Chuyên mục TRUYỆN HAY tiếp theo, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn LÁ THƯ NHẦM ĐỊA CHỈ của Hiệu Constant.

Nhà văn- dịch giả Hiệu Constant sinh năm 1971

Tên thật: Lê Thị Hiệu

Quê Thường Tín, Hà Nội.

Hiện sinh sống tại Pari Pháp

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant những năm qua đã trở thành nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam, với hơn 50 tác phẩm dịch, trong đó có nhiều tiểu thuyết có giá trị…

Chị đã viết truyện ngắn và tiểu thuyết

Đã xuất bản 5 tiểu thuyết

Nhiều tác phẩm đang trong giai đoạn thai nghén hoặc chờ xuất bản.

Lá thư nhầm địa chỉ

Tặng Q.

Chiều cuối hè, khu nghĩa địa ở ngoại ô Hà Nội chỉ còn lác đác người qua lại, khói hương trầm tạt tới khiến mắt mũi chị cay cay. Những tia nắng chiều mơn man phủ lên các bia mộ, gây cảm giác vừa gần gụi vừa xa xăm. Chị đưa tay vuốt nhẹ tấm di ảnh trước mặt. Qua làn khói hương, các đường nét trong ảnh như nhạt nhòa, mờ ảo, như thể năm tháng đã bào mòn những đường nét của anh. Mấy chục năm xa nhau, giờ gặp lại thì anh trong hình hài như thế này, bị nén sâu trong lòng đất, dưới tấm bia mộ. Người ta gắn bia, treo ảnh anh để khỏi nhầm với những “người” khác, đang nối nhau xếp hàng dài cạnh chị…

Chị ngồi phệt xuống và gục đầu lên thành mộ. Chặng đường dài hơn chục ngàn kilomet, chục giờ bay và chênh lệch múi giờ đã khiến chị hơi mệt. Đá cẩm thạch lành lạnh khiến chị rùng mình, tâm trí bỗng rành rõ hẳn, như thể vừa được gột rửa. Chị ngẩn người, thốt một tiếng thở dài. Từ ngữ nào có thể tả được tiếng thở dài này của chị. Nó chất chứa những kìm nén, u uất, tiếc nuối trong suốt mấy chục năm. Nó dài tầm nào, nó nặng bao nhiêu, nó mang màu gì, sắc thái nào? Chỉ biết rằng khi nó thoát khỏi lồng ngực… mà đúng hơn là thoát khỏi từ sâu thẳm tâm can chị, tại đây, trước mộ anh, đã khiến chị cảm thấy nhẹ nhõm hơn biết bao nhiêu, như thể vừa trút được một gánh nặng đã đeo đẳng chị từ hàng chục năm. Lúc này chị không còn là một nữ giảng viên danh tiếng của một trường Đại học ở Bắc Âu, mà lại trở thành cô nữ sinh trung học năm nào!

Con người nằm dưới mộ này đã có thời là bầu trời của chị, là luồng khí quyển, những buổi ban mai, những ánh chiều tà và cả những ước mơ… Với chị khi ấy, mỗi lời anh nói ra đều huyền diệu, buộc chị phải suy nghĩ nhiều hơn, đẩy luồng tư duy đi xa hơn, phải tìm kiếm những con chữ thích đáng để có thể diễn tả những gì mình hiểu bằng ngôn ngữ. Bằng hình ảnh thì dễ hơn, chúng giống như những đám mây trắng bồng bềnh trong ánh hoàng hôn, khi thì giống như những chú thỏ dễ thương, lúc khác lại như con rồng ẩn hiện, thấy đầu mà không thấy đuôi, lúc khác lại như một khu vườn đầy hoa và chị hình dung có cả tiếng chim véo von…!

Anh chính là thầy giáo dạy cấp III của chị!

Từ gần một tháng nay, bộ môn Địa của khối lớp 11 bị bỏ trống bởi cô Nguyệt phụ trách đã chuyển công tác vào miền Nam theo chồng. Vào giờ Địa, hoặc cô giáo chủ nhiệm hoặc đích thân thầy Hiệu trưởng đến ra bài cho cả lớp. Hôm đó là thứ Năm, môn Địa là tiết thứ ba, bắt đầu lúc 10 giờ, đám học trò vẫn đang nhốn nháo đợi thầy Hiệu trưởng hoặc cô chủ nhiệm, họ thường đến muộn mươi phút, thì một người đàn ông khó đoán tuổi xách các-táp, nhanh nhẹn bước vào và tiến về phía bàn giáo viên.

