Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện của tác giả Đoàn Đức Châu.

Gồm các truyện sau:

– Mẹ của những người lính

– Bến đò xưa

– Cây dừa nước

– Cô bé câm

– Rau muống đầm

Tác giả Đoàn Đức Châu

Sinh ngày 5 tháng 8 năm 1951, thuộc thế hệ lính sinh viên năm 1972.                                                       Tuy không phải là người viết văn chuyên nghiệp, nhưng truyện của tác giả Đoàn Đức Châu kể về trải nghiệm của một người lính, hết chiến tranh ra quân đã làm nhiều nghề, trải qua nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên sát thực tế. Nội dung truyện nặng tình người, tình đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là cuộc sống thực tế của anh và của những người thân bạn bè yêu mến…                                                            Hiện tại anh giành nhiều thời gian để thực hiện mong ước thời trẻ của mình: viết truyện. Anh đã viết khá nhiều, và cũng chưa công bố khá nhiều.

Tác giả Đoàn Đức Châu tâm sự:

Chúng tôi là lứa lính sinh viên 1972. Sau 51 năm từ ngày nhập ngũ, có biết bao câu chuyện không thể kể hết những bi thương nhưng hào hùng của người thân bạn bè đã trải qua cuộc chiến tranh.

Thời gian có thể lấy đi của chúng tôi tuổi xuân, có thể lấy đi dáng vẻ hiên ngang của anh lính sinh viên trẻ ngày nào nhưng nó không thể lấy đi khỏi tâm hồn chúng tôi những tháng năm đẹp đẽ, đáng nhớ về một thời hoa lửa, không thể lấy đi lòng kiêu hãnh và tình yêu tổ quốc cháy bỏng của những người lính sinh viên năm nào cầm súng bước vào cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc.

CÔ BÉ CÂM

Đoàn Đức Châu

Khi bố tôi mua mảnh đất này ở vùng ngoại ô để xây nhà, nó chỉ là một vườn rau bị bỏ hoang. Ông rào ngăn cách nó với các vườn trồng hoa kề bên của hàng xóm bằng những sợi thép dỡ ra từ cuộn dây cáp cũ. Vì thế, bà con trong thôn gọi chúng tôi là “người ở phố”.

Lúc ấy làng này chưa được cấp điện nước, dù nó chỉ cách khu dân cư gần nhất hơn một cây số. Ban ngày ở đây thì thích vì không gian thoáng mát, trong lành. Nhưng buổi tối, như mọi vùng quê ngày đó, khắp nơi tối om, vắng vẻ, buồn tênh. Không tiếng loa đài, không tiếng xe cộ, hiếm cả tiếng người.

Từ xẩm tối tiếng côn trùng đã rền rĩ triền miên. Màu đen bao trùm thôn xóm. Chỉ có những luồng sáng xanh nhợt nhạt của những con đom đóm lóe lên ven đường. Chúng chầm chậm bay qua chiếc mương lạnh ngắt, lượn lờ một lát rồi đậu xuống đám cỏ ướt đẫm sương, lập lòe mệt mỏi. Cuộc sống như dừng lại, chờ trăng lên. Trong thôn lâu lâu lại vọng vang tiếng chó sủa gắt gỏng, lúc vô cớ, lúc bâng quơ đuổi theo bóng người vội vã đi ngang qua vườn rau, loáng thoáng trong ánh đèn dầu leo lét. Có ở đây tôi mới hiểu vì sao người ta thích sống trong phố hơn dù rất chật chội.

Sau ba tháng, căn nhà hai phòng lợp tôn prosima đã xây xong. Phía trước nó là cái sân láng xi măng. Một căn bếp nhỏ đứng riêng biệt, cạnh giếng nước mới đào. Còn khá nhiều đất trống nên bố tôi trồng đủ các loại cây. Ngoài mảnh vườn rau trước sân ông trồng mấy cây dừa sát bờ rào, một hàng ổi dọc theo lối đi từ ngõ vào, cây mít bên cái ang to đựng nước mưa.

