Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc.

Gồm các truyện sau:

– Tường Vi đỏ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 2.10.2023

– Ranh giới mong manh

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 3.10.2023

– Một thoáng bông hồng đỏ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 4.10.2023

– Vượt ngục

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 5.10.2023

– Về một thời đã cũ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Sáu ngày 6.10.2023

Trần Quang Lộc

Thường trú TP Quy Nhơn. Nguyên cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định.

– Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

– Hội viên Hội nhà báo Việt Nam

– Hội viên Hội văn học nghệ thuật Bình Định

Đã xuất bản 4 tập truyện ngắn:

1. Trăng 16

2. Một thoáng hoa hồng đỏ

3. Làng ven sông ngày ấy

4. Làng Krona.

Có tác phẩm tham gia trong các báo, tạp chí, tuyển tập:

Báo Văn nghệ Hội nhà văn, Báo Văn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, các tuyển tập của Nhà xuất bản Hội nhà văn, tuyển tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, tạp chí văn nghệ các địa phương.

Giải thưởng:

03 giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu

01 Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

Mời quý vị nghe chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc qua sự thể hiện của các giọng đọc: Võ Đào Phương Trâm, Trần Đăng Kim Trang, nhà thơ Trương Công Tưởng và nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

   Trần Quang Lộc             

                                      MỘT THOÁNG BÔNG HỒNG ĐỎ

                                          Anh yêu em âm thầm không hi vọng

                                                                Puskin

Gốc gác dân nghèo thôn mạc, hơn nửa đời người bon chen trên phố phường chật chội, tất bật trong cuộc mưu sinh. Những lúc đầu óc căng thẳng, tinh thần mỏi mệt, tôi thấy nhớ chút gió heo may của đồng quê tươi mát, thích nghe tiếng chim hót râm ran trong vườn vào mỗi buổi bình minh, thèm ngắm mảnh trăng rơi bên ngoài ô cửa… Những lúc như vậy, tôi định về thăm cái làng nhỏ của một huyện miền trung du chạy dọc theo dòng sông quê lộng bóng mây trời, bên dãy đồi sim thẫm tím… Đó là quê hương, là nơi mang nhiều kỉ niệm vui buồn thời thơ trẻ của tôi. Nhưng khi nghĩ đến việc phải ngồi tàu hoả hơn nửa ngày rồi chuyển sang xe ôm vượt qua con đường quê dài dằng dặc, đá dăm lởm chởm, đầy ổ gà sống trâu, len qua những sườn đồi heo hút quanh năm sương trắng bồng bềnh, tôi lại thấy ái ngại!

Trong không khí oi bức ngột ngạt của mùa hè, trong cảnh ồn ào náo nhiệt của phố phường, lại nhằm lúc lòng tôi đang có nhiều khoảng trống thì một người bạn sống cách xa thành phố chưa đầy bốn mươi cây số tính theo đường chim bay, gọi điện mời tôi về chơi quê anh. Bằng chất giọng hơi quê, thật thà, anh bảo: “Anh Thanh, mùa hè năm nay nếu không bận gì mời anh về quê tôi chơi một chuyến. Ở đây có núi rừng, có đồng ruộng, sông nước, không khí lại trong lành mát mẻ, chắc sẽ làm anh thú vị”.

Bạn tôi còn thận trọng chỉ dẫn đường sá: “Anh đón xe đò lên thị trấn Phù cát rồi thuê xe ôm xuống nhà thờ Đại Ân. Từ nhà thờ, men theo con đường đất nhỏ chạy vào xóm núi. Dọc đường, hỏi nhà Quốc Hùng thì ai cũng biết”.

Tôi và Quốc Hùng quen nhau trong trường hợp khá đặc biệt. Mùa hè năm ấy, tôi được điều về giám sát kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học tại hội đồng thi thị trấn Phù Mỹ. Môn thi văn buổi sáng ngày thứ nhất chỉ còn mười lăm phút nữa là kết thúc, tình cờ, tôi bắt gặp giám thị phòng 12 đang chuyển đáp án cho một thí sinh nữ ngồi cạnh cửa sổ. Lập tức, tôi gọi anh giám thị đến, nói giọng của cán bộ cấp trên đang thi hành nhiệm vụ:

– Này, anh giao tài liệu cho tôi!

Người giám thị mặt tái nhợt, tay chân luống cuống.

Tôi lập lại câu nói như một mệnh lệnh:

– Đưa tài liệu đây!

Anh líu ríu bước đến đưa tài liệu môn văn cho tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt của người biết lỗi:

– Mong anh thông cảm. Tôi là cậu ruột của cháu Thanh. Nó rất yếu môn văn. Đã trượt năm ngoái. Kỳ này hỏng nữa cháu sẽ thôi học.

Thái độ nhẫn nhịn, chịu đựng và lời lẽ tha thiết ấy vẫn không làm thay đổi nét mặt với giọng nói lạnh tanh của tôi:

– Dù là con cháu ai mình cũng phải nghiêm túc làm tròn trách nhiệm của cán bộ coi thi để bảo đảm sự công bằng. Anh đã học quy chế coi thi chưa?

