”

“Thư thêm:

“Em tìm được một người cho chị rồi. Chị quên thứ tình yêu lãng mạn kia đi. Ông này rất giàu, toàn nuôi súc vật trong nhà, phí quá. Ông ta thích vợ Việt và đã đồng ý lấy chị rồi. Thư sau em sẽ bàn kỹ”.

Chị Phương đi dạy về, thấy mẹ ngồi ngủ trên ghế, không dám đánh động. Chị rón rén xuống bếp nấu cơm. Trên tay mẹ thấy nắm chặt một lá thư, còn một lá nữa rơi xuống sàn nhà. Chị Phương nhặt lên đọc, đến đoạn thư thêm, chị hồi hộp đọc đi đọc lại.

“Em tìm được một người cho chị rồi…”. À, đây là nó viết cho mình chứ ai nữa. Lấy tây ư? Mình gần 40 rồi… Ôi, kỳ lạ thật. Mà sao Nghi đi đâu mãi không thấy về nhỉ? Hay nó lại đi lấy tư liệu để viết phóng sự? Hình như bên tây thích da ngăm đen thì phải. Nhưng mà chẳng biết tiếng nhau, làm sao yêu được?

Chị Phương ra sân ngửa cổ nhìn nắng. Nắng chói chang xói vào mắt. Rồi nhân lúc mẹ còn ngủ, chị Phương cởi áo xống ra đứng giữa sân.

Chị cứ đứng dưới nắng như thế, thầm mong mình có làn da nâu tuyệt đẹp…