Cẩm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn LÁ RỤNG VỀ CỘI của nhà văn BÙI NGỌC PHÚC, qua sự thể hiện của giọng đọc TRẦN ĐĂNG KIM TRANG.

Nhà văn Võ thị Xuân Hà:

“Trong quan sát của tôi, Bùi Ngọc Phúc là một tác giả có một lượng độc giả nhất định, đa phần là độc giả trên mạng xã hội. Có thể gọi anh là một whiter có lượng độc giả riêng trên mạng xã hội. Là nhà văn gắn với một địa chỉ đám mây là LÀNG VĂN XÁ…”

Tác giả, Bùi Ngọc Phúc sinh năm 1969 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Khoa Xã hội học năm 1991.

Tốt nghiệp trường Mĩ Nghệ Hà Nội năm 1993. Khoa Sơn mài

Tốt nghiệp đại học Mĩ thuật Công Nghiệp Hà Nội năm 1996 Khoa Đồ Họa

Đã có 16 tập truyện ngắn, bút kí, truyện vừa, tiểu thuyết… và một số thể loại khác, và sắp xuất bản những cuốn mới.

Mới đây Bùi Ngọc Phúc vừa xuất bản tập truyện ngắn ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG

Những truyện ngắn góp mặt trong cuốn này đều mang màu sắc tâm linh, thậm chí có chút liêu trai khiến người đọc sẽ phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên dù là dòng hiện thực hay tâm linh, giá trị nhân văn mà tác phẩm đem lại còn lớn hơn vậy, bởi thông điệp về cuộc sống thiện lương với nhân quả báo ứng được tác giả đề cập xuyên suốt và nhất quán.

LÁ RỤNG VỀ CỘI

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc

1

Làng Văn Xá vào hội khiến cho không khí rộn ràng ở các thôn, đường làng ngõ xóm bình thường vốn yên lặng là vậy, nhưng mấy ngày hôm nay lúc nào cũng tấp nập người đi lại, những người làm ăn xa mãi tận Sài Gòn, Bình Dương hay Lâm Đồng cũng thu xếp bay ra gặp gỡ họ hàng người thân. Cụ Diệu mồm bỏm bẻm nhai trầu còn tay chống gậy trúc đi từ đình làng về nhà, trên đường đi cụ luôn mỉm cười đáp lại lời chào hỏi của bà con. Tiếng hát chèo được phát đi từ hệ thống loa khiến cụ nhớ lại hồi còn trẻ, ngày đó không có loa như bây giờ nhưng hễ nghe tiếng trống chèo mọi người tạm gác việc đồng áng để ra sân đình xem diễn. Hội làng ngày trước là dịp cho những đôi trai gái có tình ý với nhau được dịp gần gũi, nhiều khi tranh thủ lúc chen vai thích cánh chỗ đông người, cậu con trai nắm vội tay cô thôn nữ mình đang thầm yêu trộm nhớ. Ngày đó được bạn trai nắm tay, các cô vừa thẹn thùng lại vừa thích, tuy vậy hai bàn tay chạm nhau được vài phút đã vội buông ra kẻo người làng dị nghị. Có những đôi trai gái sau này do hoàn cảnh không đến được với nhau, nhưng cảm giác khi được nắm tay người mình thương vẫn theo họ suốt cuộc đời. Cụ Diệu vừa về đến ngõ, dù chưa bước vào nhà nhưng ánh mắt cụ đã lấp lánh niềm vui khi thấy con xe ô tô màu đỏ quen thuộc của con gái đỗ ngay bờ rào. Thấy con gái đang đứng ngắm mấy cây ăn quả trong vườn, cụ ân cần hỏi:

– Sao con không gọi điện báo trước để mẹ chuẩn bị cơm nước, bây giờ muộn rồi chỉ có khoanh giò và đĩa xôi lộc ăn tạm.

