Do công việc, mỗi năm tôi phải đọc nhiều tác phẩm văn xuôi, trong đó tiểu thuyết là mảng sách gây nhiều quan tâm, hứng thú cá nhân. Nhưng phải nói một cách khách quan và công bằng rằng, để được đọc một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn là chuyện hi hữu. Cuốn lịch năm 2013 chỉ còn khoảng 60 ngày nữa là hết. Cũng phải bắt đầu nghĩ tới chuyện “tính sổ” văn chương của một năm. Giữa rất nhiều cuốn tiểu thuyết được xuất bản trong năm 2013, Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú đã neo lại được trong trí nhớ độc giả ngày nay vốn rất thông minh, lại khó tính và đôi khi hơi… đỏng đảnh. Tôi có chung cái cảm giác với nhiều độc giả khác khi cầm Hoang tâm trên tay là, phải đọc rốt ráo đến trang cuối, vì quả thật khó bỏ lửng sự đọc để làm việc khác.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú |
Nếu nói Hoang tâm giữ chân độc giả, phải chăng nó có “lực hấp dẫn”, một phẩm tính của văn chương/tiểu thuyết mà lâu nay, dù cho có cơ hội tự do sáng tác và một thị trường sách bao la, thì không phải nhà văn nào cũng đủ tài nghệ thực hiện. Phải thừa nhận ở Nguyễn Đình Tú tính chuyên nghiệp cao của hành động viết, như cách nhà văn Pháp J. P. Sartre đã nhấn mạnh “hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nảy sinh ra vật cụ thể và tưởng tượng, là cái công trình trí tuệ. Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác”.
TIN THÌ TIN KHÔNG TIN THÌ THÔI. Tôi nghĩ, đó là “ma trận” viết của Nguyễn Đình Tú trong Hoang tâm. Trong một bài viết cách đây chưa lâu, tôi có nói đến “phép lợi thế” (lối viết “nước đôi”) trong bóng đá đã được Nguyễn Đình Tú vận dụng khi viết Nháp, Phiên bản. Và dường như đến Kín “phép” này vẫn tỏ rõ ưu thế. Hoang tâm là một lối rẽ trong cách viết tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.
Mở đầu chương bốn tiểu thuyết Hoang tâm, khi Vu (Tiểu đội trưởng) hỏi Anh “Chuyện Anh kể có thật hả?” thì “Anh chỉ tủm tỉm cười, chả biết trả lời nó thế nào. Thì cứ tin là có thật đi. Chiến tranh loạn lạc, đẻ ra nhan nhản những câu chuyện thật như bịa và chuyện bịa như thật, muốn tin thì tin mà không tin thì thôi”. Trong 19 chương tiểu thuyết Hoang tâm, độc giả nhận biết những chương nhân vật Anh đi chu du vào không gian Cửa Núi cùng Son Phấn là “hư’, là ‘bịa”, những chương kể về chiến tranh ở chiến trường bên nước bạn (đánh nhau với bọn K), là “thật”. Tỉ lệ của những chuyện “hư” và “thực” trong tiểu thuyết là 50/50. Nếu từ đầu chí cuối nhà văn chỉ kể toàn chuyện “hư”, toàn “bịa” thì tâm lí tiếp nhận của độc giả sẽ là rõ ràng, một chiều. Nhưng nếu câu chuyện tác giả kể ra cứ nửa “hư” nửa “thực” thì nảy sinh tâm lí tiếp nhận “bán tín bán nghi”.
Toàn bộ câu chuyện tác giả kể từ chương hai đến chương mười chín, hóa ra là một giấc mơ, như trong Đoạn viết thêm thứ nhất, lời của nữ nhân viên lễ tân “Anh đến đây một tiếng trước, ngồi chờ để lấy phòng, nhưng rồi ngủ luôn trên ghế ạ”. Một người (nhân vật Anh) đã bị bệnh mất ngủ đến mười năm, lạy tứ phương, cả núi thuốc không khỏi, thế mà đến Cửa Núi lại chìm ngay được vào giấc ngủ. Có điều bí ẩn nào đây? Nguyên nhân nào đẩy một chàng trai trẻ tràn trề sinh lực thành một người đàn ông trung niên hom hem vì mất ngủ? Vì công việc? (vì những bài văn lạ của học trò, vì những nhiễu nhương của gia cảnh, vì những áp lực của mưu sinh,…).
Nhưng câu chuyện cứ hé mở dần căn bệnh “hội chứng K”, không riêng gì với Anh, mà nhiều người như Anh. Cái ý tứ này, trong cách viết của Nguyễn Đình Tú là rất kín đáo, nhưng rồi độc giả thông minh sẽ nhận ra và chia sẻ. Nghĩ thế, lại thấy nhà văn càng cần quan tâm và tôn trọng độc giả. Ai tin và ai không tin vào những giấc mơ, ấy là “nhân tâm tùy mạng mỡ”. Tôi đã đọc không ít tiểu thuyết của các nhà văn viết quá “nệ thực”, ngay lúc đó thì cảm thấy đúng, nhưng nghĩ lại, thấy không đúng. Trường hợp đọc Hoang tâm thì ngược lại (chuyện Anh và Son Phấn thoát khỏi sự săn đuổi của cả trăn và cọp, chuyện về trận đánh của “đội quân đá”, chuyện về buổi hành lễ của bộ tộc người Khi, chuyện về cơn lốc xoáy trên hồ xuýt nhấn chìm cả Anh và Son Phấn…thật kì thú, nhưng cũng thật “hoang đường”!).
