Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trương Anh Quốc.

Gồm các truyện ngắn sau:

– Bà lên máy bay

– Thẻ an toàn

– Mát xa Pattaya

– Thiên minh minh Địa minh minh

– Cuộc vượt biển

Nhà văn Trương Anh Quốc sinh 1976 tại Quế Sơn, Quảng Nam

Tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện trường Đại học Hàng Hải phân hiệu tại tpHCM.

Bắt đầu viết văn khi còn là sinh viên.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ

Tác phẩm đã xuất bản:

1. Tập truyện ngắn Sóng biển rì rào, nxb Trẻ 2005

2. Tập truyện ngắn Lũ đầu mùa, nxb Trẻ 2007

3. Tiểu thuyết Biển, nxb Trẻ 2010

4. Tập truyện ngắn Hợp đồng chiều thứ bảy, nxb Trẻ 2013

5. Tiểu thuyết du ký Sóng, nxb Hội Nhà văn 2019

Giải thưởng:

1. Giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 do Hội nhà văn tpHCM, nxb Trẻ và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức năm 2010 với tiểu thuyết Biển.

Từng là thủy thủ viễn dương, và làm việc trên giàn khoan dầu trong thời gian dài, hiện nhà văn Trương Anh Quốc làm việc tại công ty vận tải Xăng dầu Vitaco. Anh thích đi du lịch và đã đặt chân lên hơn 50 quốc gia khắp năm châu bốn biển. Anh viết đủ các thể loại, đề tài nhưng khi viết về biển thì đúng sở trường nhất.

Lợi thế của Trương Anh Quốc là ở khía cạnh được chiêm nghiệm suy ngẫm rất sâu về biển, khi nhiều năm tháng cứ lênh đênh trên những con tàu và ở giữa những giàn khoan.

Nhà văn Trương Anh Quốc phát huy lợi thế thực tế nghề nghiệp. Anh luôn kể những câu chuyện có thể bắt đầu ở bất cứ khúc nào, đầu cuối hay giữa chuyện. Trương Anh Quốc lênh đênh trên biển nhiều, nên những truyện viết có biển làm hình ảnh, thì đều là những hình ảnh thanh âm thực mà anh đã từng trải qua, lặn ngụp, chứng kiến.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

Đọc Trương Anh Quốc, cứ có cảm giác Quốc đang mủm mỉm cười, đôi mắt sáng ánh lên muôn vàn ý nghĩ khác biệt, được giấu rất ý nhị sau vẻ ngoài lành hiền của một chàng trai xứ Quảng sống ở đất Sài Gòn hoa lệ, nhưng cuộc mưu sinh lại đầy kỳ linh kỳ ảo. Đó là công việc thường xuyên lênh đênh trên sóng nước nhiều ngày nhiều tháng, khi có thể liên lạc được về đất liền, thì gọi cho người thân bạn bè, vẫn giọng nhẹ nhàng thản nhiên như đang đi trên phố.

Vì thế mà văn phong Trương Anh Quốc không hề đơn giản. Những câu chữ đã vượt thoát qua những con sóng nên chứa chất đầy suy tư, những trải nghiệm của cuộc sống không yên bình, hàm chứa chữ nhân chữ trí.

CUỘC VƯỢT BIỂN

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

Adeva ngồi nghỉ dưới tán lá cọ ven đường. Thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt, trời càng ngày càng nắng nóng. Tán lá cọ này năm ngoái còn sum sê xanh ngắt, nay lá lưa thưa, ngọn tóp dần. Chưa bao giờ Adeva phải đi lấy nước xa đến thế này, những năm khô hạn lắm cũng chỉ lấy để uống thôi. Bây giờ ra tận ốc đảo lấy nước tưới cây. Mà đâu phải nước có sẵn, Adeva phải đào giếng sâu đến mấy chục mét mới có nước đấy!

