Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Phan Ngọc Chính, gồm các truyện ngắn sau:

– Hẹn ngày trở lại

– Nhân tài về quê

– Di nguyện

– Mầm xưa

– Người bán than ở Chí Linh

Nhà văn Phan Ngọc Chính sinh năm 1973

Quê quán: Xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội

Phan Ngọc Chính là một nhà báo, hiện làm việc trong lĩnh vực xuất bản.

Học vị: Thạc sĩ.

Hiện anh đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Tài chính

Phan Ngọc Chính đến với văn chương khá sớm, từ năm 1991 đã có tác phẩm đăng rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, anh cũng dừng viết khá sớm, vào năm 1997, sau khi có một số tác phẩm in chung cùng các cây bút trẻ đang lên thời đó.

Từ tháng 8 năm 2020 đến nay, Phan Ngọc Chính trở lại với nghiệp viết, theo anh như một sự tìm tòi bản ngã, cũng có lẽ là một sự thôi thúc bên trong tâm thức. Anh liên tục công bố các sáng tác mới trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

“Truyện của Phan Ngọc Chính là một sự trải nghiệm sâu sắc. Thời gian anh dừng lại không viết có lẽ là thời gian để sống và trải nghiệm. Và cho đến một lúc nào đó Phan Ngọc Chính thấy mình cần phải thể hiện những sự trải nghiệm đó ra trang viết.

Những câu chữ của Phan Ngọc Chính sâu sắc. Những ý từ của Phan Ngọc Chính trong truyện luôn khiến người đọc có những suy nghĩ nhiều chiều”

HẸN NGÀY TRỞ LẠI

                              Truyện ngắn của Phan Ngọc Chính

Dòng Hủa Phăn vắt ngang dãy non cao mây vờn quanh năm như một dải lụa mỏng. Con suối thượng nguồn có tên Lạch Lùng chui ra từ vạt sa mộc lúp xúp đột ngột bị hẫng bởi vách đá dựng đứng. Từ trên cao, dòng nước buông mình tạo nên thác Dốc trắng xóa và chuỗi âm thanh ngân nga, ầm ào. 

Người đàn ông trung niên nhẹ ngồi xuống gờ đá ven suối. Lớp bụi nước li ti ngàn ngạt khiến gương mặt anh như mờ nhòe trong sương. Vầng trán cao vương mấy sợi tóc chớm ngả màu tháng năm khiến khuôn mặt anh đậm nét đăm chiêu, hiền từ. “Bảo Thạch như lột xác. Chỉ riêng thác Dốc vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy…”. Anh thì thầm như chỉ với riêng mình, giọng chìm giữa ầm ào tiếng thác.

Tôi gặp Quang lần đầu tại hành lang ngôi khách sạn hai sao xa nhất của huyện. Ngày giữa tuần, thị trấn du lịch trở lại thưa thớt, vắng vẻ. Phòng ăn mỗi hai người. “Anh lên trên này nghỉ dưỡng hay đi công chuyện làm ăn?”. Tôi mở lời làm quen. Anh gỡ cặp kính trắng, cười nhẹ. “Không. Mà đúng ra, còn quan trọng hơn thế”. Gương mặt trầm mặc bao phủ. Ánh mắt anh như hướng về cõi xa xăm nào.

Cảnh sắc núi đồi hùng vĩ. Sự cô đơn, vắng vẻ hay tâm trạng hai gã đàn ông miền xuôi tình cờ gặp nơi non cao xích chúng tôi lại gần nhau hơn. Quang hẹn tôi giờ đi ăn, nhắn nhà bếp dọn đồ để chúng tôi được ngồi cùng nhau.