Anh giám thị đứng lặng người, chờ đợi… Mặc dù rất xúc động bởi những giọt nước mắt của cô nữ sinh kháu khỉnh dễ thương và biết chắc anh không phải loại thầy giáo chuyên chạy mánh trong các kỳ thi, nhưng sau đó, tôi vẫn cương quyết đề nghị Chủ tịch hội đồng lập biên bản về tội vi phạm quy chế trong khi thi hành nhiệm vụ.

Buổi thi kết thúc. Cơm nước xong xuôi, tôi về nhà người bạn gái nghỉ trưa và kể cho nàng nghe câu chuyện vừa xảy ra tại phòng số 12 Hội đồng thi Phù Mỹ. Bạn tôi tên Ngọc Anh, là giáo viên đang công tác tại một trường phổ thông trung học cách thị trấn Phù Mỹ non cây số. Kỳ thi năm nay, Ngọc Anh có tên trong danh sách hội đồng chấm nên được miễn coi thi. Nghe xong chuyện, Ngọc Anh hỏi:

– Giám thị bị lập biên bản có phải tên Quốc Hùng không?

– Phải.

– Thí sinh tên Thanh, số báo danh 02…?

Tôi ngạc nhiên nhìn người bạn gái bằng ánh mắt đầy vẻ nghi hoặc!

Ngọc Anh bỗng thở dài rồi cho tôi biết đôi nét về cậu cháu Quốc Hùng:

– Thanh đúng là cháu gọi Hùng bằng cậu ruột đó anh. Mẹ nó là bạn học với em ngày xưa và cũng là giáo viên thời chống Mỹ. Thanh đang ở với bà ngoại già yếu tại một làng ven biển thuộc xã Mỹ Thắng. Hùng tuy theo quê vợ nhưng hàng tháng phải gửi tiền về vừa nuôi mẹ, vừa nuôi cháu Thanh ăn học. Năm ngoái cháu Thanh thi trượt môn văn, kỳ này hỏng nữa thì gay lắm! Chắc cháu sẽ thôi học!

Câu nói cuối cùng của Ngọc Anh như một lực vô hình khiến tôi ngồi bật dậy, lòng day dứt! Nếu xét về góc độ tình người thì cách xử sự của tôi đối với Hùng vừa rồi là nhẫn tâm, là cay nghiệt. Tôi xoay sang trách bạn:

– Em hiểu rõ sự việc sao sáng hôm qua không cho anh biết trước?

– Với trách nhiệm giám sát cuộc thi, anh xử lý như vậy là đúng, chỉ tiếc một điều, những người chuyên chạy mánh một cách lộ liễu, trắng trợn trong các kỳ thi vẫn cứ an nhiên, tự tại. Trong khi… Ngọc Anh khoát tay – Mà thôi, bỏ qua đi. Chuyện thi cử bây giờ chán phèo!

Trưa hôm đó, cái dáng vẻ nhẫn nại chịu đựng của Hùng và đôi mắt đỏ hoe của cô học trò kháu khỉnh cứ va đập vào tâm trí khiến tôi không thể nào chợp mắt được. Buổi chiều, trước khi bắt đầu thi môn tiếp theo, tôi gặp Hùng tại hành lang:

– Anh Hùng, mong anh bỏ qua cách xử sự quá cứng nhắc của tôi sáng nay!

Hùng nói thản nhiên:

– Đấy là lỗi của tôi!

Những hôm sau, tôi thường chủ động đến trò chuyện thân mật với Hùng và nhận thấy anh là người tự trọng. Sở dĩ anh vi phạm quy chế coi thi là vì nóng lòng về đứa cháu. Hoá ra, đến một lúc nào đó, con người cũng khó mà làm chủ được chính mình. Cũng như tôi, lúc đầu, cương quyết lập biên bản đề nghị kỷ luật giám thị Quốc Hùng, nhưng trong buổi họp hội đồng thi lần cuối lại xin huỷ bỏ.

Kỳ thi kết thúc, trước lúc chia tay, tôi ghi địa chỉ cho Hùng và căn dặn khi nào xuống Quy Nhơn nhớ ghé nhà chơi. Mặc dù Hùng tỏ vẻ sốt sắng nhận lời, nhưng tôi tin, anh sẽ không bao giờ đến gặp tôi dù chỉ một lần. Không ngờ, khoảng hai mươi ngày sau, Hùng tìm đến nhà tôi. Tôi đón tiếp ân cần, niềm nỞ và không quên hỏi thăm về kết quả kì thi của cháu Thanh. Hùng lắc đầu chán nản:

– Lại hỏng. Tổng cộng 38 điểm, điểm liệt môn Văn!

Câu trả lời của Hùng làm cho tôi hết sức bối rối và nhìn anh bằng ánh mắt mà anh đã nhìn tôi vào buổi sáng ngày thi đầu tiên. Dường như hiểu rõ tâm trạng của tôi, Hùng vội chuyển sang đề tài khác:

– Vừa rồi báo tỉnh có đăng cho tôi bài thơ. Hôm nay xuống nhận nhuận bút và báo biếu, luôn tiện ghé thăm nhà anh.