Hậu chào mẹ nhưng không vào gian từ đường, thoáng chút lưỡng lự như định nói điều gì, cô ngồi xuống bậc thềm đợi mẹ mình mang đĩa xôi và khoanh giò đặt lên mặt bàn uống nước, sau đó cô mời bà ngồi ngoài hiên cho thoáng. Nhà vốn neo người nên sự có mặt của con gái khiến cụ Diệu phấn chấn hẳn, cụ bưng một đĩa nho ra cho con gái thưởng thức. Trong mắt cụ Diệu, Hậu luôn cần sự chăm sóc như ngày nào, mặc dù thời gian trôi qua, con gái cụ đã ngoài 50 và có cháu gọi bằng bà được vài năm. Sau một vài câu chuyện như thường lệ, Hậu bất chợt nói nhỏ giọng như thăm dò:

– Bố dạo này yếu lắm rồi, hồi đầu năm con có đi xem bói vài nơi, các thầy đều nói chưa chắc năm nay bố qua được kiếp nạn này. Thôi mẹ hãy mở lòng mình vì bố có ước nguyện được quay về ngôi từ đường, nếu có nhắm mắt xuôi tay bố cũng ước muốn được nằm bên cạnh ông bà tổ tiên ở nghĩa trang của làng mình.

Nghe con gái nói xong, cụ Diệu liền khẽ thở dài, cụ khó nhọc đứng lên cầm ca thóc vãi ra sân cho đàn gà đang bới đất ở trong vườn. Niềm vui được gặp con gái bỗng chốc tan biến, thay vào đó là sự ưu tư không nói thành lời. Biết im lặng mãi không tiện, cụ ôn tồn nói:

– Đây nhà ngôi đường của dòng họ, bố con đi mãi rồi đến lúc phải quay về, âu cũng là hợp lẽ bởi lá rụng về cội.

2

Người giúp việc lau dọn phòng khách sạch sẽ liền dìu cụ Sáng bước ra ngồi để cô dọn nốt phòng ngủ, cô dặn dò cẩn thận:

– Nền nhà đang trơn cụ ngồi nguyên chỗ này cho con nhờ, đi lại rồi vấp ngã lại khổ con, khổ cháu. Nếu cụ nghe lời, dọn phòng ngủ xong con cho cụ ăn thêm bữa nữa.

Cụ Sáng gật đầu tỏ ý đã hiểu, thật ra cụ tuy có lẫn nhưng tùy lúc. Bước sang tuổi 83 dù đã yếu đi và nhiều lúc không nhớ nổi tên con và cháu mình, nhưng cụ nhớ rõ những chuyện ngày xưa, có lẽ người già hay sống bằng hoài niệm là vậy. Nhiều đêm không ngủ được, nhìn qua cửa sổ phòng ngủ ra ngoài bầu trời đêm có ánh trăng mờ ảo, cụ như nghe thấy tiếng trống chèo của những năm 1963, quên sao được khi năm đó lần đầu tiên cụ được nắm tay cô thôn nữ tên là Diệu ở thôn Thượng. Sau này khi đẹp duyên vợ chồng, cụ thoát ly công tác còn vợ vẫn ở làng tần tảo sớm hôm nuôi hai người con gái trưởng thành. Cả hai cô con gái của cụ hiện đều làm trong ngành ngân hàng giống cụ, cuộc sống dù sung túc nhưng nhiều lúc cụ lại thấy trống vắng ở trong lòng. Tháng trước khi phải nằm viện, tưởng mình không qua khỏi cụ đã nắm tay Hậu nói như van xin:

– Con hãy đưa bố về làng Văn Xá, nếu phải đi gặp tổ tiên, bố muốn được chết trong ngôi từ đường của dòng họ.

Ngồi im lặng hồi lâu, bất chợt cụ nhìn thấy một bé gái tết nơ hồng tiến lại gần, vốn là người yêu quí trẻ con nên cụ đưa cho bé gái một chiếc bánh rồi âu yếm nói:

– Cháu ăn bánh cho đỡ đói, con nhà ai đi lung tung thế này khéo mẹ mìn bắt thì sao.

Mua bánh giò về ăn sáng, vừa bước vào phòng khách, Hậu thấy bố mình đưa chiếc dép rồi mời ăn, cô đưa tay cầm chiếc dép cất đi rồi nói to vào đôi tai đã nghễnh ngãng của ông:

– Con mua đồ ăn sáng cho ông đây rồi, mẹ mìn nào ở đây giờ này, rõ khổ đến con gái mình cũng chả nhận ra nữa.

Nhìn chăm chú vào chiếc bánh giò, cụ Sáng nuốt nước bọt rồi nói như một đứa trẻ:

Em đói quá, sáng ngủ dậy chưa được ăn gì.

Lau dọn xong phòng ngủ, người giúp việc thấy cụ Sáng đứng tần ngần còn chiếc quần ngủ đã ướt sũng, cô liền rên rỉ:

– Hôm nay mưa phùn gió bấc nhưng từ sáng cụ đái ướt mất ba chiếc quần rồi, như này chắc con phải đóng bỉm cả ban ngày cho cụ.