“Ngày đó, vừa học xong văn khoa, tôi tình nguyện xin lên đây làm phóng viên. Khi biết tin, bố tôi xốc nặng. Mẹ tôi thì khóc cạn nước mắt”. Quang chia sẻ khi chúng tôi ngồi đối ẩm bên chai rượu men lá. Tới bữa thứ hai, đồ ăn vừa đưa ra thì anh đột ngột đứng lên. Chiếc điện thoại áp dính một bên má. Ánh mắt rạng rỡ long lanh. Gương mặt anh sáng bừng. Vẫy tay chừng cáo lỗi với tôi, anh rảo bước gấp gáp. Thoắt cái, đã thấy anh ngồi gọn sau lưng một người đàn ông đỗ xe ở cửa khách sạn. Chiếc xe Minsk vù đi, để lại vệt khói vẩn vơ như những câu hỏi bỏ lửng về người bạn độc hành mới quen. Thoáng chút đắn đo, tôi dợm cầm quyển sổ bìa cứng sờn cũ anh để quên trên bàn. 

“Ngày…

Vừa ra mắt tòa soạn, mình đã xung phong theo dõi Bảo Thạch, huyện xa xôi và hiểm trở nhất tỉnh.

Đêm trở lại huyện lần đầu sau hai năm, mình trằn trọc khó ngủ. Vừa chợp mắt, mình đã lại chìm vào giấc mơ nửa lạ, nửa quen. Lấy hết sức bình sinh, mình gắng đuổi theo em. Em ngả người bồng bềnh trên sóng. Chợt em nở nụ cười trong veo như giọt sương mai, bay vút lên một đám mây. Mình chới với rơi xuống vực sâu đen ngòm”.

Những trang nhật ký. Nét chữ nam tính rắn rỏi.

Ngày…

Mùa hè sinh viên tình nguyện đầu tiên đã bắt đầu thật sôi nổi, tự nhiên. Mình được các thầy chỉ định làm tổ trưởng của hơn mười thành viên tham gia sửa đường vào một bản nhỏ. Tổ bổ sung thêm người. Một cô nàng khóa sau khiến các chàng thấy hồi hộp, chộn rộn. Lụa, tên như người, mảnh mai với hai bím tóc và nước da bánh mật khỏe khoắn. Gương mặt cô nàng bừng sáng bởi đôi mắt to đen, tô điểm bằng cặp mày đậm tựa nét vẽ. Rồi xem cô nàng sẽ giúp gì cho chúng tôi đây”.

Đang tính gấp lại cuốn sổ bởi không muốn mình kéo dài sự tò mò vô duyên, nhưng chẳng hiểu sao những dòng chữ khiến tôi vẫn tiếp tục lật mấy trang tiếp theo.

Ngày…

Là tổ trưởng nhưng mình đã lúng túng vô cùng ngay trong buổi làm việc đầu tiên. Bất cứ việc gì cũng khiến mấy gã trai mang danh thị dân lóng ngóng. Sự có mặt của Lụa tựa linh hồn, vị “cứu tinh” của tổ. Em thị phạm cho mọi người cách chặt cọc cắm trại, kiếm mấy hòn đá làm ông đầu rau để bắc bếp nấu nướng. Rồi tư thế cầm xẻng, cuốc. Sự thành thạo, nhiệt tình khiến em là trung tâm của tất thảy mọi việc. Tiếng bè bạn gọi em ríu ran. 

Mình nhớ rõ, khoảnh khắc chiếc xe cải tiến do mình cầm càng có nguy cơ lật xuống con dốc thoải. Đúng lúc lòng sỹ diện đã đầu hàng lực kéo, trí não ra lệnh buông xuôi thì Lụa có mặt. Em khom người, tạo nên một sức mạnh kỳ lạ. Chiếc xe bám vững, chuyển động, lăn bánh rồi về đích trong sự ngỡ ngàng, khâm phục của cả tổ. Quá đỗi cảm kích, mình nắm hai bàn tay em. Em để nguyên, gương mặt hồng hào e lệ“.

“Ngày….