Tôi thích nhất luống hoa hồng trước cửa. Vào lúc sáng sớm và những chiều lặng gió hương thơm quyến rũ của chúng làm tôi ngẩn ngơ, cảm giác lâng lâng, mơ màng. Điều này khác hẳn căn nhà trên phố.

Hàng ngày, ăn tối xong, tôi đạp xe về dưới làng. Tôi soạn bài, chấm bài, chuẩn bị cho các tiết dạy hôm sau. Xong việc tôi đọc sách rồi làm một giấc ngon lành tới sáng.

Thời gian đầu tôi không quen ai ở đây ngoài một bà cô gù lưng có họ xa với gia đình tôi. Thỉnh thoảng bà ấy nấu cơm hộ tôi hay trông nhà, khi tôi đi vắng. Những lúc rỗi rãi, chẳng biết làm gì, tôi dạo quanh vườn một vòng rồi mang chiếc đàn ghitar ra ngồi ngoài sân hát cho đỡ buồn.

Một sáng không có giờ lên lớp nên tôi dậy muộn. Vừa ra khỏi cửa tôi nghe có tiếng trẻ con lao xao phía rặng dọc bờ ao trong khu vườn bên cạnh. Lại gần tôi thấy mấy cô cậu bé con hàng xóm đang đùa nghịch dưới dãy ổi sát bờ dậu. Thấy tôi, chúng rụt rè cất tiếng chào. Tôi mỉm cười để gây thiện cảm.

Trong khi cả bọn nhanh nhảu hỏi tôi đủ chuyện thì một đứa bé gái khoảng mười tuổi cứ đứng im ở một góc xa nhìn tôi. Con bé tuy ăn mặc lôi thôi nhưng nó làm tôi chú ý ngay bởi đôi mắt đen tròn, trong veo, phảng phất nét buồn buồn của các cô gái theo đạo thiên chúa giáo. Tôi mỉm cười, hỏi nó: “Em tên gì?”. Nó đỏ mặt lắc đầu. Tôi chưa kịp hiểu thì mấy đứa nhỏ đã nhao nhao nói: “Nó bị câm đấy anh ạ!”. Tôi sững người, không giấu được sự bối rối vì bất ngờ. Thấy vậy con bé xấu hổ, đỏ bừng mặt, bỏ đi. Tôi định chạy theo nó nhưng bị cái hàng rào thưa bằng dây thép ngăn lại.

Hôm sau bà cô gù kể với tôi. Nó là “cái Câm”. Không biết bố nó là ai. Mẹ nó vừa sinh con ra, đã để nó lại cho ông bà nuôi để đi làm xa. Lúc đầu nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi sáu, bảy tuổi, sau lần cảm nặng mà không có thuốc chữa, con bé bị mất tiếng. Dần dần nó câm hẳn, chỉ nói ú ớ được vài từ. Ông bà nó nghèo lắm, ăn còn chẳng đủ lấy gì mà chạy chữa cho nó. Họ phó mặc nó cho số phận. Bé Câm cứ thế lớn lên trong nghèo đói, lam lũ như một đứa trẻ mồ côi tàn tật. Tôi xót xa cho nỗi bất hạnh của cô bé.

Một hôm tôi đang chơi đàn thì bé Câm xuất hiện cạnh bờ dậu. Cô bé nhìn tôi, cười rất tươi. Nó chỉ vào tôi nói: “Đẹp!”. Tôi không hiểu nhưng vẫn mỉm cười để cô bé khỏi bỏ đi. Tôi hỏi nó: “Em có thích nghe anh hát không?”. Mắt sáng lên nó gật đầu lia lịa. Tôi hát cho bé câm bài “Chú ếch con”. Nghe xong nó cười khanh khách, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Cô bé liên tục nói: “Đẹp, đẹp!”. Phấn khởi tôi cũng chỉ vào nó khen: “Đẹp. Em cũng đẹp!”. Từ đó tôi có một cô bạn nhỏ, dễ thương ở đây.

