(Đọc “Dòng sông mang lửa”, tiểu thuyết, Hồ Sỹ Hậu, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Bìa cuốn tiểu thuyết Dòng sông mang lửa

Cuốn tiểu thuyết ngập tràn chất ký sự này gồm tới chín mươi phần trăm là những sự kiện và con người có thực, kể về những tháng năm hy sinh quên mình nhất, anh hùng thầm lặng và kiên cường nhất của Bộ đội Đường ống, tập thể những cán bộ, chiến sĩ, những người Thanh niên Xung phong (TNXP) và kỹ sư đã dựng nên đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn trong thời kỳ quyết liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, thời kỳ 1968-1973, công trình mà danh tướng của mặt trận Trường Sơn, tướng Đồng Sĩ Nguyên, đã nhận định rằng: “Nếu gọi Đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó.”

Hơn sáu trăm trang của cuốn sách này đem lại một ấn tượng sử thi đặc biệt, trước hết do cảm hứng anh hùng ca đầy chất lý tưởng, trong sáng và chân thực, biểu hiện tự nhiên qua một tập thể các nhân vật gồm những tái hiện nguyên mẫu như Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên ,…, và những tái hiện hư cấu bám sát nguyên mẫu của những sĩ quan-kỹ sư như Ngọc, Danh, Quang,…, những cán bộ chỉ huy như Thục, Lê Trọng,v.v… Thực sự thì người đọc khó lòng cảm nhận mức độ hư cấu, bởi tính hiện thực-lịch sử của những câu chuyện chiến tranh, của những địa danh “tam giác lửa Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm, các trọng điểm như Đồng Lộc, Xuân Sơn, Đèo Đá Đẽo, Trà Ang, chuỗi trọng điểm ATP …”, của những giai thoại thấm nhuần bản sắc dân gian bộ đội Trường Sơn như tên “Dốc Con C.”, sau đổi là “Dốc Ông Miện”, v.v.; nhưng đặc biệt là tính hiện thực-lịch sử những cảnh ngộ, con số thương vong, cảnh hy sinh của bộ đội và TNXP, những hành động sáng tạo trong kỹ thuật và sẵn sàng xả thân để có tuyến đường ống dẫn xăng vươn sâu vào chiến trường.

Đây quả là một cuốn sách phi thường về một câu chuyện phi thường, khiến người ta phải kinh ngạc về tư tưởng táo bạo sáng suốt, lòng dũng cảm và tài trí những con người Việt Nam lắp đặt một tuyến ống dài hàng trăm rồi hàng ngàn kilomet qua đồng ruộng, sông suối, xuyên rừng núi, trên những vách đá dốc dựng,…, phơi mình dưới một bầu trời bị không lực đối phương ngày đêm kiểm soát bắn phá, phơi mình trong môi trường độc hại và khắc nghiệt, với trang bị kỹ thuật thô sơ đến mức một cái thước logarit cũng là hiếm hoi, có lúc phải dùng cách đếm bước chân để đo đạc tính toán những chênh lệch bình độ, v.v.

Cuốn sách này còn là hiếm hoi bởi văn chương trữ tình và anh hùng, thấm nhuần ảnh hưởng văn học Nga Xô viết, đẹp một cách hài hòa trong sự tái hiện cả lòng dũng cảm và tình yêu thơ mộng, thủy chung của những người đi chiến đấu, cả hiện thực chết chóc và những phức tạp tính người trên chiến địa. Văn chương đó bộc lộ rất thuyết phục cả một nền văn hóa Việt Nam vào thời kỳ lịch sử đó.

Và câu chuyện được kể đầy suy tư, rất kiềm chế, rất tự nhiên đưa đến một cái kết nhắc nhở sự cần thiết của lịch sử đối với hiện tại. “Chiến tranh đã sinh ra một thế giới của những người tàn phế. Và chỉ sống trong thế giới ấy anh mới hiểu được nỗi đau của họ”(tr.321) “Mai đây, khi thắng lợi, …, người ta sẽ tháo tuyến ống này đi … Liệu còn ai nhớ đến, biết đến những nỗi cực nhọc của những người lính cả trai lẫn gái đã hy sinh tuổi xuân để bảo vệ cho dòng sông mang lửa vào tận chiến trường?” (tr.525). Biết bao người trong các anh hùng thầm lặng ấy đã may mắn trở về và sống trong đói nghèo. Đừng bao giờ quên! – cuốn sách này nói như vậy.

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version