Tôi kêu lên đầy phấn khích:

– Anh còn làm được cả thơ nữa à?

– Mình không có mưu đồ văn chương chữ nghĩa đâu. Ở quê buồn, đôi lúc cũng viết lách nhì nhằng để giải toả nỗi niềm thôi anh.

Chúng tôi xoay sang bàn về vấn đề thi cử, về thái độ thờ ơ của đa số học sinh đối với môn Văn…

Cơm nước xong, anh dứt khoát ra về mặc dù tôi cố tình níu giữ. Sau này, có dịp xuống Quy Nhơn là anh ghé lại thăm tôi, khi thì biếu chục xoài, lúc thì ràng bánh tráng hoặc chai mật ong nguyên chất, gọi là chút đặc sản quê nhà. Đấy cũng là tính cách đáng quý của những thầy giáo trường làng.

Lần nào cũng vậy, trước khi ra về, anh không quên mời tôi lên thăm quê anh một chuyến. Tôi cứ lần lữa mãi. Một năm, rồi hai năm, vẫn chưa thực hiện nổi lời hứa với bạn! Bận việc? Ngại xê dịch? Sợ lên xe xuống cộ dọc đường?! Đôi lúc tôi cũng chưa hiểu hết về mình…

Theo sự chỉ dẫn tỉ mỉ của Hùng, tôi đón xe đò lên thị trấn Phù Cát, thuê xe ôm xuống trước nhà thờ Đại Ân. Từ cổng nhà thờ, tôi cuốc bộ theo con đường đất đỏ chạy vào xóm núi. Đường hẹp (người miền núi gọi là truông), hai bên mọc đầy dú dẻ xen lẫn những bụi ổi tàu cao quá đầu người, ra rả tiếng ve. Một làn gió thoảng qua, hương hoa dú dẻ ngan ngát, dìu dịu lan toả trời chiều gợi tôi nhớ về một thời tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo như giọt sương buổi sớm. Ngày xưa, cứ mỗi hoàng hôn trên quê nhà, tôi thường rủ bạn lên đồi hái hoa dú dẻ đựng đầy túi áo để đêm về, mùi hương ngọt ngào ấy lan toả trong mơ. Trên con đường phiêu bạt sau nầy, mỗi khi bắt gặp mùi hoa của núi rừng thân thuộc, tôi lại thấy nhớ quê hương da diết.

Đi hết con truông là một khoảng không gian thoáng đãng, lộng gió vỡ òa ra trước mắt với bãi mía, nương ngô, sông nước… đâu đâu cũng khoe cái màu xanh mơn mởn tràn đầy sức sống dưới ánh nắng của buổi chiều quê.

Xen lẫn với tiếng hót lảnh lót của con chim bách thanh đậu trên cành cây gạo nở hoa đỏ ối, hình như có ai gọi tên tôi? Quay về nơi có tiếng người, tôi bắt gặp một thanh niên thấp đậm, mặc áo lính, đội mũ cói rộng vành, đang đứng phía bên kia dòng suối, cạnh bãi ngô non, nhìn tôi chăm bẳm. Tôi mừng rỡ kêu lớn:

– Hùng! Quốc Hùng đấy phải không?

Hùng băng qua con suối cạn, thong thả tiến về phía tôi:

– Anh Thanh! Vậy mà tôi cứ tưởng anh bận công tác nên không lên chơi được.

Tôi nắm lấy bàn tay thô ráp của Hùng:

– Anh đang làm cỏ ngô phải không? Vậy thì để tôi giúp một tay. Hết buổi ta cùng về. Tôi gốc nương rẫy mà.

Hùng ghìm tay tôi lại:

– Việc nhà làm lúc nào chẳng được. Mấy thuở anh lên chơi. Ta về thôi.

Chúng tôi lấy thuốc ra đốt, vừa đi vừa bàn tán sôi nổi về vụ mía của anh năm nay bội thu… Tàn vài điếu thuốc, chúng tôi đã về đến nhà Hùng. Nhà nằm dưới chân đồi, lọt thỏm giữa vườn cây ăn quả cành lá sum suê xanh ngắt một màu, mái ngói rong rêu cũ mốc. Nhìn chung, cảnh quang ở đây thoáng mát, tĩnh lặng, thích nghi với những ai sống nghiêng về nội tâm, những nhà sáng tạo nghệ thuật. Hùng đưa tôi vào phòng khách, giọng cởi mở:

– Bà xã về chỗ ông nhạc gia chuẩn bị làm đám cưới cho cậu em út. Mấy thuở ông anh lên chơi, xin cứ tự nhiên.