Tôi ơi, phải chăng tôi đang được sống những ngày hạnh phúc nhất kể từ khi sinh ra. Vậy là hai ta đã có nụ hôn đầu tiên. Mỗi ngày ở đây với hai ta như thể thiên đường mà hai trái tim yêu khi e thẹn, lúc rực rỡ, bùng cháy. Em, thế giới của tôi, khi mềm mại như dòng Hủa Phăn hiền hòa, lúc cuồng nhiệt như thác Dốc sục sôi…”.

*****

      Định mệnh anh ạ. Định mệnh của tận cùng nghiệt ngã, đau thương! Quang chủ động chia sẻ khi nhận lại cuốn nhật ký. Dường như anh cảm nhận ở tôi sự đồng cảm và tin tưởng nào đó. Cũng có thể anh đang cô đơn hay ngập giữa sự xúc động quá lớn. Giọng anh ắng nghẹn.

Đó là buổi chiều nhóm kết thúc đợt lao động tình nguyện. Trước khi có bữa cơm chia tay, cả nhóm rủ nhau xuống tắm gần đoạn suối Lạch Lùng giao hòa với dòng Hủa Phăn. Trời xanh cao vời. Nắng trải vàng như ngọc. Dòng nước trong vắt, hiền hòa, nhìn thấy rõ cả những viên cuội  trắng. Cả nhóm ngụp lặn, đùa giỡn. Những tiếng cười, tiếng trêu chọc, té nước rộn rã. Và Lụa lúc này lại trở thành trung tâm. Mấy gã học trò thành phố chỉ thạo vài ba đường bơi thêm một lần tròn mắt chứng kiến Lụa như một nàng tiên cá. Quang không giấu được niềm hãnh diện trước ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn sự ghen tỵ của mấy thằng bạn trước vẻ đẹp khỏe khoắn, hoàn mỹ của Lụa. Gương mặt ngời rạng. Thân hình cô săn chắc tựa tượng thần Vệ nữ. Chiếc áo trắng buộc vạt như tôn bầu ngực thanh tân cao vồng. Những đường bơi dọc ngang của cô như múa. Đúng lúc nhóm chuẩn bị kết thúc buổi xả trại thì bất thần một tiếng “ục” vang rền như sấm dậy. Nước tràn về cuồn cuộn, hung hãn. Cơn lũ rừng bất chợt, hệ quả của trận mưa lớn phía thượng nguồn. Lũ đẩy Quang ngã nhào vào một bụi dương sỉ, thoắt kéo Lụa ra xa. Hình ảnh cuối cùng của cô trong anh là đôi mắt tuyệt vọng cầu cứu, cái níu tay chới với rồi tất cả tan vào dòng nước cuồng nộ.

“Mãi sau này gia đình mới biết lý do ra trường tôi xung phong lên đây”. Quang xoay người rồi ngước lên trời cao. Chiều buông nắng. Mây thả những đụn trắng bồng bềnh như bông. Bóng núi đổ nghiêng hằn xuống thung sâu một vệt dài thẫm tối. Cảnh sắc đậm nhạt tựa bức tranh thủy mặc kỳ vĩ. “Chẳng ngờ đất này lại nặng nợ với tôi đến thế. Khi cơn lũ qua đi, dù địa phương đã nhiều ngày kiếm tìm, thậm chí xuôi hàng chục cây số về hạ lưu dòng Hủa Phăn nhưng vẫn không tìm được Lụa”. 

Mắt Quang đỏ nhòe, hai giọt nước lăn nhẹ trên gò má rám nắng. Anh để nguyên không cố gắng kìm nén hay che giấu trước tôi. Đã lâu, tôi mới lại chứng kiến một người đàn ông khóc. Bùi ngùi châm thêm rượu vào hai chiếc chén đã cạn, trước mắt tôi hiện lên những chuyến đi về của chàng trai tới mái tranh nghèo của cô bạn gái xấu số. Ngôi nhà đơn côi chỉ có duy nhất người mẹ nghèo bởi người cha chài lưới đã qua đời từ sớm. Người chị gái đi lao động xuất khẩu đã chẳng thể về khi em mình lâm nạn. Để rồi một chiều,  chàng trai cầm đôi bàn tay gầy guộc của mẹ người thương, nói giữa hàng lệ chứa chan: “Chừng nào còn sống, con sẽ gắng đi tìm, mang em về đây cho bác. Chỉ khi xong tâm nguyện đó, con mới yên tâm đi tiếp cuộc đời mình…”.

