Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 2022; nhà văn Võ Thị Xuân Hà mới có chuyến thăm và trải nghiệm về một đồn biên phòng: đó là đồn biên phòng Sông Trăng, ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu những cảm nhận của nhà văn, và một số hình ảnh mà nhà văn và các chiến sĩ biên phòng đã ghi lại.

Chương trình là lời chúc tốt đẹp đến với các chiến sĩ đã và đang khoác áo lính; đã và đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên, mang đến hạnh phúc cho dân lành.

Tôi về vùng biên giới Long An-Campuchia vào mùa nước nổi.

Anh em đồn biên phòng Sông Trăng ở huyện Tân Hưng, một huyện giáp ranh biên giới với hai tỉnh Svay Riêng và Prey Veng của Vương quốc Căm-pu-chia đón khách thật ấm áp, như đón người thân trong gia đình.

Những gương mặt giờ đây dường như luôn hiện diện trong tôi: Trung tá Đồn trưởng Nguyễn Văn Hội, Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Trăng, Đại úy Nguyễn Văn Thế- Chính trị viên phó, Đại úy Nguyễn Hữu Cường- Phó Đồn trưởng, Đại úy Nguyễn Hùng Cường- Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam- phó đồn trưởng nghiệp vụ, cùng nhiều anh em khác.

Đồn Biên phòng Sông Trăng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 15,814km chiều dài biên giới qua địa bàn ba xã: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).

Sáng sớm.

Tiếng chim vùng biên viễn rộn ràng tới nỗi cứ có cảm giác đoàn đoàn lũ lũ nhà chim đang mở ra lần lượt những bộ cánh, rúc mỏ rỉa cho đẹp, rồi thi nhau khoe đến vui tai. Bốn giờ chiều qua, chúng lại về đông đủ như thường ngày. Ngày nào cũng vậy, sáng ra là rủ nhau bay đi kiếm ăn ở đâu chừng như xa lắm. Khi chúng bay đi, kiểu gì cũng phải lượn chao xuống bờ kênh Sông Trăng một liệng, như soi cánh bay. Những đôi cánh vỗ rợp cả góc trời, cứ như thể làm nghiêng luôn cả cái góc trời ấy.

Trung tá đồn trưởng đồn biên phòng Sông Trăng Nguyễn Văn Hội. Người Thái Bình. Được phân vào miền Tây sau khi học xong đại học biên phòng. Rồi duyên định, miền Tây trở thành quê hương thứ hai. Lãnh cái vị trí quan trọng là đồn trưởng đồn biên phòng Sông Trăng, mà viết văn hay. Với chức trách, nhiệm vụ nặng nề không những lãnh đạo, chỉ huy tập thể đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn dành cho mình một khoảng lặng để hòa tâm hồn mình vào “thế giới văn chương”…  Xứng đáng người chỉ huy “giỏi cầm súng, tài cầm bút”.

Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đồn trưởng, quê ở Thái Bình và Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh, quê ở Hà Tĩnh cùng 03 đồng chí cấp phó đều quê miền Bắc sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng được Bộ Quốc phòng điều động về miền Tây nhận công tác, có lẽ “đất lành chim đậu” mà các đồng chí đã chọn Long An làm quê hương thứ hai, còn 01 đồng chí cấp phó thì sinh ra và lớn lên ở Long An…

Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh là người hoà đồng, thẳng thắn và cởi mở. Anh có gia đình riêng đang ở Sơn Tây, 1 năm vỏn vẹn chỉ đi dc 30 ngày phép về thăm vợ và con; Năm 2019-2021 do tình hình dịch Covid-19 anh đã tình nguyện ở lại trực và thực hiện nhiệm vụ cùng các anh em, với cương vị là Chính trị viên xứng đáng là người cán bộ, người “thổi hồn nhiệt huyết, hăng say” để cán bộ, chiến sỹ vượt khó khăn, gian khổ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại úy Nguyễn Văn Thế, chính trị viên phó, là người con Xứ Nghệ, với chất giọng xứ Nghệ rành rọt, rõ ràng, người xứ Nghệ ngay thẳng, thật thà và chất phác. Song cũng như bao anh em cùng đơn vị hòa đồng và rất đỗi thân quen, âu cũng là đức tính của người lính, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn thân thiết, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Nguyễn Văn Thế lấy vợ là y sỹ, quê Thái Bình, Nhưng vợ chồng anh quyết tâm gắn bó với mảnh đất Long An “trung dũng, kiên cường”.

Tôi mới bay từ Hà Nội vào. Nhìn đâu cũng thấy khác biệt, cũng thấy háo hức khám phá.

Nhưng nếu chỉ đi tham quan, thì không thể biết tính chất phức tạp của cuộc chiến đấu ngầm giữa lực lượng biên phòng với những đối tượng hoạt động phi pháp xuyên biên giới.

Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình nội, ngoại biên, quản lý chặt các đối tượng, năm 2021, Đồn Biên phòng Sông Trăng (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đồn trưởng Nguyễn Văn Hội viết kể lại:

“Đồn Biên phòng của chúng tôi nằm giữa mênh mông đồng nước, đồng lúa, đồng sen, vùng Đồng Tháp Mười. Điểm đóng quân chính của đơn vị ở đầu ngọn kênh Sông Trăng nên tên đồn được đặt tên theo địa danh đó. Trải bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc, ly tán. Những người trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ mảnh đất này phần nhiều đã ra đi hoặc không còn ở tại địa phương. Người còn ở lại thì tuổi cao, sức yếu, trí tuệ không còn minh mẫn nên cũng chẳng ai biết chính xác nghĩa của hai từ Sông Trăng.

Người thì giải thích, hồi kháng chiến chống Mỹ, một đơn vị bộ đội miền Bắc hành quân từ căn cứ bên kia biên giới về tấn công đồn địch. Đoàn quân đi trong đêm tối, từ những cánh rừng thâm u trên đất nước chùa Tháp. Khi vừa chạm chân đến biên giới, bỗng họ bắt gặp ánh trăng sáng vằng vặc đang lấp lánh trên con kênh chảy vào đất Việt. Người chỉ huy quyết định cho đơn vị dừng lại, vừa để củng cố lực lượng vừa cho bộ đội tận hưởng giây phút thư thái hiếm hoi trước giờ nổ súng, đi vào sinh tử. Và trận đánh đồn địch năm ấy, đoàn quân đại thắng. Kể từ ấy, điểm dừng chân được gọi với cái tên thơ mộng “ngọn Sông Trăng” và con kênh cũng được gọi một cách mĩ miều như vậy.

Nhưng cũng có nhiều người giải thích khác. Họ bảo, hồi xa xưa lắm, ở đầu ngọn con kênh này, những đêm cuối tháng, tối trời, người ta nghe tiếng nước réo oàm oạp. Những người gan lỳ ra tận nơi để coi thì thấy từng bầy trăn nối đuôi nhau từ phía Cao Miên bơi về. Cũng có người lại giải thích, con kênh này ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như hình dáng con trăn đang bò. Sông Trăn, lâu ngày đọc trại đi thành Sông Trăng vì lẽ đó….

Cuối năm 2008, tại đầu ngọn Sông Trăng, cột mốc đôi 230 (1) và 230 (2) làm bằng đá hoa cương nguyên khối được hai nước Việt Nam – Căm-pu-chia xây dựng để phân định ranh giới lãnh thổ giữa hai quốc gia. Theo đó đường biên giới sẽ chạy ngang ngọn Sông Trăng, dọc theo trung tuyến dòng chảy chính của sông Cái Cỏ. Ngay tại nơi đây, phía bên kia biên giới, con kênh Crăng Liêu chia đôi hai tỉnh Svay Riêng và Prey Veng của Vương quốc Căm-pu-chia do đó, đầu ngọn Sông Trăng trở thành ngã ba của ba tỉnh biên giới. Kênh Crăng Liêu ngoằn ngoèo, uốn lượn, chạy suốt theo ranh giới giữa hai tỉnh của nước bạn. Để rồi khi ra đến biên giới, nó chạy cắt qua kênh Cái Cỏ, chảy vào lãnh thổ nước ta, thành kênh Sông Trăng”.

Vậy là đầu nguồn của kênh Sông Trăng lại bắt nguồn từ bên nước bạn. Bên đó dòng chảy giữa hai tỉnh vùng biên, gặp sông Cái Cỏ thì chảy cắt qua tiếp để sang bên này, tạo thành kênh Sông Trăng. Mà kênh tuy nhỏ và chảy khá hiền hòa, đặc trưng sông nước miền tây, nhưng trong dòng chảy là cá tôm và phù sinh, và hai bên dòng đặc kín lục bình, nơi trú ngụ và kiếm ăn lý tưởng cho những loài thủy sinh.

Tôi vục nước kênh Sông Trăng lên lòng tay. Nước lóng lánh chảy dưới ánh ban mai đang dần lên phía xa. Những tia nắng đang nâng dần cánh chim bay xa tít tắp trên bầu trời. Những hạt nước bắn tung lên bên mạn thuyền soi những vảy cá lấp loáng bạc.

Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ thần của Lê Thái Tổ mà đồn trưởng đã cho khắc vào phiến đá đặt ở cổng đồn biên phòng Sông Trăng. “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an(*). (Bảo vệ biên giới cần có chiến lược tốt. Giữ nước phải tính kế sách lâu dài…)

Kể về công việc của đồn biên phòng Sông Trăng và nhiều đồn biên phòng khác thì nhiều lắm.