Hôm nào tôi ở nhà, bà cô gù cũng cho bé Câm vào chơi. Nó thích thú ngắm nghía đồ đạc trong phòng tôi. Dù không sang trọng gì song nhiều thứ cũng khác lạ với các gia đình ở nông thôn. Tôi cho cô bé một con búp bê nhựa. Nó thích lắm cứ giữ khư khư trong tay, liên tục khen: “Đẹp. Đẹp!”. Tôi xúc động khi thấy niềm vui bừng lên trong đôi mắt thơ ngây của cô bé. Tôi bảo nó ngồi yên rồi lấy đàn hát bài “Nắng thủy tinh”. Chẳng biết bé Câm có hiểu lời bài hát hay không, còn tôi rất thích ngắm vẻ mặt hớn hở và nụ cười tươi tắn trên đôi môi mấp máy nhẩm theo của nó.

Tôi cho bé Câm tập viết chữ. Con bé tiếp thu rất nhanh. Nhưng thật thất vọng vì nó không đọc được, chỉ gật hoặc lắc đầu đáp lại tôi. Tôi dạy cô bé nói vài câu đơn giản nhất. Nhưng cũng vô ích. Nhìn mặt nó đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm vì bất lực, tôi thương con bé đến muốn khóc. Tôi oán giận cuộc đời sao nỡ ác độc với một đứa trẻ đáng yêu như vậy.

Tôi kể về bệnh tình của bé Câm cho một vài người bạn là bác sĩ. Họ bảo, đây không phải bệnh câm điếc bẩm sinh nên có thể chữa được nhưng rất tốn kém. Khi ấy chỉ có các bệnh viện hiện đại ở nước ngoài mới có đủ năng lực, phương tiện thực hiện ca phẫu thuật như vậy. Nghe nói thế tôi thở dài và hiểu rằng, chỉ có lòng tốt thì không đủ để cứu nó. Tự nhiên tôi căm ghét cái nghèo của mình.

Bà cô gù thương bé Câm lắm. Có lẽ những người bị khuyết tật dễ cảm thông với nhau hơn. Bà thường gọi nó vào nhà, chia cho bé mấy cái bánh, cái kẹo mà tôi để cho bà mỗi lần đi vắng. Bà đun nước bồ kết với vỏ bưởi gội đầu, chải tóc cho nó. Mái tóc vàng hoe, xuăn tít vì nắng của bé Câm dần dần mềm mại, đen lại. Nó trông sạch sẽ, xinh xắn hẳn lên.

Một lần tôi trêu cô bé: “Nhà nghèo, sao em ăn gì mà bụ bẫm thế?”. Khi bé Câm còn ngơ ngác, bà gù đã cười tít mắt trả lời thay: “Nó dễ nuôi lắm. Cái gì cũng ăn được, mà ăn rất khỏe!”. Hôm sau tôi mua cho bé một cái bánh bao. Nó ăn ngấu nghiến, suýt nghẹn. Ăn xong con bé ngước mắt nhìn tôi như muốn hỏi: “Còn nữa không anh?”. Trông bộ dạng ngây ngô của nó, tôi phì cười: “Con nhà nghèo dễ nuôi thật!”.

Thời gian đầu, sự thân thiết của bộ ba chúng tôi làm những người xung quanh rất ngạc nhiên. Nhưng từ đấy lũ trẻ trong thôn không giễu cợt, trêu chọc bé Câm nữa. Bà con hàng xóm cũng tỏ ra thiện cảm với tôi.

Mỗi lần thấy bé Câm ngồi trong sân nhà tôi, bọn trẻ lại đến gần hàng rào, vẫy tay gọi nó. Chúng bảo nó mở cổng cho vào để cùng nghe tôi hát. Bà gù cũng thích như vậy. Bà ngồi xổm ở góc sân lắng nghe, tay không ngừng bện cái chổi bằng những sống lá dừa già. Ngồi giữa đám trẻ ngây thơ, đáng yêu, say mê nghe tiếng hát dưới bầu trời ngoại ô trong xanh, thoang thoảng hương hoa từ những khu vườn xung quanh tôi thấy hạnh phúc là đây chứ còn ở đâu nữa. Tôi vui và muốn niềm hạnh phúc nho nhỏ ở căn nhà ngoại ô này cứ mãi như vậy.

