(Suy nghĩ nhân đọc Dòng sông mang lửa – Tiểu thuyết của Hồ Sỹ Hậu, Nxb Hội Nhà văn, 2012)


1. Mở đầu tiểu thuyết Những bức tường lửa (Nxb Quân đội nhân dân, 2004) nhà văn Khuất Quang Thụy viết “Và chiến tranh thì vẫn hiện diện như thể nó chưa bao giờ chấm dứt”. Cuốn tiểu thuyết này gồm 785 trang, khi được tặng tôi đã say sưa đọc mà quên cả độ dài, như giới trẻ thường nói là “khủng”. Dài hay ngắn hiện là một vấn đề thời sự của thể loại tiểu thuyết đương đại Việt Nam trong cơ chế đọc có sự cạnh tranh quyết liệt với văn hoá nghe – nhìn đang bành trướng. Lần này nhận được sách tặng, tôi lại thấy cuốn sách dày 626 trang của tác giả Hồ Sỹ Hậu là đáng đọc và đáng giới thiệu cho người khác đọc. Cũng từ đó tôi biết thêm Hồ Sỹ Hậu (tức Hồ Quỳnh Tư) chính là người có vinh dự ghi lại hồi ký của nhà thơ Tố Hữu Nhớ lại một thời (Nxb Hội Nhà văn, 2000). Tiểu thuyết Dòng sông mang lửa của tác giả Hồ Sỹ Hậu thêm một bằng chứng thuyết phục về sự có mặt tất yếu của đề tài chiến tranh trong văn học đương đại Việt Nam, như một nhà văn mặc áo lính từng nói, đó là một “siêu đề tài” (trong năm 2012 cuốn tiểu thuyết chiến tranh Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh vẫn là sách bán chạy best-seller). Ngay nhan đề tiểu thuyết Dòng sông mang lửa cũng gợi một ẩn dụ nghệ thuật mà trước đó ta bắt gặp trong một số tác phẩm như Dòng sông phẳng lặng của Tô Nhuận Vỹ, Dòng sông mía của Đào Thắng, Dòng sông chết của Thiên Sơn…Tiểu thuyết đầu tay của tác giả Hồ Sỹ Hậu được viết bằng ký ức về những năm tháng chiến tranh các liệt trên một mặt trận đặc biệt ác liệt vì “Nếu gọi Đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại” (Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh). Nếu đường Hồ Chí Minh trên biển đã gợi cảm hứng cho nhà văn Hồ Phương viết tiểu thuyết Biển gọi, thì Dòng sông mang lửa là tác phẩm đầu tiên về tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn huyền thoại. Nói theo ngôn từ thể thao thì Hồ Sỹ Hậu là người “cán đích” đầu tiên về đề tài này trong thể loại tiểu thuyết. Dòng sông mang lửa được viết bằng một ký ức lương thiện, theo cách diễn đạt của nhà văn Nga I. Bônđarep (tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng đã được dịch sang tiếng Việt, tiêu biểu là Tuyết nóng), đó là “ký ức trách nhiệm”. Xin lấy đoạn kết tiểu thuyết Dòng sông mang lửa làm minh chứng “Ngọc bỗng nhớ câu ca tự hào chiến thắng quân Nguyên Mông. Hơn bảy trăm năm rồi, vẫn còn lưu truyền qua bao thế hệ: Người lính già tóc bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong. Ngọc thầm tự hỏi, không biết một trăm năm sau nữa, những khúc ca hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước liệu còn có vang trên môi hậu thế?” (tr. 626).

