Kiều Bích Hậu
Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ bắt đầu thu hút được sự chú ý trong giới dịch văn học khi tập truyện ngắn “Báo thù” của tác giả Roman Ivanytchouk (Ukraine) do ông dịch ra mắt đầu năm 2021 tại Việt Nam. Sau khi sách ra mắt bạn đọc đã được các nhà văn và bạn đọc khen ngợi đặc biệt đã được giới thiệu với Đại sứ quán nước Uraine tại Việt Nam.
Tập truyện ngắn “Báo thù” là món quà tinh thần lớn lao, theo đại thiền sư Nhất Hạnh thì đó là nguồn “Thức thực” quý giá mà Nguyễn Hữu Vỹ gửi tặng độc giả Việt Nam, nhất là vào thời đại lòng tham hưởng thụ vật chất lên cao, văn hóa đọc đi xuống, tủ lạnh chất đầy “Đoàn thực”, tủ sách gia đình ngày càng nghèo đi.”
Chúng ta cùng trò chuyện với dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ về việc dịch tác phẩm “Báo thù”, về sức khỏe tinh thần và thể chất trong thời đại dịch, về cách ông dùng “việc dịch” dập “đại dịch”.
- Thưa dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ, ông đã tiếp cận tác phẩm của tác giả Roman Ivanytchouk như thế nào? Vì sao ông quyết định dịch tập truyện ngắn nhan đề “Báo thù”?
- Có thể nói hình như tôi có duyên với tác giả Roman Ivanytchouk, bởi tôi được biết đến tác phẩm của ông một cánh tình cờ. Năm 1981, kho 5 (nơi chứa hàng bách hóa tổng hợp nhập ngoại) của cảng Hải Phòng bất ngờ bị cháy. Nhân lực tập trung để chữa cháy, cứu con người và sơ tán hàng hóa. Trong đống hoang tàn của cuộc chiến với giặc lửa ấy, trên các bãi chứa hàng ngoài trời ngổn ngang vải vóc, thuốc men, hàng hóa. Tôi tìm đến đống sách đang cháy nham nhở và nhặt được một quyển sách có kích cỡ 10 cm x 18 cm, bìa cứng màu huyết dụ, loại sách bỏ túi. Tôi chẳng chú ý mấy đến tác giả Roman Ivanytchouk bởi vì thời ấy người đọc Việt Nam chỉ biết đến các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Nga như Sô lô khốp, Leo Tolstoy, Tuốc ghe nhép,… Lật qua, tôi thấy quyển sách chứa đựng những truyện ngắn hay và tôi đã tìm cách “thó” mang về với mục đích giải khuây. Có thời gian rỗi, tôi đọc một truyện, rồi truyện thứ hai… cứ thế nó cuốn hút tôi như đang xem một bộ phim hay không thể dừng.
Tôi quyết định lấy tên truyện ngắn “Báo thù” làm nhan đề tập truyện ngắn dịch này. Nó nói cái điều hôm nay loài người buộc phải nhìn nhận lại hành vi tàn phá thiên nhiên của mình, cái điều mà Roman Ivanytchouk đã cảnh báo hơn nửa thế kỷ trước. Ông thuộc trường phái Nga đẹp cùng với các bậc đàn anh Turghenhev, Bunin; văn của trường phái này góp phần nuôi dưỡng tâm hồn Nga đắm say, mạnh mẽ, chan hòa với thiên nhiên hùng vỹ. Nhưng đến bấy giờ, R. Ivanytchouk đã buộc phải cất nhời than phiền về hành vi tàn phá môi trường sống và kia, con đại bàng thiên nhiên đã “báo thù” con người – báo thù bằng cái cách cao thượng là dạy cho con người bài học về tình yêu thương đồng loại; nó cũng cảnh báo con người: Các người cứ hủy diệt ta đi, các ngươi sẽ sống trong sa mạc của ô trọc tình người.
Tôi cũng đã thử nghiệm ý nghĩa xã hội và thẩm mỹ của truyện. Có thời tôi được một trường đại học ở Hải Phòng mời dạy tiếng Pháp chuyên ngành. Trong những giờ học, tôi thường lấy những truyện ngắn của Roman Ivanytchouk ra làm tài liệu dạy trong mục “Pour aller plus loin” và được sinh viên rất thích, đặc biệt là Báo thù. Và chính họ là động lực để tôi dịch và xuất bản tập truyện.