Adeva dựa lưng vào gốc cọ xù xì, nghĩ mà tiếc cho vườn chà là đang trổ hoa trắng tinh, khô hạn sẽ không đậu quả nào, mất trắng là điều khó tránh. Mấy thùng ô liu nước này có thấm tháp vào đâu. Chà là sẽ chết, vườn cây sẽ biến thành sa mạc như sa mạc mênh mông kia thôi! Adeva nhìn ra phía xa, sa mạc vàng au trập trùng, vài bụi gai khô quéo. Gió cuốn theo bụi cát mịt mù. Cơn đói làm anh thấm mệt, thiếp đi lúc nào không hay.

Có lời phán trong tiếng gió: “Hãy đi về phương Nam, ta cho ngươi đất ấy”. Mừng quá Adeva nhổm dậy, bỏ mấy thùng ô liu đựng đầy nước dưới tán lá cọ, cầm gậy gỗ sồi gia truyền, bước chân vô định.

Xuôi xuống phía Nam, dọc theo hướng này sẽ có sông, phần lớn các con sông đều chảy về hướng nam. Đấy mới là nơi đem lại sự sống ấm no. Dọc đường đói bụng Adeva bứt lá cây mà ăn, có khi qua vườn trái lủng lẳng trên cành, nhỏ dãi nhưng Adeva không dám hái trộm, ngay cả trái rụng dưới đất cũng chỉ đưa mắt nhìn, chẳng dám sờ đến. Ở xứ này kẻ trộm sẽ bị chặt cánh tay phải, cụt tay phải chỉ có thể ăn được bằng tay trái, bốc cơm ăn bằng tay trái sẽ bị thánh quở mắng. Người cụt tay phải không dám ra chỗ đám đông, trẻ con ném đá đàn bà nhổ vào mặt, nhục lắm! Adeva dún xương sống rùng mình, nghe sau gáy lạnh toát.

Theo con đường mòn, Adeva bước theo bóng những chiếc xe chở hoa quả trong trang trại đi ra. Xe rồ ga, bụi bay mịt mù. Nhìn theo xe nghe mùi trái cây chín thơm lựng mà thèm thuồng. Mặt trời sắp lặn, Adeva dừng lại nghỉ chân bên gốc vả cổ thụ, hướng mặt về phía mặt trời cầu nguyện. Chợt thấy phía trước có bầy chó hoang đang cắn nhau ủng ẳng, hình như chúng đang tranh giành thứ gì. Chó chỉ giành nhau miếng ăn và con cái. Đôi khi chó hoang còn cướp con và giành cả quyền nuôi con. Mùa nắng nóng này không phải mùa sinh sản, cũng không phải là mùa động dục. Nhất định là giành ăn!

Bàn chân mệt mỏi cố bước vội đến, thì ra bầy chó đang giành trái cây thối người ta vứt bên vệ đường. Adeva xông tới. Thấy người hành khất mặt mày mốc meo nhàu nhĩ giơ cao gậy sồi như thiên lôi giương lưỡi tầm sét chúng nhe răng gầm gừ rồi thụt lùi một quãng đứng nhìn lại giận sôi gan ứa máu. Con người là đáng sợ nhất, tranh nhau tay đôi con người luôn giành phần thắng! Mắt những con chó hoang như những đốm lửa sáng xanh lè. Nước bọt nhỏ xuống đám cỏ khô vương vãi. Dính phải nước bọt của chó điên cũng điên như chó mất. Nhưng còn biết sợ người ắt chúng không phải là chó điên được. Adeva nhảy bổ tới vồ lấy trái, phủi phủi bụi đưa lên miệng lủm, nhai ngấu nghiến, nuốt lấy nuốt để. Trái cây thối cũng làm cho Adeva đỡ khát, bụng thôi không cồn cào nữa.

