Chuyên mục TRUYỆN HAY đầu năm 2023 Quý Mão, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn NẾN ĐỎ của nhà văn Bích Ngân.

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ tối thứ Năm, ngày 9.2.2023.

Link đưa phần comment

Mời ace bạn bè đón nghe.

Báo Phụ nữ tp HCM:

Truyện ngắn có tựa đề trên của Nhà văn Bích Ngânđược đăng tải trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8 tháng 9 năm 2010. Xúc động trước khoảnh khắc Nhạc sỹ Trương Tuyết Mai[1] khi biết tin Xuân Oanh trở về Cõi Nhớ, Nhà văn đưa vào câu chuyện tình cảm mộc mạc của mình với Trương Tuyết Mai, với Xuân Oanh và cả tình yêu, lòng nhân ái với con người.

Nhà văn Bích Ngân viết trên fb:

KHOẢNH KHẮC THIÊN THU

4 ngày trước, chị (nhạc sĩ Trương Tuyết Mai) gọi, cho biết, người con trai út của nhạc sĩ Xuân Oanh nhờ chị liên lạc xin số điện thoại của tác giả truyện ngắn “Nến đỏ” để anh xin phép được in trong quyển sách nhân tưởng nhớ 100 năm ngày sinh cha mình.

Tối qua, chị gọi, nhắc là Đỗ Lê Chi, thiếu tướng, con trai anh Xuân Oanh “muốn em nói đôi điều về cơ duyên viết “Nến đỏ”. Tối qua, đi làm về muộn và mệt. Chỉ biết xin lỗi chị về sự chậm trể, để chị nhắc nhiều lần.

Khuya nay mới tìm được “Nến đỏ”, truyện đã viết 10 năm trước và in lần đầu trên báo Phụ nữ TP.HCM. Còn “cơ duyên” đó là cái duyên được biết, được gần, được chị dành cho tình thân thương và được biết phần nào hạnh phúc của một mối tình để lại khoảnh khắc thiên thu dù gặp nhau ở tuổi xế chiều.

Truyện Nến đỏ, như một nén hương tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa – nhạc sĩ, dịch giả Xuân Oanh và tặng cho những khoảnh khắc bất tử của một cuộc tình.”

Nhà văn Bích Ngân họ tên là Trịnh Bích Ngân, sinh ngày 11 tháng 8 năm 1960 tại xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Nguyên quán: xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Tp.HCM; Hội viên Hội Sân khấu Tp.HCM

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh); Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 4); Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Từ năm 2003 đến năm 2015, là Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Văn nghệ Tp.HCM rồi Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, nhiệm kỳ 2010 -2015; Ủy viên Ban thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Trưởng Ban điều hành Liên chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, từ tháng 9/2017 đến nay.

Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 -2025.

Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Bích Ngân có truyện ngắn đầu tay in năm 1985 trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Là cây bút đa năng: viết truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và Thơ

Tác phẩm:

Đã xuất bản 19 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tập truyện hài hước, tản văn, kịch bản sân khấu

Đâu phải là Tình yêu, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1988

Những chiếc lá thu, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994

Bão, Sợi dây và Giọt đắng, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2002

Truyện ngắn Bích Ngân, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2004

Người đàn bà bơi trên sóng, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tái bản 2007

Làn gió hôm qua, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2009

Thế giới xô lệch, tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009 (tái bản lần thứ 6)

Trăng mật ở đảo, tập truyện hài, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2009

Bồng bềnh thiên sứ, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn học, 2012

Cái đầu siêu định vị, tập truyện hài hước, Nhà xuất bản Trẻ, 2013

Kẻ tống tình, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Trẻ, 2014

Ngày mới nhẹ nhàng, tập tản văn, Nhà xuất bản Trẻ, 2015, tái bản, 2016

Dòng xoáy nghiệt ngã, tập kịch bản sân khấu, Nxb Văn hóa  Văn nghệ, 2016

Bên dòng sông Ray, tập truyện ngắn, nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017  

Gương mặt kẻ khác, tập kịch bản sân khấu, NXB Sân khấu, 3.2019

Tiếng gọi bến bờ, tập tạp bút, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 9.2019

Anh nhớ em muốn chết!, tập truyện hài hước, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 9.2019

Đường đến Cây cô đơn, tập truyện ngắn, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 9.2019.

