– Nhiều đồng nghiệp nể vì anh bởi sức viết “mỗi năm một cuốn”. Nếu có ai đó phong cho anh danh hiệu “lực sĩ tiểu thuyết” anh thấy thế nào?
– So với cuốn tiểu thuyết gần đây nhất (“Kín” – 2010), thì cũng đã 3 năm rồi tôi mới công bố tiểu thuyết mới. Rất nhiều nhà văn đàn anh đã khuyên tôi rằng, hễ lúc nào viết được thì cứ viết. Còn tôi cho rằng, đã là nhà văn thì nên làm việc một cách chuyên nghiệp, mà chuyên nghiệp đối với tôi nghĩa là không ngơi nghỉ việc viết, không ngơi nghỉ việc công bố tác phẩm, không ngơi nghỉ công việc sáng tạo. Đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá về mình thế nào là việc của họ, tôi đã chọn cho mình công việc của nhà văn thì chỉ có viết, viết và viết mà thôi.
– “Nháp”, “Kín” – tên những tác phẩm trước của anh – đã gây nhiều tò mò cho bạn đọc. Lần này, anh có thể bật mí đôi điều về tên gọi “Hoang tâm”?
– “Nháp” và “Kín” thì đúng là không hé lộ điều gì đằng sau nhan đề ngắn ngủi và bí hiểm ấy. Còn cái tên “Hoang tâm” thì ít nhiều cũng gợi ra một vài ngữ nghĩa nào đấy đối với bạn đọc. Nhưng “Hoang tâm” có nghĩa là gì? Tại sao tác phẩm lại mang cái tên ấy? Nội dung của tiểu thuyết có mối liên hệ thế nào với tên gọi của cuốn sách? Tên tiểu thuyết hé lộ thông điệp gì của tác phẩm? Những điều này, thiết nghĩ, tôi nên nhường lại cho bạn đọc tự trả lời thì sẽ hay hơn.
– Ở “Hoang tâm” anh đã xây dựng khá công phu và cuốn hút một “thế giới sau Cửa Núi” đầy kỳ ảo; song hành với nó là dòng hồi tưởng về hiện thực của một cuộc chiến tàn khốc – một “sợi dây” quá dài và mong manh để kết nối hai mạch truyện. Anh nghĩ sao nếu độc giả sẽ hụt hơi khi tìm kiếm và nắm bắt “sợi dây” ấy?
– Kết cấu tiểu thuyết theo lối đa tuyến bây giờ không có gì là lạ lẫm nữa. Văn học của chúng ta đã trải qua một thời gian quá dài với sự lên ngôi của cái dễ dãi, cái đơn giản trong cách kể một câu chuyện. Cuộc sống ngoài kia diễn ra vi tế, rắc rối và phức tạp vô cùng. Văn học cũng vì thế mà chọn cho mình những cách thức thể hiện công phu, lịch lãm và biến hóa hơn. Cách viết trong “Hoang tâm” mở ra những hướng tiếp cận khác nhau vào đời sống, độc giả cũng không quá khó khăn khi “tìm kiếm và nắm bắt sợi dây” dẫn chuyện. Tôi tin là cuốn tiểu thuyết này sẽ mang lại khoái cảm thẩm mỹ cho bạn đọc hơn là đẩy họ vào một tâm trạng mệt mỏi không cần thiết.
– Nổi bật nhất ở “Hoang tâm” so với các tiểu thuyết trước của anh là sự bứt phá về óc tưởng tượng và có thể nói thế giới tưởng tượng ấy cùng với khả năng hư cấu là yếu tố quyết định thành bại của tác phẩm. Khép lại những dòng cuối cùng của “Hoang tâm”, anh có tin là mình đã thành công?
– Thành công theo nghĩa nào? Về mặt ý đồ của tác giả đã thành hiện thực hay đây sẽ là cuốn sách được bạn đọc thích thú? Mỗi khi viết xong một cuốn tiểu thuyết là nhà văn vừa hoàn thành xong một “công cuộc sáng tạo vĩ đại”. Công cuộc ấy đem lại cho người viết nhiều nhọc nhằn nhưng cũng không ít hứng thú. Và khi dòng chữ cuối cùng viết ra, cái phần hân hoan, giải thoát luôn bủa vây lấy tác giả. Còn thành công hay không thành công, ở nghĩa này hay nghĩa khác, khi ấy không có ý nghĩa gì cả. Cái ý nghĩa nhất lúc đó là cảm giác đã làm xong một việc cần làm và đáng làm.
– Hiện thực về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chưa được nhiều nhà văn khai thác, điều gì đã khiến anh tiên phong khai phá “vùng đất” mới này?