Trong lúc Hùng đang loay hoay pha trà, tôi kín đáo đảo mắt qua căn phòng một lượt: Tiện nghi đầy đủ, bài trí gọn gàng, có thẩm mỹ. Trên tường có treo phiên bản những bức tranh nổi tiếng của Georges, Signac, Breston, tranh thủy mặc Trung quốc. Ánh mắt của tôi bỗng chạm vào một tấm ảnh bán thân đen trắng, cỡ 18 x 24cm, nước thuốc đã chuyển màu, lồng trong khung kính treo bên cạnh giá sách. Đó là ảnh của một cô gái khoảng chừng mười tám đôi mươi tuổi, tóc xoã ngang lưng, vầng trán thông minh, khuôn mặt trái xoan đầy gợi cảm. Càng nhìn, tôi càng thấy người trong ảnh có những nét quen quen… Hình như tôi đã gặp cô ấy ở đâu đó ít nhất cũng một lần. Gặp ở đâu? Trong dịp nào? Tôi hoàn toàn thất vọng! Hình như trí nhớ của tôi đã có vấn đề? Trong vực sâu của kí ức, người trong ảnh cứ huyễn hoặc, mơ hồ như khói sương, lúc ẩn lúc hiện! Cố tập trung hết thị lực vào người trong ảnh, hy vọng sẽ phát hiện ra một điểm gợi mở nào đó, dù hết sức nhỏ, nhỏ như một cây kim trên sàn nhà chẳng hạn. Nhưng vẫn là sự quên lãng, vẫn bị chôn vùi…

Thấy tôi bị tấm ảnh thôi miên, cuốn hút, Hùng lên tiếng:

– Đấy là chị Kim Hà, chị kề tôi đấy anh.

– Kim Hà?! – Mắt vẫn không rời tấm ảnh, tôi lập lại tên Kim Hà như người mộng du.

Bỗng có một luồng chớp loé sáng trong tâm thức làm tôi bừng tỉnh. Trời ơi! Phải rồi, đây chính là Kim Hà trên 30 năm về trước, cô nữ sinh Trưng Vương xinh đẹp đã làm cho trái tim tôi lần đầu xao động!

Tôi vội quay sang Hùng, giọng đầy phấn khích:

– Phải Kim Hà có người cô ruột cách đây trên ba mươi năm là chủ hiệu điện Nam Kỳ ở Quy Nhơn?

Hùng nhìn tôi ngạc nhiên:

– Anh Thanh cũng biết chị Kim Hà?!

Hùng rót nước mời tôi. Nâng tách trà lên chiêu một ngụm rồi hướng tầm mắt sang bên kia ngọn đồi cỏ tranh tím thẫm ánh hoàng hôn. Một thời dĩ vãng xa lắc xa lơ tưởng chừng đã rơi tuột sang bên kia tận cùng ký ức bỗng hiện lên rõ ràng, sắc cạnh như một bộ phim câm quay chậm…

Mùa thu năm ấy, tôi đang theo học lớp đệ nhị (mười một bây giờ) tại trường Trung học Cường Để thì chiến tranh nổ ra ác liệt trên quê tôi, một vùng đất vốn đã nghèo xác xơ, đời người cơ cực! Cha tôi theo cách mạng, sau này hy sinh trong một trận đánh lớn vùng chiến khu Đông. Mẹ tôi xuống thị trấn Bồng Sơn ở nhờ nhà cô em họ, hằng ngày buôn bán hàng rong nuôi tôi ăn học. Nhưng sự quyết tâm của người mẹ già yếu với cái gánh hàng oằn nặng đôi vai suốt ngày ngược xuôi trên các tuyến phố cũng chỉ giúp tôi theo hết năm học. Thế là tôi phải từ biệt thời học sinh đầy kỷ niệm để theo học nghề, chủ yếu là kiếm chén cơm lúc khó khăn chứ trong thời tao loạn ai còn nghĩ đến tương lai xa vời?! Nơi tôi học việc là hiệu điện Nam Kỳ nằm trên đường phố chính thành phố Quy Nhơn. Người chủ hiệu rất tốt bụng nhưng nóng tính. Ông sẵn sàng trút bỏ sự bực dọc của mình lên bất kì người học việc nào đang ngồi bên cạnh. Bọn học việc chúng tôi thường gọi ông là chú Tư. Thấy tôi thông minh nhanh nhẹn, hiền lành, không những vợ chồng chú Tư cho tôi ăn cơm ngay từ ngày đầu học việc mà còn dành một góc nhà kho để tôi dùng làm chỗ ngủ đêm. Đổi lại, ngoài giờ học nghề, tôi phải giúp thím Tư làm một số công việc nhà như gánh nước, rửa bát…. Cùng làm việc với chú Tư, chỗ nào tôi chưa hiểu, chú sẵn sàng chỉ bảo ân cần, nhưng tôi phải luôn dè chừng mỗi khi chú tỏ ra bực bội trong công việc.

Ở nhà chú Tư gần hai tháng thì có một cô gái xinh đẹp đến xin trọ học. Sau nầy mới biết, đó là Kim Hà, cháu gọi thím Tư bằng cô ruột, đang học lớp đệ tam (lớp 10) trường Trưng Vương. Chú Tư vô sinh nên vợ chồng chú xem Kim Hà như con ruột.

