(Về tiểu thuyết Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn, Nxb Lao Động, 2008)

Tiểu thuyết là thể loại đủng đỉnh! Đó là nhận xét của Oóctêga Y Gassét, tiểu thuyết gia Tây Ban Nha. Và nếu điều đó còn là một điều chưa được xác tín  thì tôi xin làm một nhân chứng khẳng định; tôi đã coi cuốn Lửa đắng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn thuộc thể loại nọ và đọc nó như đọc một cuốn tiểu thuyết cổ điển, nghĩa là đọc một cách chậm rãi, nhẩn nha. Chậm rãi nhẩn nha chẳng phải chỉ  vì cầm nó nặng  trĩu tay, những hơn 600 trang in chữ nhỏ đặc sít. Mà vì nó là tiểu thuyết.

Nó là thể loại có thể và cần phải đọc nhẩn nha, đọc không vội vàng, vừa đọc vừa thưởng thức, vừa ngẫm ngợi suy xét. Bận rộn, thì gấp sách lại, để đó, lúc thảnh thơi, yên tĩnh lại mở ra đọc tiếp. Đọc qua rồi, cần thiết lại mở ra, đọc lại từ trang đầu, từng đoạn từng câu. Và như vậy khi đọc hết trang cuối thì có cảm giác mình  là người bộ hành cần mẫn đã đi đến đích, có thể ngoái nhìn lại quãng đường vừa qua, tự tin vì đã cảm thụ  được trọn vẹn cái đối tượng mà nhà văn đã dày công khám phá miêu tả.

 

Bìa cuốn tiểu thuyết “Lửa đắng” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Lửa đắng mở đầu là cuộc họp mặt toàn thể các thành viên chính trong một gia đình; trong đó  đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Trần Kiên, bí thư Quận ủy mới được phục hồi sau xóa án kỷ luật ở tập Luật đời và cha con, Lê Đại, con trai cả nhà tuyên giáo Lê Hoè, một doanh nhân năng nổ tiêu biểu của thời kỳ kinh tế mở. Nhân vật đã ra sân khấu, tất phải đi hết số phận của nó. Suốt 30 chương sách tiếp theo, là cuộc sống diễn ra theo quy luật tự nhiên, trong đó chủ yếu là những công cuộc được tạo ra do sự tích cực chủ động của hai nhân vật này,  đặc biệt là của Trần Kiên, con người của thời kỳ đổi mới, sau bao gian nan vất vả, kẻ đứng mũi chịu sào đã đưa con thuyền cặp bến, dẫu thử thách vẫn đang còn ở phía trước, trong cảnh đoàn tụ gia đình như cái kết của một cổ tích.

Tuy nhiên nói là  nhẩn nha đọc, mà thật ra đâu có được đọc trong tâm thái yên bình. Cuốn sách làm ta sục sôi lên vì  sự kiện liên tục  sự kiện. Vì không gian chuyển đổi liên tục. Vì các tình huống nối tiếp tình huống. Sau  việc Tổng Bí thư về làm việc với Thành ủy Thanh  Hoa là các hoạt động không biết đến ngưng nghỉ của  cả loạt nhân vật. Riêng Kiên và Đại  đã là đầu tàu của bao  ý tưởng và hành động,  kiến nghị táo bạo và mới mẻ. Kiên  đột phá vào  khâu tổ chức.  Kiên tiếp nông dân. Kiên đề xuất  chuyện vỉa hè. Kiên đặt vấn đề trưng cầu ý dân.  Kiên  chủ trương đổi mới công việc của tòa án. Kiên  trình bày đề án truyền hình trực tiếp các phiên tòa.  Kiên chỉ đạo trong việc xây dựng  lại chợ. Kiên tả xung hữu đột trong  tình thế khó khăn mọi bề. Kiên bị bôi nhọ, bị vu cáo, nhưng Kiên trước sau vẫn là một bản lĩnh vững vàng. Như một cặp bài trùng với Kiên, Đại,  ông  anh vợ của Kiên  cũng là một  cỗ máy chạy hết công suất  trong cái dòng đời sống đang sục sôi này. Đại kinh doanh taxi, xe điện. Đại làm công tác  xã hội – từ thiện. Đại tham gia đấu thầu trạm đăng kiểm ô tô. Đại giúp quê hương làm vệ sinh môi trường và chuyển hướng kinh doanh rác thải ở Thanh Hoa…

Đọc Lửa đắng có cái thú vị là gặp gỡ ở đây  một cuộc sống thật phong phú  trên rất nhiều bình diện. Có cảm tưởng nhà văn là một tác giả bách khoa. Anh có tầm hiểu biết rộng, và động vàò lĩnh vực nào cũng có thể bàn bạc giải trình một cách thật tỉ mỉ thấu đáo. Mô tả hiện thực, vạch ra hướng phát triển các công tác đảng, công tác chính quyền, công tác  tư tưởng văn hóa, báo chí, kinh tế, xã hội, giáo dục,y tế, tòa án, công an… là một  thế mạnh của nhà văn có khuynh hướng hiện thực xã hội này. Không những thế, cây bút tiểu thuyết này còn tỏ ra khá già dặn và khéo léo trong cách dẫn dụ, triển khai các tuyến truyện, mở rộng biên độ tình tiết, thâm nhập vào gần như hầu hết các lĩnh vực của đời sống,  khêu gợi trí tò mò, thu hút sự say mê của độc giả bằng các kiến thức, các chi tiết  kỳ lạ  lấy ra từ cái vốn hiểu biết rất đầy đặn của mình. 