“Và phép màu nào đã giúp anh?”. Quang lúc lắc đầu, xua tay. “Chuyện dài lắm”. Tôi đơ đớ, tự nhiên thấy mình thật hấp tấp, vô duyên. 

Không để ý đến vẻ mặt của tôi, Quang chỉ vào một hõm đá bằng phẳng cách thác Dốc dăm chục mét. Giọng anh u hoài, miên man. “Chính tại chỗ này. Tôi gặp được quý nhân. Bố con ông Thào, chủ gian quán lá”. 

Lời người đàn ông như nốt trầm vỡ hay như tiếng sương đêm rơi từ mái gồi lợp bằng vỏ cây sa mộc. 

*****

Bố con ông Thào, nhà dưới bản, lên mở gian quán nhỏ đón vãng khách. Ngày đó dân phượt, khách tây ba lô còn hiếm lắm. Việc của ông Thào còn là trông nom cậu con trai. “Hắn tên Hành, 17 tuổi, mê bóng đá từ nhỏ. Học hết cấp hai, đang định ở nhà làm nương rồi lấy vợ thì các thầy bảo vào đội tuyển của huyện”. Ông Thào nói với Quang. Vừa lúc Hành tới nơi, vai khoác chiếc túi lưới đựng mấy trái bóng. Theo sau cậu là một cô bé chừng 15, 16, sắc tộc phụ nữ Mông, da trắng hồng, cặp mắt xếch tinh nghịch. “Nó là May, người yêu thằng Hành, ở đội tuyển điền kinh”. Đôi trẻ gật đầu chào Quang, vừa lúc quán có một nhóm khách phượt. 

Từ lần trở lại đó, hầu như tháng nào Quang cũng từ tỉnh xuống Bảo Thạch. Dần dà, anh với bố con ông Thào và May trở nên thân thiết. Một hôm, vừa thấy anh, ông Thào đã sốt sắng, ánh mắt ẩn chứa điều gì đó hệ trọng. Hồi lâu, ông nhát gừng: “Biết cậu day dứt, khổ tâm vì lời hứa với mẹ bạn gái, thời gian qua, bố con tôi đã dò hỏi dưới vùng vực tròn. Vùng đó, thi thoảng có người đuối nước từ sông Hủa Phăn dạt về. Một cụ già mách ngày nọ, dân làng vớt được thi thể một người con gái. Chẳng có giấy tờ, lại không thể nhận dạng, họ đành mai táng cô ấy ngay triền sông. Chưa có cơ sở khẳng định đó là Lụa, chỉ thời gian là xem ra tương đồng…”. Lời ông Thào khiến Quang run lên. Đêm đó, anh lại đắm chìm vào giấc mơ, khi tỉnh dậy, mồ hôi ướt đầm đìa.

*****

Câu chuyện bị ngắt quãng bởi chiếc smatphone trên tay tôi rung lên. Cuộc gọi của sếp tổng. Sếp điện hỏi về tiến độ khâu đối ngoại của dự án thuộc diện tối quan trọng. Lý do tôi có mặt ở đây. Tôi sẽ phải gặp lãnh đạo huyện. Tôi sẽ bám sát phòng A, ban B cho tới khi xong công đoạn “lót ổ”. Tôi sẽ và sẽ. Chiếc ca-táp khóa số, nơi xấp phong bao xếp lớp sẽ dần vơi đi để đảm bảo hiệu quả của dự án. Thần kinh tôi căng ra với các kế hoạch, lịch hẹn chồng lấn…

“Sớm đó, Hành và May đèo nhau trên một chiếc xe Minsk, tôi đi riêng một xe, xuôi bờ Hủa Phăn trên những cung đường bản”. Giọng Quang đột ngột cất lên. Dòng suy tư tính toán gãy đứt. Tôi thở nhẹ khi được kéo về với câu chuyện dang dở của anh.