Quyền được sống, tập tản văn & truyện ngắn, NXB Quân đội Nhân dân, quý 4, 2021

Giải thưởng:

Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, cho tiểu thuyết “Thế giới xô lệch”, 2010

Giải thưởng (Giải nhì) 5 năm lần thứ nhất (2006- 2011) của Liên hiệp Các Hội VHNT TP.HCM cho tiểu thuyết “Thế giới xô lệch”.

Giải thưởng Tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, cho tác phẩm “Tìm về mảnh vườn xưa”, 1997

Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho tập truyện ngắn “Người đàn bà bơi trên sóng”, 2006

Giải thưởng Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh cho kịch bản văn học “Đất không cưu mang”, 1994

Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho kịch bản văn học “Anh chỉ muốn được ở bên em”, 2010

Giải thưởng, giải B (không có giải A) Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (năm 2014- 2015) cho kịch bản: “Dòng xoáy nghiệt ngã” Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc cho vở diễn, 2015…

Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho kịch bản sân khấu “Những hòa âm dang dở”, 2017; “Giới hạn cuối cùng”, 2019

Giải thưởng, giải B Hội Sân khấu Việt Nam (năm 2014-2015) cho vở kịch “Gương mặt kẻ khác”- Huy chương Bạc cho vở diễn tham gia Hội diễn kịch nói Sân khấu toàn quốc, 2018.

Giải B (không có giải A) giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, năm 2020 cho kịch bản sân khấu “Vương quyền”

Giải thưởng Quỹ văn học Lê Lựu cho truyện ngắn “Rượu bốn mươi năm”, 2021.

Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, kịch bản sân khấu” Phiên xử ở Nhà Thái miếu” ( giải C), 2021


 

Từ từ, thong dong như vòng quay của chiếc kim đồng hồ trên tay chị. Chúng nhích từng chút, từng chút một. Và từng chút, từng chút một, cái vòng quay quỷ quái ấy kéo anh đi, đưa anh xa dần chị. Khoảng cách giữa anh và chị lùi dần, lùi dần, cho đến lúc giữa hai người chỉ còn khoảng không mịt mù. Và mất hút.

          Dù biết trước được cái giây phút cuối cùng đó sẽ tới, nhưng khi nhận được tin báo anh vừa trút hơi thở cuối cùng, chị vẫn không muốn tin. Chiếc điện thoại run run trên tay chị. Khi bỏ được chiếc điện thoại vào túi xách, quai hàm chị như căng cứng. Khó khăn lắm chị mới nói được lời cảm ơn người bạn vừa báo tin dữ. Bám tay vào chỗ có thể vịn được ở đầu xe lửa, nơi chị vừa trèo lên để cô bạn đứng trên sân ga chụp cho chị tấm ảnh ghi lại hình ảnh của một cỗ xe đã hoàn tất hành trình nhọc nhằn của nó, đã dừng lại, vĩnh viễn nằm im lìm trên sân ga.

          Đứng cách chị một khoảng cách để có thể ghi lại hình ảnh chị đang đứng trước cái đầu xe lửa cũ kỹ, cô bạn kịp nhận ra cử chỉ không bình thường của chị. Vội tròng sợi dây máy ảnh vào cổ, cô bước nhanh về phía chị. Khi vịn thanh sắt lần xuống khỏi đầu máy, chân phải vừa chạm mặt đất, cả người chị như muốn đổ sụm xuống mớ đất đá lổn nhổn dưới chân. May mà cô bạn kịp có mặt và đỡ chị. Tựa vào người cô bạn, chị thì thào: “Anh mất rồi”. Cô bạn không nói gì, chỉ nắm chặt bàn tay lạnh toát của chị rồi dìu chị bước khỏi cái đầu máy đen ngòm, bước thêm mấy bước nữa qua khỏi đường ray. Vẫn đề yên bàn tay cho cô bạn nắm, chị cùng cô bạn bước dọc theo sân ga lao nhao người đang ngóng đợi chuyến xe lửa chạy xình xịch mà vài giờ trước đã đưa chị và đoàn người đã đi hết một tuyến đường xưa cũ, cốt ngắm nghía, nhấp nháp một hương vị cũ xưa; đi về hướng tòa nhà chính.     

          Còn khoảng ba mươi phút xe mới đến đón đoàn người về khách sạn. Trong đoàn đi, vài người còn trèo lên tụt xuống chụp hình cùng với đầu xe, toa xe và một đoạn đường ray- những thứ chỉ còn làm vật dụng trang trí đối với đa số du khách và cũng có thể khơi gợi lại trong du khách những ký ức mơ hồ nào đó; năm ba người nữa nhẩn nha đi lại nhìn ngắm và ghi hình cái sân ga từ lâu đã trở thành giá trị di tích và là điểm tham quan của cái thành phố cao nguyên này.

