Chuyên mục TRUYỆN HAYtuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo

Gồm các truyện ngắn sau:

1. Như phong sương thương tết

2. Ướt dầm bông sói

3. Mùa trung quân thay lá

4. Như gió qua truông

5. Ngọt như gió tết

Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO

– Tên thật Tống Phước Bảo, ngoài ra còn có bút danh Trúc Thiên.

Sinh năm 1983

Quê An Giang, sinh ra và lớn lên ở TPHCM

Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

– Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM

– Đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Nhân Dân, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Văn Nghệ Công An, Văn Nghệ Quân Đội, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quảng Ngãi, Nghệ An…

– Giải B Cây Bút Vàng – Bộ Công An năm 2021

– Tặng thưởng Truyện Ngắn Hay Nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

– Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019

– Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “120 năm Sapa”

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” – Báo Thanh Niên 2020.

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” – Báo Áo Trắng 2020

– Giải Ba cuộc thi Tạp Bút “Kí Ức Tết” – Báo Dân Việt 2020

– Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2019 Báo Người Lao Động

–  Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2018 Báo Tiếp Thị Gia Đình

– Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid” 2021 Báo Dân Việt.

– Giải Khuyến khích cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” 2021 Báo Người Lao Động

– Giải Nhì truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023

Sách đã in: 7 tập truyện ngắn, tạp bút

Cả Một Trời Thương (2018), Mình Gọi Nhau Là Cưng (2019), Les Từng Centimet Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (2020), Sài Gòn Còn Thương Thì Về (2021). Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022), Linh Đinh Tình Phù Sa (Truyện ngắn – Phương Nam Book 2023).

Và nhiều tác phẩm in chung.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

“Tống Phước Bảo dường như có nguồn truyện chứa trong đầu, có cảm giác rằng khi Bảo thấy ham viết thì chỉ việc ngồi mà gõ. Chữ nhảy ra rào rào.

Độ rộng thì truyện của Bảo rải khắp các miền, mang nhiều màu sắc các đô thị, miền quê. Nhưng đặc trưng nhất vẫn là văn cảnh, câu chữ, giọng văn đặc sệt Nam Bộ, man man hình ảnh sông nước miền Tây. Nhiều đoạn câu văn địa phương dày đặc. Vậy mà vẫn vô cùng duyên dáng và quyến rũ, dễ theo dõi, choán ngợp tư duy người đọc cả không gian truyện.

Trong một trả lời phỏng vấn, Tống Phước Bảo nêu quan điểm:

“Người viết là kẻ du hành thời gian sống hai cuộc đời”

Tôi thì nghĩ, Bảo du hành viết, sống tới N cuộc đời.”

Truyện ngắn

MÙA TRUNG QUÂN THAY LÁ

Tác giả: Tống Phước Bảo

1.

Lò Gò đón cô bằng cái nắng nung người, vỡ mặt. Vừa bước xuống xe đò đã nghe cái hơi nóng thốc lên từ đất, từ gió, hâm hấp phập thẳng vào người. Cô quấn vội chiếc khăn rằn trước khi lên đường má gói mang theo. Từ thành phố cô đi một chặng xe mất tới nửa ngày mới đến Tân Biên. Đang ngập ngừng tại điểm đón cổng chợ huyện thì cô đụng ngay một anh lính biên phòng đen nhẻm, cao tầm thước tám, tay gãi đầu, miệng cười lấy lệ:

– Dạ cô giáo phải không cô?

– Ơ sao anh biết hay thế?

– Dạ thầy Mến bảo ra đón cô giáo, quanh cái chợ huyện này ai tui cũng biết, nên thấy người lạ đứng lơ ngơ là nhìn ra ngay à!

Cô leo lên chiếc xe gắn máy bám bụi đỏ quanh dàn áo xe. Hướng thẳng về Chàng Riệc. Ủa mà sao có cái tên Chàng Riệc lạ dữ vậy anh? Cô ngồi phía sau bắt đầu những thắc mắc của mình giữa trời trưa đứng gió. Dạ, đâu có gì lạ đâu cô, đất rừng nhiều cái phải gọi là hay chứ kêu lạ thì tội dân xứ này lắm cô! Mà chuyện dông dài, bữa nào rảnh tui kể cô nghe. Cô giáo lên đây thì có chuẩn bị sẵn tâm lý chưa? Chứ đi vài bữa về tội mấy đứa nhỏ. Ở rừng thèm chữ lắm cô ơi. Để kể cô nghe, cũng có bận, dưới thành phố cử năm bảy giáo viên về, mà đâu có ai bám trụ nổi đâu. Xứ này cũng còn thiếu khó và khắc nghiệt lắm. Chuyện giáo viên đến rồi đi nó cũng nhiều, huống chi là đến chỉ trong vài ba tháng hè. Ủa mà sao có một mình cô vậy? Mấy lần trước là cả đoàn lận đó cô.