Từ ngày có Kim Hà, tôi không phải bận tâm lắm về những công việc lặt vặt trong nhà hàng ngày. Nhưng thay vào đó, sự tự ti mặc cảm làm cho tôi rất khổ tâm. Hà xinh đẹp thơm tho, tôi lam lũ nhếch nhác. Hà là cháu ruột của bà chủ giàu có, tôi chỉ là gã học việc kiếm cơm. Mỗi lần thấy Kim Hà tươi trẻ hồn nhiên với đám bạn trai con nhà giàu, tôi cứ than thầm cho số phận. Cái sĩ diện, tự ái của một gã trai mới lớn khiến tôi trăn trở, dằn vặt, có lúc nảy sinh ý định rời thành phố đến xứ khác kiếm sống.

Một hôm, tôi đến phòng học của Kim Hà để chữa cây đèn bàn, thấy Hà đứng cạnh bảng đen, lúng túng trước một bài toán hình hóc búa. Liếc nhìn qua trang sách bài tập trên bàn, tôi biết, đó là loại toán tìm quỹ tích của một điểm, loại toán mà hồi học lớp đệ tam tôi rất nổi tiếng, nó đòi hỏi người giải phải thông minh và đôi lúc phải có óc sáng tạo. Tính háo thắng của một thời khiến tôi buột miệng:

– Phải vẽ thêm để có cơ sở chứng minh!

Hà quay lại nhìn tôi bằng đôi mắt kinh ngạc lẫn tự ái:

– Ông cũng biết giải toán à?!

Không trả lời câu hỏi có ẩn ý gì đó, tôi thản nhiên cầm phấn đến bảng đen, vẽ lại hình rồi lần lượt diễn giải để đưa ra kết quả chính xác.

Lần này, Hà bỗng nhìn tôi khác trước:

– Ông học ở đâu mà giải được loại toán nầy?

Sự hưng phấn trong tôi xịu xuống và lúng túng trước Kim Hà:

– Tôi… tôi tự học thôi mà!

Ba hôm sau, Kim Hà lại đến nhờ tôi giải hộ bài toán đại, loại toán chỉ dành cho học sinh giỏi. Không cần biết chủ đích của Hà, sau khi xem lướt qua đề bài, tôi giải liền một mạch bằng nhiều cách khác nhau khiến Hà nhìn tôi cảm phục… Từ đó, cách cư xử của Hà dành cho tôi hoàn toàn khác trước. Công việc nhà của tôi được Kim Hà tự nguyện chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi giúp Hà giải những bài toán khó hoặc tìm cho nàng những áng văn hay. Những lúc rỗi việc, Hà thường kể cho tôi nghe về cái làng quê ven biển đầy gió cát, về những kỉ niệm thời học sinh hồn nhiên trong sáng, về những người bạn thân phải thôi học vì hoàn cảnh chiến tranh. Mối quan hệ thường ngày đó làm khoảng cách giữa tôi và Hà có rút ngắn lại đôi chút, làm dịu bớt sự tự ti mặc cảm tiềm ẩn trong tôi. Rồi đến một lúc nào đó, tôi không còn nhớ rõ, tôi chợt phát hiện ra một thứ cảm giác rất lạ lẫm, rất mơ hồ lãng đãng như khói sương mỗi lần tiếp xúc với Kim Hà! Gần gũi Kim Hà thấy cuộc đời rực rỡ một màu hồng đáng yêu, vắng Kim Hà trong tôi chỉ là một khoảng trống! Tôi tự nhủ: hay mình đã yêu…? Nếu quả vậy thì mình đã phạm phải sai lầm là tự dìm mình trong mộng ảo. Hà là cô nữ sinh xinh đẹp, cháu của bà chủ giàu có; còn tôi, tôi chỉ là gã học việc, lúc nào mặt mũi cũng nhớp nháp dầu mỡ, tương lai mịt mù. Nhiều đêm thao thức tôi tự dặn lòng: Nên sống thực tế, đừng vướng vào chuyện yêu đương lệch chuẩn rồi sẽ ôm hận suốt đời!

Riêng Kim Hà, đôi lúc nhìn tôi bằng ánh mắt rất khó hiểu, tự nguyện đổi cách xưng hô, thường đem tôi ra khoe với bạn bè cùng lớp, chia sẻ cùng tôi những chuyện vui buồn. Nhưng với tôi, Hà vẫn cứ xa vời vợi! Cái thế giới tình cảm của cô nữ sinh mười bảy tuổi đầy bí ẩn, đâu dễ dàng mà nắm bắt!?

Rồi tôi biền biệt xa Hà với một lí do lẽ ra không đáng có, mãi cho đến hôm nay cũng chỉ mới gặp lại người trong ảnh…

Hôm ấy, vợ chồng Chú Tư đi dự đám cưới của người cháu họ ở tận An Khê, Chú bảo chiều hôm sau mới trở về. Trước khi đi, chú còn dặn tôi phải ra ngoài ngủ giữ xe, bảo Kim Hà sang rủ chị Lệ Hoa đến ngủ cho có bạn. Tối đó, cơm nước xong, bạn thợ ra về. Tôi và Hà tiếp tục dọn dẹp. Mãi đến tám giờ tối mới xong việc.

Trong lúc tôi đang loay hoay lau tấm nệm trên chiếc xe hiệu Deux Chevaux, loại xe hai mã lực của một nhà thầu đem đến để nhờ vì nhà ông ta đang sửa chữa. Hà chợt hỏi tôi:

– Anh biết lái xe không?

