Có một tập hợp đông đảo gồm các nhà chuyên môn và dân chúng, từ lâu đã tìm hiểu, nghiên cứu và bình giá Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực chính trị và quân sự, kinh tế và pháp luật, tổ chức bộ máy nhà nước, đoàn thể… và ngoại giao, văn hoá và văn chương…

Có thời gian, việc này được tiến hành theo một cuộc vận động, một chương trình – kế hoạch công tác quy mô, và nhiều khi, mọi người đã tự nguyện tự giác làm. Việc nhắc nhở nhau noi theo tư tưởng và đạo đức, tác phong và nếp sống của Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào xã hội rộng lớn.

Trong giới khoa học, như khoa học văn chương, ai tìm được một ít tư liệu mới về Hồ Chí Minh, ai có thêm một kiến giải về con người lỗi lạc và bình dị này, mà được bạn nghề và công chúng thừa nhận, thì đều lấy làm vinh hạnh. Và họ – các nhà văn học, từ trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu Hồ Chí Minh, đều tự nhận ra rằng: Nếu chỉ bằng vào trí tuệ và thao tác nghề nghiệp, thì dường như chưa thể xem là đã đủ tiền đề để nghiên cứu của mình đạt được thành quả khả dĩ mà yên tâm. Nhưng đồng cảm được với đối tượng nghiên cứu, như Hồ Chí Minh, đến mức độ cần và đủ – thế nào là cần và đủ, thì quả thực, chưa mấy ai dám chắc. Ở đây có câu chuyện: Trước mênh mông kì vĩ, trong vô biên vô lượng như đất trời thiên nhiên, và số phận lịch sử của một vĩ nhân vừa là con đẻ của dân tộc và thời đại, vừa là tác nhân của thời đại và dân tộc, lại cũng  là đại biểu ưu tú cho dân tộc và thời đại… thì dẫu đã cố công, mà không mấy ai dám chắc, cũng là thực trạng nên coi là bình thường.

Thế nên mới có thi đua. Đây là cuộc thi đua của trí tuệ và trách nhiệm, cùng tấm lòng trong sáng và khát vọng tìm cho ra những vẻ cao đẹp trong thơ văn và thân thế Hồ Chí Minh.


Trong cuộc thi đua này, giáo sư Phong Lê có thêm thành công nữa, khi ông cho công bố cuốn sách Thơ văn Hồ Chí Minh – Những giá trị vĩnh cửu (Nxb Văn hoá Văn nghệ TP Hồ Chí Minh).

Cái mới đáng chú ý của cuốn sách này được thể hiện ngay từ cách đặt tên nó. Người ta đã có các mĩ từ nói về thơ văn Hồ Chí Minh như: vĩ đại, kiệt xuất, lỗi lạc, trác việt, kì diệu…, đến khi gom các bút ký và tiểu luận đã in ở các báo và tạp chí vào đây, Phong Lê gọi thơ văn Hồ Chí Minh  là Những giá trị vĩnh cửu. Với cụm từ này, theo Phong Lê, cái hay và vẻ đẹp, tầm cao và độ sâu, cùng phong cách thơ văn của Hồ Chí Minh đã và còn có sức sống thật lâu bền như không nghi ngờ gì nữa. Đó là một xác quyết hơn là một dự đoán của nhà khoa học nơi ông.

Từ tên sách là một lời khẳng định, Phong Lê đã khéo cấu trúc nội dung cho nó. Trong cuốn sách có độ dày chừng gần 200 trang, rất vừa sức đọc – khả năng theo dõi của công chúng ở buổi truyền thông đa phương tiện hôm nay, nhà nghiên cứu đã gom và chia các bài dài, ngắn khác nhau thành ba phần: 1. Ba mươi năm xa xứ. Ba mươi năm viết; 2. Sau 1000 năm là 100 năm; 3. Đến với mục tiêu Chân Thiện Mỹ; và 4. Phụ lục – bài trả lời phỏng vấn – Văn thơ Hồ Chí Minh – Thế giới không cùng cho những người khám phá. Có thể nói: Đây là một cấu trúc chặt mà mở của một tư duy khoa học. Theo cấu trúc với cách đặt tên các phần như vậy, các bài trong sách cũng có cách đặt tên linh hoạt, giầu sức gợi. Ví dụ: Bản án và Người kết án, Nhà thơ không chủ định và chất thơ đích thực, Đi từ xứ Nghệ – về với Thăng Long, Hồ Chí Minh – Nhà tiên tri, Sự nghiệp viết của Hồ Chí Minh và hành trình hướng đến Chân-Thiện-Mỹ

