Sau khi giải thưởng hội Nhà văn Hà Nội được công bố, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – chủ tịch hội – về một số dư luận đối với tác giả và tác phẩm nhận giải năm nay.

Thưa ông, năm nay giải Thành tựu được trao cho nhà thơ Phùng Cung, với sự nhất trí cao của hội đồng (9/9). Ông có thể nói thêm về Phùng Cung và giải thưởng lần này dưới góc độ một nhà phê bình?

Ngoài giải chính thức, tuỳ hoàn cảnh từng năm mà hội Nhà văn Hà Nội có thể trao giải Thành tựu. Đây là giải tôn vinh lao động sáng tạo một đời người của những nhà văn có nhiều tác phẩm xuất sắc, có nhiều đóng góp cho văn học ở thủ đô và trên cả nước, có tiếng vang lớn trong dư luận. Căn cứ trao giải Thành tựu vẫn là tác phẩm, nhưng là tác phẩm mang tính tuyển tập, toàn tập, tổng kết một sự nghiệp văn chương. Điều này đã được nói rõ trong quy chế giải thưởng.

Năm 2005, lần đầu tiên giải Thành tựu được trao cho tuyển tập thơ trữ tình thế giới của nhà thơ Bằng Việt để ghi nhận đóng góp dịch thuật của ông. Sau đó nó đã được trao cho tập Trần Dần thơ (2008) và cho tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ (2010).

Năm nay, giải Thành tựu về thơ trao cho tập Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung được nhất trí cao. Nhà thơ Phùng Cung (1928 – 1997) đã sống cuộc đời nhiều trầm luân, khổ ải, nhưng chính vì thế mà thơ ông lại đưa đến sự ngạc nhiên lớn cho người đọc. Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân trong từng câu chữ. Xem đêm được xuất bản lần đầu năm 1995, năm 2012 được tái bản bổ sung, là một bằng chứng thuyết phục cho thơ đích thực và sức sống của thơ. Đó là tập thơ của cả một đời người và một nhà thơ có khi chỉ cần một tập thơ như vậy đã đủ cho cả một đời người.

Một giải thưởng mới không gây tranh cãi lúc ban đầu, có thể sẽ gây tranh cãi về sau với những nhân vật không còn xứng tầm. Ở tư cách chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội, ông có e ngại vấn đề này?

Tính cả năm nay thì hội Nhà văn Hà Nội đã bốn lần trao giải Thành tựu, cả bốn lần đều được sự đồng thuận cao trong hội đồng xét giải và ban chấp hành, cũng như được sự đánh giá tốt của dư luận xã hội. Giải Thành tựu vẫn là căn cứ vào tác phẩm, vẫn lấy giá trị chất lượng của tác phẩm làm chính, cộng với sự suy xét về số phận cuộc đời và sự nghiệp của một tác giả. Không phải cứ có tuyển tập, toàn tập là được xét giải Thành tựu, vậy nên giải này không phải là thường niên, mà tuỳ theo hoàn cảnh. Chúng tôi không e ngại vấn đề như chị nói vì chúng tôi làm việc vô tư, trong sáng, đoàn kết và đồng thuận. Chị có biết một quy định của hội đồng xét giải thưởng hội Nhà văn Hà Nội (gồm toàn bộ ban chấp hành hội và bốn chủ tịch các hội đồng bộ môn văn, thơ, phê bình, dịch thuật) là gì không? Là: ngồi hội đồng thì không tham gia dự giải, mình xét trao cho người khác chứ không xét trao cho mình. Nghĩa là không làm cái việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.


Không chỉ giải thưởng dành cho nhà thơ Phùng Cung gây bất ngờ, còn một giải thưởng có thể gây tranh cãi là giải cho bản dịch cuốn Lolita của Dương Tường, một cuốn sách mà theo dư luận có những vấn đề về dịch thuật?

“Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ”.

