Trong tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Bá Đoàn.

Sẽ phát lần lượt các truyện sau:

– Rượu của thời chưa sinh

– Hãy bò đi

– Im lặng

– Kẻ mất bóng

– Người đi bỏ mặc nhân gian

Nhà văn ĐÀO BÁ ĐOÀN

Sinh ngày 04/03/1971

Quê ở Thanh Miện, Hải Dương.

Học khoá 6 Trường Viết văn Nguyễn Du.

Hội viên Hội Nhà văn VN

Hiện là Phó Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Tác phẩm đã xuất bản:

Mảnh vỡ (tiểu thuyết, NXB Lao động 1997; NXB Hội Nhà văn 2011)

Rượu Của Thời Chưa Sinh (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân 2007)

Chỉ Để Bay Qua Một Bình Minh (tập truyện ngắn, NXB Văn học 2012).

Nhà văn Đào Bá Đoàn nghĩ về nghiệp văn chương:

Tôi nhớ lại cái cảm xúc mãnh liệt của thuở ban đầu – một tác phẩm dù có ý thức về cấu trúc (cách viết) thì cũng vẫn có gì đó của “bản năng viết” – nghĩa là thiên về cảm xúc.

Còn điều này nữa, có lúc tôi vẫn thích viết, nhưng có lúc tôi lại rất chán – mà tôi cũng không tự hỏi hay tự cắt nghĩa vì sao…

Không nên đặt nặng vấn đề đề tài, nó là tự do của nhà văn thôi. Nếu có nhà văn phải chọn đề tài mới viết được thì nhà văn đó phải cảm ơn cái gọi là “đề tài”, nhưng có nhà văn lại không bao giờ lệ thuộc vào nó thì cũng không sao, cái chính là bằng một cách nào đó mà nhà văn viết được là tốt rồi. Tất nhiên, bao giờ cũng vậy, nhà văn luôn mong muốn viết được tác phẩm lớn, còn viết được tới đâu thì do chính nhà văn đó mà thôi, bởi suy cho cùng, “viết” là một việc triệt để cá nhân, nó không bị phụ thuộc và không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.

Tôi cho rằng, viết là sự tự do đầu tiên và cuối cùng. Và cũng chỉ duy nhất khi viết là tôi có tự do nhiều đến nhường ấy – tự do tuyệt đối đấy. Tôi rất muốn “dò tìm” những bí mật của con người đời sống nhân gian và chính bản thân tôi – mà không biết có làm được không và làm được đến đâu… Có một bạn văn bảo rằng văn của tôi là loại văn cảm giác, tôi cũng không rõ… Tôi thấy, người ta quan niệm về “viết” rất khác nhau. Có nhà văn rất thích viết về những người bị điên loạn. Có nhà văn muốn trầm mình thật sâu vào tầng vô thức. Nhưng, ngôn ngữ, văn chương từ “vô thức” một cách tuyệt đối là bất khả. Có chăng chỉ ở ranh giới nào đó, những ngôn ngữ ở chỗ nhập nhoà, nó lênh loang, và thậm chí khốc liệt, mà sự khảo sát về con người và cuộc đời không bao giờ là duy nhất đúng cho muôn người và muôn thời…

Im lặng
Đào Bá Đoàn

Đã từ lâu tôi ngạo nghễ nhận mình là kẻ ham chơi bậc nhất thế gian. Công việc của tôi vì thế không ổn định. Nay làm nghề này, mai làm nghề khác. Kiếm được bao nhiêu tôi dốc sạch vào cuộc viễn du. Thông thường, cứ sau một thời gian cặm cụi bới nhặt, tôi lại lên đường để hít thở không khí phương lạ. Mãi không chán. Đến mức có niềm tin thành kính: Một hôm nào đó sẽ được tắt thở trên con đường mới mẻ, không phải quê hương, bằng cô đơn và thanh thản, như nỗi u sầu tận cực đã vượt thoát biến thành hư vô. Giả tưởng của tôi cứ thế trôi theo năm tháng hệt rượu trôi sóng sánh vào thi thể kẻ say. Chút tự mãn tạo thành lằn vết trên tóc. Kiêu hãnh điểm chỉ lên mặt…

Một hôm, kiếm được triệu đồng, tôi làm cuộc chơi bời về hướng Tây thành phố. Dự định sẽ tiêu hết một tuần. Dự định sẽ có một chút buồn. Hoặc có thể bới lại được sự cô đơn. Ít nhất thì cũng huýt được sáo, tiếng khe khẽ luồn lách giữa rừng thẳm, tắm trong suối cạn, rồi thăng hoa thành giọt sương đọng ở giữa trời.

Mùa này là mùa mưa. Những cơn Ngâu cuối cùng của trời Bắc. Nhớ lại lời mẹ: “Ngày ba. Ngày bảy. Ngày tám. Ngày tròn. Ngày mốt…”. Không gian có nắng có râm. Biến ảo. Lòng người cũng thế, hoà hoãn với những giây phút, mơ màng và suy niệm.