“May bảo em biết tục người kinh nên dậy sớm giết gà, nấu xôi, làm đồ cúng cho ngôi mộ của người con gái xấu số. Đường nhỏ, gập ghềnh, nhiều đoạn Hành phải xuống phụ đẩy xe cho tôi. Đến một đoạn đường cụt, Hành bảo anh em mình phải đi bộ từ đây. Chúng tôi gửi nhờ hai chiếc xe máy rồi đi vòng qua vực. Khác với vẻ ríu rít thường ngày, hôm nay đôi trẻ trầm lặng, như đồng cảm với tâm trạng xúc động, hồi hộp của tôi. “Chị ấy nằm đây”. Trước mắt chúng tôi, nấm mồ của người con gái hiện ra, được quây một lớp đá núi, thấp thoáng mấy chân hương mới”.

        Đôi vai người đàn ông trung niên rung nhẹ. Cảm nhận anh đang sống cùng dòng cảm xúc dào dạt. “May sắp đồ lễ. Hành đưa tôi bó nhang. Hành bảo từ hôm biết mộ chị ấy, lần nào xuống dưới này bố con em đều ghé qua thắp hương. Hàng đá xếp lớp là bố bảo em khuân dưới kia lên để mưa gió không làm mộ sạt trôi. Cái ống cắm nhang này, hôm trước May mua ngoài chợ huyện”.

     *****

     Trở về tỉnh, công việc kéo Quang vào một chuỗi những bận rộn, miết mải. Phải hơn hai tháng sau anh mới trở lại Bảo Thạch. Vừa xuống thác Dốc, định bụng sẽ rủ Hành và May đi thăm mộ người con gái mà anh tin là Lụa, thì trước mắt Quang, gian quán lá chỉ còn là cái nền với hốc đá trơ trọi. Đang ngơ ngác thì một người dân qua đường cất lời. Tìm thằng Hành à, nó về một đội bóng đá dưới xuôi rồi. Triển vọng lắm. Còn ông Thào và May? Ông Thào đóng quán, về bản. May, ở bên trung tâm thể thao.

 “Dù hơi bất ngờ nhưng tôi thật sự mừng cho Hành. Đã có lần tôi nghe người đồng nghiệp theo dõi mảng thể thao khen cu chàng là một cầu thủ rất triển vọng. Nhưng ở cái tỉnh heo hút, gian khó này, cơ hội theo nghề chẳng dễ. Việc Hành được phát hiện, đưa về xuôi, ngoài tài năng cá nhân còn là một cơ may hiếm hoi. Tôi thấy mình thật vô tâm. Quen thân với bố con em mà chưa một lần tôi sang trung tâm thể thao chứng kiến Hành thi đấu, tập luyện. Tôi định bụng dịp nào về xuôi, sẽ tìm đến thăm Hành”.

Nhưng ý định của Quang chưa thực hiện được thì tin vui từ Hành đã sớm bay về tỉnh. Do năng khiếu và sự rèn luyện, nỗ lực, chỉ hơn nửa năm sau, Hành đã được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia. Rồi Hành có tên trong danh sách của đội đi thi đấu một giải quốc tế danh tiếng. Suốt hai tuần liền, những chiến thắng dồn dập của đội bóng ban đầu bị xếp vào nhóm “lót đường” tràn ngập mặt báo. Và Quang tận mắt được chứng kiến tài năng của cậu trên sân bóng, lần này là qua tivi. Hạnh phúc của triệu người vỡ òa khi trận cầu “châu chấu đá xe”, cầu thủ vào sân thay người, ghi “bàn thắng vàng” là Hoàng A Hành. Quang vui sướng, hãnh diện hòa vào dòng người nô nức đổ ra chật trung tâm cái thị xã miền núi. Chỉ hôm sau, đài báo từ tỉnh đến trung ương đều có bài về chân dung Hành. Nhiều ngày sau, các đài truyền hình còn chiếu đi chiếu lại pha ghi bàn của cậu chàng kèm những cụm từ như “khoảnh khắc để đời”, “giây phút lịch sử”…