          Tách ra khỏi đám đông, rút tay ra khỏi bàn tay cô bạn, chị lấy chiếc điện thoại từ túi xách ra, dò tìm số điện thoại. Khi tìm được số của xe taxi, chị vừa bấm được vài con số, cô bạn liền giữ tay chị lại, ngăn: “Về trước ít phút chị cũng không thể thay đổi được gì. Thôi, mình đợi một chút nữa cùng về với đoàn, nghen chị!”. Nói xong, không cần biết phản ứng của chị ra sao, cô bạn kéo chị vào quầy cà phê đặt trong tòa nhà chính của ga.

          Tòa nhà được xây hơn một thế kỷ vẫn vững chải trong dáng vẻ kiên cố mà thanh thoát. Mấy chiếc ghế thấp, bằng nhựa, nhiều màu, đặt quanh cái bàn cũng thấp lè tè trong quầy cà phê, đã phần nào phá đi cái bố cục đã được tính toán từng chi tiết, kể cả phần nội thất của tòa nhà. Sự lấp vá khập khiễng đó càng khiến chị muốn rời khỏi sân ga ngay. Nhưng cô bạn đã nhanh tay kéo ghế và nhanh miệng gọi chủ quán. Chị đành gọi một ly sữa nóng, còn cô bạn một ly cà phê đá.

          Cô bạn đưa tay chỉnh lại chiếc bê rê màu lông chuột trên đầu, mắt bứt rứt nhìn từng giọt cà phê chảy xuống ly. Chị đội cái kết nỉ màu đen, khoác chiếc áo màu xám nhạt, ngồi vào chiếc ghế đặt cạnh ghế cô bạn. Cả hai hướng ra mặt đường, nơi ít phút lại có một vài chiếc xe chở du khách dừng lại và từng đoàn người lần lượt xuống xe, người nào người nấy đều khoác thêm vào người chiếc áo giữ ấm. Mùi cà phê khiến chị nôn nao như bị say xe dù đã lâu lâu, khi biết cái huyết áp lên xuống thất thường, chị đã cố không uống. Chị cầm muỗng khuấy ly sữa nóng rồi bưng ly lên uống.

          Mấy ngụm sữa nóng không làm giảm đi cái lạnh se sắt đang cào cấu chị. Ngoài kia, cách chị một tấm cửa kính, nắng vàng đổ tràn xuống lối đi. Ngoài kia, nhiều loại hoa khác nhau được trồng trong bồn, trong chậu hay trên những đường viền mềm mại bao quanh mặt sân, đang bung nở những đóa hoa màu sắc tím; sắc tím u hoài rưng rưng trước nắng, trước gió. Ngoài kia, du khách lững thững nhìn ngắm, nói cười. Và… ngoài kia, ngoài xa kia, nơi cách chị chưa đầy hai giờ bay, anh đang nằm lạnh lẽo, cho dù nỗi tiếc thương bao bọc anh và tiếng khóc phủ lên anh.

          Chị không khóc và cũng không muốn khóc, nhất là lúc này. Chị đứng lên, bước đến chỗ bày bán nhiều loại áo ấm được mắc giăng giăng chẳng khác gì quần áo được bày bán trong nhà lồng chợ. Chị lấy chiếc áo len màu tím than, ướm thử vào người, bước lại hỏi: “Em thấy được không?”. Cô bạn nhìn vào mắt chị chớ không nhìn vào chiếc áo, nói: “Buồn quá!”. Chị chọn chiếc áo đúng tâm trạng của mình, mặc luôn vào người.

***

          Khi về khách sạn, cô bạn cũng xuống xe nhưng đi đâu đó chưa vội về phòng. Quăng cái túi xách lên giường và lột bỏ chiếc nón ra khỏi đầu, chị ngồi xuống đầu giường, ngần ngừ một lúc rồi gọi cho vài người bạn thân báo tin anh mất.

          Mất nhiều phút chị mới tắt được điện thoại. Chị chợt nhận ra, những lời chia buồn dù hết sức chân thành cũng không giúp gì cho chị. Khoảng trống trong lòng chị, như lớn hơn. Chị quyết định không chia sẻ cho ai nữa cái tin anh vĩnh viễn ra đi, ngoài đứa con trai của mình.

