Sách dày 280 trang, khổ sách 13×20,5
Giá bìa: 88.000đ
Bìa do họa sĩ thiết kế bìa Nguyễn Duy Quang thực hiện
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý 2/2022
Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc bảo trợ thông tin

Tác giả Đào Quốc Minh

Không một nhân vật nào trong số 23 truyện ngắn in trong tập này là người bình thường. Nếu họ không dị dạng, khiếm khuyết, méo mó về hình thể, thì cũng dở điên dở dại, nửa ma nửa thần, nửa quỷ nửa người… Họ tập hợp lại thành một thế giới NHỮNG KẺ DỊ THƯỜNG, là sản phẩm độc quyền của Đào Quốc Minh.
Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét:
“Nhưng cái hình thể tàn tạ, xấu xí, điếc lác, mù lòa, bệnh hoạn gớm ghiếc, hay đủ thứ khuyết tật về tinh thần, chưa có gì đáng phải nói. Cái đời sống mà họ thuộc về, họ làm nên, họ được có mặt, họ phải chịu đựng, họ là nạn nhân, là chủ nhân… tạo ra một thứ bóng tối vĩnh cửu, mới đáng kinh sợ. Không người bình thường nào mong muốn một cuộc sống như vậy. Một cuộc sống như vậy là sự phi lý tột cùng. Không ai có thể sống cái đời sống ấy mà lại không phát điên, không tự hủy diệt, không bệnh hoạn hoặc không phạm tội, ít nhất là phạm tội trong ý nghĩ. Và họ không có tuổi, không có căn cước, không có quá khứ và tương lai. Nhà cửa, những điều giản dị làm nên một cuộc sống bình thường hoàn toàn vắng bóng với họ.
Thậm chí, ngay cả không gian, thời gian mà các nhân vật ấy hiện ra, cũng không thể xác định nó ở đâu, khi nào, vào thời nào. Nó vừa thực vừa ảo, vừa hiện tại, vừa quá khứ, vừa chưa xảy ra…”
Mỗi khi đọc xong một truyện, bạn đọc cứ phải tự hỏi: Chuyện của thời nào? Nhân vật đang sống hay đã chết? Mọi thứ đang xảy ra là thật hay ảo? Tác giả kể hay ma quỷ kể? Bởi vì có truyện, phải khi đọc câu kết, mới biết người kể là một vong hồn, một con ma, một kẻ từng oanh liệt nhưng đã chết từ tám hoánh nào rồi. (Tiện thể nói luôn, hầu hết nhân vật của Đào Quốc Minh đều không thể xác định được tuổi. Chính xác hơn là họ không có tuổi). Có truyện, người kể và nhân vật cứ nhập vào nhau từng lúc, khiến không còn phân biệt được đâu là “tôi” nhân vật, đâu là “tôi” nhà văn với tư cách người trong cuộc kể lại, đâu là “tôi” quan sát… lạnh lùng đứng từ xa hay tít trên cao?
Và câu hỏi bao trùm khi khép sách sẽ là: Đào Quốc Minh muốn nói gì với bạn đọc? Các “dị truyện” của anh, luôn khiến bạn đọc hãi hùng, muốn truyền tải thông điệp gì?
“Nỗi khổ phải sinh ra làm kiếp người trong một không gian thiếu vắng nhân tính, thiếu vắng vẻ đẹp, thiếu vắng tình yêu, nơi lịch sử, những giá trị bị đánh tráo, nơi sự dối trá, sự độc ác lên ngôi… có vẻ là điều dễ nhận thấy nhất. Nhưng đấy là thứ mà ta mới chỉ tạm bằng lòng, để khép sách. Còn khi khép sách xong rồi, nằm vắt tay lên trán, lần lại hành trình của những câu chuyện trong sách, thì nhiều câu hỏi khác cứ liên tiếp hiện ra. Câu hỏi bám dai dẳng nhất-ít nhất là với tôi (nhà văn Tạ Duy Anh): Những gì Đào Quốc Minh sáng tạo có xuất phát từ hiện thực? Bởi nói nó hoang đường cũng không đúng, dù nó có tất cả các yếu tố phi hiện thực!”
Bởi xét cho cùng, mọi tai họa mà chúng ta đang vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu suy ngẫm, thiếu cật vấn thường xuyên của mỗi chúng ta.
Đào Quốc Minh còn trẻ, đang đầy năng lượng bùng nổ và khát khao thể hiện.

TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC (gt)