Tôi trả lời không cần suy nghĩ:

– Biết!

– Anh chở hộ em đến thăm người chị họ ở ngã ba Nguyễn Huệ – Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong).

Tôi suy nghĩ chốc lát rồi gật đầu:

– Được thôi!

Hà chạy vào phòng một lúc rồi trở ra trong bộ cánh quần jean áo pull. Lúc này, Hà thật lộng lẫy như một ngôi sao điện ảnh khiến tôi nhìn trân trối!

– Anh nhìn em gì dữ vậy? – Hà ngượng ngập hỏi khẽ.

Tôi xấu hổ vội bước lên xe, ngồi sau tay lái cho nổ máy. Hà mở cửa bước lên băng trước định ngồi cạnh tôi. Tôi ngăn lại, bảo:

– Em ngồi phía băng sau, chỗ dành cho những người có vai vế!

– Còn chỗ này? – Hà ngây thơ hỏi.

– Chỉ dành cho hạng bình thường.

Hà cười vui vẻ:

– Vậy thì em thích làm người bình thường hơn!

Nói xong, Hà dập cửa xe. Tôi gài số rồi từ từ nhấn ga cho xe tiến lên phía trước. Đường phố vào đêm vắng người, tôi cho xe chạy loanh quanh qua vài con phố chính rồi dừng lại gần ngã ba Nguyễn Huệ – Võ Tánh. Hà xuống xe đến nhà người chị họ gần đó, nhưng thấy cửa đóng kín. Lúc quay lại xe, Hà đụng phải nhóm bạn gái không biết từ đâu tới. Họ reo lên ầm ĩ:

– Kim Hà đi chơi với người yêu kia chúng mày ơi!

– Người yêu của Kim Hà có vẻ “bụi bụi”, trông thích nhỉ!

– Có người yêu mà không giới thiệu cho tụi tui biết thì sau này đừng hối hận nhé!

Trong lúc mặt tôi đỏ gay vì ngượng thì Kim Hà thản nhiên nắm chặt lấy tay tôi, giọng đầy phấn khích:

– Ừ, đây là người yêu của tao đấy! Chúng mày ghen không?

Cả bọn cười ầm ĩ làm náo động cả một góc phố.

Hà chia tay các bạn, lên xe. Tôi vội gài số nhấn ga rời khỏi đẳng cấp thứ ba. Vậy mà tôi vẫn nghe những lời trêu ghẹo đuổi theo từ phía sau:

– Chúc hạnh phúc!

– Đám cưới đừng quên bọn này nhé!

Tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường Nguyễn Huệ lồng lộng gió khơi. Biển đêm nhấp nháy ánh đèn của ngư trường như những ngôi sao rụng. Một vài sợi tóc dài óng mượt thơm mát của Kim Hà bay lạc rồi đáp nhẹ lên má tôi, tạo nên cảm giác rất lạ. Chúng tôi ngồi yên lặng. Một lúc lâu, Hà hỏi giọng buồn buồn:

– Anh Thanh giận em lắm phải không?

Tôi hỏi cộc lốc:

– Giận gì?

– Chuyện lúc nãy. Em chỉ nói đùa thôi mà!

Câu nói của Hà làm tim tôi đau nhói:

– Tôi biết mà. Hà chỉ nói đùa thôi chứ tôi làm gì có diễm phúc ấy!

Lại yên lặng. Một lúc lâu, Hà lên tiếng:

– Anh có chuyện gì vui kể em nghe với!

– Có chuyện gì vui đâu em?

– Chuyện buồn cũng được!

Tôi ngần ngừ một chút:

– Chuyện cổ Andesxen?

– Cũng được. Có còn hơn không.

Tôi kể bằng chất giọng trầm buồn.

“Ngày xưa, tại một làng quê, có chàng trai nghèo nhưng rất thông minh và hiếu thảo. Mười bảy tuổi, người cha hy sinh trong trận mạc, bà mẹ cũng qua đời vì già yếu, chàng trai phải lên đất kinh thành kiếm sống. Sau nhiều ngày đói khát lang thang, chàng được một vị quan to nhận về làm chân chăn ngựa. Hàng ngày, chàng phải dậy thật sớm để đưa ngựa ra đồng cỏ, tối mịt mới lùa về. Mùa đông giá rét, bầy ngựa khỏi phải thả rông, chàng thường quảy thùng lên tận cái giếng trên đồi cao lấy nước ấm đem về cho vị công nương xinh đẹp, con quan tắm rửa. Lần đầu tiên, vừa thoáng thấy nét đẹp kiều diễm của vị công nương, trái tim chàng đã xôn xao rung động, ngày đêm tơ tưởng, dẫn đến kém ăn mất ngủ. Chàng vô cùng đau khổ khi nhận ra, mình chỉ là một gã chăn ngựa quê mùa, còn nàng là vị công nương xinh đẹp, quyền quý. Mỗi lần thấy nàng vui vẻ trò chuyện với những bậc vương tôn công tử, chàng cay đắng xót xa cho thân phận. Chàng cố quên người trong mộng, nhưng không thể nào quên được. Hình ảnh xinh đẹp lộng lẫy của nàng cứ hiện ra trong những giấc mơ để rồi khi bừng tỉnh thấy cô đơn trống vắng. Vài ngày không được trông thấy cái dáng vẻ kiều diễm của nàng là cuộc sống vô vị, trống vắng! Chàng bỗng nghĩ ra một cách để bày tỏ mối tình lãng mạn, thầm kín của mình.