2. Nhìn thấy “phía sau tấm huân chương”- nghĩa là nhìn chiến tranh từ hai phía được và mất – như là cảm hứng chủ đạo ngòi bút Hồ Sỹ Hậu lúc viết Dòng sông mang lửa, cảm hứng này trực chỉ tác giả phải viết sao cho thật trung thực cái giá của chiến thắng. Đọc tiểu thuyết Dòng sông mang lửa, tôi chợt nhớ tới cảm hứng bi hùng trong bài thơ Việt Nam máu và hoa (1973) của nhà thơ Tố Hữu “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau, thắm những ngày”. Độc giả chia sẻ với ý nghĩ luôn ám ảnh Trần Đình (một nhân vật sĩ quan chỉ huy) về chiến tranh và người lính “Là người từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, đã nhiều lần đem di vật đồng đội về cho gia đình, ông hiểu ra rằng chiến tranh đã tạo nên hai mặt của bức tranh khi người lính ngã xuống. Ở mặt trận người lính coi cái chết nhẹ như lông hồng. Sau khi người lính ngã xuống, có thể là lá cờ chiến thắng với những vết đạn lỗ chỗ phần phật bay trên cứ điểm quân thù, có thể là những lời thề quyết trả thù cho anh, cũng có thể là một cuộc rút lui thêm nhiều người ngã xuống. Nhưng bất luận thế nào, những chàng trai trẻ ngã xuống giữa trận tiền vẫn là sự ra đi kiêu hùng. Hàng ngàn, hàng vạn cái chết của họ là một phần viết nên lịch sử của cuộc chiến tranh. Còn ở hậu phương, sau cái chết ấy là tiếng gào khóc của người vợ mất chồng, con mất cha. Là nỗi đau tận cùng của người cha, người mẹ mất con. Là bắt đầu một cuộc vật lộn với đời vì gia đình mất đi một trụ cột, hay một nhánh tương lai của gia đình, dòng họ bị cắt đứt. Cái giá ấy không trừ một cuộc chiến tranh nào, nhưng mỗi dân tộc, để tự bảo vệ mình, không còn sự lựa chọn nào khác” (tr. 109 – 110). Ngay những nhân vật “chóp bu” như Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên lại càng ý thức được sâu sắc cái giá của chiến thắng “Cứ nghĩ đến cái giá phải trả cho mỗi tấn hàng trên tuyến vận tải Trường Sơn này lòng ông lại trĩu nặng (…). Trong số hàng hoá vận chuyển trên tuyến Trường Sơn, xăng dầu là là loại tốn nhiều xương máu nhất (…) mỗi phuy xăng qua trọng điểm Trà Ang phải đổi bằng sinh mạng một chiến sĩ. Xương máu như vậy, nhưng không có xăng thì hàng hoá không thể ra mặt trận” (Tr. 279). Đúng là “máu người không phải là nước lã”, cái chủ đề trung tâm ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài một cuốn tiểu thuyết hoành tráng về chiến tranh: đó là sự hi sinh máu xương tại trận tiền của những người lính (cả chiến sĩ, cả sĩ quan), của những TNXP như Hoàng Linh, Khuyến, Lập, Tường, Phú, Thục, Thoan… Chiến sĩ đường ống sau chiến tranh trở về nhiều người nhiễm chất độc da cam, đó cũng là một hi sinh lớn lao. Có những người lính trở về sau chiến tranh mang theo bệnh tật, thương tật, rồi suy kiệt sức lực mà chết như cặp vợ chồng Lan – Đỉnh. Có người lính ở chiến trường sau năm năm bặt tin tức, lúc trở về nhà rơi vào bi kịch khi vợ mình đã có con với bố đẻ. Có sĩ quan như Trần Đình lấy vợ được hơn hai mươi năm, có với nhau đến ba mặt con, thế mà tổng số thời gian vợ chồng họ được ở bên nhau cộng lại chỉ vỏn vẹn hơn một năm trời. Có những chiến sĩ “chết hai lần” (đồng đội vừa chôn cất xong, sau đó bom thù lại đào lên), đúng là “Cuộc chiến tranh này tàn khốc quá. Nó có thể bắt con người ta chết nhiều lần” (tr. 231 – 232). Nhưng vượt lên trên tất cả gian khổ, hi sinh là một chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam chói ngời – đó là nguồn gốc chiến thắng của dân tộc trước một kẻ thù giàu có nhất và hung bạo nhất thế kỉ XX. Nhưng chiến thắng mà chúng ta giành được không hề giản đơn, dễ dàng. Tất cả phải trả bằng máu người, mà máu người không phải là nước lã (ngay chương mở đầu Xăng và máu đã cho độc giả biết cuốn tiểu thuyết này sẽ phát triển theo hướng nào).

