Trần Minh Phượng
(Bài đã in trên báo Văn nghệ, số 30-3309, ngày 29.7.2023)
GSNSND Trần Bảng sinh năm 1926 trong một gia đình dòng dõi khoa bảng ở xã Cổ Am, mảnh đất văn vật nổi tiếng của huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Ông nội Thầy là nhà thơ, nhà dân tộc học Trần Mỹ. Cha Thầy là nhà văn Trần Tiêu, nổi tiếng với các truyện ngắn và tiểu thuyết viết về nông thôn. Mẹ Thầy là cháu dòng dõi Ngô Thì Nhậm. Bác ruột Thầy là nhà văn Khái Hưng, nhà văn sáng giá của Tự Lực Văn đoàn. Anh họ là Đạo diễn điện ảnh NSND Trần Đắc.
Sinh năm Dần, giờ Dần, là cháu đích tôn nên cả nhà nâng niu như ngọc quý. Chính ông nội Trần Mỹ đặt tên cho Thầy theo một câu trong cuốn sách cổ. Sách có câu: “Danh tiêu kim bảng thượng”, cha đã là Trần Tiêu thì con phải là Trần Bảng với hy vọng cháu mình sẽ có tên trong Bảng Vàng, làm rạng danh cho dòng dõi họ Trần.
Được hưởng thụ một nền giáo dục cẩn trọng từ trong nhà đến học đường và một tinh thần tự học hiếm có. 15 tuổi Thầy dã có thể tự đọc truyện của Anfongxo Đô Đê bằng tiếng Pháp. 17 tuổi đã có thể cảm nhận được văn chương của Bồ Tùng Linh đẹp “như gấm như hoa”, rồi đọc các tác phẩm nổi tiếng như Tây Sương Ký, Liêu trai chí dị, Tam quốc… bằng tiếng Hán. Các tác phẩm kịch cổ điển của Raxin, Coocnay. Sechxpia bằng tiếng Anh đã là những sách “gối đầu giường” của Thầy khi còn theo học ở bậc Thành chung. Cái chí “tự học” nơi thầy khiến nhiều người xung quanh kính phục. Niềm đam mê đọc sách bằng nguyên bản tạo nên ý chí học ngoại ngữ. Trong hai tháng rưỡi bị gẫy chân nằm ở bệnh viện, Thầy đã tranh thủ học tiếng Đức, rồi sau đó học tiếng Đức của một người Nhật nói tiếng Anh mà Thầy có thể đọc được Phaoxtơ của Gớt và sau này tự nghiên cứu sân khấu tự sự Becton Brech bằng nguyên bản. Các thứ tiếng khác cũng vừa học vừa nghiên cứu sâu văn hóa bản địa. Chính cái vốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Hán… này đã giúp Thầy không chỉ am tường tinh hoa văn hóa thế giới mà còn giúp cho Thầy nắm bắt kịp thời các xu hướng trào lưu nghệ thuật thế giới, để truyền đạt lại cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, phục vụ rất có ích trong công tác lãnh đạo các thời kỳ.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chàng trai 19 tuổi được giao làm Phó Chủ tịch kháng chiến phụ trách công tác tuyên truyền xã Vĩnh Bảo, đứng ra thành lập đội kịch Sao Mai. Sau đó làm ở Chi hội Văn hóa Hải Dương, Thầy cùng Thái Ly (sau là NSND ngành Múa) và nhà viết kịch Phan Tất Quang đã dàn dựng và biểu diễn thành công nhiều vở kịch ngắn
Cuối năm 1949, Thầy lên Việt Bắc làm cán bộ tuyên truyền ở Nha thông tin. Sau đó cùng Trần Hoạt và Kim Đính tham gia đoàn kịch do Trần Huyền Trân phụ trâch. Năm 1952 Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương thành lập, Thầy cùng nhà thơ Thế Lữ phụ trách tổ Kịch nói, tiền thân của Nhà hát kịch sau này.