Tôi lên nơi này lần này là lần thứ hai. Lần thứ nhất cùng với một anh bạn đi xe máy thăm thằng em tại ngũ; thời gian hẹp, chỉ lướt qua, cho nên chưa được biết mùi của đất. Nhìn không gian như nhìn giọt mồ hôi. Chán. Về thành phố cứ bứt rứt như lên một cơn ngứa mà bị trói tay chân không cho gãi. Xuất hiện lập tức ý muốn trả thù bằng một lần quay lại vui chơi. Thời gian như bạc. Xứ sở lạ kỳ làm tâm thức lúc đậm lúc nhạt. Mới đó mà đã năm năm. Số ấy chẳng ngắn chẳng dài. Đủ để chết đi và sống lại một kiểu cách phù du. Đủ để thay đổi một số phận, một cuộc đời…

Vùng đất này có lên mới thấy lạ. Cùng với độ cao được nâng dần lên, là hơi ẩm, khí nhẹ và nhiệt độ thấp. Lác đác nhà. Thưa thớt người. Giả sử không có khách du lịch, số người xuất hiện có thể đếm được. Hơi ấm, mùi người vì thế cũng khác xa với vùng đô thị. Ngai ngái rừng. Nồng nồng suối. Mắt con gái đen nửa chừng, hay chúm chím cười, và khơi chút lửa rạo rực cái đẹp ngây thơ.

Tôi cho rằng mình đã may mắn, bởi vừa đặt chân vào nhà nghỉ thì trời đổ mưa. Nhưng không gian không âm u. Gió không ầm ào. Hạt mưa vừa phải, rơi chéo trong những vạt nắng nhạt loang lổ, bắt ánh nhoang nhoáng như ngọc vụn tung ra. Phía rừng mờ hơn. Trời đất không còn ranh giới. Khói lẫn mưa. Những chiếc ô rập rình trèo đèo dốc hoặc những con đường nhỏ ngoằn ngoèo tựa những chiếc nấm biết đi…

Đêm thật sâu. Yên tĩnh và có vẻ thanh bình. Sao lác đác. Điện lập loè. Núi rừng bí hiểm. Người dạo chơi thong thả, không nhiều mặn mà với các kiểu quán Karaoke. Lặng ngồi bên ly cà phê, tôi ngẫm ngợi về cuộc đời. Bất giác chẳng thấy gì ngoài một nỗi cô đơn…
Ngày hôm sau.

Tôi tỉnh dậy. Nắng vàng sậm như mật ong và những vân mỏng bay là là trên ngọn cây, trên núi đồi, nóc nhà với thứ gió thoảng nhẹ như hơi thở.
Đường xuống thác hút sâu thăm thẳm. Bậc đá dựng đứng. Từng bước một, cứ phập phồng lo sợ nhỡ xểnh chân sẽ tan xác dưới âm u.

Con thác không lớn. Chỉ một vệt ngoằn ngoèo dội xuống những tảng đá nhẵn nhụi màu nâu và trắng nhạt. Nước suối trong. Ai tới cũng vốc lên rửa mặt. Trai gái yêu nhau chui vào gầm thác chụp ảnh. Ôm nhau. Hôn nhau. Cười ríu rít, sáng rỡ, làm nhói tim những kẻ như tôi.

Đường lên trời hơn một nghìn bậc đá. Tôi thản nhiên bước. Thản nhiên ngắm nhìn cây cối hai bên. Thản nhiên thở. Khi tới đỉnh cũng thấm mệt, nhưng trong lòng thấy sảng khoái thơ ngây. Tay chạm vào mây. Miệng há ra hớp mây. Mắt cố căng ra nhìn qua mây. Mây hợp núi, dù hoang phế đỉnh trọc, mây là tri kỷ tri âm. Gió thoảng, và xa kia, mờ nhạt các ngôi nhà, ruộng đồng, dòng sông, thành phố.

Chiều. Nắng bật lên. Phía rừng lấp loá. Thỉnh thoảng mây trộn lá, cho tôi cảm giác không có sự biến tấu của thời gian. Được nhiệt độ gợi ý, tôi xách túi đi bơi…
Bạn sẽ gặp nơi đây rất nhiều người xinh đẹp. Phụ nữ có thân hình gợi cảm, đàn ông hoàn toàn lép vế, nhưng bù lại được để ý săn đón chu đáo y như thượng khách.
Tôi xuống tắm, mơ màng nhìn các cô gái trẻ, thèm khát những tiếng cười trong vắt và những ánh mắt đắm say của các cặp tách riêng.

– Sao lại chỉ có hai bố con anh tắm?

– Vợ tôi đang bận chấm thi không đi được. Ở dưới ấy nóng quá, tôi cho cháu đi nghỉ ít ngày kẻo cháu ốm mất…

– Thằng bé lên mấy hả anh?

