Chú Phiêu cả làng ai cũng biết, hiền lành, nhân hậu. Chả thế mà năm nào hội làng, chú cũng được chọn làm chủ tế. Sinh con một bề, hai thằng con trai, tên là Tả và Hữu, thằng nào cũng khỏe, hai bắp tay đen chắc, từng thớ thịt nổi lên cuồn cuộn. Mỗi thằng một cái mủng, đêm nào cũng chăng đèn ra khơi câu mực. Thằng Tả đã được chú thím làm lễ ăn hỏi. Cô Bưởi xinh đẹp, nết na nhất làng, thường đóng vai quân Tượng áo đỏ, còn Tả đóng vai quân Pháo áo xanh trong lễ hội cờ người. Thế rồi, một hôm quân Nhật bắt Bưởi đưa về trại lính. Được tin, Tả và Hữu lẻn vào trại Nhật, tìm đường cứu Bưởi.
Trại Nhật nằm ngay trên bãi biển, chung quanh được bao bọc bởi những bao cát, quân lính ăn ở trong những túp lều vải bạt. Lúc nào cũng có một lính gác nhăm nhe tay súng, tay kiếm, ai đến gần là toi mạng. Trong những túp lều vải bạt ấy không biết chúng nhốt Bưởi ở đâu. Đã mấy đêm nay, đêm nào cũng đi rình nhưng chưa đột nhập vào được. Ba anh em Tả, Hữu và Tráng bí mật lập mưu: Chiều ấy trời nắng đẹp, gió biển ào ào. Quân Nhật trong trại kéo nhau đi đâu từ sáng, chỉ còn lại tên lính gác. Lợi dụng lúc này, ba anh em rủ nhau đến gần trại lính thả diều. Diều bay lên một đoạn, Tả buông giây cho diều bay tự do và rơi vào trại lính. Làm thế nào qua mặt tên lính gác để vào trại bây giờ? Tên lính gác này đã một vài lần tiếp xúc với trẻ con khi tắm biển, khi nhặt vỏ sò vỏ trai ở bãi cát. Hắn ra hiệu rằng: Ở Nhật, biển cũng to, cũng có cá, nhưng không nhiều loại có vỏ cứng như ở đây, đẹp lắm. Hắn đang học Hải Dương học thì bị bắt đi lính, ba năm về lại học tiếp. Sang An nam, thích nhất là nhặt được các vỏ trai óng ánh sắc mầu. Trai người ta lấy ngọc rồi, còn vỏ cũng rất quý. Dưới đáy biển có hàng rừng san hô đỏ, đa dạng kiểu dáng, đẹp như được điêu khắc tài ba. Đặc biệt, hắn nhặt được bộ xương cá mập khổng lồ, một dẻ sườn trẻ con vác nặng. Bộ sưu tập của hắn nhiều vô kể, xếp thành một đống ở góc trại, Tên quan ba chỉ huy đã nhiều lần ngăn cấm, về sau thấy không có hại gì, để cho quân lính có việc làm, đỡ nhớ nhà nên thôi. Ai hỏi, khi rút quân về nước thì mang đi bằng cách nào? Hắn vui vẻ trả lời. Tôi sẽ chôn ở đây. Bao giờ hết chiến tranh, tôi sẽ sang lấy về. Những thứ này là tài sản khoa học vô giá, chứ không phải súng đạn giết người, nên không ai cấm. Kẻ hâm như vậy còn ai chấp làm gì nữa.
Biết được ý thích ấy, Tráng mang một vỏ con ốc mầu vàng, vân đỏ cực đẹp to bằng cái dỏ đựng cua đến cho tên lính gác. Tráng năn nỉ ra hiệu, xin vào nhặt diều. Thế là hắn thích thú, mê mẩn với vỏ ốc. Ba anh em Tráng, Tả, Hữu lọt vào, chia nhau đi khắp các lều tìm Bưởi. Đến lều chỉ huy ở giữa trung tâm trại, Tráng giật mình nghe tiếng gọi thều thào: “Tráng…”. Nhanh như cắt chiu vào, Tráng ôm lấy Bưởi. Trốn. Bưởi òa khóc. Tráng lấy tay bịt mồm: “Khẽ thôi kẻo nó nghe thấy bây giờ, nhanh theo anh”. Cố hết sức, Bưởi vẫn không đứng dậy được. Từ hôm bị bắt, Bưởi như cái xác không hồn. Cô gái xinh đẹp nhất làng, giờ tàn tạ héo hon, nói không ra hơi. Tên quan ba Nhật độc chiếm, ban ngày bị trói ở góc lều, ban đêm là phận đàn bà cho kẻ dâm ô, man rợ. Vừa lúc đó Tả và Hữu chạy vào, vác thốc Bưởi lên vai, Tả chạy ra phía sau nhẩy qua các bao cát lao ra ngoài, Hữu chạy sau cản đường. Tráng thản nhiên, vừa đi vừa hít sáo, tay vung văng cánh diều đi ra cổng chính. Tên lính gác vẫn say sưa ngồi bên đống vỏ sò, xương cá, mân mê ngắm nghía vỏ ốc ban nãy. Tráng vỗ vai hắn, ra hiệu cảm ơn. Tên lính rập người cúi đầu chào, ra hiệu lần sau có vỏ ốc thì cho hắn xin, rất đẹp, rất quý. Tráng rảo bước, chạy nhanh về làng.
Ba anh em đang chăm sóc Bưởi qua cơn hoản loạn thì có tiếng súng nổ từ trại lính, rồi tiếng sì sồ, tiếng chân người huỳnh huỵch. Việc đã bị lộ, lính Nhật đang bổ vây đi tìm. Tráng nhẩy xuống ao, đội bèo tây lặn một hơi. Tả, Hữu và Bưởi không kịp chạy. Bọn Nhật xộc vào nhà bắt được giải về trại. Thì ra khi vừa được giải thoát, bốn anh em ra khỏi trại, tên quan ba chỉ huy trở về, không thấy Bưởi, đã hô quân đi tìm. Người lính gác vẫn mải mê cái vỏ ốc đẹp mê hồn. Tức giận, Quan ba Nhật bắn một phát vào đầu, người lính gác xấu số chết gục, nằm đè lên đống xương cá, vỏ sò… Không hiểu, sau này hết chiến tranh, con cháu ông ta mang đống tài sản khoa học vô giá này về, liệu có phân biệt được đâu là xương người, đâu là xương cá?
Sáng hôm sau, quan ba Nhật buộc ba người: Tả, Hữu và Bưởi, cho ba con ngựa kéo lê chạy dọc bờ biển, mặc cho tiếng la hét của dân làng. Máu và đất cát lộn nhào. Sóng biển dồ lên, cuốn đi. Một vùng nước đỏ rực. Mặt trời đằng đông nhô lên, cả vùng trời, vùng biển nhuộm trong máu đỏ.
Bây giờ chú Phiêu chết, thế là cả nhà xóa sổ. Mấy tháng trước vợ chú cũng lăn ra chết vì ăn phải gan cá nóc. Chú trở thành như người điên dại, lang thang, lẩn thẩn. Bộ quần áo tế cất kỹ trong đình, dành cho những ngày hội, thế mà chú lấy ra mặc, lúc thì mặc áo không có quần, lúc thì mặc quần không có áo, đầu đội mũ cánh chuồn trông rất oai phong lẫm liệt. Chú mang ghế ngồi giữa cổng đình phát lộc, ai đi qua cũng chắp tay vái lạy. Chú bảo đây là lộc thánh, lúc thì vài quả khế, quả ổi, quả sung…hết qủa thì những hòn sỏi, vỏ ốc nhặt ở ngoài bãi biển. Mẹ con Tráng thương chú lắm, hàng ngày nấu cơm mang cho chú, nhiều khi phải ngồi giữa đường đút cơm cho chú. Chú bảo rằng: “Tao phải ngồi đây chờ ba mẹ con nó về, người chết đường, chết chợ thì không biết đường về đâu mà”… Thật khổ, nhìn mà rơi nước mắt. Một lần cứ bộ quần áo ấy, chú đeo thêm thanh kiếm thần, chân đi hài, ngang nhiên tiến vào trại lính Nhật, mặt đỏ bừng bừng, oai phong, lẫm liệt chỉ vào mặt tên quan ba chỉ huy: “Hãy nghe đây, ta là Thành hoàng làng, Vua ban cho cai quản đất này. Cớ sao? chúng bay ở mãi bên Nhật sang đây cướp đất, cướp của, hãm hiếp đàn bà trẻ em, quấy rồi dân lành, gây tai họa chết chóc? Máu đã đổ thấm sâu đất này. Các ngươi phải đền tội, trời không dung, đất không tha. Muôn đời con cháu các ngươi phải làm thân trâu ngựa, gánh chịu tội lỗi này…” Tên quan ba và tất cả binh lính sợ run cầm cập, không dám ho hoe, xếp hàng cúi đầu, vái lạy. “Thành hoàng” tuốt kiếm thần gõ lên đầu từng đứa, rồi cất tiếng cười sang sảng, vang vang lan theo nhịp sóng biển ra tận khơi xa. Có lẽ bên Nhật, họ cũng thờ Trời đất, thờ Vua, thờ Thành Hoàng nên rất cung kính. Ba ngày sau trại lính chuyển đi đâu mất, không dám quay trở lại. Đống xương và vỏ sò, vỏ ốc, được đào sâu chôn chặt như ý nguyện của người lính gác. Dân làng trầm trồ khen chú Phiêu, giỏi, người bảo chú điên, người bảo “Thành Hoàng” nhập vào chú. Thôi thì mặc, miễn sao dân làng được yên là được. Nhưng Phát xít Nhật vẫn không tha, bọn này đi thì bọn khác đến…