- Là người dịch tác phẩm, ông có nhận xét gì về văn phong và tư tưởng cũng như nghệ thuật truyện ngắn của Roman Ivanytchouk?
Văn bản mà tôi dịch là bản tiếng Pháp do một dịch giả có tên là Ginette Maxymovytch dịch từ tiếng Ukraine ra tiếng Pháp. Các truyện ngắn chọn dịch đưa vào trong cuốn sách “ Báo thù” vừa xuất bản là những địa tầng quen thuộc liên quan tới tập tục, sinh hoạt đời thường như tình yêu và trách nhiệm với gia đình (Tội lỗi), tình cha con (Người cha), sự tôn trọng tương kính chồng vợ (Tấm hình bị xé rách), quan hệ đồng nghiệp (Hồ Bai kan), tình yêu và tôn tộc với dòng dõi tổ tiên (Ngôi nhà trên núi), tình thương, sự bình đẳng đối xử giữa con người và động vật (Chuyện về người đánh xe ngựa) ý thức và trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường (Báo thù),…những chủ đề quen thuộc ví như những lát cắt văng ra từ cuộc sống muôn màu, cách đặt vấn đề, dẫn dắt truyện rất tự nhiên không gượng ép. Đọc xong mỗi truyện ta như thấy mình phải làm gì, hành động thế nào để cho cuộc sống hướng thiện và tốt đẹp lên. Đơn cử như truyện “Người cha”, ông già có một cô con gái duy nhất đang theo học trên thành phố, rồi chiến tranh xảy ra, cha con luân lạc. Vậy rồi trong một cuộc rượu với bạn, lão Panass gặp người phụ nữ trạc tuổi Olenka, con gái lão. Bằng linh cảm vơ vào mà nhà văn diễn tả vô cùng tinh tế khiến nó rất có lý, lão Panass đinh ninh cô gái ấy là con lão. Để rồi lão sang bên kia đường, dốc những đồng bạc lẻ cuối cùng để mua tấm khăn “cho con gái.” Khi khật khưỡng quay được về quán nhậu, thì bạn cũng dời đi, “cô con gái Olenka” của lão cũng đã biến mất như tất cả những gì vừa diễn ra chỉ là hư ảnh. Ta thấy tromg toàn bộ truyện Roman Ivanytchouk chỉ cho nhân vật là “người cha” nói đến chiến tranh có một lần và kết thúc truyện là giọt nước mắt mặn chát của ông già chảy xuống bộ mặt hốc hác đầy râu với một bùng nổ những tiếng thét tố cáo chiến tranh, lại như bài ca bất tận về tình cha con rất đỗi bình thường mà kỳ lạ. Bút pháp của tác giả mới tài tình làm sao. Đọc xong rồi, gấp sách lại rồi mà ta cứ ngậm ngùi đắng cay mãi. Tất cả các truyện Roman Ivanytchouk đều có cốt chuyện đơn giản, thậm chí có những truyện như một tản văn không có cốt chuyện rõ ràng hoặc một cái kết nhẹ bẫng đi, khiến người đọc phải buông sách, bâng khuâng tiếp tục dòng suy tưởng theo mạnh văn ấy.
– Những bài học ông rút ra cho riêng mình khi dịch tập truyện ngắn của tác giả Roman Ivanytchouk? Sau khi tập truyện được phát hành, độc giả có ý kiến gì gửi về cho dịch giả không?
– Tôi dịch những truyện ngắn của Roman Ivanytchouk không phải vì đơn đặt hàng của nhà xuất bản hay là do sức ép của một ai mà đầu tiên dịch là để phục vụ cho công việc giảng dạy, thứ nữa là tôi có thời gian đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đọc tôi lại phát hiện ra những chỗ không ổn về lời thoại, cách hành văn, ngắt mạch, chuyển đoạn, cách xưng hô… Tôi nghĩ, để một văn bản dịch văn học đạt yêu cầu theo kinh nghiệm của riêng tôi, thì cần: Đọc và nghiên cứu kỹ văn bản gốc để cảm thụ và hiểu toàn bộ bản chất linh hồn của văn bản gốc; Tiến hành dịch nháp theo kiểu nghĩ thế nào dịch thế ấy. Chưa cần cầu toàn, vì sau khi dịch hết truyện ta mới rà soát theo kiểu chạy “ rốt đa” để bào mòn những câu chữ không phù hợp với tình tiết, ý nghĩa của đoạn văn, hoặc bố cục toàn truyện, khi làm công việc ấy chắc chắn sẽ có những thay đổi không ít thì nhiều thậm chí có khi thay đổi hoàn toàn; Đọc bản dịch nhiều lần xem bản dịch có Việt hóa không; Tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
Từ khi phát hành tập truyện ngắn “Báo thù” đến nay tôi nhận được chúc mừng, ngợi khen từ bạn bè. Đài tiếng nói Việt Nam mục “Đọc chuyện đêm khuya” sử dụng một số truyện. Có một công ty truyền thông ký với tôi một hợp đồng bán sách và họ khen sách hay có thể bán được. Có lẽ mô típ, văn phong của tác giả là rất lạ so với dạng văn to tát, ồn ào, cuồn cuộn những xung đột hay thuần túy ngôn tình trên thị trường sách hiện nay.