Nếu như chú ý đến tên gọi của ba phần trong tập sách, người ta dễ hình dung đến một lối viết tu từ báo chí (mà tác giả tự gọi là bút ký), thì ngẫm nghĩ về tên gọi của các bài trong đó, người ta lại thấy dáng dấp của một chuyên luận chuyên khảo khoa học. Chúng tôi cho rằng đây là dụng ý dụng công của tác giả. Rồi đọc hết cả tập, lại đọc kỹ một số bài trong đó thì có thể cho rằng ở đây trong tập Thơ văn Hồ Chí Minh – Những giá trị vĩnh cửu, Phong Lê đã một lần nữa tỏ ra rất hoạt bút. Sự linh hoạt, đương nhiên, là dấu hiệu của sáng tạo. Thì đấy, chuyện rằng tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là nơi thể hiện sự đanh thép mà hóm hỉnh sâu sắc của Hồ Chí Minh, chuyện Bác Hồ không có ý định làm một nhà thơ nhà văn mà thơ văn Người viết ra, lại có giá trị văn chương đích thực, như những viên ngọc quý, chuyện không nên chỉ nhìn thấy ở bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh viết có vẻ đẹp của một áng văn nghị luận mẫu mực… quả thực, đều là những chuyện, những chuyên đề đã được nhiều người viết và khẳng định. Nhưng sao qua ngòi bút của Phong Lê, người đọc vẫn thích thú?

Chúng tôi cho rằng trước và trong sự hoạt bút mà ta đang thấy trong tập Thơ văn Hồ Chí Minh – Những giá trị vĩnh cửu này, là cả một quá trình rèn luyện công phu. Ở quá trình đó có sự thay đổi điểm nhìn đối tượng nghiên cứu của tác giả, có việc đào sâu vào từng tầng vỉa ngữ nghĩa của tác phẩm Hồ Chí Minh nơi ông…

Còn nhớ, Phong Lê tham gia nghiên cứu văn chương từ giữa những năm 1960, một trong những công trình đóng dấu ấn đầu tiên của ông trên diễn đàn học thuật là cuốn Văn và Người được xuất bản năm 1976. Cuốn sách với tên gọi này đã là một tiên báo về tư tưởng học thuật – nếu có thể nói được như thế – của ông. Tư tưởng ấy, đường hướng ấy được nảy nở và biểu hiện đậm hơn cả khi ông tìm hiểu – khảo luận về những tác giả đương đại của văn chương Việt Nam suốt hơn 40 năm nay, như tại các cuốn Nam Cao – phác thảo sự nghiệp và chân dung (1977), Một số gương mặt văn chương – học thuật Việt Nam đương đại (2001), Văn học Việt Nam hiện đại – những chân dung tiêu biểu (2001). Đến với 55 nhà văn, nhà văn hoá Việt (2011)… Ở các sách này, cố nhiên, Phong Lê đã không chỉ phân tích, bình giá tác phẩm của mọi nhà bắt đầu từ việc khảo sát văn bản như một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, mà ông còn phác dựng chân dung nhiều tác giả đã có những thành tựu, có người ở vị trí hàng đầu, họ vừa lĩnh xướng vừa góp phần kích thích hoạt động sáng tạo của cả giới văn chương nhiều năm ở nước ta. Đến các sách viết về Hồ Chí Minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại (1986), Hồ Chí Minh suy nghĩ về Bác nhân một cuộc hành hương (1990), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – hành trình thơ văn hành trình dân tộc (2000)… Ông còn tập trung cứu xét, lí giải và bình luận tác phẩm Hồ Chí Minh trong mối tương hỗ tương tác với cuộc đời hoạt động vì dân vì nước với cả tâm tư tâm trạng của nhà cách mạng này.

Ngày nào, cái luận điểm Văn là Người hàng trăm năm trước đã dẫn gợi ông viết cuốn Văn và Người gây bàn cãi từ lúc sách mới ra. Gần đây, khi suy ngẫm về tác phẩm của Hồ Chí Minh, luận điểm ấy trở về với Phong Lê. Lần này, nhân bàn về tập Nhật ký trong tù, ông hào hứng viết như liền một hơi: “Với Nhật ký trong tù, ta may mắn có được bức chân dung tự hoạ của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiều, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ nói được một phần nhỏ về con người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người đó và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ – trong những lay động sâu xa về tình cảm và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng… như trong Nhật ký trong tù là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được.”