Hôm nay, Hương Cán lại rước quan Nhật về đốc thuế, thảm họa đang diễn ra, máu lại đổ. Chú Phiêu không mặc bộ “Thành hoàng” nên đã trúng đạn. Giọng phều pháo tiếng to, tiếng nhỏ rằng: “Chú ác quá,…đã khâu mắt, vặt lông, nướng thịt, giết hại bao nhiêu đàn chim…Cái nghiệp lớn quá, A di đà Phật, lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật, con xin sám hối, con xin vào địa ngục chịu tội. A di đà Phật…”. Tráng ôm chú khóc nức nở: “Chú ơi, sao chú khổ thế này! Cháu biết làm gì cho chú bây giờ hở chú ơi?” Từ sau ngày sẩy ra chuyện “Thành hoàng” đối đầu với lính Nhật, chú ra ở hẳn ngoài này. Bỏ nghề săn bắt chim, đốt sạch đồ nghề, phóng sinh một đàn chim mấy chục con, ăn chay, sám hối tụng kinh niệm Phật…
Phía trong làng tiếng vó ngựa của quân Nhật, tiếng hò hét bắt người ầm ỹ. Mỗi một phát súng nổ là những tiếng khóc vang trời. Quân Nhật đã đến gần, không còn cách nào khác, Tráng phủ lên người chú mấy cành lá sú vẹt, để chú nằm đó rồi tụt xuống, ngâm mình vào một vũng nước, mỗi lần sóng biển dồ lên mang theo đất cát và rác rưởi lấp đầy người, dần dần chỉ còn lại hai lỗ mũi nhô lên, thở. Lo sợ, đói rét đã làm Tráng xỉu đi, mơ mơ, màng màng đi về chốn xa xăm…