Cả lớp lục đục vào chỗ, có đứa còn chưa kịp đứng lên chào thầy giáo thì thầy đã ra hiệu cho tất cả ngồi xuống rồi tự giới thiệu một cách ngắn gọn, sau khi đã đưa mắt nhìn khắp lượt các khuôn mặt học trò trong lớp, đang lộ rõ vẻ tò mò:

– Mình là Thanh, kể từ hôm nay sẽ chính thức dạy môn Địa cho khối lớp 11. Chương trình cô Nguyệt để lại đã chậm mất chừng một tháng, có lẽ chúng ta sẽ phải đi nhanh một chút…

Ánh mắt thầy lướt trên trang giáo án trước mặt rồi tiếp tục:

– Cô Nguyệt đã kết thúc với các em phần Khái quát nền kinh tế – Xã hội Thế Giới, từ hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành tìm hiểu chương trình Địa lý khu vực và Quốc gia nhé và sẽ bắt đầu với Liên bang Xô Viết…

Miệng nói tay Thầy nhanh lẹ viết các tiêu đề lên bảng, rồi một tấm bản đồ Liên Xô dần dần hiện ra dưới tay thầy. Mỗi vòng tròn nhỏ, mỗi dấu chấm là một thủ đô, một địa danh xa lạ, đâu đó vùng Tai-Ga hay sa mạc Sibéri. Mỗi dòng đường đứt đoạn là biên giới. Mỗi cái gạch kéo dài là một dòng sông “chỗ này là sông Néva”, “Đây là Volga, còn đây sẽ là sông Đông nhé”. “Đây là vùng viễn đông Nga, là biên giới giáp với tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc… Còn chỗ này là hồ Baikal…”

Mỗi dãy núi là những đường lượn sóng dưới tay thầy. “Các em hãy nhìn và quan sát rõ đi, đây là dãy núi Verkhoyansk, tiếng Nga được đọc là… (thầy chu môi đọc một tràng tiếng Nga), là một dãy núi ở Cộng hòa Sakha, thuộc liên bang Nga. Nó là một phần của Dãy núi Đông Siberi. Dãy núi này rất quan trọng về mặt địa lý, nó nằm ngay phía tây ranh giới của mảng kiến tạo Á-Âu và Bắc Mỹ. Các em thấy không, ngọn núi được hình thành bằng cách uốn nếp, và đại diện cho một nếp gấp lồi. Nếu chúng ta phủ thêm cây xanh vào đây thì sẽ thơ mộng biết bao, nhất là vào mùa xuân và mùa thu…”. Nói rồi lại bằng năm bảy nét phấn Thầy đã tạo ra những rặng cây rừng đứng cạnh nhau phủ đầy các ngọn núi.

– Dãy Verkhoyansk được bao phủ bởi các sông băng trong Thời kỳ Băng hà, – Thầy nói tiếp – Cuối cùng là những ngọn núi ở phần phía bắc, chẳng hạn như dãy núi Orulgan, hiển thị một cấu trúc điển hình của Alpine. Nơi đây có các mỏ than, bạc, chì, thiếc và kẽm…

Tên những thành phố, thủ đô xưa của các quốc gia vệ tinh của Liên Xô được thầy đọc rất hay, ngân nga trầm bổng, khác hẳn với cô Nguyệt, thường đọc theo phiên âm…

Bài giảng Địa lý về Liên Xô ấy của thầy đã khắc sâu vào tâm trí cô cán bộ lớp tên Luyến là chị ngày ấy và đi theo chị cho đến tận bây giờ. Quả là khó có thể tin vào những gì vừa nghe, vừa nhìn thấy trong một giờ học Địa lý vốn khô khan không tưởng. Những chữ, những bản đồ, những lời giảng của anh vẫn luôn hiển lộ, lanh lảnh bên tai chị!