          Khi biết tin anh mất, con trai chị lặng đi một hồi, rồi nó bảo “Con đang có khách, mẹ tắt máy đi, con gọi lại!”. Khoảng mười phút sau, nó gọi lại. Câu đầu tiên nó hỏi: “Mẹ ở đó một mình hay ở với ai?”. Khi biết chị ở cùng phòng với một người bạn, nó bảo chị cho nó gặp cô bạn cùng phòng với chị. Chị bảo với con trai cô ấy đang đi đâu đó. Nó im lặng vài giây rồi dặn: “Ra khỏi phòng mẹ nhớ mặc áo ấm. Ít ra… mẹ phải sống thọ như bác ấy!”. Nhưng khi chị nhờ: “Con vào phòng lấy cho mẹ tấm chân dung của bác ấy và thay mẹ làm cái bàn thờ…”, thì con trai chị phản đối quyết liệt. Nó bảo: “Thờ bác ấy đã có con cái của bác ấy. Còn con, chỉ thờ ba con!”. Không thuyết phục được con trai, chị tắt điện thoại. Rồi khóc.

          Khi những giọt nước mắt nỏng hổi lăn dài xuống má, xuống cổ, xuống chiếc áo màu tím than, chị nhận ra đây chưa phải là nước mắt dành cho anh. Chị lau khô nước mắt trước khi mở cửa cho cô bạn bước vào. Cô bạn mang vào trong phòng cả luồng gió lạnh. Cái lạnh cũng nấn ná trên gương mặt tái xanh của nó. Khi cửa phòng khép lại sau lưng, cô đặt lên chiếc bàn trà đặt giữa hai chiếc giường, một bó hồng trắng, một túi trái cây và một ốp nhang. Chị chưa hết ngạc nhiên đã nghe cô nói: “Thắp một nén nhang cho anh, chị sẽ thấy ấm lòng!”. Chị nói như líu lưỡi: “Vậy mà… chị… không… nghĩ ra!”. Cô bạn nói: “Tại chị rối trí!”. Chị ngập ngừng: “Ước gì… chị mang theo ảnh anh”. Cô bạn nói ngay: “Chị chờ em một chút!”.

          Chị còn loay hoay với bó hoa dìu dịu hương thơm đã thấy cô bạn xách chiếc laptop đặt lên chiếc bàn viết, mở ra. Sau một hồi vào mạng, nhấp chuột tìm kiếm trên màn hình, cô bạn reo lên: “Chị ơi, anh đây rồi!”.

          Chị bỏ mấy bông hồng đang cắm dở trên bàn, vội chạy lại. Khi nhìn thấy anh đang cười, mắt chị nhòe lệ. Nụ cười anh quá đỗi dịu dàng. Cô bạn kéo ngăn tủ bàn, lấy ra bịt khăn giấy đưa cho chị: “Anh có nhiều ảnh lắm, chị xem và chọn một ảnh đi!”. Chị lau nước mắt. Ảnh nào cũng là anh. Gày gò. Tinh anh. Giản dị. Chân thành. Anh ngồi đàn. Anh đăm chiêu trước bàn phím máy vi tính. Anh ngồi cạnh bức tranh anh vẽ. Anh đọc sách. Anh trầm tư bên bản nhạc. Anh cười buồn trong căn nhà quạnh quẽ của mình. Nơi ấy, ngôi nhà ấy lưu lại biết bao hình ảnh và ký ức của anh, một cuộc đời dấn thân cho nghệ thuật với bao nỗi thăng trầm. Nơi ấy cũng đã từng mang lại cho chị, cho anh những ký ức đằm sâu.

          Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc khi đã ở cái tuổi xế chiều, chị may mắn gặp anh và được yêu thương. Hạnh phúc ngắn ngủi nhưng trọn vẹn đến nỗi chị cứ tưởng mình đang mơ. Đôi lần chị còn lấy móng tay cào mạnh vào da thịt để biết chắc là mình không mơ. Nhiều lúc chị còn nghĩ, chị lần dò vấp ngã trong gần suốt cả cuộc đời lận đận chỉ để chờ cuộc gặp gỡ này. Cuộc hạnh ngộ bù đắp phần nào nỗi truân chuyên đời chị. Một cuộc đời, cũng như anh, sống chết vì âm thanh, vì giai điệu bất tận của cuộc đời.