Nhưng rồi, một cơ duyên quan trọng đã đến, chuyển hướng toàn bộ sự nghiệp của Thầy sang một lãnh địa còn khó khăn nan giải hơn nhiều, đó là Sân khấu Chèo – một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, thuần túy Việt Nam, là “di sản quý báu nhất của dân tộc” như lời ông Hoài Thanh là cấp trên trực tiếp nói, khi giao nhiệm vụ cho Thầy phụ trách Tổ Chèo. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời Thầy gắn bó mật thiết với những thăng trầm của Nghệ thuật Chèo trong thời đại mới. Cùng với các Nghệ nhân: Năm Ngũ, Dịu Hương, Trần Thị Hảo. Cả Tam, Nguyễn Phú Quang, Mai Văn Đá; và các cán bộ nghệ thuật trẻ măng: Trần Hoạt, Hàn Thế Du, Chu Văn Thức… đã cùng nhau đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho Nghệ thuật Chèo Cách mạng. Ở tuổi 21, tại An toàn Khu, Thầy đã vinh dự được Bác Hồ mời cơm với tư cách là đạo diễn vở chèo Chị Trầm, một vở Chèo nổi tiếng ở chiến khu Việt Bắc. Bác khen vở diễn có chủ đề tư tưởng, hát hay, ngọt ngào và căn dặn: “Các cháu là cán bộ nghệ thuật trẻ, phải biết quý trọng nghệ nhân và ra sức học nghề ở họ”. Sự ân cần, quan tâm và tình cảm của Bác giành cho nghệ thuật dân tộc lúc đó như tiếp thêm sức mạnh cho người đạo diễn trẻ và tất cả các nghệ sĩ theo ngành Chèo.
Hòa bình lập lại, đạo diễn trẻ Trần Bảng tiếp tục được giao nhiệm vụ người đứng đầu Đoàn Chèo nhân dân Trung Ương, kiêm Trưởng ban Nghiên cứu Chèo. Ở thời điểm này, ngoài các cụ Nghệ nhân biết Chèo, hiểu Chèo, còn các cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, dường như không có ai am hiểu loại hình nghệ thuật dân tộc này (chỉ cảm nhận được Chèo là vốn quý). Hơn nữa, với một cơ sở thực tế là nghệ thuật Chèo dân gian tản mát ở các vùng quê, cho đến đầu thế kỷ XX, khi Chèo vào thành thị đã biến đổi thành Chèo Văn Minh rồi Chèo Cải Lương Nguyễn Đình Nghị… thì những tinh hoa chèo cổ thực sự không còn. Nhánh chèo ở làng quê cũng bị tàn lụi do nạn đói khủng khiếp năm 1945, do sự ngăn cản cấm đoán của thực dân, nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề, đã thề độc là không theo nghề nữa…
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với sức trẻ, và sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thầy đã đề ra những kế hoạch cụ thể từ khâu tìm đón các nghệ nhân, tổ chức biểu diễn, tổ chức ghi hình… Cùng với các cán bộ nghệ thuật trẻ như Hà Văn Cầu, Hàn Thế Du, Nguyễn Đình Hàm, Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều… tiến hành đợt “Khai thác nghệ nhân lần thứ nhất” trên quy mô toàn quốc với bốn hội nghị nghiên cứu. Nghệ thuật biểu diễn ước lệ đã cuốn hút người xem, đậm tính trữ tình, sự biểu diễn hoạt bát đầy ngẫu hứng, tính dân gian và đặc biệt là tiếng cười hóm hỉnh, hài hước mà sâu sắc. Các nghệ nhân diễn mà như không diễn, diễn từ bản năng, không màu mè, không hoa mĩ, ít yếu tố kỹ thuật… một thế giới nghệ thuật khác hẳn với sân khấu kịch nói phương Tây, Thầy như tìm được cả một chân trời sáng tạo…