Một ngày, mặt trời đã cháy và tỏa sáng hết mình, giờ trở về đón hoàng hôn. Những tia sáng vàng nhạt, chuyển dần sang màu cam đỏ, những cụm mây trắng lững lờ trôi. Cả mặt biển đang nhuốm một màu hồng lung linh huyền ảo. Màu của sự lặng yên, thanh bình lan tỏa khắp không gian: Trên những bờ cát nhuốm cam trải dài tít tắp, phản chiếu từ những con sóng tinh nghịch đuổi nhau từ tận chân trời. Hoàng hôn, món quà tuyệt vời mà đất trời ban tặng. Trên trời cao những cánh chim vội vã bay về, sau một ngày mệt nhọc kiếm ăn xa hàng trăm dặm. Vườn chim, chạy dài ven biển, trắng xóa cánh chim trên những cành cây sú vẹt, nô đùa, trò chuyện, hát ca.
Dưới rừng sú vẹt, cậu bé Tráng hiện lên tay xách lồng chim mồi theo chú Phiêu dựng bẫy. “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, từ ngày cha mất, chú Phiêu nuôi dạy đủ điều. Người quý chim, chim mến người, chú trở thành chúa đảo chim. Thấy Tráng rất thích thú nghề săn chim, chú nói: “Tùy từng loại chim mà cách thức bẫy cũng khác nhau. Cò, vạc… bẫy bằng que quết nhựa; cuốc cà cà, gà lôi… bẫy bằng lưới; chim én, chim sẻ… bẫy bằng sập. Sau khi giăng bẫy, cánh thợ săn núp ở túp lều dựng tạm, được ngụy trang bằng những cành cây cách đó chừng trăm mét. Khi săn cò, phải thật tinh mắt mới phát hiện ra một đàn cò, khi nó mới chỉ là một chấm nhỏ trên trời. Chờ một lúc cho chúng bay tới gần, giật mạnh dây cước buộc ở cổ chân cò mồi, để cò mồi cất tiếng hót. Nhầm tưởng đồng loại đang báo hiệu ở đây có nhiều thức ăn, hay là nơi “đất lành chim đậu”, đàn cò bay là là, cuối cùng sà xuống hẳn. Có khi chúng sà xuống hàng trăm con, thế là giật lưới úp xuống, cò mắc chặt không có đường ra…Hai em Tả và Hữu không thích nghề săn chim, tỉ mẩm, chờ đợi sốt ruột. Tráng là cánh tay đắc lực của chú, chăm sóc chim mồi rất khéo. Chú Phiêu cười vang cả cánh rừng bảo rằng: “bẫy chim thì con mồi rất quan trọng”. Một lần sơ ý, Tráng để cò mồi bay đi mất. Chú không đánh, lặng lẽ đi bắt một con cò khác rồi khâu mắt nó lại. Tráng chưa kịp hỏi chú đã lý giải: “Sở dĩ cò bị móc mắt, hoặc lấy kim chỉ khâu mắt, biến thành cò mù, vì tiếng cò mù sẽ kêu to hơn cò bình thường, nhằm gọi được đàn cò khác đến dính bẫy”. Con cò mồi to dần, to dần như một kẻ khổng lồ rồi vùng dậy than vãn: “hãy trả đôi mắt cho tôi, làm sao lại khâu mắt, bắt tôi mù…”. Tiếp đó là hàng trăn, hàng ngàn con cò, con vạc, chim trời… chết oan đã đồng thanh kêu cứu vang cả góc trời. Chú Phiêu hoảng sợ chui vào bụi cây, nhưng đàn chim không tha tội đã bâu vào hai người, xâu xé. Tráng quỳ lạy rối rít, chúng vẫn không tha nhẩy bổ vào lôi ra từng mảng thịt…