Bẵng một thời gian không thấy bé Câm sang chơi. Tôi chột dạ tưởng nó ốm song bà cô gù buồn bã báo với tôi. Cô bé đã được một ông chú họ Việt kiều đưa đi chữa bệnh ở nước ngoài rồi. Tôi mừng cho bé và buồn cho sự kém cỏi của mình. Lòng tốt mà không có tiền cũng giống như những giọt nước mắt cảm thông nhạt nhòa, vô dụng.

*

Hai mươi năm sau, khi đang làm cho một văn phòng thương mại nước ngoài, tôi có dịp bay vào Sài Gòn trong một chuyến công tác dài ngày. Công ty mẹ của chúng tôi đặt một đơn mua hàng lớn tại Việt Nam. Đón tôi và ông Đại diện trưởng ở sân bay là anh trợ lý Tổng Giám đốc bên đối tác. Anh và tôi đã có một thời gian cùng làm việc với nhau ở ngoài Bắc.

Sài Gòn ngày ấy đang thay đổi rất nhanh. Nhịp sống ào ạt của nó như một cỗ máy chạy suốt ngày đêm không ngơi nghỉ. Phong cách làm việc ở đây cũng “rất thoáng”. Để có được những hợp đồng lớn người ta không tiếc tiền săn đón, chiều chuộng khách hàng, sẵn sàng “giúp” họ tận hưởng những thú vui mà ở ngoài Bắc khi đó vẫn còn dè dặt. Khi các điều kiện cơ bản của hợp đồng đã được thỏa thuận ông Tổng Giám đốc công ty mời vợ chồng Đại diện trưởng của tôi đi nghỉ ở Đà Lạt. Tôi ở lại kiểm tra lần cuối nội dung các điều khoản mua bán, soạn thảo hợp đồng chính thức.

Ban ngày thì bận nhưng buổi tối khá rỗi. Dù vậy tôi từ chối mọi lời mời đi ăn nhậu, đi vũ trường, đi hát karaoke. Tôi chỉ thích ngồi ở những quán bar yên tĩnh nghe nhạc nhẹ, ngắm phố phường. Tuy không hài lòng song anh bạn hiểu tính tôi nên không ép. Anh chỉ cằn nhằn trách tôi không chịu “thay đổi theo thời đại”. Ngày cuối cùng, sau bữa cơm chiều, anh ấy bảo tôi: “Tối nay tôi đưa ông đến một quán quen thư giãn nhẹ nhàng. Bảo đảm trong sáng!”. Tôi do dự một chút rồi đồng ý vì không muốn làm phật ý bạn mình.

Xe chúng tôi chạy về phía cầu Tân Thuận bỏ lại phía sau những khách sạn sặc sỡ ánh đèn, những vũ trường ầm ĩ tiếng nhạc, những nhà hàng sang trọng với dãy xe con đậu kín. Dừng xe trên một con phố yên tĩnh, quay mặt ra sông Sài Gòn, bạn tôi chỉ lên cái bảng hiệu nhấp nháy dòng chữ “Hớt tóc & gội đầu”, nói cụt lủn: “Vào gội đầu rồi coffee ở đây luôn!”. Dịch vụ này thì tôi biết vì đã được mời đi một vài lần. Dù tôi hơi ngại song so với những “thú vui” khác thì nó còn “trong sáng” hơn nhiều.

Mấy cô gái trong tiệm tươi cười chạy ra, vồn vã đón chúng tôi. Đáp lại, ông bạn nháy mắt giới thiệu: “Bạn anh, một đồng hương đẹp trai ngoài Bắc!”. Tôi lẳng lặng đi theo một cô gái trẻ qua khu vực cắt tóc vào chỗ gội đầu.

Tiệm này sang trọng, khác hắn các “Quán gội đầu” ngoài Bắc.