Nói thế là để đi đến một nhận xét căn bản nữa: Lửa đắng qua miêu tả hiện thực một đơn vị thành phố  mang tên Thanh Hoa có cái vóc dáng và tham vọng trở nên một bức họa  toàn cuộc ngày hôm nay. Giữa cả chục định nghĩa về tiểu thuyết cổ điển và hiện đại của các chuyên gia văn học thế giới và trong nước, tôi vẫn thích cái định nghĩa đơn giản này trong Bách khoa toàn thư COMPTON’S của  Anh quốc: Tiểu thuyết là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Và đó là một phẩm chất tôi đã  nhận ra từ cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. 

Cuốn sách có những chương để lại những ấn tượng nặng nề. Đã có nhiều năm công tác tại một văn phòng cấp ủy tỉnh, tôi vẫn thấy buồn đến nao lòng khi đọc Chương 6 cuốn sách dựng lại cảnh Tổng Bí thư nay mai sẽ xuống làm việc với Thành ủy Thanh Hoa, con người ở đây sao hèn kém tội nghiệp đến thế!  Đê tiện quá là câu chuyện Vũ Sán bảo vệ luận án tiến sỹ cùng các mánh khóe gian lận, bẩn thỉu để  leo lên chức phó giám đốc, cũng chẳng thể quên được cái thao tác ông Trần Đương, kẻ đương quyền   mỗi khi khách ra về là vội vã  ngồi  vào chỗ khách vừa đứng dậy và trong một phản xạ tự động lùa tay vào gầm bàn để túm lấy túi quà hối lộ. Tồng biên tập Triển bị tạt acide. Con gái Trần Kiên bị bắt cóc. Kẻ xấu lộng hành. Cái ngày hôm nay là ngày gì vậy, khi  thảm họa ập đến ngay với những con người dám bảo vệ lẽ phải?

Nguyễn Bắc Sơn rất am hiểu nhiều mặt, kể cả các mặt trái, mặt tối tăm của cuộc sống hôm nay. Anh  thông thạo đến chi li, ngóc ngách mọi mặt đời sống, từ cao sang tới tầm thường, kể cả các chuyện vặt vãnh trong  thường nhật, thậm chí nhiều khoản mục đạt đến mức quái kiệt. 

Sinh thời, trả lời câu hỏi của nhà văn Bùi Bình Thi: Bí quyết nào để có vốn sống viết dài? tác giả Bỉ vỏ, Sóng gầm Nguyên Hồng, đáp: Phải sống kỹ! Triển khai ý tưởng trên của bậc trưởng lão làng văn, Bùi Bình Thi, tác giả của trường thiên tiểu thuyết Hành lang phía Đông, Xiêng Khoảng mù sương…  nói: Sống kỹ là sống hết mình, với đủ các cung bậc của cuộc sống! Có sống kỹ thì mới có đủ vốn sống để viết kỹ, viết tiểu thuyết! Bằng cuốn Lửa đắng này, cũng có thể nói Nguyễn Bắc Sơn đã sống khá kỹ càng với đối tượng anh lấy làm mục tiêu miêu tả và tiếp đó, anh đã  thể hiện được sự kỹ càng  trên các trang viết của mình. Tiểu thuyết đòi hỏi cả một vốn sống khổng lồ!

Chưa thật đạt đến trình độ đẹp toàn bích, nhưng các trang văn của anh, dẫu nhiều khi chỉ là tạt ngang  một cách tùy hứng không thật cần thiết, cũng thấy có sự gia công đáng  kể, từ sự mới mẻ của kiến văn đến cách diễn đạt.

Chương 1 của tiểu thuyết là những trang văn đạt đến độ chuẩn. Nó gieo điệu nhạc cho cả cuốn. Nó chuẩn bị cho hành trình dằng dặc của các nhân vật và các sự kiện. Trang 66, trả lời câu hỏi, nếu là Hiệu trưởng, việc đầu tiên của em là gì? một học sinh lớp 11 trả lời: Thưa cô, lập tức em bỏ ngay việc bắt học sinh phải xếp hàng  đầu giờ lên lớp. Trong bữa cơm, Triển và vợ  đang  trò chuyện gay gắt, bất ngờ cô con gái chen vào một câu: Thôi, bố mẹ ăm cơm xong hãy trao đổi. Khiến cả hai cùng  ngừng lời. Trang 117, miêu tả việc Đại hái rau ở vườn nhà. Trang 491-492  kể lại việc Đại quan sát người ta làm cá ở chợ… Nhiều, nhiều. Vài ví dụ nhặt ra một cách tình cờ cũng thấy, không trải qua, khó viết được!

