Sáng 25/7/2013, Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhân sự kiện trọng đại này, các văn nghệ sỹ đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, khát vọng về một nền văn học nghệ thuật Việt Nam giàu truyền thống và phát triển…

Nhà văn Hồ Phương (ảnh: Vũ Long)

Nhà văn Hồ Phương: “Chúng ta đã có một nền Văn học – Nghệ thuật mới rất xứng đáng”

Trước hết,  đây chỉ là mấy lời phát biểu rất ngắn nhưng chân tình, không phải là nghiên cứu, để  bày tỏ tình cảm cùng  nhiều bạn khác,  nhân dịp kỷ niệm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam.

Trước hết tôi có đôi lời về lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật cách mạng từ tháng 8-1945. Theo tôi, ta đã khá mau chóng  có được một lực lượng những cây bút mới rất trẻ xuất hiện trong các lực lượng vũ trang và trong hàng ngũ cán bộ của nhiều ngành ở hầu khắp các địa phuơng từ Nam tới Bắc. Tôi  muốn nhấn mạnh trước hết về điều này vì có lẽ không phải bất cứ ở đâu đâu trên thế giới này đều có như thế. Đây là niềm tự hào của dân tộc ta, một dân tộc có truyền thống yêu nước vô cùng sâu nặng, và có cả một nền văn hóa rất lâu đời.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bên cạnh mọi sự quyết  liệt về mặt quân sự, chính trị,  sự mau lẹ xuất hiện nhiều nghệ sĩ và các cây bút mới, ngay sau khi tiếng súng yêu nước vừa gầm vang đã nổi lên ngay. Đó là một trong những đặc điểm của văn hóa Việt Nam… Thật vậy, đã có  sự xuất hiện nhiều cây bút mới bên cạnh những cây bút đã thành danh từ trước cách mạng. Và tất cả mới, cũ đều đã  luôn luôn sát cánh cùng chiến sĩ cả ở hậu phương, cả ở tiền tuyến. Người ta đã thấy hầu hết các văn nghệ sĩ tên tuổi của đất nước đã ba lô, chân dép cao su, cùng lên đường kháng chiến.Và gần như liền ngay đó, đã sớm nổi lên những gương mặt sáng tác trẻ trong các đội võ trang, trong các đoàn thể ở khắp mọi nơi từ Nam tới Bắc với sự dắt dìu, hỗ trợ về nghề của các bậc “đàn anh”. Và cũng ngay lập tức khi đó một tổ chức rất cần thiết và thích hợp đã sớm được Đảng ta tổ chức ra để lo mọi việc đoàn kết, tập hợp tất cả các lực lượng sáng tác mới và cũ để tăng thêm sức mạnh sáng tạo văn học và nghệ thuật góp phần vào sức mạnh kháng chiến chung của toàn quốc. Đó cũng là trí tuệ và  bởi bàn tay tổ chức của các tổ chức Đảng và kháng chiến.

“Kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện”… Thế đấy, và gần như ngay tức khắc những sáng tác mới tinh khôi của những người lính mới vào trận đã xuất hiện khắp nơi, bên cạnh những sáng tác, những  cuốn sách, là tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ khác nhau với những tên tuổi lớn như: Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Sĩ Ngọc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát… Gần như toàn thể các văn nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu của đất nước đã có mặt. Rồi gần như ngay sau đó là một lực lượng mới, trẻ đã sớm được hình thành được chào đón  ngay từ năm đầu kháng chiến chống Pháp như: Trần Đăng, Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Hồ Phương, Hữu Mai, Trần Dần, Quang Dũng… Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, sang cuộc kháng chiến chống Mỹ lực lượng sáng tác trẻ, mới càng phát triển như hoa nở tưng bừng mùa xuân, suốt từ Bắc vào Nam, nhất là ở miền Nam, chiến trường chủ yếu trên toàn quốc khi đó. Những bút danh như: Anh Đức, Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn, Thu Bồn, Giang Nam… đã tỏa sáng.