An ngập ngừng chẳng thể trả lời, mà biết trả lời sao đây? Ánh mắt cô mãi đeo theo mấy bụi khoai mì hai bên đường. Khoai mì cột bó, lạ thiệt ta, hoặc là cái hay mà như anh lính biên phòng vừa mới nói của xứ này, chứ kì thực đây là lần đầu tiên cô thấy. Tháng sáu, hanh nồng lên dải đất sát biên giới Cam cái gay gắt. Nhưng, cô chọn mà, chọn thì phải đương đầu. Đêm trước cô cứ thao thức miết, chẳng thể chợp mắt. Nhắn vu vơ đại vài dòng cho Hương, con bạn cũng đang mải mê bám đảo Thiềng Liềng để gieo chữ trên vùng muối trắng. Hương lập tức trả lời tin nhắn, xuề xòa hệt như hồi hai đứa còn sinh viên. Ôi trời ơi, quảy ba lô lên và đi, hành trình nào cũng chẳng vô nghĩa đâu. Tuổi trẻ mình, chẳng có gì ngoại trừ những chuyến đi, nhưng sau những lo lắng, sau những đổi thay, con người ta sẽ tập được bài học thích nghi. Rồi lại thương, lại chẳng nỡ lòng nào mà bỏ đi cho đoạn đành cái mảnh đất xa lơ lắc mang nhiều thương tưởng ấy đâu. Đấy cứ như tao đây này. Lúc bị phân về xứ khỉ ho cò gáy, cũng mang tiếng thuộc thành phố nhưng xa lẵm mù khơi, bốn mặt giáp biển, ngày chỉ hai chuyến đò qua đất liền. Thiềng Liềng, đảo trong đảo duy nhất của thành phố mình. Đang dạy mà nghe mưa là phải chạy lấy đồ đi hứng dột. Bão tới là chạy đi núp. Cái gì cũng thiếu. Nhưng hổng có thiếu tình người. Đất nào cũng vậy, lắm khi mình chọn ở lại chính là cái tình nó nắm níu đó.

Hương về đảo, ngót chừng bốn năm theo thông lệ, khi được lệnh chuyển đi lại mếu máo làm đơn xin ở lại đảo. Bạn bè có đứa chửi điên, có đứa la khùng. Dạy ở đảo làm sao kiếm tiền. Có đứa thực dụng phang thẳng vào mặt Hương câu đó. Con nhỏ tỉnh rụi, phủi tay cái rột, nếu tụi bây một lần nhìn thấy cái cơ cực và thiếu chữ của những trường xa, có lẽ tụi bây mới biết yêu cái nghề của mình. Có đứa len lén thủ thỉ, hay nó yêu ai ở cái đảo xa xôi kia. Nhưng cho đến bây giờ đã ngoài ba mươi, Hương vẫn một mình. Hương bảo nhiêu tình thì gởi vào đảo, nhiêu yêu thì gởi vào chữ, mà thiệt lòng là, giờ chỉ có lo cho đám con tao nè. Nguyên bầy trên đảo đi đâu cũng một tiếng mẹ Hương hai tiếng mẹ Hương.

Vậy nên, hôm An bảo với Hương mình chọn Lò Gò để rời xa thành phố. Hương cười nắc nẻ, còn chỉ thêm nhiều điều, bảo mua thêm nhiều thứ, lạ nước lạ cái, thân con gái, đi rừng hay đi đảo cứ bám vào mấy anh lính biên phòng mà sống. Ờ, con gái là được lính cưng lắm nhen mậy.

An chỉ thắc mắc, mình đi làm giáo viên hướng dẫn, chỉ ba tháng hè thôi, kiểu tập huấn hỗ trợ chương trình sách giáo khoa mới, thì bám lính biên phòng làm chi? Bám là bám mấy ông hiệu trưởng. Đang suy nghĩ miên man, thì xe thắng gấp đột ngột. An chúi đầu vào tấm lưng to bè của anh lính biên phòng. Cái cổng trường Chàng Riệc hiện ra. Cũng chẳng đến nỗi nào. Nhìn quanh phố xa cũng lác đác nhà ở. Có cái chợ chiều nho nhỏ, có quầy tạp hóa dăm ba món quê.

An dọm bước xuống xe, thì nghe anh lính biên phòng nhỏ nhẹ cười:

– Dạ chưa tới cô giáo ơi, mình ngồi yên trên xe nhen, có người ra đưa giấy quyết định rồi mình chạy tiếp. Hổng phải trường này, mình về trường Đa Ha. Cũng gần à, tầm tiếng nữa là tới. Nào mà nghe tiếng ve kêu vang dậy, là tới rừng, Ngó thấy đường biên giới, bên này là mình, bên kia nước bạn. Mới tới trường.