Chính đợt khai thác này thực sự đã tạo nên một trường học lớn cho các cán bộ nghệ thuật và các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của Nhà hát Chèo Việt Nam – những người dã trực tiếp được các cụ nghệ nhân “cầm tay chỉ ngón” truyền nghề và đôi khi được cùng diễn trong một vở diễn – để sau này họ đều trở thành những nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân trong thời đại Chèo hiện đại với những tên tuổi lẫy lừng: NSND Mạnh Tuấn, NSND Chu Văn Thức, NSND Diễm Lộc…
Đắm mình trong môi trường Chèo đích thực, tự tin sáng tạo, trong khoảng 10 năm từ 1956 đến 1966, với sự hỗ trợ tích cực của các nghệ nhân, sự cộng tác hiệu quả của các đồng nghiệp, GS Trần Bảng đã chỉ đạo thành công công tác phục hồi Nghệ thuật Chèo truyền thống. làm sống lại các vở Chèo cổ tiêu biểu nhất, bước đầu dựng được những tiết mục có tính chất mô hình về thể loại Chèo: Vở Quan Âm Thị Kính – tự sự bi hài; vở Lưu Bình Dương Lễ – tự sự trữ tình; vở Súy Vân – tự sự kịch tính. Rồi sau này, cùng với sự thành công của vở chèo cổ cải biên Nàng Thiệt Thê những vở diễn truyền thống ngày càng được tỏa sáng, thứ ánh sáng của vốn quý dân tộc được hòa quyện với những tri thức văn hóa hiện đại. Để rồi, đạt tới một giá trị thẩm mĩ tầm quốc tế, tầm nhân loại…
Thành công vang dội của vở Quan Âm Thị Kính tại Liên hoan Ca kịch Quốc tế năm 1985 tại Bec lin (Đức) là một minh chứng. Một minh chứng nữa là sự hợp tác hiệu quả của Nhà hát Chèo với đạo diễn Stimac trong vở Vòng phấn Cap ca dơ. Sự hoà hợp giữa hai dòng sân khấu tự sự đã tạo nên một vở diễn Chèo vừa lạ, vừa quen, vừa dân tộc, vừa hiện đại.
Cái đêm biểu diễn với 11 lần ra chào của các nghệ sĩ Nhà hát, Thầy đã không ngủ được, niềm ước mơ đem nghệ thuật Chèo ra Thế giới của Thầy đã thành hiện thực…
Bên cạnh công việc Phục hồi vốn cổ là công cuộc sáng tạo Chèo hiện đại. Thầy đã chỉ đạo Nhà hát Chèo sáng tạo ra hàng loạt vở chèo thuộc đủ các đề tài: dân gian, cổ tích, lịch sử, dã sử và đặc biệt là đề tài hiện đại, phản ánh cuộc sống mới, con người mới hôm nay. Mỗi vở diễn của Thầy đều là những tác phẩm nghệ thuật có những tìm tòi sáng tạo với mục đích đưa những vấn đề của cuộc sống hôm nay vào nghệ thuật Chèo một cách nhuần nhuyễn. Chính vì thế mà Thầy đã tự mình viết kịch bản Cô gái và anh đô vật, Đường đi đôi ngả, Máu của chúng ta đã chảy… Kể cả những kịch bản được trao giải Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 như Tình rừng, Chuyện tình những năm 80. Chung quy cũng từ cái tâm: làm thế nào để cho nghệ thuật chèo nở hoa trong thời đại mới.
Nhà hát Chèo Việt Nam trong suốt 50 năm kể từ khi thành lập luôn luôn là trung tâm nghệ thuật lớn nhất của cả nước. Thầy đã tập hợp được những cán bộ xuất sắc nhất trên các lĩnh vực âm nhạc, kịch bản, mỹ thuật; và cả những khán giả là những trí thức ưu tú nhất của thủ đô như các nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Nguyễn Đình Thi… cũng coi Nhà hát Chèo như nhà mình, cứ diễn chèo cổ là có mặt và cho những ý kiễn đóng góp quý báu…
Hai cuốn sách lý luận mà Thầy đã giành bao tâm huyết để thực hiện là kết quả của những lao động nghệ thuật trên sàn diễn cộng với những chiêm nghiệm về lý luận, văn hóa học, triết học… đã trở thành sách gối đầu giường của những người làm chèo: Chèo một hiện tượng sân khấu dân tộc và cuốn Trần Bảng – đạo diễn Chèo (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022).