Đau quá, giật mình Tráng hét toáng lên, dẫy đạp nước bắn tung tóe, trồi hẳn người lên khỏi đống cát. Mặt trời cứ lặng lẽ xuống dần rồi mất hẳn. Mặt biển không còn khoác tấm áo màu đỏ hồng mà thay vào đó là màu đen huyền diệu, được đính những vì sao lấp lánh của bầu trời. Hoàng hôn đã thực sự biến mất, trời tối om như mực, xa xa có tiếng gọi. Thằng Xoa đứa cháu gọi bằng cậu kéo thốc dậy:

– Chạy đi, bọn Nhật dựng trại đóng quân ở bãi biển đầu làng rồi.
Người đầy cát, mồm cũng lạo xạo, tắc cổ họng Tráng chỉ ú ớ. Thằng Xoa nói trong nước mắt:

– Nó bắn chết bà rồi.

– Thế còn mợ mày đâu? Tráng hỏi nhanh.

– Cháu cũng chẳng biết, cả làng chạy toán loạn hết cả rồi. Mẹ cháu cũng chạy đi đâu ấy.

– Mẹ cha nó, để tao về sống chết với chúng nó!
Xoa can ngăn chú:

– Không được đâu, về nó bắn chết ngay đấy, phải đi thôi.

– Mẹ tao, vợ tao, con tao, cả nhà tao… Tráng hét toáng lên

– Mọi người chạy hết sang bên kia sông Cái rồi.

– Tao về… ề…
Tráng vùng dậy lảo đảo được vài bước, một loạt súng nổ, đạn vèo vèo qua tai, anh kêu ối lên một tiếng rồi lăn đùng xuống vũng bùn. Thằng Xoa ôm chầm lấy cậu, hai bàn tay đẫm máu, nhanh chóng nó cõng lên lưng rồi chạy một mạch ra bờ sông cái. Những viên đạn diu díu đuổi theo, đàn chim tung cánh bay lên rào rào, con trúng đạn lăn xuống bồm bộp. Tráng gào to trên lưng Xoa:

– Còn chú Phiêu, để tao xuống…

– Cứ để đó, bọn Nhật đi đã.
Tiếng súng, tiếng quạ đen sà xuống nghe ghê cả người. Ngày trở về, không biết xương thịt chú Phiêu có còn không? hay chúng đã thi nhau móc rỉa hết.
Bến đò sông Cái đặc kín người…

3

Cái Mận hét toáng lên: “Mẹ ơi, chạy đi”. “Còn bao ngô thì sao?”…Nói rồi nó vùng dậy kéo mẹ chạy. Thế là hết, không còn gì ăn nữa. Hai mẹ con vội vàng nhẩy xuống ao, chìm trong nước. Tiếng hò hét và súng nổ vang trời. Một hồi lâu hai mẹ con mới ngoi lên được, Mận kéo mẹ tựa vào gốc sung bên bờ ao. Ở góc khuất này không ai có thể nhìn thấy, nhưng chị Sẹo vẫn rên hừ hừ. Mận lấy cành lá che lên đầu rồi nói nhỏ:

– Khẽ thôi, kẻo bọn nó nghe thấy bây giờ.