– Hả…ơ ơ ơ Ờ…

An ngó con đường bụi đỏ phía trước. Hun hút. Tháng sáu chói chang.

2.

Ngoại nói mê, ngay hôm bỏ cơm bữa thứ ba, làm gì làm, cũng cho tao về với ổng nhen bây. Bữa ngoại nằm thiêm thiếp rồi với tay bắt bướm hái hoa. Giữa những tỉnh mê, ngoại biểu má lấy cái giỏ tao đi thăm ổng. Xe An Sương chuyến chiều về Tây Ninh đông lắm. Đưa tao đi sớm cho kịp. Hay vài lần má đút sữa ngoại uống trào ra. Má dỗ ngon dỗ ngọt, uống vô lấy sức đặng còn đi Tây Ninh. Ngoại lắc đầu môi mấp máy thều thào, tiếng được tiếng mất. Lắng tai nghe thiệt kĩ, rồi ráp lại lơ mơ cũng ra cái câu ổng về rủ tao đi chơi. Mấy bận đó má hay thở dài thườn thượt ngoại bây cạn tim như ngọn đèn dầu rồi. Chắc sớm thôi.

Mà sớm thiệt, ngoại bỏ ăn sang đến bữa thứ năm thì lại uống sữa rột rột. Trưa xế má lật cái tả giấy ra thay, ngoại đi ngoài quá chừng. Má nhúng khăn ướt lau sạch người ngoại. Bận đó má nói ngoại cười. Ngoại nói rõ từng chữ. Ngoại biểu má đem cái hộp đựng nhẫn Trung quân ra cho ngoại. Má đặt vào tay ngoại cái hộp, rồi len lén chấm nước mắt. Ngoại biểu thôi tao ngủ nghen bây. Rồi ngoại nhắm nghiền mắt lại. Má điện thoại giục ba về. Má báo mấy cậu mấy dì. Mình ên má lặng ngồi bên ngoại. Chiều vỡ nhiều mảnh vàng lên khoảng hiên vắng ngoại hay ngồi đợi ông về hồi xưa.

Ngoại về với ông, mười tám tuổi đầu thanh tân đẹp lắm! Ngoại học Gia Long, Ông học Pétrus Ký. Gặp nhau lúc xuống đường, thương nhau từ những ngày bãi khóa. Yêu nhau từ hồi nắm tay nhau hát vang “Dậy mà đi”, từ Duy Tân ra đến Tòa đô chánh. Bị bố ráp, ông nắm tay ngoại chạy vào một nhà dân ven đường, trốn dưới gầm giường. Đêm đó, ông đưa ngoại về xóm Giếng nằm sâu trên con đường Phan Thanh Giản. Ông ngập ngừng ngỏ lời. Ngoại gật đầu hứa đợi. Rồi ông xuôi theo chuyến xe lam một chiều trái châu ì đùng ven đô. Mất hút. Chỉ còn vương lại nụ hôn vội bỡ ngỡ trên mái tóc dài đen mượt.

Ngoại mười bảy, bắt đầu biết ngó mong khi nghe tiếng súng vang động trên bốn ngả đường thành. Thoảng khi ngoại chạy sang nhà ông phụ hợ đôi ba việc, thăm nom ba má ông đôi ba bận, hỏi han thư từ của ông. Nhưng thời đó ác liệt, chỉ có biết thương nhau thì chờ nhau. Tin vào một niềm tin mỏng manh rằng ông sẽ về. Tin là tin vậy thôi, chứ kì thực buổi thời cuộc nghiệt ngã, người đi thì ngày càng đông, nhưng người về thì ngày càng âm u. Đôi khi là cái tin báo tử cùng vài món đồ quân hành.

Mãi một năm sau, trận Mậu Thân pháo kích dồn dập ngoài phi trường. Đêm hiu hắt tiếng gà, ngoại nghe tiếng gọi cửa, thót mình trở dậy. Ông về, đen đúa, gầy guộc, duy chỉ có ánh nhìn là sáng quắc và tình yêu thêm thắm đượm. Lần đầu tiên ông tặng cho ngoại chính là chiếc nhẫn làm bằng lá Trung quân. Ông gãi đầu, đời lính nghèo, có bi nhiêu thôi. Ông thoát ly rồi lên tận Tà Xia, có khi địch càn thì chuyển điểm qua thượng nguồn Vàm Cỏ. Núp ngay mé sông giáp ranh Cam. Động thì lặn một hơi là qua xứ bạn. Chừng êm êm thì lại mò về. Ông kể Lò Gò, ông nói Xa Mát. Bà nghe gật gù chứ có biết gì đâu. Trời chưa kịp sáng, ông lại ra đi. Ông bảo về lần này, chắc phải tàn cuộc chiến, mới có thể gặp lại bà. Ngày nước nhà thống nhất, nếu ông còn về, thì kêu ba má qua hỏi cưới. Còn không, ờ nếu không thì bà lấy chồng đi. Đời lính mà, biết đi là không có về. Bà khóc nhiều, mười tám tuổi, nơi chái bếp sau nhà, bà trao thân cho ông mà chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Biết đâu được, cả đời bà chỉ có mỗi lần này là được làm vợ của ông.