          Chị chỉ vào tấm ảnh anh ngồi trước đàn. Cô bạn copy tấm ảnh và mở to hết cỡ trên màn hình. Anh đang nhìn chị. Chị tin là vậy. Chị đẩy bình hoa hồng xê ra một chút. Chị muốn được nhìn anh kỹ hơn. Bên ngoài nắng tắt đột ngột. Bất giác, chị ngoảnh lại nhìn ra bên ngoài cửa kính. Mấy đám mây xám bay ngang che khuất mặt trời. Đồi thông trước mặt chị chợt sẫm màu, dù gió vẫn lay lay cành lá. Một mơ ước mà anh từng ước là được nằm bên chị, tay trong tay, trong tĩnh lặng, cũng lắng nghe tiếng nhạc của rừng thông, đã vĩnh viễn chỉ là ước mơ.

          Căn phòng cũng tối hơn khiến ánh sáng của màn hình laptop làm nổi rõ gương mặt sinh động với khóe cười hóm hỉnh của anh.

Chị lần ngón tay theo vành môi anh, rồi nấn ná hồi lâu ở khóe miệng anh.

Cô bạn đặt dĩa trái cây lên bàn. Rồi cô bật diêm thắp ba cây nhang đưa cho chị và lẳng lặng bước ra khỏi phòng.

Chị ấp ba cây nhang vào lòng hai bàn tay, đặt trước ngực. Chị không khấn vái. Chị thủ thỉ. Cùng anh. Với anh. Chị trách anh sao không để cho chị được ở lại bên anh. Sao anh lại xua đuổi, sao anh lại van nài chị để anh ở lại, một mình. Một mình chống chọi. Một mình chịu đựng những cơn đau. Những cơn đau triền miên.

Tửng chống chọi và vượt qua biết bao nhiêu cơn đau tình thần, nhưng cơn đau thân xác đã quật ngã anh. Chị nhớ những con chữ run rẩy, nguệch ngoạc được viết vào tờ giấy đặt trên tấm giấy cạc-ton mà chị đưa ra trước ngực anh, theo yêu cầu của anh. Anh khó nhọc viết ra những con chữ khó đọc trong tư thế nằm ngửa với mặt mũi nhằng nhịt dây nhợ của các loại dịch truyền, các loại thuốc tiếp hơi, tiếp sức. Những con chữ vẫn còn hiện ra trước mắt chị: “Em về đi. Xin em đừng ở lại đây. Anh van em!”. Lời van nài của anh đã tách chị rời khỏi anh. Lúc quay lại nhìn anh, đôi mắt mờ lệ, chị chỉ còn nhận ra bàn tay anh cố đưa về phía chị với những cử động yếu ớt.

Nhìn những nén nhang cháy đỏ, chị lại nhớ ánh nến trong căn nhà anh. Những khi chỉ còn hai người bên nhau, anh thích tắt hết bóng đèn. Và thắp nến. Thật nhiều ánh nến. Ấm áp. Lung linh. Lãng mạn. Liêu trai… Ánh nến. Tiếng nhạc. Yêu thương. Hòa điệu… Tất cả bùng cháy trong chị. Ấm nồng. Ngất ngây.

Chị nhắm mắt lại, hít sâu vào ngực mùi khói nhang. Rồi choáng lấy chị là hình ảnh của mùi hương của ký ức.

Và cũng như lúc tìm ảnh anh, cô bạn lại là người tìm ra cây nến. Cô bước vào phòng với hai cây nến đỏ trong tay. Cô bảo với chị là ở chỗ tiếp tân, họ tìm không có nến trắng. Cả hai cây đều đã được dùng dở, tim đèn cháy đen. Có lẽ chúng đã được thắp khi khách sạn bị mất điện. Cô bạn bật diêm, mồi lửa vào tim đèn. Khi tim đèn bắt lửa, cô bạn trao cho chị, rồi một lần nữa bước ra khỏi phòng.

Chị cầm lấy đôi nến đang cháy. Chị nghiêng ngọn nến cho dòng sáp chảy xuống mặt bàn, sau đó chị cắm chân nến vào đó. Hai cây nến dài ngắn khác nhau. Hai ngọn nến không đều nhau.

Nhìn ngọn nến, tỉnh tàng nhang cong lại thành một vòng màu tro rồi lại nhìn sâu vào mắt anh, chị thấy ánh mắt ấy đang cười.

Anh cười với chị. Và có lẽ, anh cũng cười với cả thế gian này, nơi đã đem đến cho anh nhiều hạnh phúc và cũng không ít khổ đau.

                 (Phụ nữ Chủ nhật, 8/9/2010)