– Mẹ đau bụng lắm. Chị Sẹo ướt sũng, run bần bật

– Cố tý nữa thôi mẹ.
Nói rồi Mận định òa lên khóc nhưng phải cố nén lại, nghe tiếng khóc mẹ lại đau thêm, mồm lẩm bẩm nuốt từng ý nghĩ vào trong lòng: “Bà chết rồi, bố giờ ở đâu, anh Còi ơi, đến cứu mẹ đi, anh Còi ơi…” Tiếng chân người chạy rầm rập ở trên đầu, bọn Nhật lùn xì xồ, Mận lại ôm chặt lấy mẹ. Cái bụng mẹ to phình lên, em bé bên trong giẫy dụa, Mận lấy tay bịt mồm mẹ cho tiếng kêu khỏi bật ra.

– Cho mẹ nằm xuống một tý đi con.
Chị Sẹo phều phào nói trong hơi thở.

– Quân giặc đấy mẹ ơi! Mận cuống quýt.

– Mẹ sắp đẻ rồi.

– Con biết làm sao được bây giờ?

– Trời ơi tôi chết mất thôi. Chị Sẹo không kìm được rên la to hơn.
Một hồi lâu, tiếng súng im bặt, bọn Nhật lùn đã tháo chạy, không gian chìm xuống.

– Mẹ cố lên nhé, bám vào cành cây này rồi leo lên bờ, tay kia bám vào tay con, nào.
Mận lấy hết sức kéo mẹ lên, rồi đặt mẹ nằm dưới gốc cây chuối bên bờ ao. Những vết xước gặp nước, phồng lên và tứa máu đau ê ẩm. Chị Sẹo cố nói:

– Con đi tìm bà đỡ về đây cho mẹ…ối giời ơi… đau quá con ơi!

Kiệt sức, chị Sẹo nửa tỉnh, nửa mê lầu bầu chửi, câu to, câu nhỏ: “Tiên sư bố mày, lão Tráng ơi, lão đã hại tôi, cái hôm ấy, lão không ngấu nghiến đè tôi ra đống rơm thì đâu đến nông nỗi này. Bây giờ lão đâu rồi, về mà ngắm cái “của nợ” ấy đi? Nó to lắm, mập lắm toang hoác như cái hang mà con lão vẫn chưa chui ra được”. Trời ơi đau quá… “Mẹ cha lũ giặc, giết bà già, giết cả người mang thai và trẻ nhỏ không chừa một ai”. “Trời chu đất diệt quân cướp nước”…

