Nhà thơ Cù Thuỳ Loan

Bước đến Xứ Đoài books, bạn không khỏi rung động trước không gian ấm cúng, yên tĩnh, thanh mát đến lạ cũng như bàng hoàng trước khối tài sản văn chương đồ sộ của những người con Xứ Đoài/danh tác văn chương từ thế kỷ 13 đến nay. Một điểm hẹn Tôn vinh Văn hóa đọc cho người yêu văn chương.

Hình ảnh Xứ Đoài Books

Xứ Đoài – vùng đất gốc/cái nôi nền văn minh của người Việt cổ. Ngoài ra, xứ Đoài còn nổi tiếng là mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt bởi kho tàng các tác phẩm văn học nghệ thuật khổng lồ. Kho tàng ấy đã và đang được một người lính yêu Xứ Đoài, đam mê văn chương, quý trọng sách cũ, của vùng quê ven sông Hồng Xứ Đoài Đan Phượng sưu tầm, cất giữ cẩn thận trong nhà sách Xứ Đoài books. Nhà sách Xứ Đoài Books còn có một số tên khác do bạn thơ, khách văn tới giao lưu gọi là quán thơ Xứ Đoài, Bảo tàng văn học Xứ Đoài, hay Xứ Đoài thi quán (tên do nhà văn Khuất Quang Thụy gợi ý)…

Xứ Đoài books là kết quả sưu tầm, cất giữ, lưu trữ nhiều năm của một người lính mê sách. Xứ Đoài Books là một căn nhà ba tầng trong ngõ yên tĩnh tại một khu tập thể huyện Đan Phượng; trước cửa nhà chủ nhân treo mành tre, trồng trúc, đặt đá và chơi lan tạo nên một không gian pha chút thủy mặc nên thơ, yên bình và tao nhã. Trên biển quán có in Lôgô với ngòi bút viết, núi ba vì, dòng sông Đà cùng các dòng chữ: Xứ Đoài thi quán, Xứ Đoài books.

Khi mành được kéo lên, quí khách sẽ thấy hai câu thơ thể hiện lời mời và tấm lòng hoan hỉ của chủ quán:

“Tháo phên trước cửa nghênh tân khách

Lật vách sau hè tiếp cố nhân”.

Quán thơ nằm gần Quốc lộ 32 và trạm dừng của nhiều tuyến xe buýt Hà Nội – Sơn Tây, tiện cho việc đi lại và trở thành điểm dừng chân uống trà vối, nhâm nhi quà quê – kẹo lạc Song Phượng, bình thơ, đàm đạo văn chương, giao lưu trao đổi, ký gửi giao thương, thưởng ngoạn sách với các bộ sưu tập độc đáo hay chiêm ngưỡng các tác phẩm gỗ lũa, thư pháp Việt… cho các anh chị em văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà đài, nhạc sĩ, họa sĩ, và các nhóm thơ, CLB thơ nội thành, mỗi khi đi qua công tác hay du ngoạn về miền Xứ Đoài cổ tích ghé qua giao lưu.

Khối tài sản văn chương đồ sộ của Xứ Đoài books.

Xứ Đoài books có rất nhiều sách văn học, các tác phẩm của các nhà văn thơ nổi tiếng thời kỳ trung đại (từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19), thời kỳ cận đại (từ thế kỷ 19 đến năm 1945) và của hơn 100 các nhà văn, nhà thơ thời hiện đại Xứ Đoài (từ 1945 đến nay). Đó là kho tàng sách phong phú được chủ quán sưu tầm bằng nhiều nguồn khác nhau: nhận sách tặng khi tham dự các buổi giao lưu trong các CLB văn nghệ sĩ Xứ Đoài (Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng…), CLB thơ Việt Nam, Đoài Phương, Hội văn nghệ dân gian, tìm mua từ các hiệu sách cũ khắp Bắc Trung Nam mỗi khi đi công cán nhà binh, trao đổi sách cho các bạn chơi, xin và vận động các nhà văn thơ khắp nơi. Các tác phẩm văn thơ in trước năm 1975 trong quán cũng khá nhiều.

Ngoài các tủ và giá sách cũ, quán có một tủ trưng bày riêng các tác phẩm thơ văn, luận văn thạc sĩ nghiên cứu nghệ thuật thơ Quang Dũng, thủ bút của nhà thơ Quang Dũng quê nhà Đan Phượng đã được anh trân trọng, sớm sưu tầm, xây dựng và sắp xếp khá công phu.