– Tính đến hôm nay cháu vừa tròn một nghìn năm trăm năm mươi nhăm ngày.

– Hẳn ngày nào anh cũng tính nên mới rõ thế?

– Tôi nhớ cả ngày mẹ cháu có mang. Nhớ cả ngày cháu ra đời. Bất kể lúc nào hỏi tôi cũng trả lời được chính xác tuyệt đối tuổi của cháu.

– Anh yêu con nhất đấy!

– Vợ tôi cũng vậy. Phải xa nó cô ấy khổ lắm. Có lẽ tôi sẽ rút ngắn ngày nghỉ lại. Có thể mai tôi về…

Năm ngày còn lại bỗng thấy buồn hơn. Rong chơi từ sáng đến khuya, tôi không còn trò gì không biết. Thế mà trước khi nhắm mắt ngủ say cứ phải cất tiếng thở dài cho mẹ bớt gánh sầu. Tự nhiên nhớ hai bố con nhà nọ. Người bố yêu con thật đặc biệt. Còn thằng bé hồn nhiên biết bao, như ngọn lửa sưởi ấm trái tim băng giá…
Những chén mộng du có mây đêm đẩy bồng thể phách chạm tới thượng tầng. Tiếng nứt vỡ lần đầu tiên nhắc nhở sự tồn tại của thời gian, quy luật. Sức chống tự nhiên đổ sụp.Tôi quy hồi về điểm tôi chưa thành kẻ lãng du…

Ngày tạm biệt vùng trời đất mộng, cô gái lễ tân khách sạn trẻ đẹp xin tiễn tôi ra tận bến xe. Cầm tay cô, tim tôi nghẹn lại, không nói được câu nào. Cô mỉm cười, chớp mắt hẹn ngày tái ngộ. Nụ cười tôi bàng bạc như mây bay mờ ở phía rừng xa. Mây bay đến đâu?…

Nhịp quay thành phố thật chóng mặt. Tôi lại bươn chải kiếm tiền. Thời gian này công việc không tốt nên mất hẳn một năm bị nhốt chặt. Cảm giác mình đang khô cằn, đang héo úa, đang mục ruỗng. Như chờ ngày gió lật úp lá rơi…

Cái máu ham chơi, thích sự phiêu bồng cứ nổi dậy hằng ngày, hàng giờ. Tôi giống như kẻ nghiện. Chân tay bứt rứt, phát phiền như có giòi bò trong ống xương. Đầu óc trì độn. Thể hiện ra ánh mắt mệt mỏi. Nhìn cái gì cũng thấy một màu bàng bạc, lưỡng phân. Có lúc muốn tự tử…
Hôm nay, buồn quá, cô đơn, không thể chịu đựng nổi, tôi lại định xách túi lên đường. Nhưng kiểm tra lại, chỉ còn vài chục ngàn. Bất lực, tôi quyết định rong chơi vặt. Không xe máy, không xích lô, tôi thả bộ trên đường phố. Mùa này phượng nở, điệp nở, bằng lăng cũng nở nốt. Ba thứ hoa ấy được nhiều người thích. Nhưng tôi chỉ sợ. Lại chỉ gợi ý nghĩ về máu, về nỗi buồn-phù du-về cái chết…

Đang mải ưu tư với những xác hoa bỗng phảng qua tai lời ai như âm khí:
“Hôm nay là ngày… tháng… chết chửa? Đã một năm trôi qua rồi đấy. Vô tích sự quá…”
Tôi phát hoảng. Lời ấy cho tôi đấy. Cuộc sống một năm qua y sì như thế. “Vô tích sự!”. Ngày nọ nối ngày kia không khác những cái ngáp dài ốm đói mệt mỏi thiếu sinh khí. Một sự buông trôi bất đắc chí…

Bỗng nhớ lại ngày xách túi đi phía Tây thành phố. Rồi một tuần nơi vùng đất mộng với bao thú vui và cả những nỗi buồn ngọt dịu. Không cầm được. Lòng như muốn có mưa. Rồi vì thế, không tự ý thức, chân bước vào một quán cà phê quen thuộc. Nơi ấy có cô chủ quán cực xinh, các em phục vụ hết sảy. Phong cách quán cực nghệ sĩ, tao nhã và ấm áp. An ủi được kẻ cô-buồn…
Quen như mọi lần, tôi bước về phía cuối. Nơi ấy có một bàn ở góc khuất, một chậu cây cảnh kín hở che phía ngoài nên có thể quan sát được toàn bộ khách trong quán, mà không bị ai để ý, hầu như hoàn toàn cách li. Khi đi qua chỗ phục vụ, hai cô xinh mỉm cười khẽ gật đầu. Tôi đáp lễ y như vậy và thủng thẳng. Một cô xinh mau miệng khi tôi sắp đi xa:

– Anh ơi, bàn đó đang có một người…

– Đàn ông hay đàn bà?