Lolita – một tác phẩm thuộc hàng nổi tiếng nhất, gây tranh cãi nhất của văn học thế giới thế kỷ 20, cũng là một tác phẩm khó dịch nhất. Dịch giả Dương Tường đã có một sự nghiệp dịch thuật to lớn, đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này, nhưng ông đã phải dành hai năm liền cho cuốn tiểu thuyết lớn của V. Nabokov. Hội đồng nhận định bản dịch Lolita tuy còn một số chỗ gây tranh cãi về cách dịch, cách hiểu văn bản, nhưng đây là một bản dịch trực tiếp từ tiếng Anh công phu, tâm huyết, có thể coi là tác phẩm dịch “để đời” của dịch giả, đưa lại cho độc giả một kiệt tác của văn chương thế giới ở mức cao nhất có thể.

Tôi phải nói thêm điều này: không có bản dịch nào là trọn vẹn tuyệt đối theo nghĩa đồng nhất với bản gốc. Có thể nói, có bao nhiêu bản dịch thì có bấy nhiêu tác phẩm của cùng một nguyên bản. Cho nên chính ông Dương Tường đã có lần đề nghị mỗi bản dịch phải được đề tên tác giả – dịch giả song đôi, vì bản dịch đó cũng là duy nhất gắn với dịch giả đó, còn khi sang dịch giả khác thì đã là một tác phẩm khác tuy vẫn cùng một tác giả. Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry chỉ có một trong tiếng Pháp, nhưng sang tiếng Việt đã có khoảng chục bản: Cậu hoàng con (Exupéry – Trần Thiện Đạo, 1966), Hoàng tử bé (Exupéry – Bùi Giáng, 1973) – cùng mang tên này còn có các bản dịch của Vĩnh Lạc (1994), Trịnh Nhất Định (2000), Nguyễn Tấn Đại (2005), Châu Diên (2007), Em bé con nhà trời (Nguyễn Thành Long dịch, 2000). Nhiều người dịch đi dịch lại cuốn này vì họ thích tự mình dịch, vì họ không thoả mãn với những bản dịch của người khác. Độc giả có được nhiều bản dịch như thế càng hay, ai hợp với lối dịch nào thì đọc bản dịch đó. Và càng đọc nhiều bản dịch của cùng một tác phẩm lại bổ sung được cho nhau, thêm được cho mình nhiều sắc màu ngôn ngữ tình cảm của từng người dịch in dấu trong dịch phẩm.

Bản dịch nào cũng có những sai sót không tránh khỏi, vấn đề là sai đến mức độ nào, sai ở cách dịch hay cách hiểu. Xét tổng thể, bản dịch Lolita của Dương Tường, là đáng tin cậy. Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho dịch phẩm này căn cứ vào bản in mới nhất của Lolita, có sửa chữa của dịch giả.

Ông có tiên liệu nào cho giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam, bởi theo “lịch sử”, thường trùng với giải của hội Nhà văn Hà Nội một vài tác phẩm?

Một tác phẩm hay đúng mùa giải thưởng thì lẽ dĩ nhiên sẽ có cơ hội ẵm được nhiều giải. Như trong điện ảnh thì thấy, một bộ phim được giải Oscar trước đó đã được giải Quả cầu vàng, giải Cannes, giải Venice, giải của hiệp hội này khác. Có sao đâu, càng nhiều giải mà lại những giải uy tín, càng chứng tỏ giá trị của tác phẩm, càng kích thích người xem người đọc tìm đến. Giải thưởng hội Nhà văn Hà Nội theo thông lệ trao vào tháng 10 hàng năm, trước giải của hội Nhà văn Việt Nam, nên có lợi thế đi trước, do đó có khi một tác phẩm được giải của thủ đô rồi được giải cả nước nữa thì càng vui chứ sao. Tuy nhiên, năm 2012 này theo tôi ít có cơ hội “trùng lặp” như vậy.

Nguồn: SGTT.VN

Exit mobile version