Kể từ tháng 7 năm 1948, thời điểm diễn ra Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất và chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam cho đến nay đã 65 năm. 65 năm là gần hết một đời người, nhưng đối với một nền văn học – nghệ thuật cách mạng có lẽ chưa phải nhiều. Tuy nhiên nền văn học – nghệ thuật của chúng ta có thể tự hào với những gì đã làm được, đã cống hiến cho dân tộc. Với phương châm sáng tạo từ một lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, trong suốt 65 năm qua, dưới một mái nhà chung, biết bao các thế hệ văn nghệ sĩ đã đem hết tài năng, tâm huyết sáng tạo để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước những giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam giàu nhân văn.

Để bắt đầu câu chuyện về sự ra đời của ủy ban toàn quốc Liên Hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam ngày nay, chúng ta phải quay ngược thời gian 70 năm về trước. Năm 1943, sau khi Đề cương Văn hóa Việt Nam do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo ra đời, Trung ương Đảng quyết định thành lập Hội Văn hóa cứu quốc (Tiền thân của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam ngày nay). Hội Văn hoá cứu quốc được thành lập và hoạt động bên cạnh các tổ chức khác của Mặt trận Việt Minh. Hội đã xây dựng các nguyên tắc hướng dẫn sự sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, đề xuất những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho các nhà văn hóa Việt Nam. Cụ thể trước mắt là đấu tranh xóa bỏ chính sách văn hóa phản động, văn hoá nô dịch, soi sáng các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân; bắt tay vào xây dựng nền văn hóa mới phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những hội viên đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc như: Học Phi (Chủ tịch Hội), Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới… đã trở thành lực lượng nòng cốt của văn hóa văn nghệ sau khi cách mạng tháng Tám thành công. Hội được hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vũ Quốc Uy…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, khi đất nước bị mất độc lập, tự do thì văn nghệ sĩ cũng bị mất tự do, nên chỉ có con đường giành độc lập tự do, cũng chính là sự giải thoát cho bản thân, vì thế mỗi người tùy theo sức của mình đều cố gắng làm những việc có ích cho cách mạng. Họ vốn là những trí thức chỉ quen cầm bút, cầm cọ, cầm đàn…nhưng có một tấm lòng yêu nước, đau đớn vì nỗi nhục mất nước, khát vọng tự do, nên đã tạm xa Hà Nội, rời các đô thị để lên chiến khu Việt Bắc, tham gia đội quân cách mạng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết những dòng này vào mùa xuân năm 1948: “Văn nghệ tự ném mình vào cuộc kháng chiến, không những là tự vệ mà nhất là để lột xác. Văn nghệ phụng sự kháng chiến nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới…”