Tất nhiên, nhân vật trong tiểu thuyết bao giờ cũng là trung tâm của mối lo toan, và đọc Lửa đắng không  thể không nhận ra: Nguyễn Bắc Sơn đã thật sự dồn sức đến thế nào cho công cuộc lớn lao này! Tuy nhiên, đã vậy thì cũng xin nói ngay một ý kiến cá nhân, rằng, xây dựng cho được một nhân vật điển hình, trung tâm của  thời kỳ mới này, của ngày hôm nay thật không dễ dàng gì!

Trong Lửa đắng, bộ ba nhân vât: Triển, Tổng biên tập báo Thời Luận; Lê Đại, doanh nhân năng nổ, nhiệt thành; và Trần Kiên, bí thư Quận ủy Lâm Du là ba cái chân kiềng gồng mình gánh vác toàn bộ sức nặng của cuốn sách, của cuộc sống đang chuyển động dữ dội  ở Thanh Hoa. Mỗi người một công việc, một trách nhiệm, một hoàn cảnh, một số phận. Nhưng cả  ba trước hết đều là những kẻ dám mạo hiểm, đương đầu, là động lực của cuộc sống hôm nay. Cả ba đều là những kẻ chịu trận và kẻ ít người nhiều đều mang thương tích chiến  trận. Nhẹ nhõm hơn cả có chăng là Đại. Nặng nề nhất, dĩ nhiên là Trần Kiên thủ lĩnh. Tuy nhiên điều đáng chú ý ở ba nhân vât rường cột này còn là ở chỗ, họ đều là những con người  có cuộc sống riêng chẳng vui vẻ mãn nguyện gì. Cả ba đều có những cuộc tình đầy đa đoan, trắc trở. Triển thì vốn đã chủng chẳng với Mai từ sự bất đồng quan điểm nghề nghiệp, càng trở nên trầm trọng từ khi mang bộ mặt l’homme qui rit. Rắc rối hơn cả là cuộc sống riêng tư của Trần Kiên.

Đã nhiều lần Kiên tự hỏi: chẳng lẽ là mình đã yêu? Mà yêu thật từ bao giờ rồi còn gì. Không yêu mới lạ. Chỉ có điều, anh cũng có một người vợ cũng đáng yêu như thế, hơn thế hay gần bằng thế, cũng không biết nữa. Cái này hơn, cái kia kém. Nhưng đôi mắt Diệu thì… quả thật, anh chưa thấy đôi mắt nào đẹp như thế!

Oái oăm zic zắc là thế! Cuộc sống nào có yên ổn gì! Cái đêm Kiên và Diệu, đôi tình nhân trai tài gái sắc, đi công tác cùng nhau, ngủ tại một khách sạn ở Huế, mỗi người một buồng, kìm nén khát muốn đến vật vã quằn quại, để không sang với nhau, thật là một trạng thái sống trong khổ hình khủng khiếp! Cũng rất hợp lý và tinh tế là tình huống được miêu tả ở chương 14, khi Trần Kiên bị bôi nhọ, trở về gặp Tần. So chiếu với thái độ của Diệu lúc đó, Tần hoàn toàn khác; đó là chỗ tinh  diệu của cây bút Nguyễn Bắc Sơn. Chương 15 dựng lại cuộc đối thoại quyết liệt giữa Kiên và Lưu, ông phó chủ tịch thất thế, là những trang văn thể hiện rõ tính cách của Kiên. Hiển nhiên là những trang viết kỹ lưỡng vào chiều sâu nhân vật như thế là sự sống còn của tiểu thuyết, chứ không phải chỉ là những trang bàn luận dông dài, chỉ có chiều rộng, với tiểu thuyết chỉ mang tính chất thư giãn như phiếm luận. Kiên là một nhân vật có cá tính, một nhân vật gây án tượng, một thành công của Lửa đắng.

Cuối cùng cũng cần nói thêm rằng, viết Lửa đắng, nhà văn đã tự nguyện đặt mình vào một tình thế  khó khăn, rất bất lợi. Bàn bạc, xử lý những vấn đề chính trị, xã hội có tầm vĩ mô và dẫu có thế nào thì cũng là mang tính thời đoạn nếu so với các loại đề tài có tính phổ biến của nghệ thuật, anh rất có thể không tránh khỏi nhưng đã cố gắng để giảm đến tối đa những trang viết khô khan, nhàm tẻ, hơn nữa còn  nhiều lúc biết dĩ bất biến ứng vạn biến, tạo nên một lực hút tổng hợp mạnh mẽ mới mẻ, đẩy cuốn sách vào giữa dòng đời sôi sục đổi mới  của ngày hôm nay. Đó cũng là một ghi nhận đáng kể nữa ở cuốn sách này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Exit mobile version