Như vậy có thể nói các  nghệ sĩ cùng nhiều cây bút trẻ, già thời chống  Pháp rồi chống Mỹ đã cùng tạo dựng nên nền văn học mới rất đáng tự hào, mặc dầu có người nào đó còn phân vân (thậm chí có kẻ còn gièm pha) về điều này, lẽ nọ. Họ quên rằng rất khó tránh hoàn toàn những gì có khi còn sơ lược, hoặc có  khi chỉ nặng một chiều cổ vũ. Họ đã  quên đi trong thời lửa đạn còn tràn ngập nơi nơi, chết chóc vẫn còn đầy, làm sao chúng ta có thể làm bất cứ việc gì cũng hoàn hảo. Đúng hơn, họ phải  nhấn mạnh và tôn vinh cái chất “Mới”, cái chất “Yêu nước và cách mạng”  của toàn thể giới văn nghệ sĩ Việt Nam mà có lẽ trong lịch  sử chưa từng thấy có, và ấn tượng  như vậy trên đất nước này, thậm chí cả trên thế giới này nữa.

Nhìn lại 65 năm qua, chúng ta đã thấy rất nhiều nỗ lực của Liên hiệp trong mọi vấn đề, mọi việc trên mặt trận văn hoá văn nghệ của đất nước. Đấy là “Bộ Tham mưu giúp Đảng trên toàn diện mặt trận văn nghệ” trước hết là giữ vững đường  lối sáng tác, đi đôi với việc tổ chức sáng tác, và cả bồi dưỡng sáng tác, góp phần to lớn vào việc xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhạc sỹ Nông Quốc Bình

Nhạc sỹ Nông Quốc Bình: “Một mái nhà chung cởi mở và ấm áp”

Có người hỏi vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học -Nghệ thuật với sự nghiệp sáng tác của các văn nghệ sỹ người dân tộc trong suốt 65 năm qua là gì? Thiết nghĩ câu hỏi thật không dễ trả lời cho hết, cho đủ. Bởi lẽ vai trò ấy lớn quá. Đặc biệt từ cuộc kháng chiến lần thứ nhất – thời điểm Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời. Đối với đội ngũ văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số, vai trò của Liên hiệp là càng lớn hơn. Từ đây, những tiềm năng văn nghệ đầu tiên của các dân tộc thiểu số đã được phát hiện và bồi dưỡng. Chỉ đơn cử trường hợp nhà thơ Bàn Tài Đoàn, học viên KHóA PHáT ĐộNG, khai mạc ngày 19-04-1950, sau đó ông đã có những bài viết mang đậm phong cách của dân tộc mình trên tạp chí Văn nghệ: Đời lại gặp cha, Cuộc đời của Đoàn; và một bài thơ của A ma… Càng về sau này, với sự lớn mạnh không ngừng cả về số lượng cũng như chất lượng, đội ngũ văn nghệ sỹ các dân tộc thiểu số lúc nào cũng coi nơi này như một mái nhà chung cởi mở và ấm áp để nâng đỡ cho những đứa con tinh thần của mình. Và nếu theo quan điểm của Đảng thì Liên hiệp cũng chính là địa chỉ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy sự phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam

Từ những thực tế đó, thật đáng suy ngẫm về những ý kiến mà một số vị đã phát biểu, được đăng trên báo Lao động ngày 14-05-1999, xung quanh vấn đề Có nên tồn tại và tồn tại thì phải như thế nào? đối với các hội văn nghệ địa phương… Thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý. Song với văn học nghệ thuật, với văn hóa và sự sáng tạo, thì luôn cần một sự chia sẻ và đồng cảm.

Những người đưa ra ý kiến đó, họ đã đặt câu hỏi, và thực tế đã trả lời.