Trang thiết bị hiện đại, mới tinh, bóng loáng, không khác gì ở Hongkong. Khách khá đông nhưng không ồn ào. Chỉ loáng thoáng tiếng cười cố kìm của mấy vị khách thích đùa. Dưới ánh đèn màu hồng nhạt cô tiếp viên nào trông cũng tươi tắn, xinh đẹp. Chắc hay đến đây nên bạn tôi vui vẻ cười nói tự nhiên như đang ở nhà mình. Nằm ngửa mặt trên chiếc ghế gội, tôi nhắm mắt mặc cho cô gái trẻ thao tác công việc của mình. Mấy phút sau, thấy lành lạnh ở cổ, tôi khẽ nhắc cô ta. Cô gái vẫn thản nhiên như không có chuyện gì làm tôi nghĩ có thể mình chưa biết một công đoạn nào đó. Tôi ngoái sang ghế ông bạn để hỏi nhưng hắn vẫn tít mắt cười cười, nói nói. Đến khi nước xà phòng chảy xuống ướt hết cổ áo, lạnh cả gáy tôi buột miệng kêu lên.

Anh bạn quay sang, bật cười, trêu cô gái: “Thấy hắn đẹp trai quá sao mà em quên không đệm cho hắn cái khăn!”. Cô gái giật mình, đỏ mặt, cuống quýt xin lỗi tôi. Điều đó làm bạn tôi càng cười to hơn. Tôi chưa kịp bảo hắn im đi thì một người phụ nữ xuất hiện. Cô ta ăn mặc sang trọng khác hẳn các tiếp viên trong tiệm. Cô chỉ trạc ba mươi tuổi nhưng nét mặt già dặn, nghiêm khắc. Tôi đoán đây là bà chủ. Cô gái lạnh lùng ra lệnh thay người khác dù tôi đã nói không cần. Nhìn vẻ sợ hãi của cô thợ, tôi vội nhắc lại: “Chuyện nhỏ mà cô ơi. Để cô ấy làm tiếp cho tôi đi!”. Cô chủ vẫn không thay đổi ý định. Cô bình thản bảo tôi: “Anh thông cảm. Đây là quy định của tiệm. Nếu không chúng em sẽ mất hết khách!”. Không hiểu sao nghe xong tôi lại nổi cáu, gắt lên: “Để cô ấy làm tiếp cho tôi. Tôi không muốn làm khó người khác vì một chuyện nhỏ như vậy!”.

Anh bạn tôi nhìn cô chủ như ra hiệu, nói xen vào: “Bỏ qua đi em. Bạn anh muốn thế mà!”. Cô chủ nhìn tôi với ánh mắt là lạ, miễn cưỡng quay sang nói với cô nhân viên: “Làm tiếp cho anh ấy đi. Cẩn thận đấy!”. Cô lạnh nhạt gật đầu chào tôi rồi trở ra quầy lễ tân.

Gội đầu xong chúng tôi ra khu vườn bên cạnh uống coffee. Ngồi ở chỗ này thì tôi thích. Khu vườn nhỏ, tĩnh lặng, thoang thoảng hương hoa hồng. Ánh đèn neon mát dịu chỉ đủ để nhìn rõ mặt những người cùng bàn.

Tôi ngạc nhiên thấy cô chủ tiệm cũng ngồi ở bàn mình. Hóa ra anh bạn tôi quen thân với cô ấy từ lâu rồi. Tôi ngồi im lặng uống nước để họ nói chuyện với nhau. Bất ngờ cô gái quay sang hỏi tôi: “Anh cũng là người Hải Phòng?”. Tôi gật đầu. Bạn tôi định giới thiệu thì cô hỏi tiếp: “Anh là người thôn Kiều Hạ, phải không?”. Tôi giật mình. Bạn tôi ngơ ngác nhìn cô chủ, vẻ khó hiểu. Cô ấy nhìn thẳng vào tôi, giọng cố nén cảm xúc: “Em là bé Câm, hàng xóm nhà anh đây!”. Tôi sững sờ, ngây người nhìn cô. Một khuôn mặt mơ hồ xa xôi từ lâu lắm rồi hiện lên trong đầu tôi.

