Quang Hưng

Vừa đánh giá, nhìn nhận cởi mở, thân thiện, vừa như một gợi ý cho sự hợp tác rộng rãi giữa các cơ quan đào tạo, quản lý và hội nghề nghiệp cùng các hội, nhóm văn bút thế hệ mới, đó là những điểm chính từ hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung”.

Đến với các tác phẩm văn học trẻ. Ảnh: CLB nhiếp ảnh Trường ĐH Văn hóa Hà Nội

“Thân ái” hơn cùng văn trẻ

Sự phối hợp của Khoa Viết văn – Báo chí (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) và Câu lạc bộ Văn học trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội) qua hội thảo có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh mà mỗi đơn vị, tổ chức, nhóm sáng tác…, bằng thế mạnh chuyên môn, đặc thù hoạt động và thông tin có được của mình, có thể đóng góp ý tưởng, sáng kiến và cả tiềm lực cho những mối quan tâm chung. Cụ thể ở trường hợp này, khi Khoa Viết văn – Báo chí vốn gắn hoạt động đào tạo của mình với các cây bút, các tiềm năng văn học trẻ; còn câu lạc bộ, trong mấy năm qua đã thu hút được nhiều người trẻ tham gia, sáng tạo và linh hoạt tổ chức được những hoạt động mang tính diễn đàn, gây được chú ý.

Bên cạnh và từ những đánh giá khả quan về năng lực, sáng tạo của đông đảo các cây bút trẻ, trong đó có nhiều gương mặt nổi bật thời gian qua như Nguyễn Thị Kim Hòa, Lý Hữu Lương, Lữ Mai, Đỗ Nhật Phi, Đức Anh, Văn Thành Lê, Phan Đức Lộc, Tống Phước Bảo…, đã có nhiều nhận định, đề nghị về việc cần tìm hiểu, theo dõi dòng chảy văn học trẻ kỹ hơn, sâu sát hơn để từ đó có cái nhìn đầy đủ, thậm chí công bằng hơn với những người viết trẻ và tác phẩm của họ. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam (Trung tâm truyền hình Nhân Dân) cho rằng, tác phẩm trẻ rất nhiều, số đầu sách văn trẻ nói chung được xuất bản thường xuyên, nên người đọc, gồm cả người trong nghề văn, những người cầm bút thế hệ trước cần chịu khó tìm đọc để chắt lọc, nhận ra những lấp lánh. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ quân đội) bày tỏ mong muốn cần có cái nhìn bao dung, tích cực đối với các nhà văn trẻ bởi theo quy luật các nhà văn già thì đã từng trẻ và các nhà văn trẻ hôm nay rồi sẽ già, từ đó thúc đẩy mối quan hệ nghề nghiệp, đồng nghiệp thân thiện hơn, hiểu nhau hơn giữa các thế hệ cầm bút.

Cùng với đó, lướt lại một số quan điểm có phần bảo thủ và cứng nhắc khi nói đến công tác đào tạo nghề viết văn, rằng làm sao có thể “cho ra lò” được các nhà văn, nhà thơ, làm sao mà dạy người ta viết văn được, PGS, TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn – Báo chí nhấn mạnh lại ý kiến đã chia sẻ nhiều lần. Rằng việc đào tạo không hề có tham vọng tạo ra nhà văn, nhưng việc trang bị cho những cây bút trẻ tri thức, vốn văn hóa, văn chương, kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề là điều hoàn toàn có thể và cần làm. 

Ngóng chính sách thúc đẩy văn học, văn trẻ

Tại hội thảo này, đã có những đề xuất thiết thực theo cả ý nghĩa tinh thần, chuyên môn lẫn vật chất về vấn đề quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn với văn học trẻ. Đó là kiến nghị về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, cơ chế cho lĩnh vực văn học nói chung, trong đó có văn học trẻ; là việc thúc đẩy vai trò, tiếng nói của một số đơn vị của Bộ có liên quan đến văn học trong việc đóng góp, hỗ trợ cho các nhà văn trẻ, như Khoa Viết văn – Báo chí, NXB Văn học, Phòng Văn học. Đặc biệt là với Phòng Văn học, khi phòng này đang thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn và thời gian qua, việc kiến tạo, hợp tác, thúc đẩy các hoạt động cho văn học của phòng cũng như cơ quan cấp Cục còn chưa được như kỳ vọng. Nhìn một cách khái quát, sự quan tâm gây dựng các điều kiện thúc đẩy của ngành văn hóa đối với lĩnh vực văn học còn chưa được tương xứng, phần nào chưa như các lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, ca múa nhạc, sân khấu, di sản…

Rất đáng chú ý khi trong hội thảo có sự xuất hiện của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chia sẻ với cử tọa, ông Sơn cho biết, Vụ đang phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng Nghị định cho lĩnh vực văn học. Cùng với hệ thống các văn bản khác, đây sẽ là cơ sở chính sách nhằm “săn sóc” tốt hơn cho văn học, trong đó có văn học trẻ. Và đây cũng là một công việc khó khăn, phức tạp nên cần sự tham vấn, góp ý rộng rãi của giới nghề trong lĩnh vực văn học.

Được biết, khoảng một, hai tháng tới, dự thảo cho nghị định này sẽ được hoàn thành và từng bước được đưa ra lấy ý kiến. Có lẽ sẽ chưa thể có được ngay những nội dung rất hay, rất tốt, rất sát thực và có tính gợi mở lớn cho hoạt động văn chương, cho sự hợp tác giữa hội nghề nghiệp và ngành văn hóa, cũng như cho sự kết nối, cộng hưởng giữa đội ngũ viết văn trẻ với cơ quan quản lý nhà nước và hội nghề. Chính vì thế, mong rằng việc tổ chức góp ý, tham khảo từ hội nghề, từ đội ngũ những người làm công tác văn học như sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản, đương nhiên trong đó có lực lượng viết trẻ…, sẽ được triển khai rộng rãi, thấu đáo trên tinh thần cầu thị, vì những mục tiêu nhân văn, cổ vũ văn chương tích cực đồng hành cùng đất nước, xây dựng xã hội, thúc đẩy ngành văn hóa và khuyến khích công chúng quan tâm hơn đến văn học, quan tâm hơn đến những người viết nên, làm ra các tác phẩm có giá trị.

Nguồn: Báo Thời Nay