Tuyển tập Dương Thuấn vừa được tổ chức Guiness Việt Nam công nhận 2 kỷ lục: Bộ sách song ngữ Tày – Việt đầu tiên và Bộ Tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam (hơn 2000 trang, gồm 3 tập). Ngày 11-1- 2013 tới đây, anh sẽ được trao bằng chứng nhận tại TP Vũng Tàu.

Nhà thơ Dương Thuấn
Gìn giữ văn hóa Tày trong dòng chảy cuộc sống
Nhà thơ Dương Thuấn sinh năm 1959, tại Bắc Kạn. Anh là người dân tộc Tày, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Anh từng được trao Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992 và hàng chục giải thưởng của các cuộc thi thơ trên các báo, tạp chí, nhà xuất bản của trung ương, các tổ chức quốc tế… Anh đã có hơn 20 tác phẩm được in sách.

Là người không ưa danh tiếng, nên Dương Thuấn lặng lẽ sáng tác, thầm lặng làm những việc mà anh cho là gìn giữ và bảo vệ được văn hóa Tày trong dòng chảy của Văn hóa Việt Nam hiện đại. Với 2 kỷ lục Guiness vừa được xác lập anh chia sẻ rằng, mất hơn 2 năm để hoàn thành Tuyển tập Dương Thuấn với nội dung sáng tác hơn 20 năm qua. Và việc được xác nhận kỷ lục Guiness cũng chỉ khiến anh vui một chút thôi. Nhưng có lẽ, cái được lớn nhất là văn hóa Tày đã tìm được vị thế từ nền tảng những giá trị cốt lõi được Dương Thuấn chuyển tải qua thơ ca, văn chương.

Tuyển tập Dương Thuấn gồm 3 tập: Tập 1 với tựa đề “Bản Hon và những nơi khác” chủ yếu là những vần thơ tác giả viết về quê hương của mình là bản Hon thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Tập 2 gồm hơn 200 bài thơ tình của Dương Thuấn. Tập 3 của bộ tuyển tập là những bài thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi bằng hồn thơ, giọng thơ trong trẻo mang đậm chất đồng thoại và ngụ ngôn. Có thể nói, Tuyển tập Dương Thuấn chứa đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ đến khi tác giả trưởng thành và nay đã là một người đàn ông ưa chiêm nghiệm. Đặc biệt, anh ưu ái viết hàng trăm bài thơ về bản Hon nơi anh sinh ra. Có khi buồn, có khi vui, nhưng đã là kỷ niệm thì đều đáng
yêu, đáng nhớ. Những buổi sáng đi học từ gà gáy canh hai, những buổi chiều tan trường về trời tối, những hôm mưa rừng suối lũ, hình ảnh những người phụ nữ đảm đang việc gia đình hay những người đàn ông chếnh choáng men say bên bếp lửa hồng… hay dòng sông Năng miệt mài chảy… và cả những mối tình nho nhỏ, dễ thương được anh miêu tả cực kỳ lạ lẫm nhưng cũng đầy lôi cuốn. Đọc Dương Thuấn, độc giả sẽ đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.


Và thành quả Dương Thuấn vừa đạt được là tuyển tập được đồng xác nhận 2 kỷ lục, càng cho độc giả bất ngờ về một sự nghiệp thơ ca đồ sộ ít được tác giả quảng bá. Anh chỉ  quan niệm giản dị, sáng tác là nhu cầu của anh. Khi sáng tác, anh được sống trong kỷ niệm. Những kỷ niệm đã nuôi dưỡng từng con chữ, từng ý thơ trong trẻo nhưng ẩn chứa thế giới quan của Dương Thuấn.


“Hội nhập không phải cái gì quá xa xôi…”

Với bộ Tuyển tập Dương Thuấn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Phạm Vĩnh Cư nhận xét, đây là một tuyển tập song ngữ, mỗi một tác phẩm có hai tác bản, một tác bản bằng tiếng mẹ đẻ tiếng Tày và một tác bản bằng tiếng Kinh, tiếng Việt của chúng ta. Đây là một hiện tượng, một hành động văn hóa rất đáng biểu dương của Dương Thuấn. Tôi biết rằng Dương Thuấn không những bỏ công ra, anh sáng tác bằng hai ngữ, mà còn bỏ tiền ra để in bộ sách. Những công việc rất thầm lặng mà một mình anh Dương Thuấn làm bao năm nay mà không cho ai biết, đến bây giờ chúng ta được chứng kiến, chúng ta thưởng ngoạn thành quả công việc của anh ấy. Bên cạnh đó, dịch giả Diệu Hường Mimmi Begstrom (Thụy Điển) cũng rất lấy làm thán phục: Bộ tuyển tập sáng tác bằng song ngữ đồ sộ của Dương Thuấn không chỉ là trường hợp hiếm có đối với văn học trong nước mà cả văn học thế giới cũng rất hiếm. Đây là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, là sản phẩm quý báu mà nhà thơ Dương Thuấn dành tặng cho độc giả trong nước và hải ngoại.

Qua Tuyển tập, Dương Thuấn cũng muốn chia sẻ với bạn đọc về sự đau đáu của anh trước những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đang dần mai một, dù nó đang trong quá trình hội nhập văn hóa thế giới. Độc giả sẽ thấy được những cố gắng của anh trong việc khôi phục, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống ở quê hương anh.
Nói về tuyển tập thơ, anh tự hào: Đọc thơ ca, văn chương của tôi bạn sẽ thấy được những đóng góp to lớn của người Tày đối với sự phát triển của lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Ví dụ, Tiến sĩ Thân Nhân Trung là người Tày, ông đã để lại di sản văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám, trong đó có câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” vẫn nguyên ý nghĩa tới ngày hôm nay. Nói hội nhập với thế giới, người ta hay nghĩ tới những chuyện rất xa xôi. Nhưng có khi hội nhập diễn ra ngay trên quê hương mình, đất nước mình. Với người Tày văn hóa Tày, muốn hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc là làm sao người ta vẫn giữ được nhà sàn độc đáo, các làn điệu cổ, tiếng nói cùng chữ viết, bộ áo chàm dài để du khách trong nước và quốc tế đến du lịch hiểu được truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Đánh giá về thơ Dương Thuấn, ông  Nguyễn Khoa Điềm đã  nhận xét, sáng tác của Dương Thuấn mang hồn cốt dân tộc. Anh là một trong số các nhà thơ dân tộc thành công trong lựa chọn cuộc sống và cách viết. Trong khi thi ca và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp khó khăn, thì những nỗ lực và những trăn trở, đau đáu gìn giữ bản sắc văn hóa của Dương Thuấn khiến người ta phải ngẫm ngợi về con đường sáng tạo của anh vốn gần với khát vọng tự do, nhân phẩm.


Nguồn tin: Đại đoàn kết
Exit mobile version