Quả thật khi vừa nhìn thấy cô trong tiệm, tôi cảm nhận có những nét quen quen nhưng không rõ ràng. Vì thế tôi gạt đi ngay. Hoàn cảnh của họ hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa người phụ nữ xinh đẹp này ăn nói lưu loát chứ có “u, ơ” như cô bé hàng xóm của tôi đâu. Thấy vẻ lưỡng lự của tôi, cô chủ tiệm mỉm cười, giải thích. Cô nhận ra tôi ngay từ lúc mới vào song vẫn nghi ngờ nên đã dò hỏi bạn tôi. Lúc thấy tôi bênh vực cô nhân viên tội nghiệp cô mới chắc chắn tôi là người quen cũ. Tủm tỉm cười, cô nói: “Anh vẫn không khác ngày xưa mấy!”. Rồi cô kể chuyện của mình.

Bây giờ tên cô là Cẩm. Khi đưa cô sang Singapore chữa bệnh, ông chú đã thêm dấu vào cái tên rất thực của cô “Lê Thị Câm”, lúc làm lại hồ sơ xuất cảnh. Bệnh của cô không nghiêm trọng lắm nhưng cần phẫu thuật tách dây thanh đới bị dính.

Sau ca phẫu thuật thành công họ cho cô vào một cơ sở tập nói. Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp. Bệnh khỏi rất nhanh. Một năm sau Cẩm đã có thể nói chuyện bình thường.

Gia đình ông chú không có con cái nên hai ông bà giữ cô lại trông coi nhà cửa. Lúc vợ ông mất, Cẩm mười tám tuổi. Ông chú cho cô đi học nghề cắt tóc, trang điểm. Học nghề xong cô đòi về nước. Không cản được ông bay về Sài Gòn mua và giao cho cô quản lý “Salon tóc” này. Sắp tới ông ấy cũng về đây sinh sống.

Tôi mừng cho Cẩm. Những điều trước kia tôi không thể giúp em được đã có người khác làm. Trên đời này quả vẫn còn nhiều người tốt.

Nghe tôi chúc mừng, Cẩm bối rối nhìn sang bạn tôi. Anh ấy húng hắng ho như vướng cái gì trong cổ họng. Tiệm đã đóng cửa nhưng chúng tôi vẫn ngồi hàn huyên đến tận khuya. Hai anh em say sưa nhớ lại những ngày tháng nghèo khổ nhưng ấm áp ở cái làng nhỏ. Cẩm hóm hỉnh miêu tả anh giáo trẻ tốt bụng ngày ấy, một thần tượng trong mắt lũ trẻ trong thôn. Tôi thì thích nói về đôi mắt đen trong veo, cuốn hút và khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu của cô bé câm. Cô bé muốn khen tôi nhiều nhưng chỉ lặp đi lặp lại được một từ: “Đẹp, đẹp!”.

Mải chuyện trò, hai anh em quên cả ông bạn đang ngồi bên cạnh. Anh ấy phải nhắc tới hai lần tôi mới đứng dậy ra về. Tiễn tôi ra cửa, Cẩm nắm tay tôi, giọng xúc động: “Em vẫn giữ trong lòng mình hình ảnh người anh em rất ngưỡng mộ. Cuộc đời này giờ còn ít người như thế lắm!”.

Đêm Sài Gòn mát lạnh với những cơn gió lộng từ ngoài sông thổi về. Tâm hồn tôi cũng mát lạnh vì câu chuyện có cái kết đẹp của cô bé tôi quen ngày nào. Trên đường về khách sạn tôi hào hứng ca ngợi ông chú Cẩm như một vị cứu tinh, đã giúp cô bé thoát khỏi cái kiếp tật nguyền, thoát khỏi một số phận đen đủi.