Bưng đĩa bánh giò ra xúc cho bố ăn, Hậu bần thần nói với người giúp việc:

– Tình hình này chắc chị thu xếp cho cụ về quê sớm vậy.

Lau lại chỗ nền nhà sũng, người giúp việc bật máy hút bụi để làm sạch luôn tấm thảm, trong lúc đó Hậu kiên nhẫn ngồi bón từng thìa bánh giò cho bố. Vốn là người cẩn thận, cô cho ông ăn một cách chậm rãi, lâu lâu bón thêm thìa nước. Cụ Sáng ngồi ăn ngoan ngoãn như một đứa trẻ, chốc chốc cụ đưa tay với chiếc khăn buộc quanh cổ để lau miệng. Đang ăn sáng, cụ Sáng nhầm tiếng máy hút bụi thành tiếng trống chèo, bất chợt trước mặt cụ là cô thôn nữ của làng Văn Xá ngày nào. Ngắm nhìn khuôn mặt của người thôn nữ, cụ thảng thốt kêu:

– Diệu có nhớ anh không.

3

Gian từ đường họ Trần hôm nay chưa đến 6 giờ sáng đã bật đèn sáng chưng, tiếng kinh Phật được phát ra từ chiếc đài nhỏ cộng thêm mùi khói hương khiến không gian như nhuốm màu thoát tục. Đợi người cháu họ bưng mâm đồ cúng bày lên bàn thờ, cụ Diệu ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu cạp điều gõ mõ tụng kinh, theo như hai người con gái gọi điện thông báo, sáng nay mọi người sẽ về quê theo ước muốn của cụ ông. Tụng kinh xong, cụ Diệu ngồi tọa thiền tĩnh tâm, cụ nhớ lại việc chồng đã bỏ quê ra phố ở từ hai mươi năm trước. Ngày đó trước khi về hưu, cụ Sáng được cơ quan phân cho một căn tập thể ngay khu Vườn Đào tại Hồ Tây, nể chồng nên cụ Diệu khăn gói chuyển ra ở cùng. Tuy nhiên vốn là người hay lam hay làm nên ngồi không cụ thấy bí bách, ở nhà tập thể tuy rộng rãi nhưng chẳng có sân để nuôi gà, có vườn để trồng cây. Do chỉ nấu ăn rồi đi quanh quẩn trong khu đó, ở được chừng sáu tháng không chịu được nên cụ Diệu quay về quê chăm sóc vườn cây và dọn dẹp ngôi từ đường. Thời gian đầu cụ Sáng chịu khó về quê nửa tháng một lần, sau này việc về quê dần thưa thớt rồi chấm dứt, những dịp lễ tết hay giỗ họ, dù được thông báo trước nhưng cụ Sáng không hề có mặt. Sau đó ít lâu, cụ Diệu được người làng từ Hà Nội về rỉ tai cho biết, cụ Sáng đã rước một người phụ nữ góa chồng về ở cùng, cô này trạc tuổi con gái cụ. Thời gian đầu cụ Diệu buồn bã tự dằn vặt bản thân, lâu dần cụ lấy lại được cân bằng trong cuộc sống và tham gia đội tế lễ, hội múa quạt và nhóm hát chèo, cụ lấy những buổi hoạt động đó để khỏa lấp nỗi buồn về chuyện nhân tình thế thái. Thương mẹ chịu cảnh éo le, hai cô con gái là Hiền và Hậu chia nhau đưa con về thăm cụ thường xuyên hơn, chính tấm lòng hiếu thảo của con cháu nên cụ Diệu đã tìm thấy sự bình an và thanh thản trong cuộc sống, hình ảnh ông chồng tệ bạc cũng dần chìm vào kí ức. Thời gian thấm thoắt đã hơn hai mươi năm trôi qua, cụ Diệu biết được chuyện người đàn bà sống già nhân ngãi non vợ chồng với chồng đã dứt áo ra đi, kể từ đó ông ý sống lủi thủi một mình trong căn tập thể hai phòng ngủ. Do thương bố ốm đau không người chăm sóc, hai cô con gái đã thuê người giúp việc nhằm đỡ đần mọi việc.

Từ trên xe ô tô bước xuống, cụ Sáng được hai cô con gái dìu hai bên bước vào ngôi từ đường của dòng họ. Ngước mắt nhìn bức đại tự treo chính giữa gian từ đường với con mắt lạ lẫm xen lẫn sự ngạc nhiên, cụ Sáng quay sang nói với hai người con gái:

– Em đói quá vì chưa được ăn gì từ sáng.

