(Đọc Hồ Chí Minh – Niềm thơ cao cả của Đoàn Trọng Huy,
Nxb Thanh Niên, 2015)

20140516193606 ktt baovebacho4 kienthuc


Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực chất là cụ thể hoá những đòi hỏi cần thiết của Việt Nam trong quá trình xây dựng các hệ giá trị hữu ích đối với con người, xã hội, dân tộc trước xu thế hội nhập và phát triển của thế giới. Hồ Chí Minh chính là một bằng chứng sinh động về nỗ lực không ngừng nghỉ với ý thức dâng hiến trọn đời cho Tổ quốc – cụ thể hơn là sứ mệnh công dân trong tương quan với vận mệnh lịch sử quốc gia, dân tộc. Di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về đạo đức của Người là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trên tinh thần đó, lịch sử nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương của Bác lại có thêm một công trình đáng chú ý là cuốn sách Hồ Chí Minh – Niềm thơ cao cả của PGS.TS. Đoàn Trọng Huy, Nxb Thanh Niên, ấn hành năm 2015.

PGS.TS. Đoàn Trọng Huy, với tư cách là cố vấn cao cấp của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ý thức sâu sắc về giá trị di sản tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh, đã tiến hành công việc nghiên cứu về Người một cách “nghiêm cẩn tối đa và tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn” (Lời đầu sách). Hồ Chí Minh – lãnh tụ cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, một tác gia văn học lớn, một nhà tư tưởng vĩ đại, trong những nghiên cứu của Đoàn Trọng Huy hiện lên vừa gần gũi, ấm áp vừa kì vĩ lớn lao. Người sống giữa lòng nhân dân, Tổ quốc, dâng hiến trọn vẹn và cao cả. Đó là lí do khiến mỗi người dân Việt Nam đều như thấy có hình bóng của Bác trong mỗi phút giây đi cùng dân tộc như Tố Hữu đã từng viết: Ta bên Người, Người toả sáng trong ta.

Tiền thân của cuốn sách Hồ Chí Minh – Niềm thơ cao cả là những bài viết của Đoàn Trọng Huy về Bác Hồ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những bài viết này được tác giả cấu trúc thành 3 phần:
Phần I: Hồ Chí Minh – con người và sự nghiệp
Phần II: Hồ Chí Minh qua văn thơ như bức phác hoạ chân dung
Phần III: Hồ Chí Minh qua cảm thụ văn học
Với cấu trúc ba phần này, Đoàn Trọng Huy đã triển khai một cách mạch lạc những nghiên cứu, suy nghĩ của mình về cuộc đời, sự nghiệp, chân dung nghệ thuật (từ trước tác của Bác và thông qua những tác phẩm văn học của các tác giả khác viết về Người) của Hồ Chí Minh. Có thể nói, cấu trúc này làm hiện lên một cách tập trung vấn đề căn bản của cuốn sách là: Hồ Chí Minh – con người của thơ ca, nghệ thuật.

Ở Phần I, cuốn sách bắt đầu bằng sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. Tháng sáu tưởng nhớ Bác Hồ gợi lại không khí của hơn 100 năm trước trên bến Nhà Rồng. Tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc đã hình thành từ rất sớm trong con người Nguyễn Tất Thành, không phải đến sự kiện 5/6/1911. Tuy vậy, từ dấu mốc này, lịch sử Việt Nam bắt đầu phải dõi theo hình bóng của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh qua khắp các lục địa, những đất tự do, những trời nô lệ để hình dung về đường đi của khát vọng tự do. Đó chính là thời khắc cho phép chúng ta nhìn gần nhất về hành trình ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước của Người. Những bài viết trong phần này tập trung làm rõ một số phương diện như: tư tưởng dân tộc, độc lập, cốt cách và tầm vóc văn hoá, triết lí giáo dục, tinh thần cách mạng và những dấu ấn lịch sử của Hồ Chí Minh. Những phương diện của tư tưởng Hồ Chí Minh được trình bày một cách khá sáng rõ thông qua việc tìm hiểu các sự kiện lịch sử, văn chương, từ chính công việc của Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động. Là một nhà tư tưởng, một nhà văn hoá, một nhà chiến lược chính trị – quân sự, một nhà báo, một nhà thơ, trong tư cách một bậc thầy cao quý hay là người học trò vĩ đại… Hồ Chí Minh đều thể hiện phẩm chất ngời sáng của mình. Khác với những công trình nặng về sử học nghiên cứu Hồ Chí Minh, Phần I của cuốn sách này mang đến cho người đọc những hình dung thân thuộc, đời thường mà vĩ đại của Bác. Hơn ai hết và hơn lúc nào, đó là tấm gương mà mỗi người dân Việt Nam có lương tri đều thấy cần phải noi theo: Ta nhận vào ta phẩm chất của Người (Chế Lan Viên).