Cả lớp đều bị ấn tượng. Sau buổi đó, Luyến và một số bạn đã tìm hiểu rằng nhà thầy cách trường không xa. Trước thầy đang học dở Đại học Mỏ địa chất thì đi bộ đội, đất nước thống nhất, thầy về học tiếp. Ra trường đi dạy ở miền núi phía bắc, giờ được chuyển về đây[1]. Thầy là con cả và khá đông anh chị em, bố mẹ thầy đã mất, hiện thầy sống với hai người em út, cũng đang là học sinh trung học tại một trường cấp III khác trong huyện.

Mắt chị bị một con chim chìa vôi đang chấp chới trên làn sóng lúa xanh rập rờn phía trước mặt thu hút, nhưng hình ảnh con chim nhòa dần, nhường chỗ cho những năm tháng quá khứ lần lượt hiện về.

Mọi thứ lúc đầu cứ vùn vụt lướt nhanh, mờ ảo. Như thể chúng tranh nhau chạy đến trước để điểm danh, chị như thể nhìn thấy những cánh tay giơ lên: Tôi, tôi nè, tôi nữa nè, tôi đang ở đây… Chị nhắm mắt, hít một hơi thật dài, nhè nhẹ thở ra và đưa tay vuốt mặt. Hai tay chị lướt nhẹ từ đỉnh đầu xuống tận cằm, như thể chị muốn trấn an những kỷ niệm, như thể chị nhắc chúng rồi ai cũng sẽ có phần.

Sự xuất hiện của thầy giáo dạy môn Địa đã ít nhiều khiến học sinh khối 11 thay đổi. Chúng đã có những tiến bộ rõ rệt trong môn này. Là một cán bộ lớp, Luyến rất hân hoan. Có bạn hay bỏ học thì cũng đã đến học môn này đều đặn hơn.  

Còn Luyến, cho đến tận bây giờ chị vẫn không thực sự hiểu rằng trái tim thiếu nữ ngày ấy đã bị điểm nào nơi anh chinh phục? Sự duyên dáng, tri thức uyên thâm hay sự tử tế độ lượng? Anh không đẹp trai, da ngăm đen, thậm chí rất đen. Anh gầy nhưng không cao lắm. Về tổng thể, anh không có gì nổi bật. Nhưng hãy nhìn kỹ một chút coi: Cặp mắt sáng lấp lánh, môi dưới hơi trễ, đủ để thấy lúc nào anh cũng như đang cười. Mái tóc đen nhánh, hơi dài và rất mượt. Đường ngôi rẽ bên. Không biết vô tình hay hữu ý mà một lọn tóc luôn xõa xuống, che khuất một bên mắt và một phần bên mặt. Mỗi lần như vậy, anh lại thực hiện một động tác nhẹ nhàng nhưng thành kính hệt như tôn giáo, anh kẹp cuốn sách đang cầm bên tay trái vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, đặt viên phấn đang viết vào giữa ngón cái và ngón trỏ, rồi dùng bàn tay phải hất mớ tóc bướng bỉnh đó lên đỉnh đầu. Sau động tác đó, khuôn mặt anh lại sáng lên, rạng ngời, lấp lóa.

Cuốn sách bên tay trái của anh đã làm dấy lên trong Luyến sự tò mò và đã ví nó như chiếc quạt lông vũ của Khổng Minh, bởi anh cầm nó nhưng không bao giờ nhìn vào đó. Khi trở thành giảng viên đại học, thì chị phát hiện ra rằng có một số người khi làm việc thì cần một điểm tựa. Với anh, cuốn sách ấy chính là điểm tựa. Chị cũng thích tác phong của anh khi vừa giảng xong một phần bài học. Anh thường đi xuống cuối lớp, mắt chăm chú nhìn lên những gì mà chính mình viết ra, vẽ ra, rồi bất chợt sải những bước dài lên chỉnh sửa một “dấu phẩy”, hay một “vòng tròn” trên tấm bản đồ.

Luyến đã thực sự bị những giờ Địa lý của thầy Thanh chinh phục, đến mức mỗi khi học về một khu vực, một quốc gia hay một thành phố nào đó, nó lại năn nỉ người chị họ đang học trên trường Cao đẳng Sư Phạm mượn thư viện trường cho nó những tác phẩm liên quan. Nó mê mẩn với những cuốn sách ấy! Thế là ngoài những kiến thức về địa lý, nó còn rành rõ về lịch sử, kinh tế, chính trị, khí hậu và sinh thái! Kiến thức của nó trội hẳn. Tinh thần nó phấn chấn, điểm các môn khác cũng khá hơn nhiều!