Adeva bước theo bóng những chiếc xe như bị thôi miên xuống tận mép cảng. Nước triều đang xuống từ từ, bầy cá thòi lòi nhảy tí tách, trườn mình lên bãi bùn. Cua cáy còng bò lồm cồm. Muốn lắm nhưng Adeva không dám lội bùn để bắt, người ta sẽ phát hiện mà tóm cổ. Đứng bên ngoài hàng rào Adeva nhìn thấy mồn một chiếc tàu to đùng như một ngôi trường đèn sáng choang bóng lộn, có người đi lại trên mặt boong sáng loáng, mấy viền phản quang trên quần áo bảo hộ lấp lánh. Sau đuôi chiếc tàu treo cờ không giống cờ nước mình, Adeva mơ ước được leo lên con tàu ấy biết chừng nào. Adeva lại làm dấu thánh lẩm bẩm cầu nguyện.

Có tiếng đằng hắng phía sau lưng, một bóng người vác súng dạo loanh quanh sau đó leo lên vọng gác gỗ. Sợ quá Adeva lủi vào núp trong một bụi sậy kín bưng cạnh hàng rào kẽm gai. Bây giờ đi ra cũng sẽ bị bắt mất. Hay là mạo hiểm trèo lên con tàu bóng lộn kia? Nhưng làm sao trèo lên cho được? Mệt quá ngủ trong bụi sậy lúc nào chẳng hay cho đến lúc bầy chuột cống rúc rích kêu túc túc Adeva mới giật mình thức giấc. Nhìn lên vọng gác không thấy ai, nhìn quanh chẳng có bóng người nào, thế này là tốt rồi. Thánh thần đã giúp mình! Nghĩ vậy Adeva sọ sẹ trèo rào đu theo dây buộc mà leo lên tàu, núp vào một cái kho đựng đồ đạc lỉnh kỉnh Adeva chưa từng thấy bao giờ. Chui vào sát góc lấy bao gai, giẻ ngụy trang lên người như tắc kè hoa trên sa mạc trốn kẻ thù, nằm im thin thít. Được một lúc có người lại tắt điện đóng cửa kho lách cách.

Tiếng máy bỗng nổ rền kèm theo tiếng còi hụ inh ỏi. Adeva sợ quá không dám nhúc nhích, thu mình cho nhỏ hơn. Nghe tiếng chân vịt đạp nước roàng roạc, có lẽ tàu rời cầu cảng khởi hành đến một nơi nào đó thật xa.

Tối om om. Mùi gỉ sét của đồ đạc hăng hắc cùng mùi dầu mỡ khó chịu nhưng được cái vắng vẻ. Dỡ giẻ trên mặt cho dễ thở. Vắng quá! Adeva chợt nhớ tới vườn chà là trổ hoa đang chờ mình tưới nước và chăm sóc. Mùi gỉ sét làm Adeva nhớ tới mùi khói phân lừa đốt để đuổi muỗi hằng đêm; nhớ ánh mắt sâu thẳm của cô gái lớn con ông chủ trang trại cưỡi lừa nhìn như thiêu đốt… Ta gắng sức lao động, sau này sẽ giàu có, có trang trại, nhất định ta sẽ cưới nàng làm vợ…  Adeva ngồi bật dậy, cô con gái lớn ông chủ trang trại đã đi mà không chào tạm biệt. Buồn quá Adeva chỉ biết mò mẫm, sờ mó cho đến lúc thuộc từng đồ vật trong kho. Bây giờ ta là chủ cái kho nhỏ này. Ha ha ha!

Adeva lăn ra ngủ một giấc ngon lành. Sao hôm nay lại ngủ nhiều đến thế? Đến khoảng nửa đêm giật mình khi có con gì nhảy trúng vào mặt. Phản xạ tự nhiên, Adeva nhanh tay chụp lấy. Thì ra là một chú dế. Thánh đã thương xót cái bụng Adeva đói. Một tay Adeva làm dấu thánh xong liền ngắt cánh, bỏ tọt vào miệng, nhai rau ráu, trúng trứng dế lụp phụp, ngọt xợt, thơm phức.