Phần II của cuốn sách nối kết vào Phần I bằng mạch ngầm của tư tưởng nhân văn, nhân đạo và phẩm chất thẩm mĩ trong con người Hồ Chí Minh thể hiện qua trước tác của Người. Viết về lãnh tụ không dễ, nhưng chính cái khó lại là cơ hội để thể hiện bản lĩnh của nhà nghiên cứu. Phác họa chân dung Hồ Chí Minh qua văn thơ hay chân dung nghệ thuật của Người là một phương diện quan trọng để chúng ta cảm nhận đầy đủ hơn tầm vóc văn hoá của Hồ Chí Minh. Từ việc đọc thơ xuân của Bác, tác giả cuốn sách khái quát: Hồ Chí Minh – một tâm hồn xuân/ Một con người sống đầy xuân sắc/ Một cuộc đời sáng mãi mùa xuân (tr.254). Nếu thơ xuân thể hiện một tâm hồn “tươi mãi tuổi đôi mươi” của Hồ Chí Minh thì Nhật kí trong tù lại ánh lên chất ngọc trong tâm hồn, tư tưởng, tinh thần, ý chí của người tù cách mạng. Ở đó ngời lên hình ảnh “một con người kiên cường, dũng cảm, mãnh liệt, tràn đầy niềm tin và hi vọng” (tr.270). Trong tập thơ này của Hồ Chí Minh, Người đã “nêu cao ngọn cờ nhân văn chủ nghĩa cách mạng cao cả” (tr.271). Đó là những vần thơ hoà quyện giữa thép và tình làm nên cốt cách người chiến sĩ – thi sĩ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Phần III của cuốn sách là cách hình dung về Hồ Chí Minh từ bên ngoài, đúng hơn là phác thảo chân dung Hồ Chí Minh từ điểm nhìn của các nghệ sĩ, các tác giả sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về mặt tư liệu, để phác hoạ chân dung Hồ Chí Minh từ văn chương, nghệ thuật là việc một người không làm nổi. Hồ Chí Minh là đề tài rất lớn của văn chương nghệ thuật, vì vậy, cách xử lí của Đoàn Trọng Huy trong phần này là tập trung vào một số gương mặt nổi bật có nhiều thành công trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài lãnh tụ. Đó là Tố Hữu, Chế Lan Viên, Sơn Tùng. Người dân Việt Nam có lẽ không ai không nhớ một vài câu thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên về Bác. Thiết nghĩ, tầm vóc của lãnh tụ có khi lại toả bóng trong lòng dân, trong lịch sử từ những câu thơ giản dị, cô đọng đã đi vào lòng người như thế: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn (Bác ơi – Tố Hữu); Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)… Với khả năng thâm nhập tác phẩm khá tinh tế, Đoàn Trọng Huy đã chỉ ra trong thơ Chế Lan Viên “vẻ đẹp nhân văn Bác Hồ”, “bậc hiền triết Hồ Chí Minh”. Với những sáng tác của Tố Hữu, tác giả cuốn sách đã khẳng định: Tố Hữu – người một đời kì công xây đắp tượng đài Hồ Chí Minh. Cùng với Tố Hữu, Sơn Tùng được đánh giá là nhà Hồ Chí Minh học trong văn giới. Với hàng chục tác phẩm viết về Bác Hồ (Búp sen xanh, Bông sen vàng, Bác về, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác Hồ cầu hiền tài, Bác ở nơi đây, Từ làng Sen…), Sơn Tùng là “Người xây đài sen Hồ Chí Minh bằng văn xuôi”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là đề tài lớn của văn chương nghệ thuật Việt Nam. Viết về Bác vừa dễ lại vừa khó. Dễ, bởi cuộc đời, sự nghiệp của Người là những sự kiện gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, chan hoà trong mạch sống của nhân dân, đất nước. Nhưng, cái khó cũng ở đó khi có rất nhiều người đã thể hiện sự quan tâm, niềm yêu kính và xúc cảm của mình trước hình tượng Bác Hồ, khiến cho mỗi một công trình, tác phẩm mới luôn là nỗ lực quyết liệt, tìm tòi, khám phá, xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh trong cảm quan của người nghệ sĩ, trong ý thức, tri thức của nhà nghiên cứu. Tầm vóc của Bác quá lớn lao nên tác phẩm viết về Người, nếu không có đủ nội lực, đủ bản lĩnh khó lòng “mon men đến bên cạnh Bác” như lời Sơn Tùng thừa nhận. Dẫu vậy, với cuốn sách này, Đoàn Trọng Huy đã giúp người đọc có thêm những hình dung, làm sáng rõ những phẩm chất ngời sáng trong tư tưởng, tinh thần, ý chí và đời sống của Hồ Chí Minh. Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ có thêm những dữ liệu hữu ích, mỗi người dân Việt Nam sẽ có thêm những góc nhìn phong phú, đầy đủ, sinh động hơn về tấm gương đạo đức và tư tưởng của Người. Ta bên Người, Người toả sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút (Tố Hữu) 

M.H

 

Exit mobile version