Rồi nó tương tư…

Ngoài giờ Địa lý lớp mình thì nó còn biết thời khóa biểu của Thầy ở các lớp khác. Nó ngồi học mà cứ liếc ra ngoài cửa sổ, lòng u hoài khi vẫn chưa thấy thầy xuất hiện ở đầu kia con đường, rồi chợt hân hoan khi thấy từ xa thấp thoáng chiếc xe đạp nam đang tiến gần về phía cổng trường và sẽ lướt qua cửa sổ lớp nó. Chiếc các táp luôn được đeo trên gióng ngang. Nó còn nhìn thấy một sợi dây màu xanh lam buộc trên ghi đông, gần chuông xe. Nó muốn biết cái đó để làm gì, nhưng không dám đến gần vì sợ bị phát hiện, bởi xe của thầy để trong khu giáo viên.

Rồi nó cũng bị trả giá cho sự mơ mộng! Giờ toán hôm đó, nó đã không thể tập trung, vì giờ Địa của lớp A. bên cạnh đã bị chậm mười phút mà thầy và chiếc xe vẫn chưa xuất hiện trên con đường quen thuộc. Nó lo lắng và bồn chồn. Mắt không chỉ liếc nữa mà đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ, tay không ngừng vặn chiếc bút máy đến mức lắp bút vỡ toác. Thầy Luân gọi nó lên bảng giải một phương trình bậc 2. Bình thường, bài tập này nó chỉ làm trong hai phút, với trình tự bốn bước là xong. Nhưng hôm đó, nó đã viết kín cả bảng mà vẫn không ra kết quả. Cả người nó nóng bừng. Nó cảm nhận từng dòng mồ hôi chảy dọc trên sống lưng. Nó thực sự bối rối. Bởi trong đầu nó khi ấy không có phương trình, chỉ có hình ảnh thầy Thanh! Có lẽ Thầy bị ốm, có lẽ thầy bị tai nạn trên đường, có lẽ… Trong tâm trí non nớt của nó hiện ra hình ảnh thầy đang bị sốt cao 40 độ, một mình nằm trên giường, mồ hôi ròng ròng nhưng lại run bần bật. Thầy đã chẳng kể từng bị sốt rét dạo còn trong rừng ở chiến trường B. đó sao? Hoặc thầy đang đi thì bị choáng, ngã xe bên vệ đường và không ai đi ngang qua để gọi cấp cứu… Đầu nghĩ như thế trong khi tay nó vẽ ra những con số, phương trình vì vậy càng trở nên rối rắm. Có lẽ chính thầy Luân cũng khó hiểu khi nhìn những dãy số chằng chịt ấy của nó. Đúng lúc nó định xin phép bỏ cuộc thì giọng thầy vang lên:

– Cách giải của Luyến rất thú vị, nhưng thầy có một cách giải khác ngắn gọn và dễ hiểu hơn…

Thầy nói và ra hiệu cho nó trở về chỗ ngồi.

Nó thầm cám ơn thầy Luân đã giúp nó khỏi bẽ mặt trước cả lớp, cùng lúc nó xấu hổ với thầy, bởi chắc chắn thầy biết nó đang viết lung tung chứ không theo một phương pháp giải phương trình nào cả. Sau giờ học đó, nó trốn ra một góc trường vắng và bật khóc nức nở. Lần đầu tiên nó thấm đòn đau của sự tương tư!

Lên lớp 12, trong đám bạn học đã hình thành nhiều cặp. Chúng chưa hẳn đã yêu nhau, nhưng chắc chắn là thích nhau rồi. Khi đi dã ngoại hay đến thăm thầy cô trong dịp lễ tết, chúng thường đi theo cặp và đèo nhau, còn Nó vẫn một mình đạp xe. Rồi đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học và Đại học. Cả trường chỉ một số rất ít nộp hồ sơ thi đại học, trong đó có Nó, đương nhiên rồi.