Nguyễn Hội cùng anh em kể:

“Hồi đầu, hai bên biên giới, cây cối rậm rạp phủ kín mọi đường ngang, lối tắt. Nạn cướp, cướp có vũ trang thường xuyên diễn ra. Nhiều gia đình buổi chiều cắt lúa bán cho thương lái, đến đêm đã bị những kẻ bên kia biên giới bịt xà rông kín mặt, dùng súng uy hiếp lấy hết sạch tài sản. Trong giọng nói tiếng nước ngoài, nhiều người nhận ra công thợ gặt ban ngày. Nhiều nhà bị mất trâu, sáng mai đi sang bên sóc đối diện thấy người ta đang xẻ thịt chính con trâu nhà mình mà đành ngậm câm trở về, không dám hé răng.

Những ngày ấy, anh em chúng tôi chèo xuồng, lội bộ đến từng nhà, từng cụm dân cư kiên trì thực hiện “ba cùng”, bám trụ. Kinh nghiệm sản xuất không nhiều nhưng cán bộ Biên phòng dùng tài liệu khuyến nông của huyện hướng dẫn bà con thâm canh tăng năng suất. Trên bờ ruộng, bên cuộc trà tình nghĩa quân dân ngày càng quây quần ấm cúng. Rồi những lớp học tình thương tiếp nối ra đời mang con chữ cho những trẻ em chưa có điều kiện đến trường. Những viên thuốc quân y tuy không nhiều giá trị nhưng đến đúng người, đúng thời điểm nên hiệu quả. Cùng với đó, đường tuần tra ngày càng được đầu tư xây dựng cơ bản, việc cơ động lực lượng, tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng diễn ra thường xuyên, liên tục; điện lưới, điện máy nổ kéo khắp các nhà dân liền kề chốt Dân quân nên nhiều năm trở lại đây không còn nạn cướp trên biên giới”

Trong bài viết VỮNG BƯỚC QUÂN HÀNH TRÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12.2022, đăng trên báo An ninh biên giới, tác giả Nguyễn Hội viết:

“Không biết từ bao giờ người ta đã đặt cho tháng Mười Hai cái tên thân thuộc: Tháng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tháng của cựu chiến binh hay Tháng của những người lính.

Vâng. Đúng thế! Hiếm có một nơi nào trên thế giới này, hình ảnh những người lính lại gần gũi và trìu mến trong lòng mọi người như ở đất nước chúng ta.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh những người lính vì Tổ quốc mà chiến đấu, hi sinh luôn gắn bó máu thịt suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Cho đến thời đại ngày nay, trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và trong những ngày hoà bình, thực hiện nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu càng minh chứng rõ nét thêm điều ấy.

Và sẽ chẳng lấy gì làm lạ, khi người dân cả nước dành riêng một tháng cuối năm, tháng có ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam để nhắc nhớ nhau hướng về những người lính.”

“Tháng Mười Hai đang về, mùa này nơi biên cương trên cả hai miền đất nước đang vào thời kỳ khí hậu khắc nghiệt nhất trong năm. Vùng cực Bắc, cái rét tái tê khiến cây rừng trơ trụi lá. Nơi biên giới Tây Nam đang ở vào những ngày cao điểm mùa khô, đồng ruộng khô hạn, nứt nẻ, cây cỏ lụi tàn. Dù điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện của các đơn vị Bộ đội Biên phòng còn rất nhiều khó khăn; đường sá đi lại khó khăn, vất vả. Nhưng đây lại là giai đoạn đầu của “tháng củ mật”, thời điểm mà các loại đối tượng trộm cướp, buôn lậu, xâm nhập, xuất nhập cảnh trái phép… gia tăng hoạt động trên khu vực biên giới. Chúng tôi xác định, đây là thời gian thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm, là lúc thử thách ý chí và tài năng của người lính để sáng danh phẩm chất trong thời bình.

Trên các tổ, chốt, đội công tác, anh em trong đơn vị chẳng quản ngại khó khăn, vất vả, thay nhau đi tuần tra, kiểm soát, mật phục trên biên giới. Đêm cuối tháng, bầu trời biên cương không có những ánh điện lung linh, những tiếng nhạc du dương, trầm bổng. Trên đường tuần tra chỉ có những ánh sao lấp lánh và trái tim người lính Biên phòng đang căng đầy nhiệt huyết. Niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm thiêng liêng, gìn giữ, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” càng khiến đôi chân chúng tôi vững vàng tiến bước.”

Trên đường tuần tra, những người lính biên phòng Sông Trăng cũng gặp những hình ảnh đẹp như huyền thoại của vùng sông nước miền Tây, vùng trời biên cương Tổ quốc mà họ đang ngày đêm bảo vệ gìn giữ.

Tôi lưu giữ những hình ảnh đẹp về Sông Trăng, như một lời chúc cho những người lính biên phòng Sông Trăng nói riêng, và những người lính đã và đang ngày đêm gìn giữ thiện lành và bình an cho cuộc sống trên đất nước Việt Nam thân thương.

CẦM KỲ (Tổng hợp)