– Đàn ông ạ. Trạc tuổi anh…

– Đã gọi gì?

– Cà phê đen, thuốc “Vina”.

– Thế thì cũng cho tôi như vậy. Tôi sẽ xin phép anh ta.

– Dạ…


Trong tranh tối tranh sáng, chúng tôi nhỏ nhẹ lời qua tiếng lại chào hỏi, xin phép và đồng ý ngồi cùng nhau… Chợt, tôi phát hiện ra một người quen nên đã thốt:
“Có phải anh đó không?…”
Anh nhìn tôi kỹ hơn, khẽ gật đầu mỉm cười (tôi nhớ rõ là nụ cười ấy rất buồn) rồi từ tốn thế này:
“Vâng… không ngờ lại được gặp anh trong cảnh này… “Hà…” (anh ấy thở dài)… Mới đó đã một năm. Bao nhiêu biến đổi!…
“Tôi cứ tưởng sau hôm ở bể bơi trên ấy sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại…”
(Anh ấy lại mỉm cười (thật lịch lãm) và nói khẽ:
“Chắc chúng ta có duyên với nhau…”
“Anh hay ra quán này phải không?”
“Vâng…”
“Chị và cháu thế nào?”
(Anh ấy thở dài và chưa nói được, cho nên tôi lại nhanh mồm:)
“Trông anh buồn thê thảm, khác xa hôm ấy có cháu ở bên?… Mà sao tóc anh bạc trắng nửa mái thế này? Tôi nhớ năm ngoái còn xanh cả mà?…”
“Tôi gặp một chuyện đau lòng và đã thức một đêm…”
Câu chuyện của chúng tôi tạm ngưng lại vì em xinh bưng cà phê và thuốc đến. Tôi không còn đủ hứng thú để đùa em một câu như mọi khi. Em xinh tế nhị lui ra, nhường cho câu chuyện của chúng tôi được tiếp tục. Cơ hồ đây sẽ là một câu chuyện dài. Một câu chuyện mang nhiều tâm sự về cuộc đời, về số phận, niềm vui và nỗi buồn, với một niềm tin chia sẻ như tri kỷ xa ngày gặp lại…
Tôi nghe thấy giọt cà phê rơi…

*

“Tôi không may mắn có một gia đình đầm ấm, hoà thuận như nhiều đứa trẻ khác. Mồ côi mồ cút từ lúc lọt lòng. Cô nhi viện là nhà tôi. Ông giám đốc là cha tôi. Những người chăm sóc là các mẹ tôi. Trẻ lớn trẻ nhỏ là anh chị em tôi. Nguồn cội hũ nút. Sống giữa ồn ào tiếng nói tiếng cười và được bao vây bằng tình cảm mà vẫn cảm thấy thiêu thiếu. Tôi luôn mang trong mình một nỗi buồn, nhưng chẳng bao giờ hiểu mình buồn gì. Ngày tháng lê thê, dai nhách. Những đêm mưa tôi tỉ mẩn nhẩm đếm tuổi bằng giờ. Ô! Đã năm chín nghìn bốn trăm tám mốt. Năm chín nghìn bốn trăm chín chín… Mòn mỏi, bứt rứt. Nhiều lúc cảm tưởng như tan chảy với mưa. Tưởng tượng được trôi ra biển, vẫy vùng sóng nước mênh mông…

Nhận ra tôi là một đứa trẻ sống cô độc, ông giám đốc phân công một mẹ còn rất trẻ, dịu dàng xinh đẹp nhất cô nhi viện đặc cách gần gụi trực tiếp tôi hơn. Rồi thì ngày tháng sẵn nắng. Gió tháng ba mát rượi trên đôi môi mọng đỏ và đôi má hường. Tiếng cười tôi hút vào đôi mắt trong vắt như bầu trời thu phải hôm tuyệt đối không mây. Bầu ngực mẹ áp vào mặt tôi, có lần vào môi tôi, dù phân cách qua áo mỏng, cho tôi một thứ đậm đà ân nghĩa. Tôi khát sữa vào lúc đã qua tuổi ấy lâu rồi. Và tôi còn khát một cái gì khác nữa, một cái gì như mật ngọt, hoặc như say nắng, say gió, cứ chênh vênh đứng trên mỏm đá nhìn xuống thẳm sâu địa tầng… Người mẹ trẻ cứ ngày ngày biến đổi. Nét xinh của mẹ cứ chín dần, chín dần, đến một lúc mọng như mận lúc rộ mùa-người làm vườn kỹ tính mới bắt đầu đưa tay hái bán… Nụ cười mẹ với những hạt răng ngọc trắng loá cứ phảng vào giấc mơ tôi. Và lời ru như kể, một đoạn đường, say đắm, cái buồn như thấm đến xương. Một hoàng hôn kia, mẹ ôm tôi vào lòng, và khóc, nước mắt nhỏ trúng mắt tôi làm thành cơn mếu máo nức nở dập tắt ánh mặt trời. Không biết tôi thương mẹ hay thương tôi và tình thương nào lớn, nhưng khả năng xét đoán của tôi bắt đầu rõ ràng kể từ khi ấy. Tôi nhìn mẹ như thiếu niên nhìn giời những hôm có gió. Mẹ thường ngắm tôi và mỉm cười âu yếm nói như đùa như thật: Sau này con lấy ai thì con sẽ mang lại hạnh phúc ấm áp cho người đó và chính con cũng sẽ được đền đáp. Tôi sung sướng đến phát ghen với chiếc áo mẹ mặc tôn cho nhan sắc mẹ lộng lẫy hút chặt mắt người. Rồi không bao giờ mẹ còn ôm tôi vào lòng. Những khi thân ái chỉ còn đưa tay vuốt tóc, lời nói thoang thoảng như cơn mưa xa gió mang theo một hơi lành lạnh. Dù thế tôi cũng run người. Muốn nép sâu vào ngực mẹ và ngủ yên ở đó. Nhưng bao giờ mẹ cũng tinh tế gỡ nhẹ đầu tôi, mẹ mỉm cười đã như hoa ngâu dịu mát, biến đôi mắt tôi có một chút giông, một chút sấm chớp, một chút hương nhang gõ mõ trên chùa. Có lần đang yên, mẹ bỏ đi giữa chừng làm tôi như rơi hẫng vào trong cái hố sâu hun hút không hề có đáy. Và tôi bật khóc, trong tim quặn lên một nỗi đau, liên tưởng đến giàn hoa giấy đổi màu lạnh lẽo một chiều rơi rụng đầy sân…