Nghe xong anh bạn tôi lắc đầu tỏ ra vô cùng ngán ngẩm. Anh ngắt lời tôi một cách gay gắt: “Ông không thấy hay ông ngu thật. Ông tưởng cái Cẩm may mắn lắm à. Thời buổi này làm gì có ai cho không ai cái gì. Lão già chú họ ấy đã bắt cái Cẩm làm ô sin mấy năm để đền bù công lão chữa khỏi bệnh cho nó. Khi cái Cẩm kiên quyết đòi về Việt Nam để thoát thân, lão bắt nó làm đăng ký kết hôn với lão. Lão mua cái tiệm này nhưng đứng tên, chỉ cho nó làm quản lý. Lão hứa sẽ cho nó mọi thứ nhưng sau khi lão chết!”. Anh bỗng hạ giọng, thở dài: “Cũng tội. Dẫu sao thì lão cũng đã cứu cuộc đời cái Cẩm. Lão già rồi, chẳng cơm cháo gì được đâu nhưng sợ bị con bé bỏ rơi nên mới làm thế. Chỉ thương nó. Được cái này thì mất cái khác!”.

Tôi choáng váng vì bất ngờ. Sự thật phũ phàng xóa sạch những cảm kích vừa bừng lên trong tôi. Tại sao sau khi đã làm được một việc tốt người ta lại có thể làm một việc xấu như vậy. Tôi cũng hiểu. Chỉ có lòng tốt mà không có tiền thì khó làm được việc gì trọn vẹn. Nhưng khi ai đó đã ra tay cứu vớt một kẻ bất hạnh thì sao nỡ lòng gây ra tiếp một nỗi bất hạnh khác. Có thể suy nghĩ của tôi lạc hậu, ngây thơ với thời cuộc. Nhưng nếu chuyện này đúng như vậy thì quá thất vọng. Sự tính toán, đong đếm hơn thiệt của người có của thật đáng sợ.

Suy nghĩ ấy làm tôi day dứt suốt cả đêm. Tôi thấy buồn cho số phận bấp bênh của Cẩm. Chắc cô cũng đã chấp nhận đánh đổi tuổi xuân để trả ơn cho người đã cứu mình. Càng buồn vì tôi chỉ có thể đóng vai phụ trong cuộc đời như một bi kịch của cô gái ấy. Thở mạnh một hơi để trút hết những ý nghĩ nặng nề trong đầu, tôi tự an ủi: Dẫu sao cuộc sống hiện tại của Cẩm cũng tốt hơn nhiều so với thân phận của một người tàn tật phải lay lắt kiếm ăn bằng sự cầu xin lòng thương hại của người đời.

Trước giờ bay, để anh bạn chia tay với vợ chồng ông Đại diện trưởng, tôi ra tạm biệt Cẩm.

Thấy vẻ mặt đăm chiêu của tôi, Cẩm im lặng nhìn vào mắt tôi một lát rồi bật cười:

“Hay thật. Lúc mới thấy anh, em nghĩ anh đã là một con người khác, từng trải, lãnh đạm, chai sạn với sự đời nên em không muốn nhận anh. Vậy mà anh vẫn thế, vẫn y như cha Ralph De Bricassart của cô bé câm ngày nào. Yên tâm đi. Em lớn rồi. Sóng gió cuộc đời không làm em gục ngã được đâu. Trước kia anh không thể giúp em nhưng lòng tốt của anh như những giọt nước thánh khiến em tin rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Hãy nhìn cuộc đời bằng con mắt lạc quan đi anh. Cái gì chẳng có mặt trái của nó. Chúa thấy hết. Phải biết thích ứng thì mới tồn tại và vượt lên được anh trai của em ạ!”

Tôi đỏ mặt vì ngượng. Cẩm lắc đầu, nói thêm như nhắc nhở: “Anh chẳng chịu lớn gì cả!”. Nhưng cô lại khẽ nói: “Vì thế em vẫn yêu quý anh!”.

Không muốn để lộ cảm xúc của mình, cô gượng cười, chào tôi, quay nhanh ra cửa ga, cố giấu đôi mắt đã rớm lệ.

Tôi đứng lặng, buồn bã nhìn theo người con gái tôi quen từ lúc còn bé đang đi như chạy trốn giữa đám đông những người xa lạ, ồn ào, xô đẩy, chen lấn nhau với linh cảm sẽ mất em mãi mãi.

                                                                       Hải Phòng 26th Apr.2022.