Song Đăng

Hơn hai năm qua, nhà văn Kiều Bích Hậu không chỉ cặm cụi viết, dịch mà còn cặm cụi tìm cách… “bắt mối” đưa những trang văn đến với độc giả thế giới. Dẫu biết rằng đây là việc “va đầu vào đá” nhưng nữ nhà văn này vẫn không ngừng gắng gỏi vươn tới ước mơ đến một ngày “xuất khẩu” văn chương nước nhà.

Gặt hái “lợi ích” từ niềm vui

Mới làm “bà mối” từ năm 2019, vậy mà thật bất ngờ khi Kiều Bích Hậu và nhóm dịch giả đồng tâm đã tổ chức dịch, xuất bản được khoảng 10 tác phẩm ở nhiều quốc gia. Xuất bản ở Italia có hợp tuyển thơ “Sông núi trên vai” (nhiều tác giả), các tập thơ của Mai Văn Phấn, Hữu Thỉnh và tập thơ “Ẩn số” của chị. Xuất bản tại Hungary có hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam của 6 tác giả, tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh, tập thơ “Bông hồng và chiếc bình cổ” của Vũ Trọng Thái. Bên cạnh đó còn có hợp tuyển thơ – truyện ngắn Việt Nam – Ấn Độ được xuất bản tại Ấn Độ và tập thơ “Thế giới của những giấc mơ” của Nguyễn Thanh Kim được xuất bản tại Romania. Hay như, một số tác phẩm đang chờ đại diện văn học là tập thơ “Bay trong mơ” của Trần Quang Đạo (xuất bản tại Hungary), tập thơ chọn của Bàng Ái Thơ (xuất bản tại Italia) và tiểu thuyết “Người không mang họ” của Xuân Đức (xuất bản tại Romania).

Ngoài ra, gần đây, trên không ít tờ báo, tạp chí văn học quốc tế như tạp chí Neuma (Romania), tạp chí Thơ tuyển (Rumani), tạp chí Sahityapost (Nepal), tạp chí văn học đa ngôn ngữ Archer (Bangladesh), báo văn học Kitob dunyosi (Uzbekistan) đăng tải tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam như: Mai Văn Phấn, Đoàn Mạnh Phương, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Hưng, Ngũ Nghinh, Khánh Phương VintageLover… Đấy chính là “quả ngọt” từ sự chăm chỉ “mối mai” những tác phẩm văn học Việt tới các dịch giả là người Việt hoặc người bản xứ, cùng các biên tập, hiệu đính tác phẩm của Kiều Bích Hậu.

Từ lần tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam năm 2019, Kiều Bích Hậu đã làm quen với bạn văn quốc tế, phỏng vấn các bạn ngay tại Việt Nam và rồi từ đó kết thân, cùng dịch chéo, công bố tác phẩm của nhau. Thấy hiệu quả rõ ràng, “bà mối” này mở rộng dần dần, rồi như vết dầu loang, mọi việc tự nhiên đến, các mối quan hệ mới cứ nảy sinh mỗi ngày… “Tôi khá vui với những gì mình cùng nhóm đồng nghiệp làm được trong hơn hai năm qua. Làm công việc này, chúng tôi gặt hái “lợi ích” từ chính niềm vui của mình khi tác phẩm của tác giả Việt Nam nào đó xuất hiện trên các ấn phẩm nước ngoài. Đó là một thắng lợi tinh thần của chúng tôi”, nhà văn Kiều Bích Hậu sung sướng bày tỏ.

Quyết xông vào việc khó

Là nhà văn sung sức trên văn đàn đương đại nước nhà nhưng chưa khi nào cây bút Hưng Yên Kiều Bích Hậu chịu… ngồi yên. Với chị, cùng với sự đón nhận của độc giả trong nước thì tác phẩm cần phải được thử nghiệm ở cả thị trường nước ngoài, xem phản ứng của độc giả và các nhà phê bình quốc tế đối với tác phẩm của mình ra sao. Vì vậy, đã rất lâu rồi chị luôn ấp ủ tìm kiếm cơ hội “va chạm” văn chương. Khi tìm được “cánh cửa” mở ra với bất cứ thị trường văn học nào ở ngoài nước, chị liền hào hứng đưa tác phẩm văn học Việt Nam tới đó giới thiệu với bạn đọc quốc tế.