Mẹ đi lấy chồng.
Tôi càng khóc dữ. Mẹ cau mặt không vui, mắng tôi con trai mà thiếu can trường, rồi thì sẽ vô tích sự trước đời. Lạ thay, lời ấy làm tim tôi buốt. Tôi gạt lệ nhìn mẹ rắn rỏi và hứa từ nay dù đau khổ đến mấy cũng không hề khóc. Mẹ mỉm cười, đã buồn lại có chút gì heo héo như mùa đông sớm quá, cái lạnh của nghèo phong phanh áo mỏng mà hứng gió trời. Trước khi ra đi, mẹ chỉ yêu cầu tôi một việc phải học thật giỏi và đừng bao giờ phụ bạc một người con gái nào cả. Tôi được mẹ ôm lần chót, gục đầu vào bầu ngực mẹ và thổn thức ở trong âm xa, nén lại tất cả cảm xúc để làm đàn ông…

Năm mười sáu tuổi tôi thi đỗ vào trường “Am” và bắt đầu có một chí hướng cụ thể cho tương lai. Luật học là ngành tôi thích, không phải vì mốt, mà tự nhiên tôi đem gắn nó với cô nhi viện, với mẹ nuôi trẻ và cuộc đời tôi. Mặc dù mẹ ít khi đến nhưng tôi luôn thấy mẹ ở bên, quấn quýt, yêu thương không muốn tách rời. Tôi luôn mơ thấy mẹ. Sự tinh khiết thiêng liêng. Mẹ luôn nhắc việc học, nhìn tôi mỗi ngày lại thêm đậm buồn và tiếng thở dài. Tôi thảng thốt mỗi khi tỉnh mơ, buồn, trống vắng, tự nhiên câm nín. Chỉ còn một cách duy nhất là lao vào học. Bạn bè ở trường cũng như ở cô nhi có người quý, kẻ ghét. Có cô gái bĩu môi, có cô lại luôn muốn xích lại gần để chuyện trò. Mẹ hầu như không đến thăm nữa. Trong mỗi lần hiếm hoi cả tôi và mẹ đều lúng túng. Thế là tôi mất mẹ thực sự. Một buổi chiều mưa dầm dề, mưa thu, gió se se lạnh ngọt cánh tay áo cộc, mẹ tới tạm biệt tôi để vào Nam. Tôi theo mẹ ra quán cà phê. Cả quãng đường hai mẹ con im lặng. Mẹ bảo con đừng hút thuốc. Tôi im lặng một lúc rồi ngước nhìn mẹ bật hỏi: “Tại sao?”. Mẹ nhỏ nhẹ hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Tôi bảo không, việc mẹ vào Nam kia? Đã đến lúc mẹ phải đi… Không. Không… Chịu vậy thôi con ạ. Mẹ phải theo bố. Không đúng. Mẹ muốn ruồng bỏ con. Đừng nghĩ oan cho mẹ. Trong lòng mẹ luôn có con. Mẹ… chỉ muốn ở bên con suốt đời. Mẹ nói dối. Nói dối… Mẹ thề đấy. Trời đất cứ giết mẹ đi nếu mẹ lừa con… Cổ họng tôi nghẹn lại. Ngực đau buốt. Tức thở và mặt nhìn mẹ trân trối. Mẹ quay đi là lúc tôi bật lên: Mẹ… rồi gục vào bầu ngực căng đầy của mẹ. Mẹ ôm tôi thật chặt và lại vuốt tóc tôi. Thủ thỉ trong nước mắt của tôi và mẹ. Có thể đây là lần cuối cùng mẹ được ôm con vào ngực. Phận mẹ cũng mồ côi, chẳng rõ đâu là quê hương bản quán. Mẹ theo chồng và nơi nào dung được mẹ thì đó là quê rồi. Mẹ… thương con như… tình máu mủ. Chắc không bao giờ nguôi được. Hà Nội đã định hình trong tim mẹ. Con cũng y như vậy. Đi xa, mẹ có hai thứ đó để thương, để nhớ. Thế cũng là nhiều… Tôi không nói được câu gì. Thổn thức. Đau khổ. Hờn trách. Thương mẹ và cả thương thân. Con hãy học thật giỏi. Làm luật sư tốt. Tìm một người vợ hiền để cho những đứa con ngoan… Tôi định gào lên với mẹ thế này: Khó lắm mẹ ơi. Nghề nghiệp thì được. Còn người vợ thì… con chỉ lấy người nào được như mẹ, bằng không con chịu cô đơn suốt đời… Mẹ hiểu nên ôm tôi chặt hơn và nói khẽ. Con tưởng vậy thôi. Rồi sẽ có một cô hơn mẹ về mọi phương diện. Thêm thời gian vào nữa, nó sẽ giúp con quên mẹ đi mà… Không… Không… Mẹ không được nghi ngờ tình cảm của con…
Mưa thêm nặng hạt. Gió thêm đậm. Mẹ bật ô che cho tôi lần cuối cùng. Tôi nép vào mẹ lần cuối cùng. Hưởng hương thơm của mẹ lần cuối cùng. Rồi cũng lần cuối cùng mẹ con tôi nhìn hút vào mắt nhau…