Hồi ấy, làng trên xóm dưới ai cũng khen anh Tráng, chị Sẹo đẹp đôi. Chàng trai khỏe mạnh, tháo vát; cô gái con nhà nòi, hậu duệ năm đời ngài Thành hoàng làng, trẻ trung, xinh xắn dịu hiền, sáng sủa. Các cụ lão nông bảo rằng: con bé ấy “mỏng mày hay hạt” như hạt lúa, hạt ngô mày mỏng đều hạt, hứa hẹn những gì tốt đẹp khả năng duy trì phát triển giống nòi. Các bà thì bảo: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” nhà Sẹo này mắn đẻ lắm, hai cái mông bè ra kia là dễ đẻ. Thế thật, chưa cưới xin đã có chửa, hú vía may mà chỉ có hai người biết. Chả là thế này, Tráng được chú Phiêu giao cho chăm sóc con chim mồi, ngày đêm phải ở lều săn chim, nuôi cho chim mồi quen với vườn sú vẹt, dạy chim hót, dạy chim nhận tín hiệu mỗi khi có đàn chim trời bay lượn để tìm đường. đỗ xuống. Cách đó không xa, là lều chăn vịt của nhà Sẹo. Người săn vịt trời, người nuôi vịt nhà. Một buổi chiều sắp tối, mây ở đâu kéo về che kín cả vùng biển, gió giật, sóng lừng, biển động, mưa như đổ nước xuống. Sẹo không kịp lùa đàn vịt về làng. Thế là chúng chạy nhốn nháo, tan đàn, mỗi con một nơi. Tráng vội vàng chạy sang giúp, lùa bắt từng con. Xong việc thì trời tối om, quần áo hai người bị sú vẹt móc rách bươm, rét run cầm cập. Tráng nổi lửa sưởi ấm, hơ mảnh áo của mình cho Sẹo mặc. Váy bê bết bùn, nước nhỏ tong tong, ngượng ngùng xấu hổ không dám cởi ra, Sẹo vén lên từng đoạn hơ gần bếp lửa. Vô tình một mảnh bén lửa làm váy cháy đùng đùng. Hai người ra sức dập, nhưng rồi váy thủng lung tung, không còn gì để mặc. Tất cả lộ hết. Ôi từ bé đến giờ, Tráng mới thấy thân hình con gái đẹp lạ lùng, dưới ánh lửa bập bùng, làn da trắng ngần, “chỗ ấy” lấp lánh mầu hồng trong bụi lông thưa thớt. Không cưỡng nổi bản năng đàn ông, Tráng chồm sang ôm chặt lấy Sẹo. Sẹo vùng vẫy cưỡng lại, một lát, im lặng làm theo bản năng của đàn bà… Một tháng sau, Sẹo khóc lóc: “Chết rồi anh ơi! em tắt kinh..”. Tráng giật mình giây nát, rồi reo lên: “Cưới là xong?”. “Kín miệng thôi, gọt đầu bôi vôi thì chết”. “Sợ gì, có hủ hóa đâu”. “Vậy nhanh lên”. “Ừ!”. Hôm đám cưới xong, trước khi nhập phòng, mẹ Tráng đón ở cửa, đưa cho mảnh vải màn trắng tinh và dặn: “Lót cái khăn này vào con nhé!”. Tráng ngây thơ hỏi: “để làm gì ạ.”. “Tổ bố anh… sáng mai đưa cho mẹ”. Bà còn dặn thêm “Nếu con lấy nhầm vợ, thì cả cuộc đời, sẽ sống trong đau khổ đấy con ạ”. Suốt đêm bà ngồi nhà ngoài lo nghĩ, chờ đợi. Phen này nếu thật thì bị gọt đầu bôi vôi. Thằng Tráng sẽ bị phạt, nộp năm tạ thóc cho làng ăn khao. Mẹ con côi cút lấy đâu ra bây giờ. Linh tính đã cho bà biết, con gái lông mày dựng ngược lên như thế là có chửa rồi. Chưa biết có phải của nó không? Thương con bà chỉ lặng lẽ, cắn răng chịu đựng.
Cầm mảnh vải màn đến bên vợ, Tráng thở dài: “Nguy rồi, làm thế nào bây giờ, còn trinh đâu mà tiết”. Hiểu chuyện, Sẹo cười: “Đã có cách…”. Đêm đó hai vợ chồng thả sức vẫy vùng, một “tăng”, hai “tăng”, trước khi gà gáy sáng còn dấn thêm “tăng cuối”. Mảnh vải màn nhầu nát dính mấy giọt máu. Thì ra Sẹo đã lấy kim châm vào đầu ngón tay để lấy máu. Sáng tinh mơ, Tráng mở cửa đưa cho mẹ. Bà reo lên vui mừng, vội vã sắp lễ cho con về nhà lại mặt. Đoàn nhà trai mũ áo chỉnh tề đi qua đình làng sang nhà gái. Đi đầu là bà mối, đội mâm xôi trên đặt thủ lợn. Các chức sắc ngồi trong đình, háo hức ngó ra xem xét. Trương tuần đứng ở cổng đình xướng to: “Bẩm các cụ đầu lợn quay đi ạ”. Có tiếng ai đó: “Nghĩa là sao?”. “Còn trinh chứ sao nữa!” Tất cả ồ lên một tiếng rồi chép miệng nuốt nước bọt, lục tục ra về. Từ ngày đó bà mẹ Tráng rất quý trọng con dâu, bà dạy Sen xe cói, dệt chiếu, hát ví dặm, hát đối. Ở đâu có hội làng, hội xuân, hội vào mùa…là hai mẹ con có mặt. Sen được cả tài lẫn sắc. Người ta nói đúng, hai cái mông bè ra là dễ đẻ: Thằng Còi đẻ ở lều săn chim dễ như gà. Đẻ cái Mận, đang đi bán chiếu ngoài chợ, tụt ra đũng quần phải túm ống chạy về…

Còn đợt này sao khó thế, quằn quại mãi vẫn không xong. Những vết xước tứa máu, đau như dao cắt, chị cố nghiến răng gọi:

– Mận ơi…đã tìm được bà đỡ chửa, mau lên mẹ chết mất?