3. Tiểu thuyết sống được trong lòng độc giả là nhờ chủ yếu vào nhân vật. Nhân vật cũng chính là thước đo tài năng và phong cách nghệ thuật một nhà văn. Nhân vật của tiểu thuyết Dòng sông mang lửa có đặc trưng gì? Nó là “nhân vật đám đông” hay đã đạt tới những “cá thể nghệ thuật” sinh động? Khi đọc Dòng sông mang lửa của Hồ Sỹ Hậu, tôi đã phải vẽ ra một sơ đồ nhân vật qua chín chương tiểu thuyết. Và trên cái nền của nhân vật chính – nhân vật “đám đông”- tôi lựa ra được mấy nhân vật ở thế khả năng trở thành các “cá thể nghệ thuật” nhiều hứa hẹn. Sỡ dĩ nói đứng ở trung tâm tiểu thuyết là “nhân vật đám đông”, vì những lẽ sau: trước hết có nhiều “lớp” nhân vật, từ “nhóm 18 tên” gồm các kỹ sư mới ra trường lập tức được ném ngay vào lò lửa chiến tranh để “lửa thử vàng gian nan thử sức”, song song là “lớp” các sĩ quan chỉ huy từ “chóp bu” là Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn như Lê Trọng (tiểu đoàn trưởng sau lên trung đoàn trưởng), Trần Đình (Chính trị viên tiểu đoàn), Quang Trung (Binh trạm trưởng Binh trạm 90), Hoàng Trần (Chủ nhiệm chính trị), Khuynh (Chính ủy trung đoàn), Đăng Tùng (Trung đoàn phó), Đặng văn Thế (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 952, thay thế Lê Trọng)… “Lớp” cuối là các chiến sĩ, họ là “lính trơn”, là “lính trận” theo đúng nghĩa đen của từ này như Hiến (có lúc vì hoàn cảnh gia đình, đã dao động và đào ngũ), như Phú (thương binh, có quyết định phục viên, nhưng tình nguyện ở lại chiến trường, hi sinh anh dũng), như Miên vì thương đồng đội thiếu thốn mà đi kiếm thức ăn, bị tai nạn (cụt cả hai tay, mù mắt)…Và hàng nghìn người lính đã ngã xuống vì nghĩa lớn (chỉ riêng khu mộ các liệt sĩ quê Nghệ An trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã có hơn 1300 ngôi). Đúng ra thì “nhân vật đám đông” có thể làm “nền”, làm “phông” để trên đó nhà văn xây cất những tượng đài bằng ngôn từ văn chương những điển hình người lính cách mạng vốn như một đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 -1975. Ngay từ đầu tiểu thuyết tôi đã rất chú ý đến Thục, Quang, Ngọc – bộ ba “lính cậu” (những người trẻ tuổi có học vấn, nhân cách, có số phận). Họ có ba người phụ nữ gắn bó keo sơn (Thục – Khanh, Đỉnh – Lan, Ngọc – Hạnh). Nếu tác giả chỉ cần tập trung thật sâu đậm vào một trong ba đầu mối này, độc giả chắc chắn sẽ được thưởng thức một kiểu “thân phận của tình yêu” trong chiến tranh. Tuy Thục đi gần trọn tiểu thuyết (hi sinh ở gần cuối tác phẩm, tr.588) nhưng nhìn chung nhân vật này, theo tôi, vẫn bị “bỏ rơi”. Vì sao? Có lẽ tình cảm của tác giả thì tràn trề và đắm đuối, nhưng khi viết đã chia đều cho tất cả các nhân vật mà không thể không yêu mến ai (lí ra tác giả chỉ cần chăm sóc một vài “đứa con tinh thần” của mình thật chu đáo). Về nhân vật sĩ quan chỉ huy, từ đầu tôi rất kì vọng vào nhân vật Lê Trọng (từ tiểu đoàn trưởng đến binh trạm trưởng, sau lên trung đoàn trưởng, cuối cùng được điều lên Bộ tư lệnh Đoàn 559). Nhưng nhân vật này chỉ mới làm cho độc giả hình dung ra những nét chính, giống như một ký họa sắc nét. Ngay Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên, có thể là một hi vọng của độc giả về một nhân vật lịch sử bước vào văn chương, nó điển hình cho kiểu nhân vật ở tầm chiến lược “tổng hành dinh”. Nhưng ông xuất hiện ít và chưa có độ lắng đọng, chưa nổi rõ thần thái với tư cách một nhân vật văn học (hoặc giả là một nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử). Văn học về chiến tranh của ta cho đến nay vẫn còn khuyết chân dung nhân vật kiểu này.