Giấc mơ bây giờ mất mát. Học hành sa sút mất một kỳ. Rồi tôi cố gắng vươn lên. Cố gắng. Cố gắng. Gặp bạn xinh ngoan tôi đỗ vào đại học…

Xinh như gió, như nắng tháng ba tháng tám. Ngoan như hạt gạo trong vắt trong bàn tay thon mềm một buổi đầu đông. Giống mẹ. Từ dáng hình và đức hạnh. Tôi bắt đầu bị cuốn vào say mê từ hình ảnh cũ gợi ý. Em không buồn đâu. Mẹ là người có công với anh nhiều lắm… Thương anh nhiều lắm… Nhưng có thể em thua mẹ ở công lao, còn sẽ không kém mẹ ở chỗ thương anh… Tôi hôn môi con gái lần đầu tiên trong đời. Choáng váng và ngây ngất. Và cứ lảng vảng khuôn mặt mẹ, bầu ngực mẹ… Giấc mơ lại như xưa…

Đường không bằng, trời không yên. Đất có ao, biển hồ, sông suối núi cao. Em người Hà Nội ba đời. Thanh lịch trong tà áo dài sinh viên sư phạm. Cả bố mẹ đều là nhà giáo. Mắng. Không thể lấy nó được. Mồ côi mồ cút, cực nhọc trăm bề. Mẹ! Bố! Con tự nguyện! Tuổi trẻ bồng bột mê muội. Bố mẹ cấm! Hay là nghe bố mẹ đi! Lấy anh sẽ khổ. Khóc. Nín đi em. Xinh và ngoan. Yêu ai chả được. Anh ác! Tình yêu mà làm như cây cải ra hoa. Em có rẻ rúng thì cũng không đến nỗi chỉ một chuyện giàu nghèo mà bội bạc… Tôi cứng lưỡi. Ôm trong tay cả một kho báu đã cố tìm lời an ủi. Tôi thích gió đông nam vì gió đông nam mát rượi. Tôi còn thích heo may vì heo may thấm nhẹ qua da, có khi làm tê dại thần kinh. Em có biết mẹ vẫn ở trong em, cả khi keo sơn và nước mắt!? Thân phận như con chim hoang hoải buổi chiều tà, sợ hoàng hôn và sợ cả những chân trời…