Bên ngoài có tiếng dế kêu văng vẳng. Phải rồi, đang là mùa dế than, mùa trăng sáng này dế thi nhau tìm bạn tình, gáy suốt cả đêm ròng. Con trống ra cửa hang quay đầu vào trong, chổng đít lên trời gáy tha thiết, gáy đến rỗng cả ruột. Con mái nghe tiếng gáy ở đâu khỏe nhất thanh nhất hay nhất là tìm đến. Dế trống dắt dế mái vào hang, đến tận tổ uyên ương lót bằng cỏ khô, có sẵn thức ăn cỏ thơm. Sau đó dế trống quay ra lấp hờ miệng hang lại. Cứ ôm nhau ăn ngủ ở đó mà đẻ trứng. Cũng có khi vài dế mái tới cùng lúc, dế trống phải dắt đặt mỗi nàng ở mỗi tổ khác nhau. Đôi lúc đêm khuya chờ cho dế mái ngủ say, dế trống đi tìm cỏ tươi và bắt thêm vợ mới.

Tàu có ánh sáng của mấy đèn cao áp nên dế đã bay xuống tụ tập. Tàu rời cảng đã mang theo những chú dế này. Tàu là một khối sắt dế không thể đào hang được nên giành nhau từng hốc vắng. Áp tai vào vách nghe tiếng dế gáy thanh lắm. Adeva bò dậy mở cửa, phải ra ngoài bắt dế ăn thôi. Cánh cửa đã khóa bên ngoài, cứng ngắc. Quay trở lại, hết nằm lại ngồi chờ cho trời sáng. Bên ngoài dế kêu tìm bạn tình, như một giàn nhạc giao hưởng.

Trời sắp sáng, Adeva ngụy trang lại một cách cẩn thận. Kín mít. Kín thế này sức mấy nhìn thấy được! Buổi sáng thật yên ả. Chừng nửa buổi có người mở kho. Adeva nín thở. Họ có phát hiện ra mình không? Cũng may họ chỉ lấy dụng cụ đi làm chứ không xem kỹ. Nghe tiếng chửi:

–  Mẹ, đứa nào vứt giẻ bừa bãi thế không biết!

Cánh cửa đóng sầm. Được thở một chút không khí trong lành vừa bay vào, Adeva thấy dễ chịu hẳn. Cứ để cửa thế này thì tối nay sẽ được một bữa dế no bụng, Adeva mừng thầm. Quả đúng như thế, đến chiều cũng cái tiếng bước chân chắc nịch của người khi sáng, gót giày chậm chạp trên mặt boong thình thịch, có lẽ chiều nay anh ta làm việc nhiều nên bước chân mới nặng nề thế. Anh ta mở cửa liệng một vật nặng vào trong kho, hình như là cái búa. Bị liệng trúng bụng nhưng Adeva cắn răng không dám kêu. Cửa kho lại đóng sầm nhưng không nghe tiếng lắc cắc. Không khóa! Tàu chạy trên biển thì khóa làm gì chứ!

Chờ cho trời tối hẳn Adeva mở cửa bước ra. Chao ôi là thích! Trăng sao sáng giăng trời, mặt biển phẳng lặng đen thẫm như một thảm lụa. Chốc chốc con tàu lắc, trăng sao chao nghiêng, sáng nhòe. Nhưng thật lạ, không còn nghe tiếng dế gáy, tìm các ngóc ngách cũng không thấy một chú dế nào. Có lẽ hôm nay người trên tàu đã phun thuốc diệt và quét dế xuống biển hết cả rồi. Lúc chiều nghe tiếng được tiếng mất, rằng phải bắt hết dế chứ đến cảng mới có xác sinh vật sẽ không được nhập cảnh lại còn bị phạt nặng.

Khuya. Đói cồn cào. Thậm thò. Nghe vắng lắm nên đánh liều mở cửa lò dò bước vào trong cabin. Đứng rình ở đằng sau cánh cửa lâu lắm không thấy bóng người. Tiến sâu vào trong. Gặp buồng thay áo quần bảo hộ lao động, mừng quá chộp lấy một bộ mặc vào, lấy thêm cái mũ bảo hộ trên nóc tủ đội, nhìn trước ngó sau, khẽ bước lên cầu thang.