Ngoại hay kể với An, những chiều bên hiên ngồi đợi ông, dẫu dăm ba lần An thở dài thườn thượt khi nhìn phía bàn thờ, di ảnh ông đang cười hiền với hàm râu trắng phơ phất. Ngày nào ngoại cũng thế, ra hiên đợi ông, thể như ông còn đâu đó quẩn quanh căn nhà này. Dẫu đôi lần má dùng dằng với ngoại, ông đâu mà ông, ba, ổng mất cũng gần mười năm rồi má. Hồi tàn cuộc chiến ổng về trên đôi nạng gỗ, rồi má dắt tui nè, bảy tuổi đầu chạy đi nhận ba. Rồi thêm một đám nheo nhóc lọt tọt ra đời. Ổng làm tròn bổn phận rồi má ơi. Bữa ổng xin má cho ổng về với đồng đội rồi còn gì nữa.

Hổng biết ngoại nhớ hay quên, nhưng những lần má dùng dằng như vậy, ngoại buồn rười rượi, hổng ra hiên nhà cả năm ba bữa. Chừng má nhìn xót quá thì lại làm giọng cáu gắt, ủa rồi ngoại tụi nhỏ hổng ra chờ ông về hả? Ổng về hổng có ai mở cửa là ổng đi nữa đó nghen. Vậy là ngoại lại lẩn thẩn ngồi hong nắng chiều. Mắt dịu vợi ngóng đợi. Tiếng xe máy chạy ngang qua là nhấp nhổm: mình ơi!

3.

Tưởng chừng là sẽ phải khó khăn lắm mới thích nghi nổi với cái thay đổi bất chợt từ thị thành về sống với núi rừng, nhưng chỉ ba ngày sau, An thở phào nhẹ nhõm, hình như quen dần với nếp sống nơi đây. Năm giờ sáng An có muốn ngủ nướng thì cũng nghe cái giọng quen thuộc của anh lính biên phòng chạy bộ ngang qua gõ ba tiếng cửa rồi hì hục mất bóng sau mấy cây dầu rừng. Cô giáo ơi dậy đi. Vậy là An lúi húi bật dậy, làm vệ sinh cá nhân thật nhanh rồi xỏ giày chạy bộ. Mừng là đường rừng chạy mát và không khí thoáng đãng không như phố thị, chạy bộ vỉa hè mà còn phải ngó xe trước sau.

An cũng quen dần cái nếp, sáu giờ sáng là quay về phòng tắm rửa rồi ba mươi phút sau đã nghe tiếng anh lính biên phòng í ới nay ăn mì tôm thịt heo nhen cô giáo. Nay có bánh mì trứng ốp la nha cô giáo. Nay có hộp thịt nguội ăn với cơm trắng nhen cô giáo. An chỉ kịp bưng vội rồi thấy anh lính lại chạy bộ hướng thẳng về đồn. Đôi khi chẳng kịp nói câu gì. Ăn thong dong ngồi nhâm nhi bữa sáng giữa tiếng ve râm ran cả khoảng xanh mướt mát. Cảm giác luôn khoan khoái và tự tại một cách lạ kì. Những buổi sáng như thế này, làm An thấy những lo lắng suy nghĩ của ngày trước khi lên đường thật sự là chính mình hù mình mà thôi. Ở thành phố, có tìm mỏi mắt cũng không ra được không gian xanh lành này để hưởng thụ. Đô thị hóa theo nhịp phát triển mang lại một diện mạo rực rỡ vươn tầm cao thế giới, nhưng cũng lấy đi không ít những mảng xanh vốn dĩ đã hiếm hoi của phố thị. Thành thử ra, về với rừng, lòng An lại thấy bình yên đến lạ.