Với một niềm đam mê không phút giây sao lãng, Thầy đã lao động miệt mài, cần mẫn trên nhiều lĩnh vực, ở đâu cũng thấy sáng ngời một nhân cách nghệ sĩ. Để xây một “ngôi nhà chèo” cho khang trang, Thầy vừa làm công trình sư (nghiên cứu lý luận, viết sách, tổng kết, giảng dạy), vừa làm thợ (viết vở, đạo diễn…)
Không chỉ thắp sáng giá trị chèo truyền thống, Thầy còn thắp sáng tình yêu nghề, yêu thương con người với biết bao thế hệ học trò trong cả nước. Nhiều người cũng đã nổi tiếng thành danh như nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Thanh Hoài, NSND Mih Thu, NSND Thúy Ngần…..
Thành tựu cá nhân dù ở mức nào cũng nhỏ bé so với cái vô cùng của nghệ thuật. Thấm lẽ tự nhiên đó nên khi ai nói đến chuyện công lao, Thầy đều khiêm nhường pha chút ý vị mà rằng “Hoạt động nghệ thuật là công việc của tình yêu, sao lại nói chuyện công lao?”, Thầy cũng không thích nhắc đến chức vụ quan này, quan kia… phảng phất đâu đó tinh thần “vô công” “vô danh” của Trang Tử như đã thấm đượm vào Thầy một cách nhẹ nhàng tự nhiên, nhu nhiên.
Tiếp nối truyền thống dòng họ, Thầy cũng đã có được những người con đạt được những thành tựu nhất định, nối tiếp truyền thống cha ông.
Hơn cả sự kỳ vọng của ông nội Trần Mỹ, GSNSND Trần Bảng không chỉ làm dạng danh dòng họ Trần, mà còn làm dạng danh cả một nền nghệ thuật Chèo, truyền thống Chèo Việt Nam trên trường quốc tế.
Thời khắc 6h ngày 19/7/2023 GS NSND Trần Bảng – ông Trùm của làng chèo, cây đại thụ của làng sân khấu chèo cũng đã rời xa chúng ta, về với Tiên Tổ…
Vẫn biết sinh ly tử biệt vốn là lẽ thường của kiếp người của tạo hóa, vẫn biết ở tuổi 98 Thầy đã sống trọn một cuộc đời cao khiết; nay Thầy thanh thản ra đi như một sự nối tiếp ở một giai tầng khác, tới một hành trình cao hơn cõi sống này… Mà sao nước mắt chúng con vẫn dâng tràn, con tim chúng con vẫn đau đớn đến thế này…
Chúng con vẫn như thấy hình ảnh Thầy với mái tóc trắng bồng bềnh, gương mặt hồng hào, đôi mắt sáng luôn ánh lên nụ cười nhân hậu…
Thầy ơi, chúng con nhớ biết bao cái cảnh được vây quanh Thầy, được nghe Thầy nói chuyện về những giấc mơ Chèo… Thầy đã trở thành thần tượng trong lòng học trò Chèo bao thế hệ. Bên Thầy, chúng con đã thật hạnh phúc, niềm hạnh phúc không thể đạt được bằng sự đo, đếm, cân, đong.
Chúng con mãi mãi nhớ Thầy.
Giới Văn học nghệ thuật nói chung, giới Sân Khấu và ngành chèo luôn ghi nhớ công ơn Thầy, cây đại thụ của nền Nghệ thuật chèo hiện đại. Thầy còn mãi lưu lại với thế gian một danh xưng Ông Trùm Chèo của thế kỷ XX.
21 tháng 7 năm 2023