NSND Trà Giang

NSND Trà Giang: “Trách nhiệm lớn lao”

Trách nhiệm của Liên hiệp Các Hội Văn học – Nghệ thuật càng ngày càng lớn lao. Trải qua bao thăng trầm từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật toàn quốc nay là Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, từ ngày mới thành lập đến hôm nay, từ khi mới có một số Hội chuyên ngành đến nay là 73 Hội Văn học – Nghệ thuật chuyên ngành và địa phương. Liên hiệp các Hội VHNT như ngôi nhà chung, ở đó có nhiều anh em văn nghệ sĩ cùng chung sống thân thiết như Điện ảnh, Hội hoạ, Múa, Âm nhạc,… ở đó có anh lớn, em bé – người sinh trước, người sinh sau nhưng đoàn kết và hỗ trợ nhau phát triển cùng thực hiện trách nhiệm lớn lao của mình. Đặc biệt vai trò lãnh đạo của Liên hiệp rất lớn.  Bởi vì đây là một cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước mọi mặt không chỉ tham mưu chủ trương chính sách phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, sự phát triển của từng hội, sự phát triển của văn nghệ sĩ trẻ, đời sống của văn nghệ sĩ cao tuổi… và hoạt động quan trọng nhất là làm thế nào để phát triển nền văn học đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Nói thì chung chung là thế nhưng cụ thể thì đó là những công việc đầy khó khăn.

Cho đến hôm nay tôi vẫn vô cùng xúc động mỗi khi nhớ lại kỉ niệm lần đầu tiên được tham dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc, có lẽ năm đó là Đại Hội lần thứ 3, năm 1963. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp gỡ rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ  lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp như  Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, … Và xúc động nhất là được chọn lên tặng hoa Bác Hồ. Gặp Bác đã là niềm mơ ước lớn của tôi nên xúc động ngập tràn khi tôi – người trẻ tuổi nhất và cụ hoạ sĩ Phan Chánh – người cao tuổi nhất, được chọn lên tặng hoa Bác. Năm đó, tôi cũng được bầu vào Ban chấp hành Liên hiệp, thực sự tôi cũng không biết là mình sẽ làm được việc gì lúc bấy giờ nhưng cũng ở Đại hội này, những lời của Bác với văn nghệ sĩ chúng tôi, đã là kim chỉ nan cho thế hệ chúng tôi suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Bác đã kể rất nhiều chuyện, nhưng tôi nhớ nhất là những lời Người nói về trách nhiệm của văn nghệ sĩ thời kỳ đó, Bác nói: văn nghệ sĩ cũng như người chiến sĩ ở chiến trường. Khi đất nước còn nô lệ thì người nghệ sĩ cũng là nô lệ.  Chúng tôi vô cùng cảm động, trước Cách mạng, văn nghệ sĩ bị coi là những người mua vui cho mọi người và không có trách nhiệm gì với xã hội.

Chúng tôi những người nghệ sĩ, những hội viên Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật trong từng ngành của mình, đã lao vào cuộc chiến tranh chống Mỹ đầy gian khổ với đầy đủ ý thức và trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ theo lời Bác. Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm… là những bộ phim được hoàn thành trong thời kì đó, cho dù anh em văn nghệ sĩ đi làm việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, được quay vào đúng thời điểm Mỹ thực hiện kế hoạch ném bom B52 phá hoại miền Bắc 12 ngày đêm. Phim trường cũng là chiến trường, đoàn làm phim cũng không biết sẽ hi sinh vào lúc nào. Nhưng bộ phim đã hoàn thành và đi dự Liên hoan phim Matxcova  năm 1973. Với hơn 100 nước tham dự, đây là Liên hoan phim lớn nhất thời kỳ đó.

