GIAI THANH

Quỳ gối cũng như khóc vậy. Có những hành động quỳ gối thể hiện sự bao dung, lòng thương yêu và kính trọng chứ không hẳn là hèn hạ, khuất phục; có những giọt nước mắt thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ, sự đồng cảm sẻ chia chứ không chỉ có đớn đau tủi nhục.
Những ngày gần đây dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ trước sự việc một phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) đã có những lời lẽ, hành động nhằm ép buộc một giáo viên của con mình phải quỳ gối xin lỗi. Lý do bởi cô giáo đã bắt một số học sinh, trong đó con của vị phụ huynh này phải quỳ trước lớp vì vi phạm kỷ luật. Sự việc này là hệ quả của hai hành động ứng xử thiếu chuẩn mực trong vô vàn những hành động lệch chuẩn diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong xã hội ta hiện nay.

Việc thầy, cô giáo bắt học sinh phải quỳ khi vi phạm kỷ luật là hoàn toàn sai cả về phương pháp sư phạm lẫn quy tắc ứng xử. Hành vi này có lẽ được “kế thừa” từ những hành vi như véo tai, gõ thước kẻ… những năm trước đây của các thầy cô khi học sinh phạm lỗi. Dù những hành vi đó xuất phát từ mong muốn các em học sinh ngoan hơn, học giỏi hơn…nhưng những hành động như thế này, chứng tỏ sự kém cỏi về năng lực sư phạm của giáo viên và làm tổn thương nhân cách học sinh.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến, đọc được ở đâu đó những hành động quỳ gối như hình ảnh người mẹ quỳ gối đưa võng, đưa nôi nâng niu giấc ngủ con thơ; những người lính quỳ gối nâng đỡ đồng đội khi bị thương; những nhà vô địch quỳ gối rưng rưng nước mắt hạnh phúc trước lá cờ Tổ quốc… Vậy quỳ đâu phải là việc đau lòng hay nhục nhã, mà quỳ gối là sự thể hiện tấm lòng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người quân tử. Còn trong trường hợp này, cô giáo đã đánh mất lòng tự trọng, danh dự của người giáo viên khi quỳ gối trước sự uy hiếp của kẻ khác.

Việc phụ huynh học sinh bắt cô giáo phải quỳ giống như khi cô giáo bắt học sinh quỳ là một hành động sai trái, không thể lấy cái sai này để sửa chữa cho cái sai khác. Khi cô giáo vứt bỏ đi lòng tự trọng của bản thân, phải quỳ gối xin lỗi thì các phụ huynh mong chờ gì khi gửi gắm con mình trong ngôi trường với những người thầy như vậy?

Cùng một hành động, phụ huynh đã tước bỏ của con cái mình lòng biết ơn và nghĩa thầy trò thiêng liêng được vun đắp bao đời nay. Họ đã hủy hoại nền tảng đạo lý của các mối quan hệ gia đình – nhà trường; thầy cô – học sinh; cha mẹ và con cái và như vậy, trong tương lai đứa trẻ có cần biết đến tôn sư trọng đạo và lòng biết ơn cha mẹ hay không? Với cách dạy dỗ và ứng xử như thế này, có lẽ các em sẽ trở thành những người không cần biết ơn bất kỳ ai và chẳng còn điều gì thiêng liêng trong cuộc sống.

Nhân cách của con người nói chung và nhân cách của giáo viên nói riêng là công cụ giáo dục quan trọng nhất để biến đứa trẻ trở thành người tử tế và có ích cho xã hội mai sau. Một học sinh có cô giáo và cha mẹ như vậy không hiểu sau này học sinh đó sẽ lớn lên và trở thành người như thế nào?

Đời sống xã hội ngày một phát triển, con người nói chung và trẻ em nói riêng luôn là đối tượng được quan tâm chăm sóc nhiều nhất. Các bậc làm cha, làm mẹ trong từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể luôn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất, nhưng tình yêu thương đó khi biến thành cung phụng, chiều chuộng sẽ làm cho trẻ sống ích kỷ và lười nhác. Để giáo dục một con người, cần sự quan tâm khăng khít giữa gia đình và nhà trường, cần thông cảm và chia sẻ với nhau để tránh những tổn thương không đáng có làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài