Trong số gần 1.000 Hội viên Hội nhà văn Việt Nam hiện nay, thì nhà văn Học Phi (tên khai sinh là Chu Văn Tập) có tuổi thọ cao nhất: 99 tuổi. Ông sinh ngày 18-3-1913 tại làng Tam Nông, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra lớn lên trên mảnh đất Bãi Sậy anh hùng, cậu bé Chu Văn Tập tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Đến Năm 1932 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Vậy là cho đến năm 2012 này, tuổi Đảng của ông cũng vừa tròn 80. Nói đến nhà văn Học Phi không chỉ nói đến độ dày của những tác phẩm văn học, kịch bản sân khấu, vì đấy chỉ là một phần cuộc đời của ông. Với 80 năm tuổi Đảng, ông còn có nhiều công lao trong các phong trào yêu nước ở vùng quê Hưng Yên thời kỳ tiền khởi nghĩa và sau cách mạng tháng tám 1945, rồi hoạt động văn hoá văn nghệ góp phần xây dựng ngành sân khấu Việt Nam sau hoà bình lập lại…

Nhà văn Học Phi.Nhà văn Học Phi nguyên là một cán bộ hoạt động trong bộ phận công khai của Đảng thời kỳ mặt trận Đông Dương 1936 – 1939, vừa làm báo của đoàn thể, vừa viết truyện. Ông bị bắt và trở thành tù Chính trị. Từ năm 1936, sau thắng lợi của mặt trận bình dân Pháp, bọn thực dân bắt buộc phải tha một số tù nhân chính trị, trong đó có nhà văn Học Phi. Nhưng ra khỏi nhà tù chưa phải đã hoàn toàn được tự do, mà phải bị quản thúc ở làng, như kiểu tù giam lỏng. Buồn quá không biết làm gì, ông tập viết văn để giết thời gian. Rồi ông lấy ngay thực tế cuộc đời mình để viết. Truyện ngắn Hai làn sóng ngược là truyện ngắn đầu tiên của ông khởi thuỷ vào làng văn, và sau đó ông liên tục cho ra đời bốn cuốn tiểu thuyết trong vòng 4 năm: Xung đột (1939), Đắm tàu (1940), Dòng dõi (1941), Yêu và thù (1942). Những tác phẩm đầu tay này chủ yếu viết về đề tài cách mạng, chống thực dân phong kiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng….

Sau những cuốn tiểu thuyết ra đời trong giai đoạn này, đến cuối năm 1942, đầu năm 1943, Học Phi được Trung ương giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Vũ Quốc Uy xây dựng Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam – tiền thân Uỷ ban tòan quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam bây giờ. Đến năm 1944, do nhu cầu công tác, ông mới bắt đầu viết kịch. Vở kịch đầu tay Cà sa giết giặc viết ở chùa Bà Đá (Hà Nội), nơi lúc đó là trụ sở của Trung ương Hội phật giáo cứu quốc Việt Nam. Vở kịch này lần đầu tiên được công diễn tại nhà hát lớn Hà Nội vào dịp quốc khánh 2-9-1946. Sau cách mạng Tháng tám thành công, ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên, rồi chuyển về Bộ Tuyên truyền làm trợ lý cho Bộ trưởng Trần Huy Liệu, phụ trách đổng lý văn phòng. Chính phủ liên hiệp thành lập, Học Phi trở về công tác mặt trận, phụ trách Hội phật giáo Việt Nam. ở cương vị này, nhà văn có điều kiện tiếp cận với các phật tử yêu nước, để sau này ông xây dựng thành công vở chèo Ni cô Đàm Vân, và sau đó là hàng loạt các vở kịch khác viết về thời kỳ giảm tô và cải cách ruộng đất, tố cáo bọn địa chủ cường hào, như Ngày mai (1951), Chị Hoà (1955)… Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông viết vở kịch Một đảng viên, kể về tấm gương bất khuất của một Đảng viên Công sản bị giam cầm trong nhà tù đế quốc… Thời gian này ông vừa sáng tác, vừa làm công tác quản lý, rồi lần lượt đảm nhận các chức vụ trong lĩnh vực văn nghệ như: Tổng thư ký văn hoá kháng chiến Liên khu III (1947 – 1948), sau chuyển lên Ban tuyên huấn Trung ương, rồi Chính uỷ Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, Đoàn trưởng đoàn kịch nói, Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho đến năm 1976 thì nghỉ hưu tại Hà Nội.

Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Học Phi đã viết trên 40 vở kịch, chưa kể các tập tiểu thuyết, văn xuôi khác. Riêng về kịch ông có ba vở trình diễn ba kỳ đại hội Đảng toàn quốc. Trên Báo Văn nghệ số 25 ra ngày 22/6/1996, nhà văn Học Phi cho biết: “Trong hơn bốn mươi năm làm sân khấu, tôi đã ba lần có kịch được đưa vào phục vụ Đại hội Đảng… Bây giờ mỗi khi nhớ lại những tháng ngày phải vất vả với kịch tôi vẫn còn hào hứng. Năm tháng trôi qua, chỉ có tác phẩm là còn lại, những tác phẩm mà tôi đã viết với tất cả tấm lòng của mình đối với Đảng…”.

Các tác phẩm của ông chủ yếu nói về hoạt động của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật. Từ vở diễn đầu tiên Cà sa giết giặc đến vở Chị Hoà, ông đã tạo dựng cho mình một phong cách riêng, qua đây công chúng khẳng định vị trí, tài năng sáng tác kịch của ông. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu chuyên nghiệp như Thế Lữ, Tất Thắng, Lưu Trọng Lư đánh giá rất cao những vở diễn của ông. Trong đó vở Chị Hoà là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến bộ môn kịch nói. Trích đoạn vở kịch này có thời kỳ được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Năm 1957, vở Chị Hoà lưu diễn ở sân vận động thị xã Hưng Yên, gây xúc động hàng ngàn khán giả. Nhân vật Chánh Tôn trong vở là một tên địa chủ cường hào, ác bá. Vai diễn này do nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long đảm nhận khá nhập vai, khiến một số khán giả đã hóa thân vào với vở kịch mà ném đất đá lên sân khấu vào nhân vật Chánh Tôn…

Từ khi nghỉ hưu, nhà văn Học Phi càng có nhiều thời gian để viết hơn. Ông viết khoẻ hơn, hay hơn. Từ Ni cô Đàm Vân đến các vở Cô hàng rau, Hoàng Lan, Đêm dài… là những vở ông rút ra từ những cuốn tiểu thuyết trước đó của mình, như Ngọn lửa (1981), Hừng Đông (1980), Xuống đường (1996), Đêm lịch sử (viết về Bác Hồ)… và đặc biệt tiểu thuyết lịch sử Bà Đốc Huệ viết về anh hùng Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật, người con của quê hương Hưng yên…

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhà văn Học Phi từng bị tù đầy ở thị xã Hưng Yên, mảnh đất mà ông đã có một thời gắn bó, hoạt động bí mật cho cách mạng. Tại nhà tù này, ông đã kết bạn với bà Ngô Thị Nhung (kém ông 5 tuổi) là một nữ chiến sĩ cách mạng, người bạn tù này sau trở thành vợ của ông. Bà Nhung đã mất cách đây ít năm. Tỏ lòng thương nhớ người vợ thuỷ chung của mình, nhà văn Học Phi đã hoàn chỉnh tập truyện Nguyệt, với cốt truyện lấy nguyên mẫu từ người vợ của ông. Tiếp theo là cuốn tiểu thuyết Đi tìm mái ấm gia đình dày 500 trang. Ông cho biết, nội dung cuốn tiểu thuyết này, nói như đại thi hào Gớt, là“Dù là ông vua hay thứ dân, kẻ nào có mái ấm gia đình, kẻ đó có hạnh phúc”…