Trong buổi chia tay viết lưu bút, nhiều đứa bịn rịn, khóc sụt sịt. Nó ráo hoảnh, cặp mắt trống vắng ngơ ngác. Nó không hiểu tại sao mọi người lại khóc! Mọi người vẫn ở đây, cùng xã cùng huyện này, nếu muốn thì có thể gặp nhau dễ dàng. Còn nó, Nó sẽ vào đại học. Sẽ rời khỏi đây để đến Thủ đô, để thực hiện ước mơ của nó, rồi sẽ còn đi xa hơn, đến những chân trời mới lạ… Chính nó mới cần phải khóc chứ. Lại càng muốn khóc hơn khi suốt buổi nó không nhìn thấy thầy Thanh đâu trong khi các thầy cô bộ môn đều đã ghé qua nói lời chia tay và chúc phúc cho mỗi học trò lớp nó… Mãi đến gần cuối buổi thì thầy mới ào vào, nó cảm thấy như được hưởng một luồng gió mát:

– Ô, thầy đây rồi! – Cô giáo chủ nhiệm nói, – chúng tôi đã đợi thầy đấy…

– Xin thứ lỗi, tôi có chút việc nên đến trễ – thầy vừa nói vừa xoa hai tay vào nhau rồi đặt chúng trở lại mặt bàn – Nói thế nào nhỉ… Thầy rất cám ơn các em đã hợp tác trong môn Địa lý của thầy, vốn bị coi là rất khô khan, không gây hứng thú, nhưng dẫu sao chúng ta đã có những thời khắc vui vẻ đáng ghi nhớ…

Thầy dừng lại, đưa ánh mắt nhìn khắp lượt các khuôn mặt, hệt như trong buổi học đầu tiên khi thầy làm quen với cả lớp, nhưng giờ đây, với thầy những khuôn mặt này đã được gắn với một cái tên và một tính cách riêng biệt, chúng mới đáng yêu làm sao!

– Các em thân mến, thầy sẽ không nói nhiều và không muốn bị coi là một triết gia nói những lời khó hiểu, thầy chỉ muốn các em hiểu rằng so với hành trình dài sau này, thời gian 12 năm phổ thông mà các em vừa hoàn thành, thực chất chỉ là một đoạn đường rất ngắn, chỉ là tập đi mà thôi. Cuộc đời sau đây còn rất nhiều ngã rẽ. Đây chính là số mệnh của con người. Thầy hi vọng mỗi các em đều có sự lựa chọn đúng cho mình.

Ánh mắt thầy chuyển sang cô cán bộ lớp. Thầy nhìn thẳng vào mắt nó, nó dũng cảm đón nhận ánh mắt ấy mà không hề cụp xuống. Đây là lần đầu tiên nó dám chống chọi với ánh mắt thầy lâu đến thế.

Thầy nói:

– Cuộc đời là vô số sự lựa chọn. Từ trước đến nay, có vẻ như đều là bố mẹ ở nhà, thầy cô ở trường đã giúp các em hoạch định tất cả. Từ nay về sau, các em phải độc lập chọn lựa con đường sống của mình. Bắt đầu là chọn mục tiêu của cuộc đời, rồi quy hoạch phương hướng phát triển, sau đó đến từng lựa chọn chi tiết trong sinh hoạt hàng ngày, để đưa ra quyết định cho từng bước. Từ từ làm, đi chậm nhưng vững chắc, đó là lời khuyên của thầy cho tất cả các em ngày hôm nay!

Sau đó, thầy tạm biệt và bước qua bàn đặt sổ lưu bút.

Luyến thấy tiếc nuối, Nó đã muốn gặp riêng thầy, nó đã muốn thầy nói với nó vài câu, chỉ cho riêng một mình nó…

Nhưng thầy chỉ ngồi đó, hí hoáy viết vào các cuốn sổ!

Tối đó về, đọc những dòng lưu bút của bạn bè, những khuôn mặt thân thương lại hiện về trong trí nhớ, bỗng nó giật nảy mình khi nhìn thấy nét chữ của thầy Thanh. Nó đã ngỡ thầy không dành gì cho nó…

