Đến dự có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN khóa IX; ủy viên các hội đồng chuyên môn; các nhà văn hiện đang sống tại Hà Nội; tác giả đạt giải thưởng văn học năm 2016 và các hội viên mới được kết nạp.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Trưởng ban Sáng tác đọc bản báo cáo về giải thưởng, trong đó đánh giá từng tác phẩm được trao giải: “Giải thưởng năm nay chúng tôi trao cho một số cái mới khá rõ rệt. Như ở ngành lý luận-phê bình, chúng tôi trao giải cho tập chân dung văn học “Giọt nước trong lá sen” của tác giả nhà thơ Khuất Bình Nguyên. Tác giả viết các chân dung nhà văn, viết về một vài khuynh hướng và giai đoạn văn học qua một thời kỳ. Đây là dạng phê bình lâu nay ít thấy ở Việt Nam và có lẽ (Hội Nhà văn) HNV cũng chưa từng trao giải cho tác phẩm phê bình nào thuộc dạng này. Cái mới thứ hai là chúng tôi trao giải cho một tác phẩm thuần túy lý luận-phê bình, là cuốn của tác giả Trần Huyền Sâm, xem xét các biểu hiện tư tưởng về nữ quyền trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Dường như đây là một trong số rất ít tác phẩm phê bình tập trung hoàn toàn vào chủ đề nữ quyền, và đó không phải về khía cạnh chính trị của nữ quyền, mà là về quyền và khả năng người nữ bộc lộ toàn diện con người tinh thần của họ,vẻ đẹp nội tâm của họ từ những khát khao, những ức chế, v.v. đến những suy tư về địa vị hay phẩm giá người nữ mà thường bị đè nén hay bị bỏ qua. Và đây là khía cạnh mới trong phê bình, khi mà phê bình không còn quanh quẩn nhắc lại những thành tựu đã có mà tìm cách đương đầu với những vấn đề văn học VN đương đại.
Cái mới thứ ba là ở phần văn học dịch, khi năm nay Hội đồng dịch đánh giá cao bản dịch của Nguyễn Chí Hoan cuốn “Lâu Đài Sói”, giải thưởng Man Booker năm 2009, của nữ tiểu thuyết gia người Anh Hilary Mantel. Theo Hội đồng dịch, đây là một tiểu thuyết lịch sử đem lại gợi ý về một cách sáng tạo, một cách nhìn hay một thi pháp mới, cách tham chiếu mới, nhìn chung là một cách viết mới trong mảng văn học về lịch sử. Những năm lại đây sáng tác văn học về lịch sử của chúng ta ngày càng nhiều lên, nhưng dường như vẫn đi vào một con đường hẹp, vì thế mà chưa tạo ra hiệu quả cao, chưa tạo được dấu ấn thật mạnh trong đời sống xã hội. Bởi thế có lẽ chúng ta cần có một tư duy khác, một cách tiếp cận khác với lịch sử, bằng văn học. Thì cuốn “Lâu đài Sói” đem cho chúng ta những gợi ý về tư duy đó. Thêm nữa thì bản dịch này đem lại những hiểu biết thú vị về một số vấn đề của lịch sử nước Anh, lịch sử thế giới, về văn hóa và tập tục châu Âu một giai đoạn Trung cổ v.v. Tất cả được thể hiện lại trong tiếng Việt với tiêu chuẩn cao, nhất quán.
Ở phần văn xuôi, tập truyện “Làn gió chảy qua” của nhà văn Lê Minh Khuê được trao giải. Văn xuôi Lê Minh Khuê trước đây thường biểu hiện một nội tâm sâu thẳm nhiều sự dày vò đau đớn và có lúc đi quá xa trên hướng này. Trong tập truyện mới này thì chị thể hiện vẫn cái nhìn sắc sảo đó, nhưng trầm tĩnh, ấm áp về những vấn đề và con người trong đời sống đương đại, với một nhịp điệu nhanh hơn, gọn hơn so với Lê Minh Khuê người đàn bà kể chuyện khá dàn trải chậm rãi trước đây.
Cuốn tiểu thuyết “Mưa đỏ” của Chu Lai nhìn lại những năm chiến tranh khốc liệt ở Quảng Trị bằng con mắt một người lính hậu chiến đã lùi xa rất lâu với cuộc chiến lâu dài kia rồi. Cho nên ở đó có những sự thật được công bố, không phải để đánh giá lại cuộc chiến mà để thấy rõ cái giá phải trả cho chiến thắng, đống thời là cho việc gần lại nhau hơn giữa những người ở cả hai bên chiến tuyến xưa cũ.
Còn trong thơ, hai cuốn được trao giải, của Y Phương và Nguyễn Việt Chiến, thì Y Phương vẫn tiếp tục đào sâu cuộc sống người dân tộc Tày trên phương diện văn hóa, tâm linh. Ông từ lâu đã và đang sống giữa phố phường, vây trong đời sống đô thị, thì việc gọi lên những giá trị đặc thù văn hóa Tày của ông phải được đặt trongbối cảnh những thách thức từ đời sống đương đại đầy áp lực, đầy biến động và thay đổi đó. Tập thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến tập trung vào chủ đề biển đảo Tổ Quốc… Đấy cũng là một số khía cạnh, những điểm mới mẻ của mỗi tác giả vừa nhắc đến, cũng có thể nói là chung cho văn học năm vừa qua.”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Trưởng ban Công tác – hội viên đọc báo cáo về công tác xét kết nạp hội viên mới. Theo nhà thơ, các tác giả được kết nạp năm 2016 đều là những tác giả đã khẳng định được tên tuổi của mình bằng những tác phẩm gây chú ý trong thời gian qua. 29 hội viên mới đến từ nhiều vùng miền trên cả nước và có cả tác giả đang sinh sống tại nước ngoài như nhà văn Nguyễn Lam Thủy – sống tại Hungari và Châu Hồng Thủy – sống tại Liên bang Nga…
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN thay mặt BCH Hội chính thức phát động cuộc thi tiểu thuyết năm 2017 – 2020. Ông phát biểu tổng kết, đánh giá chất lượng các tác phẩm được trao giải thưởng văn học 2016 và gửi lời chúc mừng năm mới 2017 tới toàn thể hội viên Hội Nhà văn VN.
Kết thúc buổi lễ là cuộc gặp mặt cuối năm đầm ấm và vui vẻ giữa các nhà văn nhiều thế hệ.
PV – Vanvn.net