Tầng trên cũng vắng ngắt. Giờ này người ta đi ngủ cả rồi. Ngang qua nhà ăn, Adeva núp bên cánh cửa, thấy có người bưng bánh mỳ nướng thơm phức cùng mấy quả trứng để lên bàn rồi vào bếp nấu nướng gì thêm. Ngủ gục gặp chiếu manh! Cơn đói cồn cào, nuốt nước bọt đánh ực. Adeva cầu nguyện xong thoắt cái đã lẻn vào bốc hết mấy lát bánh mỳ và hai quả trứng, nhanh chóng chạy xuống cầu thang, ra ngoài mặt boong ăn lấy ăn để như sợ người khác giật lại. Adeva ăn xong, cầu nguyện xin thượng đế tha thứ cho cơn đói đã cám dỗ mình. Anh ta đấm vào ngực thình thịch, ăn năn lắm.

Cái anh chàng kia từ trong bếp đi ra lẩm bẩm: “Mình đãng trí thật, nhớ là đã mang bánh mỳ nướng ra ngoài rồi kia mà”. Anh ta quay trở vào lò nướng tìm. Cái lò nướng còn nóng hổi thế này. Anh ta vỗ vỗ lên đầu: “Mình bị điên rồi chắc!”. Lấy bánh mỳ nướng lại lần nữa, mang ra bàn, anh ngạc nhiên hơn khi nhìn kỹ thấy chỉ còn một quả trứng. Giờ này có ai còn thức đâu mà lấy mất? Người nào lấy cũng nói một tiếng chứ. Chuột tha à? Làm gì có chuột nào. Như là có ma. Mẹ! Bố chúng nó! Anh ta cứ lầm bầm chửi.

Sáng hôm sau có người kêu oai oái lên rằng ai lấy lộn đồ bảo hộ, mới giặt treo đây mà đâu mất. Sao lạ thế, đã ghi tên bằng bút sơn lên lưng áo rồi kia mà. Trước nay có bao giờ như thế đâu. Càng chạy lên phía bắc trời càng mát, buổi tối gió biển hơi se se lạnh. Có bộ đồ Adeva bớt lo. Cái hốc kho chẳng ai chú ý tới. Đêm đêm chờ cho mọi người ngủ say, Adeva lẻn lên nhà ăn lấy thức ăn. Cũng chẳng mấy lúc tàu đã đi thật xa.

Adeva đã tính chuyện chuyển đi trú nơi khác, ở lâu mãi một chỗ cũng không tốt. Tàu rộng thế này chẳng lẽ không có chỗ nào tốt hơn? Mấy đêm lần mò chưa thấy ở đâu tốt hơn cái kho này, cái kho vừa trống mà vừa kín, rất an toàn.

Một buổi sáng Adeva còn ngủ nướng thì nghe tiếng cười nói ồn ào trước cửa kho. Lấy đồ đạc đi làm nữa à? Cứ tự nhiên lấy! Nhưng họ không vào lấy đồ mà chỉ mở cửa móc chốt cài rồi đứng miết đó.

–  Thông gió ít nhất 5 phút.

–  Mười phút cho tốt! Từ từ làm, nôn chi! Cả ba chúng mình làm một ngày thong thả mà.

Thì ra họ thông gió kho. Gớm, ta nằm trong này bao lâu nay có mà chết nhăn răng rồi à. Nhưng rồi Adeva chợt hốt hoảng, tim đập loạn xạ. Họ vào làm gì mà cả ngày? Nhất định họ sẽ phát hiện ra ta. Adeva vén tấm giẻ hé hé nhìn ra ngoài. Có tới ba người đang đứng ngáng lù lù trước cửa, một người mang đôi ủng còn đạp một chân lên bậc cửa thấy mà ghét. Hay là ta vùng dậy chạy? Mà chạy đi đâu được! Chạy cũng chẳng đẩy được cái thằng to béo ướm chừng lấp kín cái cửa kia được. Adeva làm dấu thánh cầu nguyện rối rít.