Ngày tôi làm ở toà án thành phố được ba tháng tới cầu hôn em thì bố mẹ em đã không còn phản đối. Lễ cưới được tiến hành vào tháng mười. Mẹ không về, chỉ gửi quà mừng và lời chúc hạnh phúc. Tôi nén khóc. Em đã lặng lẽ lau khô và hôn lên môi tôi, một tình yêu hoàn toàn đàn bà con gái. Xấu hổ, tôi bồng em thật chặt và tìm kiếm một hương thơm mới của ái tình. Đêm chồng vợ…
Sinh con trai rồi mà hầu như em vẫn giữ nguyên cả thời con gái. Hạnh phúc của chúng tôi khá trọn vẹn. Tôi yêu con cực độ từ những liên tưởng mang tính ám ảnh cuộc đời tôi. Tôi yêu em cũng cực độ vì có một nỗi mơ hồ theo đuổi. Ngày xưa tính đếm tuổi mình. Bây giờ tính đếm tuổi con. Dõi mắt từng phút từng giờ con lớn lên. Vợ yêu tôi mặn nồng mãnh liệt mỗi ngày một đượm có lẽ cũng từ việc tôi yêu con khác lạ. Bóng tối xuống là tình yêu chồng vợ thoát xác. Nhưng bóng tối xuống cũng là nỗi lo con ngủ yên không, có thiếu điều gì? Làm sao có thể cắt nghĩa được sự gắn bó lớn đó. Một ngôi nhà có ba người, thì khăng khít cả, cứ luôn ước muốn chỉ hoà vào nhau làm một. Thật cũng lãng mạn và ảo tưởng hết sức. Cũng như ước muốn chập mặt trời-trái đất và mặt trăng làm một. Đương nhiên là phải thất vọng thôi…

Hôm ấy dì cháu đón cháu về ngoại. Mẹ cháu đi dạy, còn tôi tới trụ sở toà án thành phố. Một năm nữa cháu sẽ vào lớp một. Cháu ngoan và thông minh. Đã đọc thông viết thạo và làm được hết toán lớp một. Mẹ cháu bảo hay là xin cho cháu vào lớp hai. Tôi bảo không nên nhảy cóc. Cứ để con học từ đầu cho cứng. Cháu còn biết chơi cờ vua, cờ tướng ngang ngửa với bố và nhiều khi còn thắng cả mẹ. Cháu biết chơi đàn, biết vẽ. Nhưng thứ mà cháu đặc biệt thích là đọc sách. Cháu có thể đọc cả ngày, quên cả ăn. Truyện cổ tích cháu đọc rất nhiều. Cứ đòi đọc sách của người lớn. Chúng tôi đã phải chọn lọc một số quyển phù hợp với sức hiểu và khả năng đọc của cháu. Mẹ cháu cứ luôn lo cháu sẽ bị cận. Tôi không dám để cháu theo ý thích cá nhân. Nhiều lúc cứ phải ép cu cậu chơi theo các bạn. Ai cũng yêu thằng bé. Một lần chúng tôi dẫn cháu đến cô nhi viện, bà giám đốc khen hết lời và bảo tôi trời đã thương con, vợ xinh hiền, con khoẻ ngoan thông minh, gia đình ổn định, thực mẹ mừng lắm. Thỉnh thoảng mẹ miền Nam vẫn gửi thư hỏi thăm con. Mẹ ấy thương con nhất trên đời này đấy… Mẹ tôi mỉm cười hơi gượng. Tôi phải nắm chặt bàn tay cô ấy và nói sang chuyện khác. Thằng bé chơi đùa với lũ trẻ trong Cô nhi, tiếng ròn tan sảng khoái chứ không như tôi thuở xưa. Chạnh lòng nhớ, bất giác thở dài…

Buổi chiều, tôi ngồi trong trụ sở toà án mà lòng như thiêu như đốt. Mấy lần định bỏ về. Vợ tôi vẫn đến trường, có gọi điện chắc cũng chả được. Tôi nghĩ vơ vẩn, hay là mẹ miền Nam đã xảy ra chuyện gì? Có ai ngờ họa lại nhằm thằng bé mà giáng…

Quãng hơn bốn giờ tôi được điện thoại báo phải về nhà ngay lập tức. Linh tính cho hay có chuyện chẳng lành. Tôi đi xe với tốc độ lớn. Chỉ mười lăm phút sau đã có mặt ở nhà. Mẹ vợ đón tôi bằng nước mắt. Bố vợ cũng vậy. Dì cháu đang ôm vợ tôi nức nở. Còn vợ tôi gục lên thân thể cháu cứng đờ. Tôi hoa mắt. Choáng váng. Rồi ngã vật xuống sàn nhà…

Chuyện được thuật lại khi tôi tỉnh. Cháu được dì cho đi bơi thuyền Hồ Tây. Chủ quan thế nào dì cháu không mặc áo phao. Ra đến giữa hồ, cháu nhoài người vớt một cái hộp trôi dưới nước chẳng may rơi xuống. Dì không biết bơi, cuống quýt kêu cứu. Các thuyền ở xa mãi mới quay lại. Hồ sâu, không vớt được. Khi đội cứu nạn đến thì cháu đã không còn thở nữa rồi…
Cú này là cú sét đánh. Trời hại!… Tôi không kìm nổi nữa, cũng khóc như tất cả mọi người trong nhà. Dì cháu quỳ xuống xin vợ chồng tôi tha tội. Tôi phải cố kìm lòng để nâng dì dậy. Cố nói vài lời ngắt đoạn: Không… anh không trách dì… Tại trời… Tại số mệnh anh nó vậy… Hạnh phúc tròn đầy quá, dễ quá, sao giữ được trong tay?

