Cho là người ta trồng hoa và treo cờ hai bên đường là để chào đón mình về thì cũng có sao đâu. Thật là đẹp tươi và long trọng. Tết mà!

 

Ảnh: Đinh Đức Minh

 

Giữa tháng Chạp, những bụi vạn thọ lơ đễnh đã bắt đầu nụ hoặc nở vàng. Sao nhái thì nở sớm hơn, hoặc nở quanh năm mà mùa này mình mới hữu tình để ý. Giá mà có đàn bướm đậu bên đám sao nhái thì mình cũng chẳng nhận ra, cánh hoa và cánh bướm giống nhau quá, đều quá đỗi mong manh. Một cơn gió lùa qua, cả hai đều chấp chới. Vào Chạp, gió bấc cứ lạnh dần. Gió là thứ tiếp xúc được với da thịt, nên đánh thức nỗi nhớ và ý thức thời gian của người ta nhất. Giá lạnh bảo rằng sắp hết một năm rồi.

Hoa giấy cũng là giống lạ. Mùa mưa thì chỉ toàn lá, nhưng nắng ròng thì lại trổ bông. Cành khô, cánh cũng khô nhưng mà chói chang kỳ lạ. Hoa cứ rực lên như có họa sĩ nào đem đổ màu vào. Mỗi miền có một số loài hé nụ khoe sắc riêng; đường về miền Tây thì không thể thiếu vắng hoa mai vàng. Vì mai đã được trồng từ mấy chục năm nay, người ta có thể bận rộn mùa vụ, sự đời mà lãng quên nhưng mai cứ tới mùa là nảy nụ. Thấy hàng xóm tuốt lá mai rồi, sực nhớ đã rằm tháng Chạp, cũng phải về lặt lá cho mai để Tết được nhiều hoa.

Sống ở quê, hoặc ở nơi chan hòa với thiên nhiên có cái thú giao hòa với thiên nhiên khi mùa thay đổi. Trời đất thay đổi, mùa nào thức ấy nên vô tâm cũng có loài cây này, loài hoa kia nhắc nhớ mùa đã về khi chúng cho trái, cho hoa. Vì vậy, mà người đi xa, khi trời đất trở mùa thường thao thức lắm. Quà quê gửi lên mớ vú sữa, biết mùa xuân đã về. Quà quê là mớ trái dâu, biết mùa mưa đã đến, nhà có dịp bắt cá lên. Những thức ấy thường gợi nhớ kỷ niệm tuổi thơ và người thân, nên hay gợi bồi hồi trong thoáng chốc.

Còn Tết, ôi thôi làm sao mà kể xiết chuyện gió, chuyện hoa, chuyện làm bánh trái, chuyện người thân. Qua những con đường mai vàng, cờ đỏ, khói đồng chiều bảng lảng là đến khói bếp, khói nồi bánh tét, khói cá lóc nướng rơm. Mùi khói này là mùi của tuổi thơ và của quê nhà vì từ hồi sống đời thành thị không còn đốt củi nữa nên đã không còn nghe mùi khói. Cái mùi mù cay mà quá đỗi êm đềm. Người ta dễ mềm lòng và dịu đi bên đống lửa rơm tỏa khói và sẽ rất thơm thảo chia nhau con cá nướng trui hay củ khoai lùi. Trong thiên nhiên, có những thứ thật kỳ diệu, có thể cảm hóa con người như vậy đó. Ngoài khói, thì gió và hoa cũng có thể lung lạc lòng người. Và tình mẹ nữa. Gió đưa gió đẩy, hoa cười lá reo hay bao nhiêu thứ êm đềm khác thì cũng không trọn vẹn nếu thiếu hình bóng mẹ ở quê nhà. Mẹ vẫn là đích đến cuối cùng của chuyến đi về đó.

Trong sâu thẳm tâm hồn, chuyến đi về vẫn là về với mẹ. Mà đôi khi, mùa xuân đẹp quá, ai cũng bảo về ăn Tết. Rồi những năm sau của đời người, khi không còn mẹ, người ta chợt nhận ra, sự thôi thúc của quê nhà đã bắt đầu nhạt nhòa, cơ hồ như ký ức sắp ngủ yên. Lúc đó, khi đã ở tuổi làm cha làm mẹ, lòng bắt đầu chờ mong gặp những đứa con ở đâu đó quay về. Vòng quay bốn mùa bắt đầu tuần hoàn thêm vòng quay sinh lão của đời người. Trong vòng quay đó, người ta râm ran nhận ra sự mất còn trong đời và ý thức được niềm hạnh phúc hay bất hạnh.

Nhưng ở cung bậc nào, thì mùa xuân cũng ân cần vun bồi, hoặc làm vơi nhẹ đời sống con người. Nắng lên nhẹ, gió lùa khe khẽ và hoa hé nụ bên thềm. Vũ trụ đó, mùa đẹp đó là lộc trời ban. Tinh khôi và thanh khiết nên khi mở cửa sáng nay, trong khung cảnh “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (*) lòng đạo chợt bừng reo câu “Nhất sinh đê thủ…(**).


(*) Thơ Mãn Giác thiền sư: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa nở hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai).

(**) Thơ cổ:”Thập tái luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” ( Mười năm đi khắp tìm kiếm cổ/Một đời chỉ cúi lạy hoa mai).

 

Theo Lê Phú Cường – TBKTSG

Exit mobile version