– Tìm ai bây giờ hở mẹ? Mận vừa nói vừa khóc.

– Nhật nó đi chưa? im tiếng súng rồi đấy. Bà Đỡ ấy, hỏi ai đó người ta chỉ cho.

– Chẳng biết được. Mẹ cứ nằm ở đây nhé.
Nói rồi, Mận run rẩy đứng lên, chần chừ chưa biết làm gì, chưa biết tìm bà Đỡ ở đâu. Cả làng, cả xóm im phăng phắc chỉ nghe thấy tiếng lửa cháy từ nhà mình, nổ đồm độp và mùi khói khét lẹt súng đạn. Liều mạng, Mận chạy băng qua đường, từ bé đến giờ có biết bà đỡ là như thế nào đâu, vừa chạy, vừa nghĩ, chỉ có cách như thế này thôi. Thi thoảng Mận theo mẹ sang nhà cụ Tiên Hách. Mẹ đi cấy cho nhà cụ, Mận ngồi băm rau lợn và tuốt lúa. Con đường từ đây đến nhà cụ Tiên Hách, Mận quen thuộc lắm rồi, bây giờ đành đến nhà cụ cầu xin. Vậy thôi…

Cụ Tiên Hách là một vị chức sắc trong làng, nghe hách ai cũng sợ nhưng cụ hiền hậu dễ tính, thương người. Nhà giầu nhất vùng này, ruộng đất chạy dài theo bờ biển, ao đầm, đếm không xuể. Nghe người ta đồn rằng: Ngày ấy, cửa sông Cái là vùng nước lợ, mỗi năm từ thượng nguồn đổ về mang theo rất nhiều phù sa, bồi đắp cao dần, đẩy nước biển ra xa, mỗi năm mấy sải chân. Ông nội cụ Tiên Hách khoanh vùng, cho trồng cói và đích thân về Ngân Sơn học nghề dệt chiếu. Cụ phân công, cánh đàn ông khỏe mạnh ngoài việc đi biển còn phải đảm nghề trồng cói, trồng đay lấy vỏ. Cánh đàn bà, trẻ em phơi cói, chọn cói và ngồi khung dệt, cả làng ai cũng phải để tâm vào việc dệt chiếu, dần dà thành nghề không đâu sánh được. Lúc đầu chỉ đủ chiếu cho dân làng sử dụng. Sau cụ mở mang, có nhiều chiếu mang ra chợ huyện bán, rồi nổi tiếng chiếu đẹp, tiện lợi, không phải nằm ổ rơm. Tiếng lành đồn xa, người người khắp nơi đổ về lấy chiếu của cụ. Cụ là người đầu tiên mở chợ âm phủ, chuyên chỉ có bán chiếu từ gà gáy canh hai đến canh ba là cùng. Trời tối đen như mực, ngửa lòng bàn tay còn không thấy. Không gian tĩnh lặng cộng với giá buốt trong đêm, người ta lò dò trong bóng tối dày đặc. Người gáng, người vác vài đôi chiếu cói mộc hay còn gọi là chiếu trắng đi chợ. Dưới ánh sáng trăng lờ mờ, tiếng í ới, hỏi han, chèo kéo làm khu chợ ồn ào. Hàng dẫy chiếu dựng đứng lên, che khuất cả người bán chỉ còn cái mặt. Người ta có cảm giác những đôi chiếu này dường như “có ma”. Người mua sờ soạng chọn chiếu, phân biệt chiếu đẹp, chiếu mịn, chiếu êm, đều bằng đôi tay điêu luyện. Chính vì vậy được gọi là chợ âm phủ.
Cụ là tướng quân đi dẹp loạn đã có công bắt được Phan Bá Vành, được Ngài Doanh điền Nguyễn Công Trứ phong thưởng. Cụ đã cầm cây lao, phóng về bốn phía đông, tây, nam, bắc. Cây lao đến đâu là ruộng đất của cụ đến đó. Cụ dành một khu đất rộng, đẹp nhất ở giữa làng để xây chùa. Trai tráng trong làng mỗi người một việc. Người lên rừng lấy gỗ, kéo về những cây lim, cây táu to hai ba người ôm để làm cột, làm xà. Đàn bà xếp hàng dài, mỗi người cách nhau một sải tay, từ bến thuyền vào chùa để chuyền vật liệu gạch ngói. Mở mấy lò nấu mía lấy mật xây tường. Công việc đang hòm hòm, một nhóm người đánh cá phát hiện, một pho tượng Phật bằng gỗ đang trôi dập dềnh ngoài biển. Mặc dù sóng lớn nhưng pho tượng Phật cứ dập dềnh trôi ngược vào bờ, chứ không bị sóng cuốn ra ngoài. Thấy sự lạ, mọi người chèo thuyền ra để vớt tượng, hàng chục con thuyền không thể tiếp cận được pho tượng. Phải gần hết buổi, đến khi mặt trời sắp lặn mới rước về đến chùa. Tượng Phật Bà làm bằng gỗ quý, đứng trên một đóa hoa sen, cao hai thước sáu tấc, nặng bẩy mươi mốt cân, bề ngang sáu mươi hai tấc. Các con số đều có tổng là tám, được trời đất phù hộ. Nguyên bản dáng đứng của Phật Bà Quán Âm, tay cầm bình nước cam lộ. Khi thỉnh tượng về Tam bảo, trên tượng chi chít những vết xây xát, nói lên rằng “Mẹ” đã phải gánh chịu bao nỗi khổ, hứng chịu nỗi đau trên thế gian này. Điều đó cũng chính là “hạnh” vị tha của Quán Thế Âm. Cụ thỉnh Hòa thượng trụ trì chùa Diên Ứng ở trung tâm hành đạo Luy Lâu, về làm lễ hô thần nhập tượng, khai quang an vị và đặt tên chùa là Phong Điền. Phong là phong lưu giầu sang. Điền là đất. Nghĩa là đất này sản vật dồi dào, con người phong lưu, giầu có. Để thức tỉnh mọi người tinh tấn tu hành, vượt qua mọi đau khổ trong thế gian, hàng ngày tiếng chuông từ ngôi chùa, được gióng theo thời khóa nhất định. Mỗi ngày hai thời. Mỗi thời đánh một trăm linh tám tiếng chuông. Tiếng chuông được gióng lên cùng lời cầu nguyện cho chúng sanh an lạc. Dân làng ngày ngày ra khơi đánh bắt cá, cái nghề, quanh năm chung sống với sóng to gió dữ, vì vậy lời kinh tiếng kệ cầu an, cầu cho đất trời phù hộ không thể thiếu vắng mỗi khi chồng ra khơi. Người vợ thường gửi lời cầu nguyện lên Phật Bà Quan Âm. Cứ như thế, ngày qua ngày, năm qua năm, hình ảnh Phật Bà đã in sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây, cùng những câu chuyện huyền diệu, linh thiêng…