Lớp tập huấn hỗ trợ thật ra chỉ là những buổi lên lớp cùng các thầy cô giáo của cắm rừng, cùng mấy anh lính biên phòng cắm núi để cập nhật lại phương pháp dạy mới của bộ sách giáo khoa. Giờ An mới hiểu cái hay mà anh lính biên phòng bảo hôm đầu tiên An đến. Ở đây lính giỏi hết phần thiên hạ. Cô giáo thấy không? Xuống ca gác là lại đi làm thầy giáo. Chiều về chấm bài. Tối canh biên cương. Lính tụi tui cái gì cũng làm được hết. Mà phải làm để đem cái chữ lên rừng cô à! Xứ này giáo viên về rồi cũng bỏ đi. Đâu ai quen được cái khắc nghiệt này. Ủa vậy mấy anh thì sao? An bần thần hỏi. Chiều Đa Ha xuống rất nhanh. Mùa này bắt đầu có những cơn mưa rào ngang qua. Anh lính biên phòng băng chạy vội ra hiên trường rồi nói vọng vào. Vì tụi tui là lính mà cô giáo. Câu nói lọt thỏm giữa tiếng mưa rớt trên những tán rừng lá thấp. An nhìn chiếc áo xanh chạy trong mưa. Là mưa nên mắt An nhòa phải không?

4.

Hiệu trưởng gọi An vào phòng, một ngày cuối tháng tư, thành phố rụng nhiều cánh hoa dầu. Chiều vẫn oi nồng lên từng ngõ nhỏ. Trường ta có kết nghĩa với một số trường vùng biên giới Tân Biên. Thầy Mến vừa ngỏ ý mời giáo viên trường ta về hỗ trợ cho các điểm dạy miền núi, cập nhật sách giáo khoa mới. Thiệt ra các cô thầy cũng đã được tập huấn, nhưng cũng còn nhiều cái chưa thông. Thêm cái lệ, mỗi năm đều có giáo viên về giao lưu với các vùng miền núi để thắt chặt tình thân kết nghĩa. Năm nay thì hơi khó, một số anh chị học lên, một số thì có kế hoạch hết rồi, thêm phần dịch bệnh thấp thỏm, cô dò ý vài anh chị giáo viên nhưng họ khéo léo từ chối, nên mới nhờ em. Lò Gò xa tít, lại là thân con gái nên cũng ngại, nhưng ngó lại thì còn mỗi em là thích hợp. Học sinh miền núi thiệt thòi nhiều thứ, giáo viên miền núi cũng khó khăn trăm bề. Mình giúp gì được thì giúp em nhé.

Ờ thì… thì cô cũng là dân Tân Biên, hồi ông bà già chạy giặc, lưu lạc lên tận thành phố này. Rồi bám vào đây mà sống, mà mưu sinh, lập thân. Gần sáu mươi tuổi đời, nhiều khi cũng biết vọng cố hương chứ em. Nhưng gia đình, con cái vẫn ở đây, bỏ hổng đành. Năm vài ba lần về thăm quê, ngang mấy cánh rừng bạt ngàn xanh mướt lá, nhớ lại mấy cái kí ức vụng về thời bom đạn cùng đám bạn chạy loạn mà rưng rức. Thầy Mến chọn ở lại, chọn vào rừng theo lý tưởng. Hòa bình rồi thì cũng quyết bám quê mà gieo chữ. Gần trọn phần đời luôn gắn với các điểm trường núi. Lớp học đôi khi chỉ là cái lán giữa rừng. Vậy đó, mà ngót chừng cả đời người quẩn quanh với Tà Xia, với Đa Ha, với Xa Mát. Chẳng khi nào ngơi nghỉ để an nhàn tuổi già. Thấy người bạn thời trẻ dại giờ hai thứ tóc cứ gõ cửa nhiều nơi xin học bổng, xin sách viết cho học trò mà xót lòng. Nên em cứ về suy nghĩ rồi trả lời cô sau cũng được. Hiệu trưởng ngập ngừng nhìn An rồi thu dọn lại bàn làm việc, tiếng thở dài trôi theo từng cơn gió thổi.

An đừng lên, lấy giọng rõ to mà đáp, thôi nghĩ gì cô, em đi, cô cứ báo với phía ấy, hai ngày nữa em xuống. Chiều thổi trái dầu xoay tít trên không trung. Chuyến đi của cô, trong mớ hành trang gói gọn năm bảy bộ đồ dài, với một thứ quí giá mà cô dặn lòng, phải thực hiện cho bằng được. Là vì điều ấy, mà cô chẳng hề nao núng khi đến với vùng biên Tây Nam Bộ này.

5.

Một hôm cuối tuần không phải đứng lớp hướng dẫn, cô thỏ thẻ muốn đi đâu đó để tham quan đất rừng phương này. Anh lính biên phòng sau khi xin phép chỉ huy thì đèo cô bằng con xe bụi bặm. Thấy vậy chứ nó chạy đường rừng ngon lắm cô giáo. Con ngựa chiến của tui đó. Anh cười, nụ cười hiền lành, ánh mắt biêng biếc như rừng khộp xanh lá mùa này.