“Biết em nộp hồ sơ thi đại học vào ngành… của trường Đại học ấy, thầy vừa mừng vừa lo. Thầy biết em có ước mơ của riêng mình. Thầy hoàn toàn tin vào khả năng của em. Hãy cố gắng nhé. Đường đời chỉ có thể một mình bước đi, không có chỗ dựa dẫm, không có bố mẹ hay thầy giáo. Lựa chọn của em sẽ tạo thành cuộc đời em. Cho dù thế nào, thầy mong em hãy lựa chọn trở thành chính mình, có nghĩa là không ngừng phấn đấu để vượt qua chính mình. Hãy luôn tự đánh giá lại bản thân, tự vấn, tự đặt ra tiêu chuẩn cao cho mình để truy cầu thành quả cao nhất. Hãy nhớ luôn là phiên bản gốc của chính mình. Chúc em thành công, Thầy sẽ luôn dõi theo em! Thầy Thanh”. Cuối cùng còn có một hình trái tim nho nhỏ được vẽ cạnh chữ ký.

Nó ghì chặt trang viết vào ngực mình, cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua kỳ thi đầy thử thách vào đại học.

Và rồi nó đã đỗ vào trường đại học mà nó mong muốn, theo chuyên ngành mà nó mơ ước!

Vào đại học đồng nghĩa với những ước mơ và hoài bão lớn dần lên. Giảng đường mênh mông, thư viện đầy ắp sách, dày cộp, đủ thể loại. Thầy cô thông thái.

Thời gian trôi, nó đã đến gần năm cuối đại học, vẫn không có người yêu. Bởi hình ảnh thầy Thanh luôn lấp lóa, vừa là động lực thúc đẩy nó học, vừa là vật cản ngăn nó yêu đương. Nó vẫn cùng đám bạn cũ đến thăm thầy khi có dịp. Thầy vẫn độc thân, vẫn lọn tóc bướng bỉnh xõa xuống và động tác vuốt tóc “thần thánh” khiến nó mê mẩn. Tim đập rộn ràng, nó vẫn lén nhìn trộm thầy.

Gần ngày tốt nghiệp Đại học, nó nhận được một lá thư… của thầy Thanh.

Lá thư gồm ba tờ phê đúp, dày đặc chữ. Thư đề gửi một cô tên A. Hoan, người dân tộc Nùng ở bản X. tỉnh Cao Bằng. Lá thư thú nhận tình yêu với cô ấy, những tâm tình và những lời khuyên chân thành thốt ra từ tâm khảm người viết.

Thư có những đoạn:

“… Dưới này thời tiết rất khác, có lẽ em không hình dung nổi đâu, còn anh thì nhớ trên đó. Vào mùa đông, sáng sớm trời lạnh buốt, mây xám mịt mờ giăng giăng khắp nơi, tuyết bay phấp phới tứ phía, cả một vùng núi tựa như có một cơn mưa ngọc, rừng trắng xóa như thể ông trời đang vung tay rắc bạc xuống trần gian. Ngôi bản nhỏ dưới chân núi vắng lặng như tờ, không bóng người, chỉ nghe gió reo xào xạc trên những tán cổ thụ nghìn năm u tịch. Phong cảnh chung quanh quả thực khác thường. Em muốn biết thêm về anh ư? Sẽ có nhiều điều mà anh nói, em chắc không hiểu đâu! Anh là lớp giáo viên cấp III đầu tiên lên đó dạy học, điều đó đồng nghĩa với việc trường vừa thành lập, thiếu thốn đủ thứ. Trường được dựng ở một khu rừng thưa, cách bản vài trăm mét, giữa lưng chừng một gò cao, bên dưới có dòng suối chảy quanh năm, có người biết thuật phong thủy nói đó là tướng rồng nằm ngủ vùi, nơi đây sẽ sản sinh nhân tài. Xa xa một chút, có một ngôi nhà tranh nhiều gian dành cho giáo viên. Từ đó ra trường, bọn anh phải đi qua một cây cầu tạm bắc ngang suối. Anh đã ở đó cùng mấy thầy cô khác. Bọn anh đã trồng nhiều trúc trước cửa, xung quanh cấy thêm ít hoa cỏ lạ. Đó là các loài hoa mọc hoang trên đồi mà có thể gọi là kỳ hoa dị thảo, thế nên khu ấy luôn ngát hương, chỉ khi mùa đông quá lạnh thì khiến cây cối co mình lại… Đã có lúc anh mong được đưa em đến thăm nơi ấy!