Một buổi sáng, nàng công nương xinh đẹp vừa mở cửa phòng ngủ, nàng hết sức ngạc nhiên trông thấy một đoá hoa hồng thật đẹp, thật thơm tho mà ai đó đã đính trên song cửa sổ. Nàng vô cùng sung sướng nâng niu bông hoa trên tay và nghĩ rằng, chủ của nó là một chàng trai xinh đẹp, hào hoa, phong nhã, con nhà danh gia vọng tộc. Nàng đem bông hoa cắm vào một lọ quý, ngày đêm ngắm nhìn. Cứ cách ba ngày, khi bông hoa trước vừa tàn thì nàng lại nhận tiếp một bông hồng tuyệt đẹp cũng trong trường hợp tương tự. Nàng công nương vô cùng hạnh phúc và luôn tơ tưởng về chàng trai đã tặng hoa cho mình. Để thoả mãn óc tò mò và cũng nóng lòng muốn biết con người hào hoa phong nhã đó là ai, một buổi sớm chưa rõ mặt người, nàng công nương cùng với đám tỳ nữ kín đáo mai phục bên ngoài cửa sổ, chờ đợi… Trời vừa sáng rõ, nàng công nương mới phát hiện ra, người đã bí mật tặng hoa cho mình khi nay chỉ là tên chăn ngựa hèn mọn. Quá uất ức, nàng ngã lăn ra đất hôn mê bất tỉnh. Bọn thị nữ hốt hoảng lo thoa dầu, cạo gió. Một lúc sau, nàng tỉnh dậy, cầm lấy cánh hồng xinh đẹp xé ra từng mảnh vụn, ném tung theo làn gió sớm. Chưa hả giận, nàng cho người xuống chuồng ngựa lôi chàng trai lên đánh cho một trận thừa sống thiếu chết vì tội phạm thượng rồi đuổi ra khỏi tư dinh.

Mùa đông năm sau, nàng công nương xinh đẹp lên kiệu hoa về làm dâu cho một nhà quyền quí. Kiệu vừa ra khỏi tư dinh một đoạn thì nghe bên ngoài có tiếng người bàn tán xôn xao. Nàng công nương vén rèm ghé mắt nhìn ra… thì hỡi ôi, chàng chăn ngựa si tình năm nào đã chết cóng trong tư thế ngồi tựa gốc thông già ven đường, trên tay đang cầm một bông hồng tươi rói, tuyệt đẹp”.

Kể xong chuyện, quay sang Kim Hà, thấy nàng mắt đỏ hoe, sụt sịt mũi, tôi hỏi:

– Em nghĩ gì về nàng công nương xinh đẹp nầy?

Hà yên lặng một lúc rồi trả lời bằng giọng đặt sệt:

– Một kẻ rất đáng bị nguyền rủa!.

Xe chạy thêm được một khoảng, Hà bỗng reo lên:

– A! Anh phịa chuyện tài lắm! Truyện cổ Andecxen em đọc không sót!

Xe đến gần Nhà thờ lớn thì có tiếng còi hụ dài, báo hiệu giờ giới nghiêm sắp tới. Tôi quành xe sang đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo) rồi nhấn sâu ga chạy thẳng…

Về đến nhà, tôi thận trọng đậu xe sát vỉa hè, tắt máy rồi mở cửa xuống xe. Nhưng vừa mới đặt một chân xuống đất thì có một vật gì đó bổ vào đầu tôi đánh “cốp”, làm mắt tôi nổ đom đóm, người lảo đảo rồi ngã khuỵu. Trong trạng thái bồng bềnh, tôi nghe có tiếng Kim Hà kêu thét:

– Dượng Tư! Đó là lỗi tại con!

Rồi có một bàn tay mềm mại đỡ lấy người tôi. Lại giọng của Kim Hà cuống quýt:

– Cô ơi! Giúp con với!

Rồi có nhiều bàn tay nâng tôi lên, Hà trút hết cả chai dầu Miên lên vết thương trên đầu tôi, liên tục xoa bóp. Một lúc sau, tôi tỉnh hẳn, rờ lên đầu thấy một cục u to bằng quả trứng gà! Tôi đứng dậy lặng lẽ băng qua bên kia đường, đi thẳng… Đằng sau, Hà gọi tên tôi trong tiếng nấc nghẹn:

– Anh Thanh!