Tui dẫn cô đi trảng Tà Nốt nhen. Vùng đất ngập nước này quan trọng với rừng nơi đây. Nó bảo tồn được rất nhiều loài chim đặc biệt quí hiếm như Hạc cổ trắng, Già đẫy Java, Cao cát cổ trắng… Vừa nói anh lính biên phòng vừa giơ từng ngón tay đếm. Mùa này thì ít nước, nhưng chừng tháng mười là cả trảng ngập nước, chim chóc bay về rợp trời. Rừng mà cô giáo, sinh cảnh vẫn còn thiên nhiên thuần túy, nên chim chóc cứ tới mùa là quay về sinh sôi nảy nở.

Anh lính biên phòng dẫn cô lên đài tháp cao bảy tầng. Ngó bên này là nước mình, ngó bên kia là đất bạn. Thời chiến tranh loạn lạc, mình toàn ẩn vào rừng mà sống. Rừng che chở cho mình, che chở cho cuộc trường kì kháng chiến. Nên ở đây, rừng được bảo vệ nghiêm lắm! Lính gác hai bên cũng quen thân như thể anh em. Chốt này cách chốt kia có năm chục mết hà. Bên nào có gì ngon lại ra bảng cột mốc mà hú hới nhau. Cười hề hà. Bên này cho bên kia hộp lương khô, bên kia cho lại mớ trái Gùi mới chín. Bên kia đẩy xe qua xin đám lá Trung quân về lợp trại, bên này cũng dằng dặc đòi cho bằng được mớ Rỏi rừng đang mùa say trái. Sống ở rừng hổng có gì hết. Có mỗi cái tình người chan hòa vì nhau mà sống. Vì đất này mà tụi tui ở lại.

Chiều Tà Nốt hoàng hôn chia đôi, nửa phần bên đất bạn, nửa phần bên nước mình, dẫu ở bên nào, hoàng hôn cũng vàng võ một màu cô đơn hiu hắt. An hỏi anh lính biên phòng vợ con gì chưa chú bộ đội. Chứ chở tui đi vòng vèo vậy, lỡ tui bị quánh ghen tội tui lắm nhen anh. Anh lính chưng hửng rồi gãi đầu mắc cỡ, lính ế đều cô giáo ơi. Lính rừng mà, làm bạn với cây, nói chuyện với súng, kết thân với đất. Buồn buồn thì lấy lá Trung quân kết thành mấy cái nhẫn, mấy cọng dây chuyền, để dành tặng người yêu. Mà để dành tới mùa Trung quân thay lá, cũng đâu có biết mặt mũi người yêu là ai. Tin không tui hai mươi tám tuổi đầu, chứ chưa có dám yêu ai hết. Sợ làm người ta khổ. Làm người yêu của lính, nhiều thứ thiệt thòi, yêu lính biên phòng còn khổ hơn. Một năm chắc gặp nhau chỉ một đôi lần là nhiều. Lính vùng biên, có khi hai ba năm chẳng thể về thăm gia đình.

Ơ thế chú bộ đội mới hai tám thôi à! Gọi tôi bằng chị đi nhé, tôi ba mươi hai đây này! Nhưng chú bộ đội yên tâm, hổng phải một mình chú ế, tui cũng ế nhệ đây nè. Tiếng cười của cả hai luồn trong đám lá thấp, vang bổng khắp con đường về. Chiều biên giới hôm ấy, là một buổi chiều bình yên đến lạ.

6.

Giữa những lúc lẩn thẩn nhớ quên, ngoại hay kể mấy cái điều xa xưa cũ mòn. Kiểu như ông bây giỏi lắm, ổng gan dạ lì đòn. Tụi nó bắt ổng trong một lần phục ở Tà Xia, tụi nó lôi về sân bay Thiện Ngôn đánh nhừ tử, tính đem ra Côn Đảo, nhưng hình như trời thương. Đêm ổng canh tụi nó ngủ say, ổng cạy ngục rồi trốn vào rừng. Cứ lấy lá ngụy trang mà băng rừng về tới căn cứ R. Cứ lội bộ đường rừng, đói thì lấy trái rừng ăn. Khát thì tìm suối mà uống. Đi mệt thì chui vào mấy cái đám lá tối màu mà ngủ. Trời còn thương.