Đừng trách anh đã không nghĩ đến tình yêu của em. Anh không phải không biết những tình cảm em dành cho anh, những ấm ức em phải chịu đựng khi thấy anh “bất công” với em, “tảng lờ” em. Nhưng anh đã không thể làm khác được. Em khi đó còn là vị thành niên, anh là thầy giáo, chúng ta không thể vượt quá giới hạn. Có lẽ em sẽ không tin nhưng anh đã rất sốt sắng đợi ngày em 18 tuổi để có thể tỏ tình với em cho dù em có đỗ đại học hay không! Nếu em không đỗ, anh sẽ vẫn tỏ tình và gắng hết sức để giúp em đậu, anh tin khả năng của em! Anh biết giảng đường đại học mới là chỗ của em…

Anh sẽ luôn nhớ lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt em nhìn anh, hôm đó anh giảng về đất nước Na Uy nhỉ! Không son phấn, em xinh như hoa sen trên mặt hồ thanh khiết, anh hi vọng năm tháng sẽ không để lại dấu vết, anh thực tình mong em luôn xinh đẹp! Nhưng em thân yêu, so với vẻ đẹp bên ngoài, thì vẻ đẹp nội tâm còn có giá trị hơn, có những đóa hoa được coi trọng vì mùi hương của nó. Những con sóng cứ vỗ ào ạt, cuồn cuộn mà không phân biệt ngày đêm. Đời người cũng như vậy, trôi qua không ngừng. Những con sóng kia theo nhau về đâu, đời người không biết hướng về nơi nào. Hãy tự tin, nhưng cũng đừng quên học hỏi, khi có hai điều ấy, em có thể làm được tất cả! Mục tiêu là ở nơi xa nhưng con đường ở ngay dưới chân, mỗi bước đi trên đường đời đều là một bài học, là một chút thu hoạch đó em. Trong cuộc đời cũng vậy, một khi đã xác định được mục tiêu, hãy mang theo ý chí quyết tâm và bước đi bằng chính đôi chân của mình, đừng quá chờ đợi và phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài rồi để lỡ mất mà hối tiếc không nguôi, đừng để những suy nghĩ về anh chi phối.

Em biết không, khi anh đi bộ đội đóng quân trong rừng, hoặc dạy học trên vùng cao, đôi lúc anh đã không nhớ ngày tháng nữa. Chỉ biết trăng tròn là 15, trời tối đen là 30, cây đâm chồi là mùa xuân, trời buốt giá là mùa đông. Chiến tranh để lại ở trong anh ba ấn tượng sâu sắc: buồn, sợ và thương – thương dân, thương mình, thương đồng đội, thương cả đối phương bị chết khi còn quá trẻ. Chỉ khi ta tận mắt chứng kiến những thảm khốc của chiến tranh thì mới cảm nhận rõ cuộc sống bình yên quí giá nhường nào… »

“… Em còn trẻ, thông minh lại đầy hoài bão, đừng nghĩ đến anh nữa! Khi chứng kiến em trưởng thành, những tiến bộ vượt bậc của em, anh không cho phép mình ngăn cản bước tiến của em, càng gần đến ngày em ra trường, anh thấy cần phải nói hết sự thật với em. Rồi một ngày em sẽ nhận ra chia li mới là điều bình thường trong đời, giống như hạt cây Bồ công anh, bay đến đâu sẽ sinh trưởng ở đó. Có vùng đất mới, có bạn bè mới và ước mơ mới. Cuộc đời anh đã gắn liền với con đò bến sông rồi. Em đã từng thần tượng anh, đó là bởi em chưa đi xa. Giờ đây em đã ở một thế giới khác, rồi em sẽ còn đi xa hơn. Đến một lúc nào đó, em sẽ thấy những suy nghĩ của em về anh ở trường Trung học này thật ngớ ngẩn! Em thấy đấy, lúc ta còn nhỏ, chưa từng nghĩ tới chia xa, luôn mong bản thân mau trưởng thành. Nhưng thời gian trôi, một thoáng thất thần trên lớp, một khoảng khắc vui sướng, chán chường, hoặc là trong những giọt nước mắt nóng hổi. Bất kỳ là lúc nào, cũng như luôn có một bàn tay vô hình kéo ta đi. Chớp mắt đã một năm trôi qua, rồi lại một năm nữa và hiện em đã đang ở năm cuối. Em cảm thấy vẫn vậy đúng không? Bình yên, không sóng gió nhưng lại đang lặng lẽ thay đổi đấy, trong nhận thức và trong tư duy của em. Dù ở bất kỳ môi trường nào cũng nên mở lòng với mọi người, em nhé! Bởi một người không thể nào chống đỡ được tất cả mọi chuyện, khi ấy, chỉ bóng râm của một đám mây trắng cũng có thể làm ta ngạt thở!