Không hạnh phúc sao được, khi Học Phi không chỉ có những người con thành đạt, tên tuổi (con trai ông là đại tá nhà văn Chu Lai, nhà văn Hồng Phi, con dâu ông là đại tá nhà văn Vũ Thị Hồng (vợ Chu Lai) đều là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), mà ông còn có cả những “đứa con tinh thần” nữa với một khối lượng đồ sộ cả trong lĩnh vực văn học lẫn sân khấu, là người có nhiều tuổi Đảng, tuổi đời nhất Hội nhà vănViệt Nam hiện nay. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất với ông lúc này là ở tuổi xấp xỉ 100 ông vẫn còn khoẻ, và quan trọng hơn là ông vẫn còn tràn trề cảm hứng sáng tác. Từ truyện ngắn đầu tay Hai làn sóng ngược, và kịch bản đầu tiên ông viết từ năm 1944 về bà Đào Thị Huệ, còn gọi là Đào Nương, một kỹ nữ ở xã Trung Nghĩa (huyện Tiên Lữ) gần quê ông đã, người đã có công dùng tiếng hát làm tan rã quân đội nhà Minh (Tiếc thay bản thảo này của ông bị thất lạc khi chưa kịp ấn hành) Hai tác phẩm đầu tay – hai loại hình nghệ thuật của ông đều viết về quê hương. Trong vở kịch Ni cô Đàm Vân, in đậm bóng dáng vùng quê Tiên Lữ, với những địa danh thôn, xã vùng này. Nhiều mẫu nhân vật lịch sử đều có chất Hưng Yên… Với Học Phi, chưa lúc nào ông thôi làm việc, thôi viết. Những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, dù đã ở tuổi 80, ông vẫn thường xuyên đi về Hưng Yên tìm cảm xúc để rồi cho ra đời hàng chục bút ký, truyện ngắn, hồi ký về quê hương như: Tấm lòng vàng, Hưng Yên mùa nhãn, Bóng người xưa, Tôi làm diễn viên, Âm vang Bãi Sậy… Cho đến những ngày đầu tái lập tỉnh Hưng Yên, hầu như năm nào ông cũng về thăm quê hương, khi thì hàng tháng ở thị uỷ Hưng Yên để viết, lúc thì làm việc với tỉnh uỷ Hưng Yên để đóng góp những ý kiến xây dựng tỉnh trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực Văn hoá Nghệ thuật. Khi Hội VHNT Hưng Yên chuẩn bị ra Tạp chí Phố Hiến số 2 và những số tiếp theo, nhà văn Học Phi cùng với nhà thơ Xuân Thiêm (người Hưng Yên) từ Hà Nội về và đóng góp nhiều ý kiến quí báu về nội dung, thể tài, hình thức cho tờ Tạp chí Văn nghệ của tỉnh. Hai nhà văn, nhà thơ này cũng đã tự nguyện làm biên tập và viết bài không cần nhuận bút cho tạp chí trong một thời gian dài. Mãi tới cách đây khoảng 10 năm, sau một tai nạn, nhà văn ngã bệnh phải đi lại trong nhà bằng chiếc xe lăn có người đẩy mới ít thấy ông xuất hiện. Nhưng ông vẫn không dời cây bút, trừ khi ngủ và khi tiếp khách mỗi ngày….

Trong dịp đến Hà Nội dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII vừa rồi, tôi cùng nhà văn Nguyễn Phúc Lai, nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn đến thăm nhà văn Học Phi tại phòng 409-17-T8 khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính. Phòng ở tận tầng 8, chúng tôi phải đi bằng thang máy. Mở cửa phòng, thấy nhà văn đang ngồi trên xe lăn và cặm cụi viết. Chúng tôi đồng thanh chào: “Cháu chào bác ạ”! Nhưng có lẽ tai nhà văn đã kém đi? Hay ông đang mải mê xây dựng một nhân vật nào trong tác phẩm của mình! Cả ba chúng tôi nghĩ vậy. Song điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là ở tuổi ấy nhà văn không phải dùng kính, các tác phẩm của ông chỉ viết bằng bút mực (viết tay), Hàng trăm bài bút ký, hàng ngàn bài báo, ít nhất là 5 trang A4, cứ như vậy ông gửi cho các báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt tháng nào ông cũng có dăm ba bài gửi cho báo Hải Dương, Hưng Yên, Văn nghệ Phố Hiến.

Chúng tôi đưa biếu ông mấy cân nhãn, quà của nhà thơ Nguyễn Thị Hương (nay là chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hưng Yên) gửi. Ông nghẹn ngào: Mình như gặp cả Hưng Yên trong chùm nhãn này, tiếc quá, gần 10 năm không về được! Mình luôn nghĩ về quê hương, quê hương cũng luôn nghĩ về mình đấy…

Gợi chuyện kể về hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của mình, lão nhà văn rất hào hứng, ông nhớ như in và kể rất rành mạch, rất say xưa. Ông bảo chỉ mong có người đến để trò chuyện. Chúng tôi khuyên ông hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, cứ viết như thế này e rằng không đảm bảo sức khoẻ. Nhà văn cười: Mình nhiều tuổi, lại ở tận tầng 8 thế này, có ai đến chơi mấy đâu, không có bạn, thì chỉ làm bạn với giấy bút. Viết! Viết và viết các cậu ạ.”.

Trời thu Hà Nội bữa ấy se lạnh, song mỗi chúng tôi cảm thấy như có một sức nóng lan toả. Thật vậy, gần 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng và với cả một thành tựu trong văn học và cuộc sống (Nhà văn Học Phi được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 1996), cùngvới nghị lực sống, làm việc của mình, Nhà văn Học Phi thực sự là một tấm gương mà thế hệ viết văn chúng tôi hôm nay phải học tập. Ông chính là là Ngọn lửa, là Hừng đông (tên các tác phẩm của Học Phi) toả và chiếu sáng cho thế hệ những người cầm bút và hoạt động văn hoá chúng tôi hôm nay.

Lê Hồng Thiện

Theo Phongdiep.net.

Exit mobile version