“Điều tôi buồn nhất khi đó là chuyện tình của Hành và May tan vỡ ngay sau ngày Hành thành công và nổi tiếng. Trong một lần lên Bảo Thạch, tôi đã sang trung tâm thể thao tìm May. Bà cán bộ hành chính, ngoắc cặp kính nhìn tôi chăm chăm: “Cậu chưa biết gì à? Nó bỏ về bản rồi. Nó là đứa chúng tôi lựa chọn đưa đi đào tạo để làm cán bộ huấn luyện. Vậy mà bỏ phí cơ hội. Quá dại”. 

****

Một đám mây từ trên núi sà xuống. Nhóm khách tây ùa đến ngắm thác khiến câu chuyện gián đoạn. Quang đứng lên, đưa tay chạm nhẹ một làn mây mỏng như sương. Mây len qua những kẽ tay anh. Anh thì thầm điều gì đó. Hoàng hôn phủ bóng khiến khuôn mặt anh đằm sâu. Nhóm khách lao xao, chụp hình rồi lên xe rời đi. Câu chuyện lại lần dở, tiếp tục.

Ngày đó, sau bốn năm gắn bó với vùng cao, bố mẹ quyết tâm đưa Quang về Thủ đô. Nhờ có quan hệ và sự sắp đặt nên công việc của anh rất hanh thông, suôn sẻ. Trước ngày nhận quyết định phó phòng của một tờ báo lớn, bố Quang nghiêm nghị: “Tổ chức không bao giờ đánh giá cao một kẻ lụy tình. Con phải giấu tiệt chuyện xưa, biến những năm tháng ở rừng thành lợi thế”. Chẳng biết tự khi nào, một chú dưới quyền bố đã tập hợp các bài báo những năm anh ở rừng, đặt người biên tập, chau chuốt, viết lời tựa rồi cho xuất bản liền hai tập ghi chép, phóng sự. Buổi ra sách hoành tráng. Quang đi làm trong sự ngưỡng mộ của không ít đồng nghiệp. Vài tờ báo cử phóng viên gặp anh phỏng vấn về lý tưởng, kinh nghiệm của một nhà báo dám tận hiến, dấn thân. Rồi các trung tâm đào tạo báo chí mời Quang đi thỉnh giảng. Quang được cơ quan chọn bồi dưỡng lớp “nguồn”. Anh lấy vợ, sinh con, sống cuộc đời nhà báo sa-lông viên mãn, nhàn tản.

Thời gian thấm thoắt trôi, Quang lên trưởng phòng rồi phó tổng biên tập, chỉ còn chờ ông tổng biên tập già về hưu là có cơ thế chỗ. Bất ngờ buổi đó, anh nhận được điện thoại của Hành.

“Dù nghe khá nhiều thông tin không hay về Hành suốt mấy năm tiếp theo như “bệnh ngôi sao”, vô kỷ luật, nay cặp kè với người mẫu này, mai du hí với người đẹp kia, rồi ăn chơi thác loạn, phong độ xuống dốc… nhưng tôi không còn bận tâm bởi muôn vàn lý do. Tuy nhiên, khi cái tin cậu cầm đầu một đường dây bán độ bị phát giác gây chấn động thì tôi có chút buồn. Từ vị thế người hùng, phút chốc cậu trở thành kẻ bị cộng đồng nhiếc móc với những từ ngữ nặng nề nhất”.