Cái kho bé quá thánh cũng không giấu được Adeva. Ba anh chàng to béo vào kho như trâu vô vườn. Họ mang các đồ gỉ sét ra ngoài để sơn lại, sắp xếp kho gọn gàng ngăn nắp. Adeva nổi da gà, nằm nín thở như chết. Người béo nhất thu giẻ hét toáng:

–  Một cái xác chết!

Anh ta vọt chạy ra ngoài. Ngó to con thế mà cũng nhát gan thật! Những tưởng hai anh chàng kia cũng bỏ chạy. Nhưng không.

Adeva bị bắt giải lên buồng lái. Thuyền trưởng Peto xem xét một hồi, sống mũi cao này, râu quai nón rậm này, cặp chân dài này… Hãy đối xử tử tế với anh ta! Theo lệnh thuyền trưởng, Adeva được đối xử rất tử tế.

Mọi người trên tàu ngạc nhiên, sao thuyền trưởng lại đối xử tốt với kẻ vượt biên? Ông ta sẽ báo chính quyền cảng sắp đến hay đưa lên bờ bán hắn như bán nô lệ? Thuyền trưởng bàn với đại phó Leo. Mình đã để người vượt biên lên tàu mà không báo, phóng lao thì phải theo lao, thôi thì gởi cho xe tòa thánh hay mafia xuống dắt hắn đi. Hay là… Thuyền trưởng Peto ghé tai đại phó Leo nói thầm…

Nói thầm thế mà Adeva cũng nghe, họ đâu biết rằng tai Adeva rất thính. Rằng Adeva sẽ được đưa lên đóng phim. Cái mũi anh ta dài lại to thế kia, râu quai nón và chân mày rậm như sâu róm thế kia! Hàng độc! Các diễn viên châu Âu cũng sẽ bái phục. Phim anh ta đóng sẽ bán rất chạy. Trước tiên phải tung anh ta lên mạng để mồi, không khéo chúng ta là những người phát hiện ra một tài năng trong làng điện ảnh cấp ba. Có nghề nghiệp, có tiền bạc, anh ta sẽ là người của công chúng, một công dân toàn cầu. Ước gì mình được như một phần của anh ta. Hèn gì mỗi lần nhìn anh, ngài Peto và Leo cứ trầm trồ; hèn gì mấy bữa nay họ cho mình ăn ngon, uống rượu vang đỏ và xem phim tươi mát, cấp độ càng lúc càng tăng. Adeva không màng tới rượu và phim sex, quyết không phạm giới. Adeva rùng mình khi nghĩ đến cảnh mình đóng phim sex đầy tội lỗi bèn nhắm mắt đưa tay làm dấu cầu nguyện liên tục.

Tàu cập cảng, sau khi làm thủ tục xong, thuyền trưởng Peto sẽ bí mật gọi người đến để đưa đi. Khi thuyền trưởng đến phòng thì Adeva đã trốn đi tự lúc nào. Bộ đồ anh ta cởi bỏ lại đó. Anh ta đã lên bờ? Thế này thì hỏng hết! Nhưng khó thể có người nào lên bờ được khi lực lượng bảo vệ và chính quyền cảng nghiêm ngặt như thế, một con rắn mới nở cũng khó thoát qua được. Thuyền trưởng lên buồng lái dòm quanh, họa may có thấy Adeva đâu không.

Kìa anh ta kìa! Sao anh ta lại leo lên cột đèn trước mũi thế kia? Thuyền trưởng cầm ống nhòm, chỉnh chỉnh tiêu cự nhòm cho rõ. Đích thị anh ta rồi. Anh ta thần kinh rồi chắc! Thuyền trưởng gọi qua máy bộ đàm rằng mọi người hãy ra mũi tàu đưa anh ta xuống kẻo ngã.