Tỷ như ổng nhớ rất dai bây ơi! Sau trận trốn ngục, ổng dẫn cả tiểu đội, nửa đêm vây đánh sân bay Thiện Ngôn, đánh phá vậy thôi, rồi rút. Cứ kiểu đánh du kích làm địch rối tung rối mù. Cũng trong trận đánh đó, thằng bạn thân hy sinh tại chỗ. Một thằng bị địch bắt. Ổng bị thương nằm cạnh thằng bạn thân trúng đạn. Địch cho nã liên tục. Chắc tổ tiên độ, đạn không rơi trúng lùm cây ổng trốn. Ổng nằm đó, hai tay hai súng, nằm giữ xác bạn. Là nằm chờ chết. Ổng nói giây phút đó, ổng chỉ cầu mong sau này tao lấy chồng khác vẫn được yêu thương hạnh phúc là ổng mãn nguyện. Nhưng mà ổng đâu biết, năm đó ổng còn có một đứa con đã chập chững biết hỏi ba ở đâu? May là trong đêm, bên mình tìm ra trước theo kí hiệu dấu lá để lại trên đường hành quân. Vậy là hai bên từ xa ra ám hiệu. Hai chớp ngắn ba chớp dài. Cây đèn pin buông thõng xuống giữa đám lá, ông bây kiệt sức, cũng là lúc đồng đội theo phía sáng đèn pin mà lần mò tới.

Thằng bạn xác qui tập về rừng. Thằng còn lại nghe đâu cũng bị tra tấn đến chết, tụi nó cho máy bay thả xác xuống Xa Mát, xác vướng cây rừng, vắt vẻo trên cao. Mãi cả tháng sau, trên đường hành quân ngang qua, mấy anh lính chung tiểu đoàn mới phát hiện. Ổng trở về cứ thao thiết ngày sum vầy cùng đồng đội. Bận ổng đi, ổng trối cứ đem tro cốt về rừng mà rải. Nơi đó đồng đội ổng còn đang hành quân. Nơi đó bạn bè còn chờ ổng về để báo công. Mà chừng tao mất đó An, bây cũng đem tao về nơi đó nha. Gái theo chồng mà con, đồng đội ổng có ai biết tao đâu bây. Tao về ra mắt người ta.

Ngoại trối hệt như ông. Rồi ngoại cũng đi. Tròn ba năm tang chế, má đắng đót cái di nguyện của ngoại biết chừng nào làm được. Má cũng già rồi, lên rừng lội suối, sức đâu mà nổi. Mấy bận giỗ ngoại, má cứ thở dài thườn thượt. Biết khi nào ngoại bây mới về được với ông?

7.

An xuôi theo chiếc tàu cùng anh lính biên phòng về thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Mùa gió no căng những sóng nước. Chiếc hũ đựng tro cốt được An cẩn thận bọc trong tấm vải trắng. Suốt hai tháng ở Lò Gò, đêm nào An cũng thì thầm cùng ngoại. An kể ngoại nghe những câu chuyện của rừng, của đời lính can trường anh dũng. An kể cho ngoại nghe chắc ông đang cùng đồng đội hành quân qua những cánh rừng lá thấp. Ở rừng có nhiều cái hay, tỷ như cái hoa dầu nó to gấp năm lần mấy cánh dầu của thành thị. Hay như trẻ em nơi này lấm lem đen trùng trục nhưng hễ gặp cô giáo thì khoanh tay chào rất lễ phép. Dân biên giới chẳng có gì, có mỗi tấm lòng thảo thơm. Hôm con gà, bữa trái bắp, có khi là dăm ba bó rau rừng nhưng chân tình thắm thiết. Mấy anh lính rừng anh nào cũng hiền, cũng thương cô giáo thị thành. Nghe mưa là hối hả chạy về phòng cô giáo, sợ cô giáo bị dột. Rồi hì hục lợp lá trung quân lên mái để cô giáo an tâm nghỉ ngơi. Có dịp chạy ra chợ huyện thể nào cũng mua cho cô giáo kem chống nắng, nước xịt côn trùng, mấy thứ cả đời lính biên phòng chẳng dùng tới. Giờ thì An hiểu vì sao ông thương cái mảnh đất giáp biên này đến vậy. Cạn cùng cuộc đời cũng nhất quyết về với Lò Gò mà thôi.

Từng đợt tro ngoại được An thả xuôi dòng. Vậy là ngoại lại về với ông. Hổng biết ngoại ra mắt đồng đội ông có vui lắm không? Chẳng còn tiếng pháo sáng, chẳng còn mùi khói súng, chẳng còn cái thắt thẻo trông đợi ngóng chờ của thời lửa đạn. Ngoại về với ông, đất Lò Gò lại thêm một hương linh tìm về như mười bốn ngàn hương linh tề tựu tại đây, họ nằm nghe khúc quân hành vang dậy rừng xanh.