Nhưng theo bước cuộc chu du kì lạ của hai nhân vật vào thế giới Cửa Núi, thì “bộ mặt thật” của Son Phấn mới được hóa giải. Rốt cuộc, cô là một thành viên quan trọng của bộ tộc người Mụ. Muốn hiểu rõ tính cách của nhân vật đặc biệt này, không có cách gì khác, chúng ta phải “sống” cùng với nó vì một “Thân phận không bình thường (…) ẩn chứa trong một vỏ bọc bình thường”. Trong mắt Anh “Bỗng dưng cô ta trở nên huyền bí với một kiến thức uyên thâm, một thân xác cao quý, một thái độ thân thiện và một trái tim thừa hưởng lòng bác ái từ dân tộc Mụ”. Cũng như sự sắc bén của Son Phấn khi cô nhận biết người bạn đường của mình là Anh “Giống như tính cách của anh vậy, nó chỉ thực sự xuất hiện khi anh gặp những tình huống đòi hỏi anh phải bộc lộ anh là ai?”.
Nhân vật Son Phấn “chỉ là một ý niệm, một kí hiệu”, hơn thế là một “bí ẩn và thú vị”. Dường như Nguyễn Đình Tú áp dụng chiến thuật quân sự “bí mật bất ngờ” để xây dựng hai nhân vật chính của tiểu thuyết, và tác giả đã thành công. Anh và Son Phấn cho chúng ta nhận biết về tính chất ngày càng trở nên phức tạp hơn của cuộc đời và con người trong văn chương. Đúng như lời của Son Phấn “Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời” (câu nói này được dùng làm Đề từ cho tiểu thuyết). Có ý thức (hoặc không), Nguyễn Đình Tú, theo tôi nghĩ, khi xây dựng nhân vật tiểu thuyết đã tuân thủ nguyên tắc của phép “nghịch dị” (“phép” này các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê thường sử dụng).
MỘT CÁI KẾT MỞ thể hiện tay nghề của nhà tiểu thuyết. Một câu chuyện hay phải nhờ vào một mở đầu hay và cả một kết thúc hay. Đoạn mở đầu của Hoang tâm báo hiệu những bước đi khấp khểnh của cả nhân vật Anh, cả nhân vật Son Phấn. Nhưng nếu tác giả đuối tay, thì đến nửa chừng có thể “đứt gánh”. Nguyễn Đình Tú có cái khả năng “để giành” bút lực, biết “tung hứng” đúng lúc, đúng độ nên độc giả cứ thấy “thèm” theo đuổi câu chuyện cho đến lúc “hạ hồi phân giải”.
Nói Hoang tâm có cách kết “mở” là nhờ vào Đoạn viết thêm thứ nhất và Đoạn viết thêm thứ hai, như là hai cách lựa chọn cho độc giả. Với cách kết thúc thứ nhất, bằng cách chắp nối lời kể của nữ nhân viên lễ tân thì, Anh biết Son Phấn chính là Mặc Tồn Nghi, tiến sĩ, Phó giám đốc Sở Du lịch, dòng dõi lạc hầu, là tác giả những cuốn sách về dân tộc Mụ. Việc Anh vào được phía bên trong Cửa Núi là do có duyên (nói chính xác là nhờ cái duyên của Son Phấn) vì nơi đó chỉ dành cho những người Mụ. Ai giàu trí tưởng tượng và thích phiêu lưu (thêm một ít “máu trinh thám” nữa) thì tiếp nhận cách kết thúc này.
Cách kết thúc thứ hai “đời” hơn khi tác giả để Anh gặp lại chiến hữu Vu, giờ đã là “đại gia”. Anh cũng nhìn thấy Son Phấn ở sân ga và gọi tên cô, nhưng cô như không nghe thấy và bỏ đi. Qua lời kể của bà già bán nước chè thì Son Phấn vẫn nhảy tàu trốn vé, đi buôn chuyến, vẫn là người lang thang, lam lũ. Và câu kết của cách kết thứ hai thật hay “Tự nhiên Anh thấy buồn ngủ”. Nếu anh ngủ được sau mười năm mất ngủ, có nghĩa là lại tiếp tục phiêu diêu với Son Phấn vào cõi mơ. Không riêng gì Anh, mà tất cả chúng ta vẫn rất cần những giấc mơ đẹp, dù để tỉnh dậy thì muôn vàn nuối tiếc. Nhưng có sao đâu nếu một lần được nuối tiếc như Anh trong Hoang tâm.
B.V.T (Nguồn: Báo Văn nghệ)