Về thị trấn Bồng Sơn được một thời gian ngắn thì chú ruột tôi ra đón vào Sài Gòn học tiếp. Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, tôi được bổ nhiệm về dạy tại một trường trung học trong thành phố. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi xin về Quy Nhơn tiếp tục dạy học. Trở lại chốn xưa, nơi tôi đến trước nhất là hiệu điện Nam Kỳ, nhưng ngôi nhà đã đổi chủ. Hỏi thăm, người ta cho biết: Chú Tư đã qua đời trước năm bảy lăm vì bệnh gan. Thím Tư bán nhà về quê rồi mất ở đó. Hỏi đến Kim Hà, họ lắc đầu bảo không biết.

Thế là một thời dĩ vãng xa xôi chỉ còn trong kỷ niệm…

Hùng tiếp lời tôi:

– Hoá ra, anh chàng học việc mà chi Kim Hà thường kể cho tôi nghe hồi ấy lại chính là anh! – Hùng nối lại quá khứ, giọng buồn – Anh ra đi ít lâu thì chị Kim Hà cũng rời hiệu điện Nam Kỳ lên thị trấn Bình Định học tiếp. Đậu xong tú tài phần hai, chị quyết định thi vào ngành sư phạm. Thời gian này, có nhiều người muốn đến với chị, họ là những kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan, nhà giáo… nhưng chị quyết không lấy chồng. Chị thường tâm sự với tôi là chị rất hạnh phúc và bằng lòng sống với những kỷ niệm, mặc dù những kỷ niệm đó chỉ tồn tại trong tâm tưởng, trong ký ức. Tốt nghiệp sư phạm ra trường làm giáo viên được một thời gian, rồi không hiểu sao, chị lại bí mật xuống vùng núi Bà tham gia hoạt động cách mạng. Thấy chị có học thức, tổ chức bố trí dạy trường bổ túc cán bộ vùng chiến khu Đông. Khoảng năm sau, chị bỗng mang thai. Mẹ tôi khóc hết nước mắt. Chị thì thản nhiên bảo, để về già lỡ khi tắt lửa tối đèn! Tổ chức cho chị là hủ hoá, phạm luật ba khoan, kiểm điểm gắt gao rồi chuyển sang công tác giao liên. Chị vẫn thản nhiên, vô tư trước mọi hoàn cảnh, trước những dư luận nghiệt ngã từ miệng người đời. Cháu ra đời, chị đặt tên Hà – Thanh, lấy họ mẹ. Tôi thảng thốt nhìn bạn:

– Hà Thanh là con của Kim Hà sao?

– Vâng, trước đây, tôi cứ tưởng chị lấy tên dòng sông chảy qua cửa ngõ thành phố để đặt tên con, bây giờ tôi mới hiểu sự gắn ghép đầy ẩn ý của chị tôi…

Tôi sốt ruột cắt lời:

– Kim Hà hiện giờ công tác ở đâu?

Hùng lặng người trong giây lát, rồi nói giọng xúc động:

– Chị đã hi sinh tại cửa ngõ thành phố vào khoảng giữa tháng ba năm bảy lăm trong khi đưa một cánh quân của ta tiến vào Quy Nhơn.

Câu nói của Hùng làm tôi bàng hoàng thảng thốt, cổ họng nghẹn cứng, nước mắt cứ ứa ra. Một lúc lâu, tôi lên tiếng:

– Ngày mai, anh đưa tôi đi viếng mộ Kim Hà và thăm cháu Hà Thanh.

– Thăm cháu Hà Thanh thì được, còn viếng mộ chị Hà thì…

– Thì sao? Tôi sốt ruột, hỏi.

Hùng buồn bã giải thích:

– Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đến các cơ quan có chức năng, tìm gặp những người trong đoàn quân năm ấy để truy tìm hài cốt của chị. Nhiều người trong số họ đều bảo rằng, đã giao cho một ngư dân chôn cất tử tế. Tìm đến ngư dân đó thì ông ta đã mất từ lâu. Mãi cho đến hôm nay, hài cốt của chị Hà vẫn biệt tăm. Tôi thường về Quy Nhơn ghé vào phòng chính sách của Tỉnh đội, của Sở Thương binh Liệt sĩ hỏi thăm, hy vọng sẽ nhận được thông tin về chị.

Chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau trong buổi chiều nhập nhoạng. Mặc dù Hùng đã nhờ người chuẩn bị sẵn mấy món thịt rừng và chai rượu bầu đá, nhưng không ai cầm nổi đũa.

Đêm ấy, tôi nằm trên bộ ván gõ kê cạnh khung cửa sổ. Hùng đu đưa trên chiếc võng cạnh đó và kể cho tôi nghe những kỷ niệm về Kim Hà. Một lúc sau, tôi chỉ còn nghe tiếng ngáy đều đều của anh. Riêng tôi cứ mãi trăn trở, day dứt, lòng đầy hoài niệm.

Nửa đêm về sáng, ánh trăng hạ tuần treo lơ lửng bên ngoài ô cửa, trong trạng thái bồng bềnh, tôi bỗng thấy một nàng tiên xinh đẹp từ mặt trăng rực sáng sà xuống, len qua ô cửa rồi đi thẳng vào giấc mơ. Nàng tiên ấy không ai khác, chính là Kim Hà trong trẻo hồn nhiên của một thời quá khứ.

                                                       Hoài Ân – Đà Lạt – Quy Nhơn