Cho phép chúng tôi lưu ý lại: Văn thơ và con người Hồ Chí Minh, ở tập Nhật ký trong tù như Phong Lê viết ở trên, thì ý là ý chung, nhưng diễn đạt ra đầy ngữ điệu, tạo ấn tượng, tăng sự hấp dẫn, thuyết phục, lại là công phu và tấm lòng của Phong Lê. Đọc Phong Lê ở cuốn này, chúng tôi thấy Phong Lê là Phong Lê hơn nhiều cuốn khác cũng do ông viết thì phải.

Viết như vậy, trong tập Thơ văn Hồ Chí Minh – Những giá trị vĩnh cửu, mặc nhiên, Phong Lê đã đạt được một thành công mà chưa chắc khi mới đặt bút những dòng đầu, ông đã hình dung ra rõ ràng, và hi vọng. Thành công ấy là: từ một nhà nghiên cứu (Viện trưởng Viện Văn học – một cơ quan có xu hướng hàn lâm), ông đã trở thành một nhà truyền bá. Từng ý từng đoạn, từng bài ông viết ra trong sách này, đã làm thoả mãn một nét tâm lí – tư tưởng, một nhu cầu của đông đảo các tầng lớp công chúng, cái tâm lí – tư tưởng – nhu cầu có tính chất đặc trưng thời đại – thời sự và thấm đượm tình cảm – đạo đức, là khẳng định, tôn vinh mọi trước tác của Hồ Chí Minh, như khẳng định, tôn vinh một di sản văn hoá cao đẹp có giá trị kết tinh của dân tộc và thời đại, đã và đang có khả năng tạo nguồn sức lực, dẫn dắt soi đường cho mọi người.

Ở trên, chúng tôi đã nói rằng Phong Lê có thay đổi điểm nhìn đối tượng nghiên cứu, ấy là khi ông phân tích một số tác phẩm cụ thể của Hồ Chí Minh để nói với mọi người về những vẻ đẹp Chân-Thiện-Mỹ trong tác phẩm đó, như trường hợp ông dẫn bình các bài trong tập Nhật ký trong tù và các bài Bác viết trên chiến khu Việt Bắc, hay Bản án chế độ thực dân Pháp hoặc gần hơn nữa, là thiên hùng văn Tuyên ngôn độc lập thấm đượm chất nhân tình cao cả. Còn nhìn chung với giáo sư Phong Lê, về Hồ Chí Minh, cái nhìn của ông là nhất quán, ngay từ đầu: Văn ấy là của Người ấy. Người ấy tất có thơ văn ấy. Có phải là khi đến với vĩ nhân, nhà nghiên cứu nơi ông đã tiếp nhận được hào quang trí tuệ cùng độ nồng ấm của tấm lòng vĩ nhân, mà ông đã tự giác vận dụng câu dĩ bất biến ứng vạn biến – một châm ngôn mà con người yêu nước vô bờ bến này đã từng tâm đắc mà dặn lại đồng chí của mình trong những giờ phút hiểm nghèo?

Thơ văn Hồ Chí Minh – Những giá trị vĩnh cửu quả nhiên là một cuốn sách được sinh thành từ công phu khảo cứu. Theo chúng tôi, thành công của nó không chỉ ở việc tác giả góp phần tôn vinh di sản văn chương Hồ Chí Minh, mà còn vì/nhờ vào cách viết linh hoạt, lúc là ngôn phong báo chí đại chúng, khi là sự khúc chiết mà giản dị của lời lẽ khoa học dễ hoà đồng.

Từ công phu và cách viết ấy, tác giả đã cấp cho người đọc một bút kí hoạ sắc nét chân dung Hồ Chí Minh như và hơn những gì ta từng biết.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lấy làm tiếc là trong công trình này, giá mà nhà nghiên cứu phân tích rõ và đầy đủ hơn về tính tư tưởng – tầm tư tưởng của thơ văn Hồ Chí Minh, thì cái ý Những giá trị vĩnh cửu chắc sẽ có sức thuyết phục rộng rãi hơn.

Chúng tôi biết là cuốn sách này đã được nhiều người chú ý tìm đọc. Giữa biển sách với muôn vàn lời hay ý đẹp viết về thơ văn Hồ Chí Minh, đây là cuốn như chung kết một chặng đường nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chí ít, là trên lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo văn học nghệ thuật của tác giả và bạn yêu thơ văn Hồ Chí Minh.

Trách nhiệm khoa học và niềm say mê cống hiến là ngọn nguồn trực tiếp để tác giả khẳng định Thơ văn Hồ Chí Minh Những giá trị vĩnh cửu.

 

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version