Ngày nay, nếu chúng ta trở về làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, cùng trò chuyện với các cụ già của làng, chắc hẳn trong kí ức của họ vẫn chưa quên những ngày hè tháng 7 của 65 năm về trước. Hơn 80 văn nghệ sĩ đã ba lô tay nải tập hợp về đây dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Tại đại hội này, Hội Văn hoá cứu quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và Hội Văn nghệ Việt Nam chính thức ra đời, nhà văn Nguyễn Tuân được bầu làm Tổng thư kí. Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn, Hội vẫn ra Tạp chí Văn nghệ, chính là tiền thân của tờ báo Văn nghệ mà chúng ta đang có trên tay. Hội cũng đã thành lập Nhà xuất bản Văn nghệ, thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam… Hội Văn nghệ Việt Nam đã có nhiều cố gắng tập hợp, đoàn kết lực lượng, đổi mới lớp văn nghệ sĩ trước cách mạng tháng Tám, và đào tạo lớp văn nghệ sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hội đã tổ chức những đợt đưa anh em văn nghệ sĩ thâm nhập đời sống, tham gia các chiến dịch, công tác vùng địch hậu, giúp họ có vốn để sáng tác, nâng cao tư tưởng và nội dung hiện thực của tác phẩm. Những giải thưởng văn nghệ Việt Bắc (1951-1952) như: Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Con Trâu của Nguyễn Văn Bổng, Việt Bắc của Tố Hữu, các tác phẩm mỹ thuật của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Văn Tỵ, Lưu Công Nhân…các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước…cùng nhiều tác phẩm văn nghệ ưu tú khác ở các loại hình sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh… đã phản ánh sinh động, sâu sắc hiện thực đời sống kháng chiến, góp phần làm nên thành công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Tại Hội nghị lần thứ II, diễn ra vào năm 1957, Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam (đến năm 1995 đổi tên thành Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam). Trong năm này, lực lượng phát triển của Hội đã cho phép thành lập 4 hội chuyên ngành là: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một lớp văn nghệ sĩ trẻ có tài và có tâm huyết, đã đi về những vùng nông thôn, các nhà máy, những nơi bom đạn, và họ đã sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị cao về nông thôn, các hoạt động sản xuất ở thành thị, về sự hy sinh của các chiến sĩ ngoài mặt trận. Theo tiếng gọi của Đảng, hàng trăm văn nghệ sĩ đã khoác ba lô lên đường vào các mặt trận phía nam, trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhiều người đã mãi mãi không bao giờ trở về. Họ đã hy sinh vì miền nam ruột thịt, vì độc lập, tự do của tổ quốc. Có thể nói trong những năm chống Mỹ nền văn học – nghệ thuật của chúng ta đã phát triển rực rỡ, nó như một liều thuốc cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn dân và đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày nay, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – nghệ thuật Việt Nam đã là một tổ chức lớn mạnh, là cơ quan đại diện cao nhất về văn học, nghệ thuật, tập trung được các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tác theo định hướng với tiêu chí xây dựng một nền văn nghệ yêu nước mang tính dân tộc, dân chủ và nhân văn. Hội đã có 10 hội chuyên ngành, là: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học – nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam và 63 Hội Văn học – Nghệ thuật của các tỉnh thành. Cho đến nay số hội viên của các hội chuyên ngành và các hội địa phương đã lên đến 4 vạn hội viên. Ghi nhận sự đóng góp quý báu của văn nghệ sĩ, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 266 người, Nghệ sĩ ưu tú cho 1933 người, trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 104 người, Giải thưởng Nhà nước cho 458 người. Liên hiệp cũng đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, 2 lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức Hội chuyên ngành và văn nghệ sĩ cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, danh hiệu Anh hùng lao động. Một số văn nghệ sĩ được vinh danh và nhận giải thưởng quốc tế.

Kể từ ngày thành lập cho đến nay, Liên hiệp đã trải qua 8 kì đại hội đại biểu toàn quốc, với các văn nghệ sĩ được bầu làm lãnh đạo hội như: Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương, Hữu Thỉnh.

Những vận hội mới, những thách thức mới của đất nước đang đặt ra đòi hỏi cao hơn đối với các văn nghệ sĩ, để làm sao cho tác phẩm của mình phải bám sát hiện thực đời sống hơn nữa, lưu giữ được giá trị nghệ thuật truyền thống trong hơi thở của thời đại. Cuộc sống ngày nay đầy biến động, đôi khi những giá trị nghệ thuật bị xem nhẹ, người nghệ sĩ càng cần phải có một tình yêu trong sáng, tâm huyết với nghề thì mới có thể sống và lao động nghệ thuật được. Hơn ai hết, người nghệ sĩ cần phải có một thái độ tôn trọng nâng niu, gìn giữ những giá trị nghệ thuật đích thực. Với những hiện thực đời sống đang diễn ra, dường như cơ chế thị trường đã mở từ lâu nhưng cơ chế hoạt động của văn học, nghệ thuật vẫn chưa được cởi mở. Sở dĩ mấy mươi năm qua chúng ta vẫn chưa có tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, xứng tầm thời đại bởi các văn nghệ sĩ chưa thực sự bám sát đời sống, điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Người nghệ sĩ cần những biên độ rộng, chiều kích mở để tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng sáng tạo một cách tốt nhất, giúp họ dám dấn thân trên con đường lao động nghệ thuật. Cùng với đó, người nghệ sĩ phải có sự nhạy bén, có trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ với xã hội, với đời sống văn học, nghệ thuật, để có được những tác phẩm bám sát đời sống, thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Nối tiếp truyền thống của các thế hệ văn nghệ sĩ đàn anh, với nhiều tên tuổi lớn, đã làm nên một nền văn học, nghệ thuật cách mạng, ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam cùng với các hội thành viên tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước, tạo điều kiện để thúc đẩy sáng tác đưa văn học, nghệ thuật nước nhà lên một tầm cao mới, hội nhập hơn nữa với văn học, nghệ thuật của thế giới. Xứng đáng trở thành một mái nhà văn học, nghệ thuật đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường mới.

(Văn nghệ số 30/2013)

Exit mobile version