– Trong cả cuốn tiểu thuyết của tôi không hề nhắc đến cụm từ “chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam” nhưng bạn đọc có quyền hiểu đó là cuộc chiến biên giới Tây Nam như sử sách vẫn thường gọi. Tại sao tôi lại chọn cuộc chiến này để đề cập trong tác phẩm ư? Tôi thấy nó là một cuộc chiến đặc biệt, khác với những cuộc chiến khác, tôi tạm gọi là “có màu sắc viễn chinh”. Văn học khai thác những người lính vệ quốc nhiều rồi, tôi muốn hướng đến hình ảnh những người lính viễn chinh.
– “Vẽ nên bộ mặt của chiến tranh” là khát vọng của nhiều người cầm bút nhưng không phải ai cũng thành công. Với riêng anh, khi viết “Hoang tâm” những gì được anh quan tâm nhất?
– Tôi muốn hình dung ra “bộ mặt của chiến tranh” theo cách của riêng tôi, và tôi chia sẻ với bạn đọc cách hình dung ấy.
– Và gam màu chủ đạo của bức tranh chiến tranh anh vẽ trong “Hoang tâm” là…?
– Cuốn tiểu thuyết này không chỉ có tham vọng vẽ nên bộ mặt của chiến tranh, dù là theo cách riêng của mình, nó còn vẽ những bộ mặt khác nữa, như là sự tồn vong của văn hóa, ý nghĩa tính dục đối với sự tồn tại của con người, những suy tưởng xuyên không gian và thời gian… Tuy nhiên những ai quan tâm đến chiến tranh có thể tìm thấy một gam màu buồn phơ phất đâu đó trong những nét vẽ tưởng chừng hiện thực mà lại rất hư ảo trong một bảo tàng có tên là “Hoang tâm”.
– Bạn đọc liệu có còn bắt gặp những yếu tố “sex, bạo lực và đồng tính” từng xuất hiện trong các tác phẩm trước đây của Nguyễn Đình Tú ở “Hoang tâm”?
– Vẫn sex, và sex ở một chiều kích mới, chưa hề được đề cập trong những cuốn tiểu thuyết trước. Tôi từng nói, cuộc sống có cái gì thì tiểu thuyết của tôi có cái đó. Làm sao cuộc sống này tồn tại khi không có sắc dục? Còn bạo lực và đồng tính ư? Hơn ba trăm trang sách của tôi còn nhiều thứ hơn thế chứ!
– “Hoang tâm” được anh triển khai song song hai mạch truyện, đến cuối tiểu thuyết người đọc vẫn bị cảm giác chưa dứt ra khỏi câu chuyện với những ảo – thực lẫn lộn, vẫn muốn cùng tác giả tiếp tục khám phá những vương quốc ảo. Với bộn bề “dang dở” ấy, nếu nhiều độc giả còn thòm thèm mà nghĩ tới phần hai của tiểu thuyết thì anh nghĩ sao?
– Bản thân tôi cũng thấy thòm thèm với câu chuyện do chính mình kể ra. Nhưng câu chuyện đành phải dừng ở đó thôi, và nếu “người nghe” còn muốn tiếp tục, thì sẽ có một câu chuyện khác, cũng thú vị không kém, sẽ được đem ra để hầu độc giả.
– Là tác giả có tên có tuổi nhưng chưa một lần ra mắt sách, tại sao lần này anh lại quyết định ra mắt “Hoang tâm”?
– Đơn giản vì tôi thấy đây là thời điểm thích hợp. Việc ra mắt cuốn tiểu thuyết mới này đồng nghĩa với việc tôi có dịp được tri ân những bạn đọc đã theo dõi quá trình sáng tác của tôi nhiều năm qua.
– Một cuốn sách như thế nào sẽ hấp dẫn được Nguyễn Đình Tú?
– Ám ảnh, bất ngờ, gợi những liên tưởng khuất lấp trong một cấu trúc có dụng ý.
Nguyễn Đình Tú là tác giả của các tiểu thuyết: “Hồ sơ một tử tù”, “Bên dòng Sầu Diện”, “Nháp”, “Phiên bản”, “Kín”. “Hoang tâm” – tiểu thuyết mới nhất của anh – do Công ty Văn hóa và truyền thông Phương Đông kết hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Lễ ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Đình Tú sẽ diễn ra vào 14h ngày 10/4 tại Thư viện Hà Nội. Nhà thơ Phan Huyền Thư đảm trách vai trò dẫn chương trình. |
Dương Tử Thành thực hiện
Nguồn: Vnexpress