– Hoạt động dịch văn học mang lại nguồn năng lượng sống như thế nào cho ông? Ông có bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe?
– Dịch văn học không thể mang lại lợi nhuận hay danh vọng. Vì như cuốn “Báo thù” này là của Roman Ivanytchouk chứ đâu phải của dịch giả? Nhưng tôi dịch là do đam mê văn chương, là do máu nghề nghiệp vì tôi học chuyên ngữ. Tôi chỉ biết khi mình dịch xong một truyện được đăng ở một tờ báo nào đó, thậm chí chỉ đưa lên Facbook và được bạn bè chúc mừng hoặc cho một cái “còm” là tôi thấy trong người phấn chấn như khỏe ra. Tôi nhận ra việc làm có ý nghĩa. Còn về vấn đề sức khỏe, thì ai mà chẳng có lúc ốm? Đá còn có lúc đổ mồ hôi chứ nói chi đến con người, con người cũng như cỗ máy chạy bao nhiêu năm rồi, giờ cũng đã đến thời gian bảo dưỡng thay thế. Ơn giời được lúc nào khỏe thì biết thôi. Nhưng với tôi đến thời điểm hiện tại tôi thấy mình vẫn ổn.
– Ông hình dung ra sao về một đời sống tinh thần và thể chất hoàn toàn khỏe mạnh? Ông có hình tượng, nhân vật thực tế nào khiến mình khâm phục và luôn dõi theo để học tập, phấn đấu?
– Vốn quý nhất của con người là sức khỏe, sức khỏe là vàng. Có một nhà thực dưỡng nào đó đã từng nói: “Có sức khỏe thì có một trăm điều ước, không có sức khỏe thì chỉ ước có sức khỏe”. Ai sinh ra trên đời cũng đều có riêng cho mình những mục đích sống khác nhau, nhưng dù là mục đích, lý tưởng gì thì chúng ta đều cần có sức khỏe mới thực hiện được. Một cơ thể khỏe mạnh, một đời sống tinh thần vững vàng sẽ chắp cánh cho chúng ta thực hiện được những mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Tôi có một người bạn khiến mình khâm phục. Từ một thương binh sau cuộc chiến trở về, bị mất một tay, sức khỏe loại 3, anh đã phấn đấu thi đậu đại học trở thành một thầy giáo. Rồi khi về hưu anh đã thành lập một trung tâm nhận nuôi dạy trẻ mồ côi và trẻ tự kỷ. Anh tham gia nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ giúp đỡ người nghèo. Anh đã xuất bản 2 tập thơ. Tấm gương ấy, người thương binh ấy, là anh Nguyễn Ngọc Minh – bạn tôi.
Năm 1976, Nguyễn Hữu Vỹ thi đại học đạt điểm cao, được tuyển vào khoa Lưu học sinh tiếng Nga (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) để ra nước ngoài học đại học. Do trục trặc hồ sơ lý lịch, sinh viên Vỹ lỡ chuyến du học Liên Xô, được chuyển vào học tiếng Pháp ĐH Ngoại ngữ HN. Tốt nghiệp ĐH, Nguyễn Hữu Vỹ được phân công công tác tại Hải Phòng. Với năng khiếu văn học và kiến thức ngoại ngữ (Pháp, Nga), Nguyễn Hữu Vỹ luôn ấp ủ đam mê cháy bỏng trên con đường văn học nghệ thuật. Ông vừa công tác vừa sáng tác thơ, văn và dịch thuật.