Quang trầm ngâm. Anh mở bao thuốc chìa ra trước mặt tôi. Đoạn bật lửa châm thuốc. Ánh lửa cháy trong mắt anh bập bùng. “Sở dĩ việc của cậu Hành khiến tôi không mấy buồn, bởi tôi của thời hiện tại nói thẳng thừng cũng đã ở một vị trí rất khác. Kinh tế báo chí sôi động. Chúng tôi đâu thể ngồi yên. Tờ báo bước vào giai đoạn cạnh tranh thông tin, gắn với hàng loạt phi vụ lớn nhỏ”. 

Tôi hiểu Quang muốn nói về những thương vụ “đánh đấm” gắn với lợi ích ăn chia ẩn bằng các hợp đồng hợp tác truyền thông. Rồi suất mua biệt thự, chung cư giá hời cho các nhân sự chủ chốt của báo, bán ra thị trường kiếm chênh lệch vài trăm triệu hay bạc tỷ nhẹ bẫng. Là nhân sự “lõi” của một tập đoàn tư nhân đa ngành đang lên, điều Quang hé mở nào xa lạ với tôi. “Nói thực với anh, nay tôi bận chơi golf với đối tác này, mai tôi vướng lịch gặp bàn chuyện “gỡ rối” với địa phương kia nên hình ảnh về Hành đã trở thành dĩ vãng. “Bỗng chiều chủ nhật nọ, một số điện thoại gọi vào máy tôi, giọng nửa lạ nửa quen. Anh nhận ra em không? Ai vậy? Vâng, em Hành đây. Hành – Bảo Thạch đây…”.

Và buổi chiều đó, bên gian quán vắng, hai ly cà phê đen, câu chuyện được người trai tuổi còn thanh xuân nhưng đã nếm đủ những ngọt đắng ở đời được hồi tưởng, sẻ chia.

***** 

“Sông Hủa Phăn mùa này cạn nước nhất trong năm phải không em?”. Quang cắt ngang câu chuyện nặng nề của Hành và cũng muốn xua đi vầng mây đen đeo bám từ đầu cuộc gặp gỡ. Hành nhoẻn cười, để nguyên hai giọt nước mắt rơi. Em vừa ở trên đó xuống và quyết định gặp anh. Ra tù, khi là kẻ mất hết, em mới ngộ ra bao điều. Giữa tận cùng tuyệt vọng, cô đơn, trong em trỗi dậy nỗi khát khao được trở về cái điểm tựa duy nhất và cuối cùng, đó là ký ức tuổi thơ, là làng bản quê hương và những tháng ngày bình yên bên dòng Hủa Phăn. Em muốn đứng dậy từ điểm tựa ban sơ mà em đã đánh mất trong hành trình kiếp người chạy theo vòng danh lợi.

Bảo Thạch giờ là huyện du lịch, thị trấn miền núi sầm uất lúc nào cũng tấp nập du khách. Em bất ngờ hơn khi nhà hàng uy tín, cung cấp nhiều sản vật miền núi được nuôi trồng chất lượng là của vợ chồng May. Cô ấy giờ là nữ doanh nhân tiêu biểu của huyện. Ngày gặp lại, chính May đã chủ động coi chuyện cũ đã qua, đồng thời giúp em tới đây mở một nhà hàng có tên Hương Rừng. Vợ chồng cô ấy còn liên hệ với chính quyền, giúp em mở một trung tâm thể thao rèn năng khiếu cho lớp trẻ của huyện.

“Anh thu xếp sớm về lại Bảo Thạch dự khai trương trung tâm thể thao với em nhé!”. Hành cầm tay Quang khẩn khoản. Quang cúi mặt, tránh ánh nhìn của cậu, bởi trong Quang lúc này đang tràn ngập một nỗi day dứt, hổ thẹn.

Thoáng chốc, khuôn mặt Quang như già đi đến vài tuổi. 