Bây giờ cụ Tiên Hách được thừa hưởng tất cả, không một ai dám ho hoe. Mấy năm trước còn đương vị Tiên chỉ, cụ luôn che chở cho mọi người: chức dịch, dân công, thuế má đều né tránh, giảm nhẹ cho dân. Ai cũng quý mến cụ. Nhà cụ lúc nào cũng cao cổng kín tường, bọn lý trưởng, trương tuần không bao giờ dám bước chân vào, nếu như không có phép của cụ. Tây đồn, Chánh tổng mỗi khi về làng hạch sách thuế má, phu phen đều phải nể mặt cụ.
Suy nghĩ lan man một hồi, Mận đẩy cánh cổng nhà cụ Tiên Hách chạy vào, chó sủa mấy tiếng nhận ra người quen nó cum cúp nằm vào một góc. Mận lao vào, quỳ xuống dưới chân cụ bà Tiên Hách khóc lóc:

– Cụ ơi, cụ cứu mẹ cháu với.
Bà Tiên Hách nhẹ nhàng hỏi:

– Mẹ mày làm sao?

– Thưa cụ, mẹ cháu đẻ em bé, sắp chết rồi ạ.

– Ở đâu? Bà Tiên hỏi dồn

– Thưa cụ, ở ao chùa ạ.

– Đã tìm bà Đỡ chưa?

– Dạ cháu không biết bà ấy ở đâu ạ. Mận khóc hu hu van xin cụ giúp.

– Loạn lạc thế này biết đâu mà tìm. Thôi được dẫn tao đi.
Bà vội vã cùng anh Hòa tá điền ba chân bốn cẳng chạy về phía ao chùa.