Ông ngoại cháu không đành lòng chứng kiến chúng tôi đau đớn, đã lo chôn cất ngay cho cháu. Ban đêm, nghĩa trang mênh mông mịt mùng. Cháu là lá non búng đã vội về với đất trước cả lá xanh, và còn trước cả lá vàng… Trong im lặng, nỗi đau cuộn ở trong, tình yêu thì có thừa mà không giữ nổi một sinh linh thánh thiện tinh khiết còn vô ưu trước mọi nông nổi cuộc đời… Vợ tôi ngất lên ngất xuống. Ông bà ngoại phải đưa về nhà để chăm sóc. Còn tôi, tôi cương quyết về nhà và xin được ở một mình. Một mình đối diện với mình, với cuộc đời, với những được mất, thiệt hơn mà tôi đã lĩnh được trong mấy mươi năm qua…

Căn phòng mù mịt khói thuốc. Tôi đốt hết điếu nọ đến điếu kia. Ngổn ngang đầu lọc trên mặt bàn rồi dưới sàn nhà. Tôi cứ ngồi im một chỗ. Câm lặng nhìn vào hư không. Có lúc không nghĩ gì, không biết gì. Để thời gian trôi như nước chảy, gió bay, nắng biến màu và đêm chuyển giấc… Tôi nghĩ về tất cả. Về tôi. Cô nhi viện. Mẹ nuôi. Bạn bè. Vợ tôi. Ông bà ngoại. Dì cháu. Trường Đại học. Và phần lớn ưu tư là dành cho cháu. Tôi cảm thấy một mất mát quá lớn ngoài sức chịu đựng của tôi. Lời ông bà ngoại an ủi, thôi, rồi ra lại sinh đứa khác, chắc cũng khoẻ mạnh thông minh không kém gì, đã có gen giống tốt thì chẳng ngại. Tôi day trở với ý nghĩ người ta có thể có nhiều con nhưng sẽ không có đứa nào giống đứa nào. Người ta cũng không bao giờ có thể chịu đựng được tư duy: mất đứa này sẽ còn có đứa khác… Con tôi là kết quả của tình yêu tôi, một phần cuộc đời tôi, là sự trộn lẫn-hiện hình thi thể tôi và vợ- là niềm tự hào của bản năng nòi giống… Mất nó tôi như rơi vào khoảng hẫng, khuyết thiếu, như chính phần hồn mình đã vợi vơi đi, thể phách mình cũng lìa một ít gửi về với đất… Một nỗi cô đơn đè nặng nỗi đau, trong đêm, cứ lớn dần, lớn dần, hiện lên thành hình thành khối rồi ghi dấu ấn lên người…

Sáng. Dì mở cửa vào nhà mà tôi không biết. Mãi đến khi dì thốt lên tiếng kêu kinh ngạc: trời ơi tóc anh đã bạc trắng rồi, tôi mới giật mình nhận ra đã hết một đêm. Dì ôm mặt khóc. Tôi đã phải an ủi dỗ dành mãi dì mới nín. Khi dì dọn mẩu thuốc, tôi đi vào nhà vệ sinh, và cũng sửng sốt kinh hoàng không kém dì lúc nãy khi nhìn vào gương thấy bạc nửa mái đầu và những nếp nhăn hằn nơi đuôi mắt và trên vầng trán. Tôi đứng chôn chân hồi lâu, rồi mở vòi nước lạnh nhúng cả đầu mình xuống bồn. Mà vẫn không hết bàng hoàng về một khoảnh thời gian ngắn ngủi vừa mới xảy ra… Y như một câu chuyện hoang đường…

Ly cà phê cạn đáy. Khói thuốc bay lửng lơ trong thứ ánh sáng nhập nhoà. Đôi mắt anh sâu thẳm với cái nhìn hư không. Tôi định thốt một lời an ủi cho phải phép, mà tôi không dám. Tự lấy làm hổ thẹn khi ngẫm lại nỗi buồn mình. Nhìn anh uống nốt giọt đắng, tôi bất giác quay đi. Qua cửa sổ tôi thấy một vùng đèn sáng xa xa ở bên kia hồ. Như vậy là ngày đã hết. Một đêm nữa lại đến với tôi và anh. Có làm cho tôi mất ngủ, và nếu mất ngủ thì tôi làm gì? Có làm cho anh hoá đá một lần nữa để bạc nốt nửa mái tóc còn lại?… Gió mới như mang theo bóng đen cùng những điều bí mật. Hơi nước nồng nồng, tanh tanh, nhưng dễ chịu. Chúng tôi lại bật lửa châm thuốc và lại kéo một hơi đỏ rực rồi nuốt khói. Một cái gì đó khó biết bồng chúng tôi lên. Thấy một khoảng trời không mây. Rồi lát nữa hằng hà sa số những ngôi sao sẽ nhấp nháy thay cho mặt trời…