(Đọc “Những ngôi sao hình quang gánh” – tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai – Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Từ văn học dân gian đến văn học thành văn Việt Nam, người nghèo khó hoặc khốn khó mà giữ mình lương thiện luôn chiếm vị thế chính diện, tượng trưng cho phẩm giá Việt Nam. “Những ngôi sao” có “hình quang gánh” tiếp nối cách nhìn nhân văn ấy. Thơ của Nguyễn Phan Quế Mai biểu hiện thái độ thẩm mỹ tích cực này. Những chuyện đời và khát vọng, những suy tư và trăn trở, những đau buồn và vị tha… tất cả đã được thể hiện ở tập thơ với một phong vị rất Việt Nam mặc dù tác giả là một Việt kiều đã có nhiều năm xa xứ.Trái tim nồng cháy là khởi đầu và cũng là điểm đến của thơ. ở đây trái tim có nhịp đi “rất nhẹ”. Hãy lắng nghe từ trái tim:
Có tóc bồng ru gió có lời hiền ru mây
Có nhịp tim rất nhẹ
Mà ngả nghiêng bốn mùa
(Sóng)
Cùng với sự đa cảm của trái tim là khả năng minh triết của tư duy – từ nhận thức đúng để có những rung cảm thực và đẹp – tập thơ có những xúc cảm mạnh và đa chiều, những suy tư sâu sắc bắt nhịp được với đời sống.
Tập thơ “Những ngôi sao hình quang gánh” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai
Từ ngàn đời người Việt ta trụ vững trước mọi thử thách của thiên nhiên, trước mọi kẻ thù để tồn tại và phát triển là do có sức mạnh kỳ diệu từ những kết nối rất bản năng nhưng cũng rất văn minh, đó là những quan hệ gia đình, họ tộc, làng xóm, người – trong – một – nước… đấy cũng là cái lý để ta gắn bó thân thiết với lũy tre, cây đa, bến nước, mái đình… để ta có tình sâu nghĩa nặng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, đồng bào, đồng loại… Tất cả đều bắt nguồn từ những kết nối, quan hệ sâu xa ấy.
Tôi vượt lòng tôi, ôm mẹ vào lòng
Muốn luôn bên mẹ, mẹ hiểu con không?
Bàn chân con đi, đường trần bụi bặm
Nghìn trùng tơ níu, thương mẹ ngàn năm!
Viết về bà, Bài thơ chưa thể đặt tên có sức gợi nhiều suy cảm. Dáng dấp hình hài khi bà về với đất như một dấu hỏi lớn về sự nghiệt ngã vô lý của số phận: Tôi hình dung khuôn mặt bà mềm mại, khi bà được chôn vào lòng đất, áo quần tơi tả, da dính chặt với xương.
Bà chết trong trận đói khủng khiếp năm 1945 khi đang ở tuổi làm mẹ còn rất trẻ; hẳn những hạt cơm cuối cùng người mẹ đã dành cho con mình để người con ấy được sống đến hôm nay. Hình ảnh “hạt gạo trắng thơm” cùng “lời ru se sẽ hát” của bà trở đi trở lại như một điệp khúc tri ân… Bà ở đây không chỉ là một thân phận mà còn là một biểu trưng thảm họa lịch sử của một thời nô lệ.
Trở lại với một thời chiến tranh, tập thơ có tới sáu bài về đề tài này. Đọc chiến tranh ở thơ Nguyễn Phan Quế Mai không có cảm giác “sợ” vì tác giả không miêu tả chiến tranh mà thường dẫn người đọc tới những ý thơ ở tình thế có tác dụng cảnh tỉnh lương tri và trách nhiệm:
Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước
Đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?
Dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt
Của những người con chưa tìm được mộ cha mình
(Hai nẻo trời và đất)
ở bài Thời gian trắng là hình ảnh người lính Trường Sơn năm xưa, nay là một ông già chạy “xe ôm”. Với cách thể hiện trân trọng pha lẫn chút gì như bi tráng nên bài thơ không hề gây cảm giác cám cảnh hoặc thương hại, mà thấm sâu vẫn là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh:
Người lính già
Đem giọt mưa xa về mắt tôi
Giọt mưa mang vị ngọt chiến thắng, vị
đắng cuộc chiến đã xa, ông vĩnh viễn
ghi tên mình vào nó.
Vị mặn trăn trở: “Rồi có ai còn nhớ tới
Trường Sơn”.
(Thời gian trắng)
Đối tượng mà nhà thơ có nhiều trân trọng, nhiều chia sẻ và cảm thông là những thân phận nghèo khó: Người làm vườn, người quét rác, người bán hàng rong. Thời nay có thể ai đó nghĩ “Chẳng có tài trí gì thì hẳn là nghèo khó thôi” – nghe như có lý! Nhưng hình ảnh ông già làm vườn lặng lẽ, mải miết với công việc chăm cỏ… không là sự miêu tả một thân phận, mà đó là hình ảnh rất đẹp của sự lao động hết mình, lao động sáng tạo. Nhà thơ trân trọng sự tận tụy, hy sinh ở họ. Vậy mà họ cứ khốn khó, lam lũ? Đây là câu hỏi nhà thơ đặt trước lương tri và trách nhiệm.
Trong tập thơ có một bài thơ – chỉ một bài nhưng quả là đủ, vì sự đặc sắc của nó: thể hiện hạnh phúc chồng vợ trong Chuyện hai người – được miêu tả với những ẩn dụ, những chi tiết đa nghĩa, những cảm giác đặc trưng, hiện lên như một bức tranh lõa thể có sự hài hòa của hiện thực và lãng mạn. Không gian và hành động ấy, bức tranh ấy được tác giả đặt cho cái tên tinh tế đến ngỡ ngàng: Cõi xanh .
Thơ Nguyễn Phan Quế Mai có tâm sự chân thành, nỗi buồn lòng thấy sự bất lực của thơ ca trước những trớ trêu, nghịch cảnh của đời: Trong khách sạn Metropole, hai người đàn ông ăn cá hồi nhập khẩu từ Na Uy, hàu sống và thịt bò úc, nước lọc Pháp, xúc xích Đức. Và, “mặt bên kia cửa kính”:
Một người đàn ông bơm xe đạp,
hy vọng phập phồng trong buổi trưa
nắng gắt
Và người đàn bà dép lê đang góp nhặt
từng đồng từ bún đậu mắm tôm.
…
Tất cả cùng xuất xứ nông dân
Thuộc về hai phạm trù sự thật
(Hai phạm trù sự thật)
Việt Mai
Nguồn: vanvn.net.