Đứng trên hiên nhìn chồng mình đầu tóc bạc phơ và bị lẫn không nhận ra được ai với ai, cụ Diệu lặng lẽ tiến lại chỗ treo chiếc chuông cổ rồi thỉnh lên ba tiếng vì muốn kính cáo tổ tiên dòng họ phù hộ cho vị trưởng họ đã quay về khi mắt đã mờ chân đã run. Bước đến trước bàn thờ, bất giác cụ Sáng nhớ lại chốn linh thiêng, cụ ngước đôi mắt đã mờ đục nhìn bát hương một cách chăm chú. Cụ Diệu châm một nén hương đưa cho chồng, cụ Sáng run run cắm nén hương rồi cúi đầu thật thấp. Về quê được ba tháng, do khí hậu trong lành nên cụ Sáng khỏe ra, có nhiều lúc cụ đã nhớ và gọi được tên mọi người, duy nhất việc cụ bỏ quê hai mươi năm không quay về, nếu hỏi đến cụ lắc đầu không nhớ. Người ta hay nói con chăm cha không bằng bà chăm ông quả không sai, mặc dù có người giúp việc nhưng cụ Diệu vẫn tự tay đút cho chồng ăn hàng ngày. Thức ăn và cơm sau khi được nấu chín, cụ Diệu cho vào máy để xay thật nhuyễn rồi đổ chỗ thức ăn đã sền sệt như cháo vào chiếc xoong inox đặt lên bếp quấy đều tay thêm lần nữa. Cụ Sáng giờ đây khác nào như đứa trẻ lên ba, nhiều lúc ăn rồi vẫn khóc đòi ăn nữa vì cho rằng mình chưa ăn. Có lúc đang ngồi ăn, bất chợt đái ướt sũng cả chiếu không biết. Cụ Diệu quên hết chuyện phụ bạc khi xưa, cụ chăm chồng với tất cả tình thương xen lẫn sự xót xa, những lúc cụ Sáng có vẻ tỉnh táo, cụ Diệu bật kinh Phật để chồng mình tìm được sự an yên trong tâm hồn.

Đúng ngày 23 tháng Chạp, khi mọi nhà trong làng bận làm cỗ để tiễn Táo quân lên trời, tại ngôi từ đường không khí có phần trầm lắng khác thường. Suốt một tuần qua cụ Sáng yếu đi trông thấy, cụ không nói cũng không ăn được. Biết cụ khó qua khỏi nên con cháu đã tụ họp đông đủ quanh chiếc sập gụ với vẻ mặt đau buồn, lúc này cụ Diệu bưng bát canh sâm dỗ dành cho chồng húp vài thìa. Đang nửa tỉnh nửa mê nằm thiêm thiếp được một lúc, tiếng trống chèo từ đâu vọng lại khiến cụ Sáng mở mắt. Kể từ ngày về quê, đây là lần đầu tiên cụ nhận biết và gọi đúng tên mọi người.

Nhìn thấy người vợ tào khang của mình, cố dồn chút sức tàn, cụ Sáng nắm bàn tay cụ Diệu rồi khóc và thều thào nói một cách ngắt quãng:

– Bà hãy tha lỗi cho tôi nhé, tôi ân hận vô cùng.

Cụ Diệu cúi xuống nói nhỏ:

– Đã từ lâu tôi tha lỗi cho ông rồi.

Hai mái đầu bạc trắng chụm vào nhau, bàn tay cụ Diệu nắm chặt tay của chồng không nỡ buông, dường như cụ muốn ủ ấm cho bàn tay đang bắt đầu lạnh giá của chồng. Chính trong giây phút này, cụ Diệu nhớ lại cảm giác khi hai bàn tay tìm đến nhau ở hội làng năm nào. Người con gái lớn của cụ Diệu gạt nước mắt, cô gỡ tay mẹ mình rồi nói:

Vậy là bố đã ra đi thanh thản, thôi mẹ buông tay để bố được siêu thoát.

Cụ Diệu nhìn khuôn mặt chồng rồi ngước lên ban thờ Phật như cầu xin điều gì. Lúc được hai người con gái dìu ra ghế, cụ Diệu nói nhỏ:

– Tây Phương Cực Lạc bây giờ chính là nhà của bố các con.

Adidaphat.

HẾT