Họa sỹ Trần Khánh Chương

NSND Trần Khánh Chương:Những đòi hỏi thực tại”

Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật có một truyền thống và sự hình thành đặc biệt. Ngay từ năm 1943, với Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng do đồng chí Trường Chinh khởi thảo thì các hoạt động của các lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật bắt đầu tập hợp dưới tổ chức đầu tiên là nhóm Văn hoá cứu quốc. Đến năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời, với các thành viên là các Đoàn nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn sân khấu Việt Nam, Đoàn kiến trúc Việt Nam, Xưởng hoạ,… rồi tiếp đến là Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam, Trường âm nhạc Việt Bắc, Trường Mỹ thuật Việt Bắc,.. cùng các chi hội văn nghệ ở các khu. Họ là lực lượng tập hợp và chuyển hoá sáng tác từ nặng về cái đẹp, đời sống đô thị chuyển thành bám sát đời sống nhân dân với những vốn sống và trải nghiệm thực tế đời sống nông thôn, kháng chiến,…

Các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới được Nhà nước đầu tư, tài trợ, coi như là một sự chăm lo phát triển văn học – nghệ thuật. Cách chăm lo này có ý kiến cho rằng không nên, các Hội hay Liên hiệp cần tự do hơn, chủ động hơn, nhưng cũng cần lưu ý rằng, sự tài trợ này cho hoạt động “thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của nhà nước giao cho” còn khi thực hiện, nhiệm vụ khác thì Hội hay nghệ sĩ phải tự lo kinh phí, tự tổ chức thực hiện.

Có sự nhầm lẫn về “bao cấp” ở đây, không phải nhà nước bao cấp cho tất cả mà chỉ bao cấp cho những nhiệm vụ như quan tâm sáng tác, nâng cao chất lượng sáng tác, quan tâm đề tài: Cách mạng, chiến sĩ, nông nghiệp,… quan tâm đến nghệ sĩ trẻ, già…. Đây thực tế không phải là bao cấp mà là sự đầu tư cho văn học nghệ thuật thông qua kênh Hội. Và trên thế giới, không một quốc gia, Nhà nước nào lại không cấp kinh phí cho văn học nghệ thuật mà họ chỉ đầu tư theo các kênh khác nhau, hình thức khác nhau mà thôi. Như Quỹ Hội Đồng Anh, là nơi được chính phủ Anh được cấp 600 triệu đến 1 tỷ bảng, tức là khoảng 36.000 tỷ đồng Việt Nam một năm để phát triển văn hoá – văn học – nghệ thuật Anh trên khắp thế giới và trong nước Anh, hay Quỹ phát triển văn hoá của Hungary trực thuộc Bộ Văn hoá, được Nhà nước cung cấp kinh phí và các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ.

Nhìn lại 65 năm thành lập, vai trò của Liên hiệp ngày càng được củng cố và có tác động đối với văn học – nghệ thuật địa phương. Có những giai đoạn Liên hiệp thực sự phát huy được vai trò của mình giải quyết được nhiều vấn đề của văn nghệ sĩ cũng như là chỗ dựa cho văn nghệ sĩ hoạt động, sáng tác. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề Liên Hiệp không thể giải quyết được, nhất là trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết khác với trước. Chẳng hạn việc tồn tại và phát triển của các tạp chí chuyên ngành của các Hội hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Là những tờ tạp chí chuyên ngành đòi hỏi tính chuyên môn, mỹ thuật cao, trang trọng. Đồng thời với đặc thù chuyên môn sâu nên khó gặp độc giả đại chúng, hạn chế phát hành ra thị trường. Những tờ tạp chí văn học, nghệ thuật chuyên ngành chủ yếu phục vụ chuyên môn của các ngành văn học, nghệ thuật, đòi hỏi chi phí thực hiện và xuất bản lớn, bộ máy hoạt động chuyên nghiệp đang xuất bản trong tình trạng gắng gượng, lo lắng và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Trong khi đó, không thể thiếu những tờ tạp chí chuyên ngành, có tính đánh giá, thẩm định, phê bình và định hướng sáng tác văn học nghệ thuật cho hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên môn cũng như nền văn học, nghệ thuật khoa học, phát triển.

Và Liên hiệp không phải là một cơ quan quản lý nhưng lại rất quan trọng. Đó là một “bộ tư lệnh”, đề ra những chiến lược với tầm nhìn xa, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chính sách phát triển văn học, nghệ thuật cũng như lượng trước được tình hình chuyển biến của văn học nghệ thuật thời kỳ Đổi mới và Hội nhập quốc tế.