Ngày đó, khi quyết định về xuôi, Quang đã đến thắp hương trên ngôi mộ người con gái ven sông. Quỳ trước nấm mồ đơn côi, nhìn lên thăm thẳm cao xanh, anh đã hứa với vong linh Lụa nhất định sẽ có ngày trở lại. Kế hoạch mà anh ấp ủ, đó là đợi ngày chị gái Lụa về nước, anh sẽ cùng chị lên xin với chính quyền cho phép thay nhà, làm xét nghiệm AND để xác định người con gái dưới mộ có phải Lụa hay không. “Nếu là em, tôi sẽ cùng chị đưa em về với quê hương, với mẹ. Trường hợp không phải, chị em tôi sẽ đưa mộ phần đó vào một nghĩa trang, để nấm mồ người con gái vô danh đỡ quạnh quẽ khói hương. Vậy mà khi trở về thủ đô, dự định đó tôi đã sớm nguôi quên”. 

       Câu chuyện của Hành khiến Quang nhớ về Bảo Thạch, về Lụa, về món nợ đời người và lời hứa với mẹ người thương năm xưa. Gần hai mươi năm trôi qua, vật đổi sao rời, những trận bão dữ, lũ rừng, chẳng biết ngôi mộ vô chủ của người con gái dạo nào liệu có còn dấu tích? Và bên dòng sông Bùi quê Lụa, người mẹ nghèo hay ốm đau của cô giờ này liệu có còn để mòn mỏi ngóng trông? “Xét về tất cả, tôi thấy mình bạc bẽo, tệ hại có hơn gì Hành đâu”.

*****

Tiếng xe máy rộn rã. Người đàn ông trên xe vẫy tay, nhoẻn cười. “Hành đến đón tôi đấy. Nhất định bữa sau tôi sẽ mời anh đến thăm nhà hàng Hương rừng của cậu ấy. Tôi cũng báo cho anh tin mừng về việc tìm mộ Lụa…”. Quang vội vã bắt tay tôi. Anh cười nhẹ nhõm trước khi ngồi lên yên xe người đàn ông. Nụ cười tươi tắn và rạng rỡ nhất từ hôm tôi gặp anh.

Một cuộc điện thoại dội đến. Chiếc smartphone rung lên bần bật. Lại là cuộc gọi của sếp tổng. Dự án của doanh nghiệp tôi nếu suôn sẻ, sẽ biến thác Dốc, suối Lạch Lùng thành khu du lịch bề thế với nhiều công trình được xây nay mai. Nó sẽ trở thành cỗ máy in tiền của tập đoàn. Sếp tổng sốt ruột. Rừng thông sẽ nhường chỗ cho tuyến cáp treo và dãy khách sạn lớn. Nét hoang sơ sẽ vĩnh viễn từ biệt chốn này. 

Tự nhiên, tôi thoáng rùng mình. Mấy ngày qua, tôi vẫn nói dối Quang về lý do mình có mặt ở đây. Giá như tôi không biết gì về câu chuyện của anh. Giá như tôi chỉ gặp anh lướt qua như một vãng khách qua đường theo lệ thường. Quang hôm nay trở lại Bảo Thạch để tìm lại mình. Tôi, người độc hành vô tình sẽ đem đến điều gì cho mảnh đất hùng vĩ, tuyệt sắc này. Phải chăng lại chỉ lối mòn của những kế hoạch, mưu toan ngập giữa vòng danh lợi.

Có những ngả rẽ ở đời, còn có ngày trở lại. Như Quang. Còn tôi, chuyến đi và công việc đang xúc tiến ráo riết này liệu có là một ngả rẽ định mệnh?

Lặng nhìn theo bóng Quang xa dần, bất giác tôi để mặc cuộc điện thoại nóng rẫy của sếp tổng. Một phút sau, nó ngừng lại ở chế độ “cuộc nhỡ”.