4. Tiểu thuyết lịch sử? Tiểu thuyết tư liệu? Hay là tiểu thuyết? Đó là những câu hỏi đặt ra, không chỉ đối với riêng tôi, sau khi đọc xong Dòng sông mang lửa của tác giả Hồ Sỹ Hậu. Có vẻ như tác giả thì coi “đứa con tinh thần” của mình là tiểu thuyết lịch sử, bởi nhiều lẽ: tác phẩm viết về đường ống xăng dầu Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở thành “một huyền thoại trong huyền thoại”. Các sự kiện, nhân vật tiểu thuyết khá trung thành với sự thật lịch sử (chẳng hạn: Chương 6 – Lam Sơn 719 – thể hiện rất rõ chủ kiến của tác giả). Nhưng tiểu thuyết lịch sử ngoài việc nương vào các biến cố trọng đại còn phải xây dựng được những nhân vật lịch sử có ý nghĩa quyết định toàn cục, ở tầm chiến lược chứ không phải chiến thuật (Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một thành công với ý nghĩa là tiểu thuyết lịch sử). Riêng tôi lại nghiêng về cách định danh tiểu thuyết tư liệu cho Dòng sông mang lửa. Vì sao? Phải nói ngay rằng cách định danh này không hề hạ thấp giá trị của tác phẩm. Tôi nhớ thời còn Liên – Xô, có một cuốn tiểu thuyết làm chấn động văn đàn và được nhiều người tìm đọc. Nhà văn đã đến một làng thuộc Belarutxia, ngôi làng ấy trong Chiến tranh ái quốc 1941 -1945 đã bị thiêu trụi và số người bị phát xít Đức giết hại là rất nhiều. Nhà văn đã nghe những người còn sống sót kể lại cái tai họa thảm khốc đối với ngôi làng và cư dân vùng ấy. Nhà văn đã ghi âm tất cả lời kể của các nhân chứng, rồi sắp xếp và tổ chức lại thành cuốn tiểu thuyết Làng tôi cháy. Nhiều độc giả thế hệ không hề biết chiến tranh đã khóc trên những trang sách đặc biệt này. Trở lại tiểu thuyết của tác giả Hồ Sỹ Hậu, riêng tôi càng đọc càng củng cố quan niệm về một tiểu thuyết tư liệu có tầm cỡ: đọc kĩ các trang từ 400 đến 410 chẳng hạn, sẽ tiếp nhận được khá chính xác và đầy đủ diễn tiến của chiến dịch Lam Sơn 719, nhà văn lúc này như một sĩ quan chỉ huy ở ban tham mưu, nắm chắc các số liệu, tình hình chiến sự từng ngày. Còn đọc toàn bộ tiểu thuyết độc giả sẽ hiểu một cách ngọn ngành và thấu đáo cuộc chiến tranh trên một mặt trận đặc biệt các liệt – đường ống xăng dầu Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Viết tiểu thuyết này, tôi nghĩ, nhà văn Hồ Sỹ Hậu với tư cách là người trong cuộc, trải nghiệm chiến tranh trên một mặt trận có thể nói là ác liệt chưa từng có vì “Xăng và máu” (như nhan đề chương 1). Dĩ nhiên thì rốt cuộc, nhà văn của chúng ta chỉ ghi giản dị hai chữ “Tiểu thuyết” cho tác phẩm mang nặng đẻ đau của mình suốt mấy chục năm sau chiến tranh – như một món nợ tinh thần phải trả với tất cả đồng đội ai mất ai còn – và trong hơn 700 ngày cầm bút viết. Đây không phải là một thái độ trung dung, như ai đó nghĩ, theo tôi, đó là niềm tin không gì lay chuyển nổi của nhà văn, vì nó là cuốn tiểu thuyết tâm huyết của một đời văn, nó là “tiểu thuyết cuộc đời”. Nó là của tôi, của anh, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

 

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version