NSND Chu Thúy Quỳnh

NSND Chu Thuý Quỳnh: “Hội Múa dưới mái nhà Liên hiệp”

Từ những ngày đầu thành lập khó khăn với gần 90 hội viên đến hôm nay, Hội Nghệ sĩ Múa đã có khoảng 900 hội viên, một tờ tạp chí chuyên ngành Nhịp Điệu, Trung tâm nghệ thuật múa chuyên tổ chức biểu diễn, giới thiệu sáng tác mới và phát triển các chi hội nghệ sĩ múa tại các tỉnh thành phố trên khắp cả nước. Nghệ sĩ múa luôn có mặt trong vai trò dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật ở những sự kiện văn hoá lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm múa mới có chất lượng đã ra mắt khán giả, trong đó có những tác phẩm múa hình thức lớn như kịch múa Núi Đôi, tổ khúc thơ múa Bài ca người cộng sản, thơ múa Chàng Y Đăm,…. Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly, tập thể biên đạo kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, tập thể biên đạo kịch múa Tấm Cám được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Hàng chục cán bộ biên đạo đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, và nhiều nghệ sĩ được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất,…

Dưới ngôi nhà nghệ thuật nói chung và Liên hiệp nói riêng, mỗi Hội chuyên ngành có những đặc điểm, đặc trưng, thế mạnh sáng tạo riêng. Song sự hỗ trợ và hợp tác của đồng nghiệp, của văn nghệ sĩ các giới với nhau luôn là thế mạnh so với hội nghề nghiệp khác. Không có âm nhạc không có múa, vì âm nhạc là linh hồn của múa; không có nhà văn, múa không có ý tưởng kịch bản hay; không có mỹ thuật múa không thể có trang phục, không có sâu khấu múa không có hình tượng,… Múa vừa được hội tụ các ngành nghệ thuật khác và đồng thời các ngành nghệ thuật khác, từ hội hoạ (trình diễn đương đại), thơ ca, nhạc, điện ảnh,… đều cần múa và được sự hỗ trợ của nghệ thuật múa.

Có thể nói, Liên hiệp là một mái nhà, nơi hội tụ trí tuệ và tình yêu của văn nghệ sĩ với nghệ thuật và đất nước. Nếu nói yêu Tổ quốc, đồng bào thì hơn ai hết, là các văn nghệ sĩ. Họ tâm huyết, say sưa yêu nghề, đồng thời tiếp nối truyền thống truyền lại nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Nhìn lại những chặng đường hoạt động của các nghệ sĩ múa trong các thời khắc lịch sử của dân tộc: Từ các đoàn văn công tuyên truyền – múa tập thể trên mặt trận Điện Biên Phủ, Tây Bắc, Đông Bắc những năm tháng chống Pháp; trên các giới tuyến Cầu Hiền Lương, khu 4 những ngày đất nước bị chia cắt những năm tháng chống Mỹ; nghệ sĩ múa luôn xung phong ra mặt trận, có người đã hy sinh như NSƯT Phương Thảo, NSƯT Thanh Tùng,… đến sự sáng tạo, nhiệt huyết và năng động của thế hệ nghệ sĩ múa sau Đổi mới và thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay, đang làm nên một bức tranh phát triển xốn xang của Nghệ thuật Múa Việt nam mà ở đó Hội nghệ sĩ Múa và Liên Hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt nam luôn cố gắng là hậu phương tốt, hỗ trợ công tác sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ nghệ sĩ: cao tuổi, vùng sâu, vùng xa, và đặc biệt truyền nghề, truyền lửa cho thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Nhạc sỹ Cát Vận

Nhạc sỹ Cát Vận: “Lung linh trang sử âm nhạc cách mạng”

Khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời thì Tân nhạc Việt Nam mới ở tuổi lên mười và Đoàn Âm nhạc Việt Nam mới ở tuổi lên ba, song những chàng trai nhạc sĩ “Tuổi Phù Đổng” đã nổi danh như sóng cồn. Họ là những gương mặt tiêu biểu của ba dòng Tân nhạc ngày ấy là Dòng âm nhạc lãng mạn, dòng âm nhạc yêu nước, tiến bộ và dòng âm nhạc Cách mạng với những tên tuổi như Nguyễn Xuân  Khoát, Nguyễn Văn Tuyên, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác, Hoàng Quý, Phan Huỳnh Điểu… và sau đó là những Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Huy Du, Trần Kiết Tường, Trần Hoàn, Văn Ký, Nguyễn Văn Thương… Vì thế, lực lượng âm nhạc là lực lượng chủ công, mạnh nhất trong ba thành viên ban đầu của Hội Văn nghệ Việt Nam là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam, Đoàn Kiến trúc Việt  Nam.

Với  thế mạnh của mình được khẳng định qua các bài ca cách mạng như Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam và Sông Lô của Văn Cao; Lên Đàng, Xếp bút nghiên… của Lưu Hữu Phước; Chiến sĩ Sông Lô, Bình Ca của Nguyễn Đình Phúc; Mơ đời chiến sĩ (Thơ Mạc Tần), Thủ đô huyết thệ (Thơ Linh Nha ), Lô giang của Lương  Ngọc Trác; Giải phóng quân, Mơ đời chiến sĩ của Phan Huỳnh Điểu và biết bao các bài ca khác của các tác giả ở khắp ba miền Bắc – Trung – Nam đã làm cho Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh dưới mái nhà chung của tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên của Đảng. Cũng dưới mái nhà chung đó, lần đầu tiên ba dòng nhạc tiêu biểu của Tân nhạc Việt Nam được hợp lưu tạo nên sức mạnh của dòng chảy như thác đổ của âm nhạc cách mạng Việt Nam. ảnh hưởng lớn lao của dòng chảy chính thống này đã tạo điều kiện cho một đội ngũ những tác giả mới hình thành và phát triển để sau này họ trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng tiếp tục đóng góp cho cách mạng. Văn nghệ Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung hun đúc ý chí cách mạng, nuôi dưỡng, phát triển sự sáng tạo để các nhạc sĩ có được những bài ca bất hủ trong thời kỳ này như: Văn Cao với Ngày mùa, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tiến về Hà Nội đều viết vào năm 1949; Lưu Hữu Phước với Ca ngợi Hồ Chủ tịch (tức bài Lãnh tụ ca sau này); Lê Yên với Bộ đội về làng (phổ thơ Hoàng Trung Thông) viết năm 1950; Nguyễn Văn Thương với Bình Trị Thiên khói lửa viết năm 1948; Hoàng Việt với Lá xanh (1950), Lên ngàn (1952), Nhạc rừng (1953); Văn Chung với Pì noong ơi (1950), Quê tôi giải phóng (1954); Đỗ Nhuận với Du kích Sông Thao (1949), Hành quân xa (1953), Chiến thắng Điện Biên (1954)… và biết bao bài ca khác nối dài trang sử âm nhạc cách mạng.

65 năm qua, những bài ca của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam vẫn tiếp tục sải cánh bay trên bầu trời âm nhạc, vượt qua bao giông tố, thác ghềnh song hành cùng cách mạng và trở thành một vũ khí đấu tranh sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc. Từ 50 hội viên ngày đầu thành lập, đến nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã lên tới hơn 1.000 người.  Đây thực sự là một lực lượng hùng mạnh về chất và lượng đủ sức đáp ứng những yêu cầu lớn lao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là lực lượng quyết định trong sự nghiệp xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. 65 năm cũng là những dấu ấn của một chặng đường âm nhạc không thể nào quên, đã đi vào kí ức độc giả và người sáng tác bao nghĩa, bao tình và những bài ca tung cánh! Tất cả vẫn lung linh, sáng lấp lánh trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam!

(Văn nghệ số 30/2013)

Exit mobile version