Anh lính biên phòng cho tàu cặp sát mé sông. Cô giáo có gì buồn thì gởi vào cây Gừa ngàn tuổi này nhen! Lính biên phòng tụi tui mỗi lần nhớ nhà, nhớ cha mẹ, hay đại thể có gì buồn lo, cũng đến cây Gừa này mà thủ thỉ với ông Gừa. Hồi đó có anh bạn cắc cớ, hỏi cây Gừa sao đời lính cái gì cũng vui, mỗi tội khó có người yêu quá. Vậy mà linh thiệt đó cô giáo. Chừng năm sau ảnh lấy được vợ. Gừa ngàn năm nên thiêng lắm cô giáo à!

An ngồi giữa chiều mùa hạ. Rừng lào xào lá đổ. An nói gì với ông Gừa, với đất Lò Gò, với dòng Vàm Cỏ đây? Hổng lẽ An nói con tim mình đã để quên lại mảnh đất này! Hoàng hôn bắt đầu thẫm tím mé sông. Tàu xuôi dòng về lại đồn Lò Gò. Bốn bề lặng im. Ờ thì lặng im từ lúc An khẽ khàng nói ngày mai mình về lại thị thành. Anh lính biên phòng chưng hửng rồi lặng lẽ nổ máy tàu. Sóng nước dập dềnh mấy cây tràm ven sông. An khẽ mấp máy bài hát về miền Đông đất đỏ. Giọng hát quyện gió treo lưng lửng thinh không. Tóc An bay theo rối cả một vùng mắt buồn. Tiếng hát bời bời lòng dạ anh lính biên phòng.

Sớm trời chưa hửng nắng, anh lính biên phòng mang đến cho An một bịch Rỏi vừa hươm hươm chín. Lính đâu có gì, lính chỉ mấy thứ trái rừng. Ờ có thêm cái này. Mấy cái lá Trung quân này ngộ lắm, lửa đốt không cháy. Tui… ờ thì tui… xếp mấy cái hình vui vui tặng cô giáo coi thử thích hông nhen!

Ngồi phía sau xe anh lính biên phòng về lại chợ huyện, An ngoái đầu nhìn bụi tung mờ mảnh đất giáp biên. Nghe lòng mình dường như đâm chồi nảy nở một nhánh cây thương tưởng cho cánh rừng này. Chiếc xe đò chở An về lại nhà buổi ấy cứ chênh chao những nỗi niềm.

8.

Cô Hiệu trưởng cười tươi khi đón nhận túi quà trái Rỏi rừng cũng như bản báo cáo chuyến đi từ An. Thầy Mến đánh giá em tốt lắm đó. Thầy hỏi em ưng về Lò Gò làm dâu đất rừng không kìa? Thầy cũng là lứa đi qua từ cuộc chiến. Anh lính biên phòng hậu cần cho em là con trai thầy đấy, biệt phái riêng bảo vệ cô giáo thành phố nhen! Thầy cũng có cha hy sinh trong cuộc chiến. Nghe đâu trận vây đánh sân bay Thiện Ngôn, tổ của cha thầy có ba anh lính. Một anh hy sinh tại chỗ, một anh thương nặng mất cái chân. Còn cha thầy thì bị bắt. Tụi nó tra khảo đến chết. Rồi cho máy bay thả xác đâu đó trong rừng Lò Gò. Nghe đâu xác vướng cây mãi tháng sau tiểu đội hành quân ngang vô tình mới thấy. Bình yên nào cũng phải đi qua những đớn đau. Chẳng có hạnh phúc nào mà không đánh đổi. Cả đời thầy Mến, rồi tới con thầy vẫn bám đất Lò Gò mà sống. Bởi trong từng tấc đất đó, có máu của cha họ, của mười bốn ngàn đồng đội họ đã hy sinh cho hai chữ thống nhất. Vậy nên, thầy Mến mới đặt tên cho đứa con trai là Thống Nhất.

An ra khỏi phòng cô Hiệu trưởng, nghe lòng mình dậy lên nhiều niềm thương da diết. Cái trái tim làm bằng lá Trung quân của anh lính biên phòng được An cất kĩ trong chiếc ví cầm tay. Hôm An leo lên xe đò một đỗi thì nhận được tin nhắn của anh lính biên phòng: Trái tim Trung quân chẳng bao giờ có thể cháy đi.

Chiều rơi xuống thành phố những vệt nắng cuối hạ ruộm vàng. An lững thững giữa phố xá tan tầm ngược xuôi người xe. Tiếng ồn ào huyên náo cả dãy đường. Bất giác, mấy trái dầu theo cơn gió xoay tròn trước mặt An. Máy điện thoại An lại rung lên dòng tin nhắn từ anh lính biên phòng: Mùa Trung quân thay lá, biết cô giáo có về rừng nữa không?

Giữa liến xáo thị thành, chiều mây giăng kín lòng, An nghe rõ mồn một tiếng hát chính mình bữa trên dòng sông Vàm Cỏ.

Lò Gò – Xa Mát 2021