Thật ấn tượng và khó quên với các tác phẩm gỗ lũa cùng các bức thư pháp “chữ Ta” được anh treo trong quán của dị nhân Văn Thùy – một bạn thơ gần 20 năm của anh với danh xưng ông chủ nhiệm hợp tác xã thơ Hồn Rơm, chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch:

“Mua về muôn sự thế nhân

Bán đi nửa gánh nợ nần văn chương”

“Mải thơ quên béng tuổi già

May chưa vỗ bụng ta là tao nhân”

“Sinh thời lục bát thủy chung

Một câu hấp hối chết trùng cả đôi”

Một tác phẩm thơ “Du lịch Đan Phượng” qua thơ lục bát do anh sáng tác trình bày kèm theo các hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, di tích tâm linh, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của địa phương nhằm minh họa bài thơ và để chào đón quý khách luôn được anh giới thiệu mỗi khi quán có khách mới ghé qua với sự hào hứng của một công dân ăn mày văn chương hạng hai, danh xưng Đầu Đất hay Bờm Xứ Đoài mà anh hay tự nhận:

Các tín đồ của thi sĩ Tản Đà – thi sĩ tửu đồ, khi hợp ý khách chủ, bất kể có độ lệch về tuổi tác, giới tính và thời giờ có thể đàm đạo văn chương cổ kim đông tây (nho y lý số, thư thơ nhạc họa) cùng đặc sản ẩm thực vùng – nem Phùng rượu Bá, khơi thông các cung bậc cảm xúc qua các tứ thơ lãng mạn và ngông:

“Để cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa lưng trông xuống thế gian cười”

(Muốn làm thằng Cuội)

“Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi

Chơi mãi cho đời có bạn chơi”

(Còn chơi)

Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…”

(Tống biệt)

“Bảo tàng Xứ Đoài thơ văn” hiện đã nhận được sự cố vấn và sách tặng của giám đốc  bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ tại Sài Sơn Quốc Oai; giám đốc  Nguyễn Văn Huy Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại Kim chung Hoài Đức; Sách của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian như: nhà văn Đà Giang – người vừa được chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi thư chúc mừng cho tập nhật ký “Chống dịch như chống giặc”; nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đào Hà – chủ nhiệm CLB văn nghệ sĩ Xứ Đoài;  nhà văn  nhà giáo Nguyễn Thị Thiện, Nguyệt Chu…Các nhà thơ: Phan thị Thanh Nhàn, Bùi Phương Thảo, Nguyễn Thị Mai,  Đào Tuyết Thành, Hoa nhãn; Cù Thùy Loan, Bùi Minh Huế, Nguyễn Hoàn…; Sách của các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Minh Nhương; Đông Sinh Nhật…

Tạm chia tay quán để du ngoạn đất phương Nam theo lịch thời gian định trước với một cảm xúc khó tả, tôi chúc cho chàng lính trẻ với danh xưng Đầu Đất – Bờm Xứ Đoài, chủ Xứ Đoài thi quán ngày càng có nhiều bạn văn, “Bảo tàng Xứ Đoài thơ văn” của anh ngày càng được nhiều nhà văn, nhà thơ Xứ Đoài yên tâm gửi gắm các đứa con tinh thần của mình cho bảo tàng lưu giữ trên chính mảnh đất của quê hương nhà thơ nổi tiếng Xứ Đoài – nhà thơ Quang Dũng. Và nhất định tư liệu bảo tàng sẽ ngày càng phong phú nhờ nhận được sự tiếp sức, ủng hộ các quyển sách cũ mới từ cộng đồng.

Xứ đoài mây trắng, nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều danh tác văn chương như thi sĩ Tản Đà[1]; nghệ sĩ nhân dân, nhà viết kịch Tào Mạt[2]; bà hoàng thơ tình Xuân Quỳnh; cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái[3]; Quang Dũng; Xuân Thủy, Ngân Giang, Ngô Quân Miện, Thế Mạc, Bằng Việt, Trần Hòa Bình, Khuất Quang Thảo, Khuất Quang Thái, Phan Quế, Đặng Đình Hưng, Bùi Minh Quốc, Đỗ Trung Lai, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Anh Phong, Chu Linh Quang, nhà thơ nhà báo Vương Tâm; Các nhà văn: Tô Hoài,  Nguyễn Sơn Đỗng, Nguyễn Trí Huân, Lê Hữu Tỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Giản Chi, Phùng Khắc Bắc, Phan Văn Đà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Văn Học, Bành Thanh Bần, Hà Nguyên Huyến, Nguyệt chu…


[1] Tản Đà: người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”;

[2]  Nhà viết kịch Tào Mạt: giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) văn nghệ thuật sân khấu

[3] Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái: Hai danh nhân Việt Nam thứ 3 và là phụ nữ Việt đầu tiên được Google vinh danh – thay đổi logo trang chủ với hình ảnh Xuân Quỳnh được vẽ lại, bên những cuộn sóng biển xanh, mây trời “thuyền và biển”

Exit mobile version