Nhà thơ Dương Thuấn (sinh năm 1959, dân tộc Tày), là tác giả của gần 20 tập thơ viết cho cả thiếu nhi và người lớn, gặt hái nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế. Ông cũng có bài viết “Hồ Ba Bể” được đưa vào sách Tiếng Việt 4 (tập 1, NXB Giáo dục).
Tác phẩm mới nhất của ông là công trình nghiên cứu đặc sắc “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” (NXB Tri Thức – 2012). Không xa xôi mà ngược lại, rất gần gũi và thiết thực, sự hội nhập của văn hóa Tày qua cuộc trò chuyện dưới đây của nhà thơ Dương Thuấn với Hànộimới là một minh chứng.



Nhà thơ Dương Thuấn và tác phẩm ”Văn hóa Tày ở Việt Nam”.


– Thưa nhà thơ Dương Thuấn, động lực nào khiến ông viết tác phẩm “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” dày gần 600 trang (NXB Tri thức ấn hành 2012)?

– Tôi yêu dân tộc tôi, tôi tự hào về văn hóa Tày! Đó chính là động lực lớn nhất đã thôi thúc tôi viết. Là người sáng tác văn học nên tôi tìm hiểu rất sâu về văn hóa của dân tộc mình và cảm thấy cần phải giới thiệu văn hóa của dân tộc mình với thế giới. Tôi làm thơ hay nghiên cứu cũng không ngoài mục đích nhằm bồi đắp thêm cho văn hóa của dân tộc mình ngày càng phong phú hơn.

– Thưa ông, có căn cứ nào để khẳng định như phần kết luận của cuốn sách rằng “Đề tài này là đề tài đầu tiên nghiên cứu riêng về văn hóa dân tộc Tày ở Việt Nam”?

– Trước đây cũng có một số người quan tâm nghiên cứu văn hóa Tày nhưng mới dừng ở mức độ sưu tầm, biên khảo. Hoặc là chỉ nghiên cứu về một mặt nào đó, rồi gộp “văn hóa Tày – Nùng” làm một. Cuốn sách này tôi đề cập riêng văn hóa Tày, tiếp cận đối tượng nghiên cứu trên cơ sở khoa học hiện đại, có hệ thống, khái quát những đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa Tày. Đây là lần đầu tiên, người Tày thật sự có một công trình nghiên cứu có tầm vóc về văn hóa của dân tộc mình.

Qua đây, ông muốn chia sẻ điều gì với bạn đọc về sự cần thiết phải khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập văn hóa thế giới?

– Nhiều người đọc cuốn sách này khen hay và cũng nhiều người khác hỏi tôi để tìm đọc. Bản thân tôi khi viết ra được cũng thấy rất thích thú. Đọc nó, bạn sẽ thấy được những đóng góp to lớn của người Tày đối với sự phát triển của lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Ví dụ, Tiến sĩ Thân Nhân Trung là người Tày, ông đã để lại di sản văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám, trong đó có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”.

Nói hội nhập với thế giới, người ta hay nghĩ nó rất xa xôi. Nhưng hội nhập cũng có khi xảy ra ở ngay tại chính cái bản mình đang ở. Đó là làm sao giữ được nhà sàn độc đáo, các làn điệu dân ca, tiếng nói cùng chữ viết, bộ áo chàm dài để khách thập phương đến du lịch hiểu được truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Tại sao các kỳ khai mạc Olympic trước đây người ta mặc đồng phục thể thao, mà khai mạc Olympic 2012 lần này các quốc gia đều mặc trang phục truyền thống của mình! Mỗi dân tộc trên thế giới này là một bông hoa, nếu không biết giữ gìn bản sắc văn hóa để chủ động hội nhập thì những bông hoa sẽ không còn nữa!

– Có phải như ông đã viết: nếu có “sự chủ động hội nhập” thì chắc chắn sẽ không phải lo quá nhiều đến mặt trái của nó như người ta vẫn nói?

– Người ta lo lắng hội nhập sẽ mất bản sắc, văn hóa độc hại sẽ tràn vào, sẽ mất nhiều thứ khác… Không phải như vậy. Nếu chúng ta chủ động hội nhập thì sẽ được rất nhiều, chứ không mất gì cả. Tôi nghĩ, từng thành viên sống trong mỗi cộng đồng dân tộc và cả quốc gia cũng đều cần phải chủ động hội nhập. Trong đó rất cần những kế hoạch cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa cho từng vùng, từng dân tộc. Văn hóa Tày xưa nay vốn là văn hóa mở nên nó luôn luôn tự thân hội nhập để bảo vệ bản sắc và phát triển. Điều này tôi đã phân tích rất kỹ trong cuốn sách.

– Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến có một câu thơ vui về ông thế này “Dương Thuấn ở tận vùng sâu/ Có một lá giầu được chuyển về xuôi”. Sự tích cái “lá giầu” đã đưa ông từ bản Hon về Hà Nội như thế nào, thưa nhà thơ?

– GS. Nguyễn Hùng Vỹ ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có lần làm thơ về tôi “Có một lá giầu bay xuống phố”. Trước đó, tôi chỉ viết thơ cho thiếu nhi. “Lá giầu” là bài thơ đầu tiên tôi viết cho người lớn. Đó là ngày 24-10-1989, trước ngày tôi về Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi nghĩ ngày mai xa bản cao xuống thành phố, tôi không thể để đánh mất mình. Bài thơ là để tự nói với mình nhưng cũng là để tặng người thân yêu ở lại quê hương. “Sớm mai anh xuống núi/ Lá giầu em rọc đôi/ Nửa em ủ dưới gối/ Nửa anh mang về xuôi/ Anh giữ lành anh nhé/ Thơm cay một lá giầu/ Nếu để rơi một nửa/ Làm nửa lá kia đau”.

– Văn hóa dân tộc Tày có góp phần giữ cho ông một cuộc sống cân bằng ở đô thị?

– Ở đâu thì theo đó, nhưng tôi vẫn giữ phong tục của dân tộc Tày. Người Kinh hay có tục cúng mồng Một, ngày Rằm thì nhà tôi cũng cúng mồng Một, ngày Rằm. Ngoài những ngày đó tôi còn cúng thêm các ngày lễ, tết của riêng người Tày. Văn hóa Tày cho tôi lòng tự tin, trọng nghĩa tình, yêu lao động, sáng tạo không ngừng… tôi luôn tự hào về văn hóa Tày. Bởi lẽ “Em ơi ta ở đâu/ Là bản ta ở đó…”.

– Xin chân thành cảm ơn nhà thơ!


Thi Thi thực hiện

Nguồn: HNM


Exit mobile version