Công việc này trước đây đã có người làm nhưng rất ít và đều chưa thành công. Bởi lẽ, công việc dịch ngược văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài đã khó, việc để tác phẩm được công bố ở nước ngoài còn khó khăn hơn. Nó không chỉ đòi hỏi vốn ngoại ngữ, mối quan hệ rộng rãi với các biên tập viên, dịch giả, các nhà đại diện văn học, các nhà xuất bản nước ngoài, mà còn ở kỹ năng chăm sóc duy trì mối quan hệ với họ, khả năng dẫn dắt mối quan hệ ấy để có thể – “sút bóng vào cầu môn” – tác phẩm Việt Nam phải được xuất bản, được công bố rộng rãi.

Đây cũng là việc cần thời gian dài và không có lợi ích kinh tế, không mang lại danh tiếng cá nhân, lại cũng dễ bị hiểu lầm nên mấy ai dại gì… Thế nhưng, từ những trăn trở: tác phẩm văn học Việt Nam ra với thế giới còn quá ít, như thế là một sự thiệt thòi cho nhà văn Việt Nam và bạn đọc thế giới dường như chưa biết đến tâm hồn, văn hóa Việt Nam chỉ vì cây cầu văn học ấy chưa ai bắc nổi, Kiều Bích Hậu đã quyết xông vào việc khó. Dù là dân chuyên ngữ và sử dụng tiếng Anh hàng ngày nhưng chị vẫn luyện thêm bằng cách tự học qua mạng ít nhất 1-2 giờ/ngày để quyết tâm: “chọn con đường không có ai đi, chọn việc mọi người không thể làm. Rất có thể tôi cũng tốn công sức, “sứt đầu mẻ trán” mà chẳng thành công, nhưng không vì thế mà tôi không làm”.

Thế nên, chị đã cùng với các cộng sự miệt mài với công việc này, dù để có thể đưa một tập thơ đến với độc giả thế giới phải mất già nửa năm và để có thể hoàn chỉnh một cuốn truyện, tiểu thuyết sang ngôn ngữ các nước khác phải mất đến hai năm. Và, đôi khi có được khoản nhuận dịch là mừng, đôi khi không có, thậm chí còn phải bỏ tiền túi ra mua ấn phẩm từ nước ngoài, trả chi phí gửi bưu phẩm từ nước ngoài về, tự chi mua quà tặng bạn nước ngoài để duy trì, chăm bón mối quan hệ tình cảm, song vẫn chẳng bao giờ chị nản lòng!

Thêm một khó khăn nữa là múi giờ chênh lệnh, có khi chị phải thức rất khuya để chia sẻ câu chuyện, hay nỗi buồn, sự đau đớn tinh thần của một bạn văn nào đó nước ngoài… “Nó vừa là việc vừa không. Nếu tôi không làm vậy, làm sao tôi hiểu tâm hồn bạn, làm sao bạn tin tưởng tôi để coi tôi như tri kỷ, dành thời gian quý báu của bạn để dịch tác phẩm Việt Nam? Làm sao bạn tất tả giúp tôi gửi bản thảo đi nhiều nơi mong được xuất bản cho tác giả Việt Nam? Kể ra thì khó tin, nhưng có trường hợp tình cảm giữa chúng tôi còn hơn cả tình yêu, để tạo cho nhau những xúc cảm mãnh liệt, để chuyển hóa xúc cảm ấy thành năng lượng mà cùng nhau làm những việc quá khó khăn trong thời buổi người ta chi ly tính toán với nhau từng phút, và luôn đặt câu hỏi “để làm gì?” trước mỗi việc dù nhỏ xíu phải nhúng tay”, nhà văn Kiều Bích Hậu chia sẻ.

“Là một nghệ thuật thực sự!”

Chia sẻ về cách “mai mối” văn chương, nhà văn Kiều Bích Hậu gọi đây “là một nghệ thuật thực sự”. Theo chị, kinh nghiệm là phải “chơi sâu” với từng bạn, từng nhà xuất bản, và luôn nhìn vào mục tiêu, kết quả để rút ra cách thức làm việc với từng bạn văn nước ngoài, với từng nhà xuất bản. Không phải với bạn văn nào và nhà xuất bản nào chị cũng có được thành công ngay, mà có khi phải đặt chế độ chờ khá lâu song luôn bền bỉ tâm niệm: “Khi “cửa” này “mở” ra mà không đi lọt, tôi không nản mà sau đó cố gắng tìm “cửa” khác””.

Cộng thêm vào đó còn là cách vượt qua những trở ngại như có khi dịch tác phẩm xong mà do Covid hay bất cứ lý do nào bất ngờ xảy đến, quá trình xuất bản chưa hoàn tất, có tác giả không hiểu, tỏ ra nghi ngờ, có những tiếng ì xèo sau lưng, giống như đang phải ngồi trên tổ ong bầu vậy! Ngoài ra, phải vượt qua các thủ tục kiểm duyệt nội dung đầy khắt khe và ngốn lượng thời gian không nhỏ cũng là một thử thách. Các thủ tục hải quan khi nhập khẩu chỉ vài qua cuốn sách của Việt Nam xuất bản ở nước ngoài về nước cũng là một “cuộc chiến” điên đầu với bao loại giấy tờ… “Tuy vậy, hiện nay tôi chưa buông dù có khi mất ngủ, căng thẳng, cuối tuần vẫn làm việc căng như ngày thường, tự đánh cắp thời gian nghỉ ngơi của mình, thời gian hưởng thụ đời sống gia đình với người thân… Có lẽ, tôi sẽ buông khi xuất hiện người nào đó, tổ chức nào đó làm tốt hơn tôi, và tôi sẽ chỉ tập trung vào dịch văn học, sáng tác văn học”, nhà văn Kiều Bích Hậu tâm huyết nói.

Cần chiến lược đầu tư lớn

Lý giải về thực trạng: bấy lâu, tác phẩm nước ngoài được dịch ở Việt Nam thì nhiều nhưng tác phẩm Việt Nam dịch sang tiếng nước ngoài lại thiếu, yếu, nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng do các nhà xuất bản và nhà sách không trường vốn, nên họ chọn dịch xuôi để bán sách. Đến với các hội chợ sách quốc tế, họ chỉ tìm mua bản quyền sách nước ngoài về dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Thế nhưng, việc dịch ngược, tiếp thị tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài lại là câu chuyện đầu tư quảng bá cho thương hiệu quốc gia, hình ảnh, tâm hồn, tầm vóc Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ là việc mở mang kiến văn, và thương mại như dịch xuôi nên cần chiến lược đầu tư lớn và dài hơi, cần cả nhà nước và các tổ chức tư nhân vào cuộc đầu tư. Đây là sự đầu tư để thế giới biết đến Việt Nam, qua đó mà thể hiện, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế. Các bài học kinh nghiệm từ những quốc gia châu Á như Hàn Quốc, họ tổ chức quảng bá văn học rất tốt, từ văn học tới điện ảnh, tạo thiện cảm của quốc tế với đất nước, con người và sản phẩm Hàn Quốc.

Biết là thế song với Kiều Bích Hậu, trong vai trò là phó trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, trước tiên cứ chủ động, có hy vọng vào một chiến lược mới và tổng lực từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng không chờ đợi đến lúc đó mới hành động. Chị quả quyết sẽ làm bằng được, cho đến khi nào ít nhất ở Việt Nam hình thành được một tổ chức tương đương với Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc. Viện này chuyên quảng bá văn học Hàn Quốc tới nhiều quốc gia trên thế giới, tổ chức các cuộc thi dịch, bình phẩm văn học Hàn Quốc cho nhiều dịch giả các quốc gia tham gia, đầu tư cho nhiều dịch giả uy tín với mức chi phí cao để họ yên tâm dành toàn tâm toàn ý cho việc dịch lâu dài, đầu tư cho việc đào tạo các dịch giả ngoại quốc…

Trong những ngày hè nóng bỏng này, nhà văn Kiều Bích Hậu “trốn” về Văn Lâm, Hưng Yên để say mê trên từng trang văn của mình, của bạn bè, đồng nghiệp rồi “tính kế” “xuất khẩu”. Và, mỗi ngày mới đến, chị lại gửi tới bạn bè quốc tế bức hình chụp phong cảnh, sinh hoạt Việt Nam thật đẹp, ấn tượng. Đấy là cách gợi mở đầy sáng tạo của nữ nhà văn, khiến ai cũng muốn trở lại Việt Nam để đến thăm và trải nghiệm, hoặc trải nghiệm lại thêm lần nữa nơi họ từng đặt chân…

“Đó là việc tôi thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước, văn chương Việt theo cách của mình. Là động lực để tôi vượt qua mọi thách thức mới mỗi ngày trong hành trình quảng bá văn học Việt Nam” – nhà văn Kiều Bích Hậu.

Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version