Adeva không một mảnh vải che thân, chân dài lòng thòng, vướng thế sao anh leo lên được cột cao, tay cầm một miếng vải trắng, hình như là cái áo cũ trong kho, làm cờ huơ qua huơ lại và lu loa rằng người trên tàu đối xử rất tệ với anh, nhất là thuyền trưởng, họ đã vi phạm nhân quyền. Adeva biết rằng nước sở tại rất văn minh luôn bảo vệ dân quyền, cho dù là người nước nào cũng được bảo vệ. Kẻ thù đến nhà cũng là khách quý huống chi là một kẻ đói rách đang cần sự cầu cứu như mình. Anh ta có ảo tưởng quá không?

Thuyền trưởng mang giày đội mũ bảo hộ đích thân ra tận nơi, đứng dưới cột đèn chỉ tay quát:

–  Tôi là thuyền trưởng Peto. Adeva tuột xuống ngay!

–  Hãy ra lệnh cho đám thủy thủ của ngài đi! Đây không thuộc quyền chỉ huy của ngài. Đây cóc sợ!

Mọi người cười ồ còn thuyền trưởng Peto nghe mặt nóng ran. A, cái thằng này láo! Mày ăn cháo đái bát phải không? Cái quân ăn cắp! Ăn cắp lòng tốt của kẻ khác. Biết thế tao vứt quách mày xuống biển làm mồi cho cá chứ nuôi làm gì mấy ngày rồi cho tốn cơm. Làm ơn mắc oán. Nhưng bây giờ không phải ngoài khơi đại dương bao la mà đã cập cảng và làm thủ tục nhập cảnh, không thể cụ cựa được nữa rồi!

Hù không được thì dỗ ngon dỗ ngọt gọi Adeva xuống, không ai làm gì anh đâu mà sợ. Ai lại ở trần truồng ngồng ngỗng mà leo cao thế kia! Trên cao nguy hiểm lắm. Chúng tôi leo cao trên hai mét phải đeo dây an toàn và xin giấy phép đấy! Xuống đi, xuống tắm rửa xịt nước hoa Pháp thơm phức, đưa quần áo đẹp mặc rồi có người dắt lên trung tâm thành phố chơi, trên ấy đẹp lắm, tha hồ mua sắm…Và tôi sẽ cho anh tiền, anh thích bao nhiêu cũng được, tôi là thuyền trưởng mà, tiền tôi nhiều lắm, anh tiêu cả tháng cả năm, mệt nghỉ. Tôi nói thật đấy!

Thuyền trưởng Peto dỗ mấy anh ta cũng không chịu nghe. Anh đã liều thí mạng cùi rồi. Bí quá thuyền trưởng cắt cử hai người mang dây an toàn leo lên nhưng Adeva đóng cửa sập phía trên, chốt lại rất chặt, không ai tài nào lên được. Adeva còn dứ người qua rào chắn đòi nhảy xuống mặt boong tàu từ cột cao hơn mười thước nếu cứ ép anh ta xuống. Adeva yêu cầu thuyền trưởng Peto mời chính quyền sở tại xuống giải phóng anh. Bây giờ anh không phải là một tên vượt biên nữa, anh ta cũng không phải là nô lệ sắp bị trao đổi, bị bán, ngàn vàng cũng không; anh sẽ không bị người ta bắt đóng phim sex để kinh doanh! Anh là một vị khách, một vị khách quý từ phương xa…

Một lá cọ khô rơi trúng mặt. Adeva giật mình dụi mắt. Mặt trời đã lặn hẳn sau đồi cát, chỉ còn lại một ráng đỏ thẫm. Dơi đã bắt đầu chao liệng trên không trung, kêu dít dít. Lá rơi chi mà ác, để thử Adeva bước chân lên đất nước đó thế nào! Adeva thấy bụng đói hơ đói hổi, ngồi dậy mót hết lực tàn kéo xe nước lăn bánh. Mấy thùng nước bây giờ sao nặng quá. Adeva cố rướn người, thất thểu như con lạc đà ốm đói trên sa mạc cát vàng trập trùng.

                                                                                                          9/12/2009