Em yêu, nếu một ngày bị những khổ đau cuộc đời chà đạp thì em hãy cúi nhìn đất dưới chân mình và ngẫm xem từ ngàn vạn đời nay đất bị hàng tỉ lượt chân người dẫm lên, bị dẫm nát, bị băm vằm nhưng đất vẫn ân cần nâng niu con người và hàng vạn chúng sinh, vẫn cho quả ngọt trái sai mà chẳng oán thán ai. Và khi ta chết, đất lại ôm ta vào lòng…”

Thư của anh rất dài. Lá thư chị luôn để trong túi, và khi tâm hồn bấn loạn, chị thường lấy ra đọc, nó luôn khiến chị bình tâm lại! Chị giận mình bởi thoạt đọc bức thư, đã ngỡ anh viết cho ai đó rồi gửi nhầm địa chỉ đến mình, nên đã oán hận anh và thậm chí đã chẳng thèm đến gặp anh để… trả lại bức thư. Bởi khi loại bỏ miêu tả những kỹ thuật ủ rượu ngô và cách uống, những lần giáo viên giúp dân sửa đường hoặc phải dỗ dành những thiếu nữ dân tộc đang tuổi dậy thì, thì ý tứ trong thư chẳng phải là anh viết cho chính chị đó sao. Mà kể cả những thứ đó, thì chẳng phải anh đang kể cho chị nghe sao? Anh đang trải lòng với chị, thú nhận tình yêu và những lời tâm sự từ đáy tâm can…

 Cùng đợt chị tốt nghiệp Đại học khi ấy, Đại sứ quán Na Uy tung ra một số xuất học bổng, chị đã tham gia thi và trúng. Thoạt đầu sang đó làm Thạc sỹ, rồi Tiến sỹ. Sau đó trường tuyển Giảng viên, chị lại dự thi và được nhận. Những nỗ lực phấn đấu của chị được đền bù bằng học hàm phó Giáo sư, rồi Giáo sư của trường. Mới đó mà đã mấy chục năm. Bù lại, chị vẫn độc thân.

Rút cục, chị và anh đã như hai tinh cầu nhỏ bé, gặp gỡ ngắn ngủi rồi lại men theo quĩ đạo của riêng mình, tiếp tục tiến triển. Thuận theo tự nhiên, đã đi thì buộc phải đi, cần trở về thì nhất định trở về. Không hợp duyên nên cả hai đều cô đơn nhưng đến cuối cuộc đời vẫn không thể sống bên nhau. Giữa kẽ hở thời gian, ngoái đầu nhìn lại, con đường dài dặc tưởng không có điểm cuối thì đã đi được khá xa rồi. Ước mơ mà chúng ta theo đuổi luôn tỏa sáng rực rỡ, xa vời. Là những vì sao, là cầu vồng, là hạt sương mai đậu trên đóa hồng buổi sớm, chúng luôn đứng ở đầu bên kia của cuộc sống. Còn ở bên này, là thực tế cuộc sống, những bó buộc vì danh phận. Là lương thực, là không khí, là giọt nước mắt âm thầm rơi trong đêm. Mỗi người đều bôn ba bận rộn trong cuộc sống của mình để trong ta chỉ còn lại những kí ức đẹp và lời chúc phúc.

Chị mở túi lấy ra lá thư, bật diêm đốt cùng với những nén nhang cuối cùng. Lửa lập lòe trong bóng chiều chạng vạng và mùi hương lan tỏa khắp không gian. Chị ngước lên bầu trời đã tím sẫm, chợt như nhận thấy khuôn mặt và nụ cười của anh hiển hiện giữa những đám mây trắng nhuốm hồng trước những tia nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn trên quê hương.

Paris tháng Tám 2022

Hiệu Constant


[1] Trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, có nhiều thầy cô dạy Trung học ở nông thôn không thực sự tốt nghiệp trường Sư phạm.