Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Phát Dương.

Gồm các truyện sau:

– Ba người bạn

– Chuông nắng trong mưa

– Dưới chân cầu nói dối

– Chân dung của gió

– Luật của làng

Phát Dương là bút danh của Dương Thành Phát

Sinh năm: 1995

Quê: Cần Thơ

Hội viên Hội nhà văn TP Cần Thơ

Công việc: Tự do

Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn Tự nhiên say (nxb Trẻ), tập truyện ngắn Bộ móng tay màu đỏ (nxb Tổng hợp TP HCM), tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ (nxb Văn hóa Văn nghệ), 100 cửa sổ (truyện dài thiếu nhi – nxb kim đồng)

Giải thưởng:

–        Giải nhất Văn xuôi cuộc thi Tác phẩm đầu tay do tổ chức bất vụ lợi Du Tử Lê Foundation tổ chức (2017)

–        Giải Nhì Truyện ngắn Cuộc thi bút ký – truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt (2018 – 2019)

–        Giải Tư cuộc thi Một nửa làm đầy thế giới (2019)

–        Giải Ba thơ Tổ quốc và mẹ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (2021)

–        Giải Ba cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu của báo Thanh Niên (2021)

–        Giải Ba cuộc thi Truyện ngắn làng Việt thời hội nhập (2021)

– Giải khuyến khích truyện ngắn cuộc thi Sống đẹp báo Thanh niên tổ chức (2022)

–        Giải Ba cuộc thi tản văn Mùa xuân – Tổ Quốc và mẹ – Quán Chiêu Văn (2021)

–        Giải Ba Truyện ngắn Trẻ – Quán Chiêu Văn (2021)

–        Giải Ba cuộc thi “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH” DO QUÁN CHIÊU VĂN TỔ CHỨC (2021)

Nhà văn Phát Dương suy nghĩ về sáng tác:

“Dù yêu thích và tham gia đội tuyển học sinh giỏi Văn từ những ngày trung học, nhưng chỉ khi vào đại học tôi mới thật sự bắt đầu sáng tác truyện. 2017, dấu mốc ấy có lẽ chậm trễ so với nhiều người, nhưng không ai có thể xác định được đồng hồ sự kiện của riêng ai. Tôi nói những điều tôi không nói được trong văn, mơ mộng xây dựng thế giới mà nơi đó người ta ghé đến chuyện trò và thấu hiểu nhau, cũng như chia sẻ góc nhìn của mình. Viết, suy cho cùng, là nỗ lực không ngừng và sự cô đơn cần thiết. Có thể viết ra được đã là vui. Dần dà, bỏ qua những ham muốn bồng bột tuổi trẻ, ta bắt đầu tìm tới những giá trị, cho cả ta và những điều ta muốn viết ra. Trân trọng cả tích cực và bi quan, va vấp và thành tựu, chống gậy đi tiếp con đường với một cái chân đau. Rồi tất cả sẽ gặp nhau ở tương lai, nơi những tác phẩm giá trị ở lại và mở ra dòng chảy cho những thế hệ tiếp nối. Hoặc chỉ cần ai đó đọc truyện của tôi và nó giúp ích cho họ, coi như đã thành công trong khả năng hạn hẹp của mình. Mọi khát vọng xin để thời gian trả lời.

Mời quý vị nghe truyện ngắn CHUÔNG NẮNG TRONG MƯA của nhà văn Phát Dương, qua sự thể hiện của giọng đọc Trần Đăng Kim Trang

Truyện ngắn

CHUÔNG NẮNG TRONG MƯA

Hồi mới thấy cây điên điển mọc vươn thân cao ngất như đứa con gái kiêu hãnh ngẩng đầu, Hường đã chề môi chê, cây chi vô dụng đốn đi cho rồi. Đứng giữa những lùm bụi um tùm cỏ dại, nó cũng đâu khác một loài hoang.

– Vô dụng đâu con, bông điên điển nấu canh chua cá linh non ăn hết sẩy! – Ông Sáu cười nhe hàm răng vàng khè mất mấy cây.

– Vậy hái vô nấu đi ông! – Nghe tới ăn, Hường có thiện cảm với cây hơn chút xíu. Nhưng ở câu tiếp theo ông Sáu nói, vụn cảm tình vừa có được y chang cục đường thả vô nước, tan vèo.

– Có mấy chùm bông nấu gì được. Để ngắm cho vui – Ông Sáu tiếp tục vá cái lười chài, mặc kệ Hường ương bướng tiếp tục nhìn cây điên điển bằng con mắt coi thường.

Hường không ưa tất cả những loại cây chỉ để ngắm, dù nó có đẹp tới đâu. Tết, nhà chỉ trưng vạn thọ khi má còn. Sau này, Hường để kệ cho không gian úa màu xám xịt, cùng lắm chờ ba mươi mua mấy chậu hạnh hay ớt hàng dạt rẻ rề. Mấy cây đó trái nhiều, nhìn đã con mắt, đặc biệt ăn được. Những thứ bông lộng lẫy đỏng đảnh, chỉ để coi cho vui, tàn úa rồi rụng mấy hồi, mua phí tiền. Tiền để ăn. Ăn mới có sức làm, có sức sống.

Má Hường không sống nổi vì ăn không được. Má bị hội chứng dài ngoằng gì đó, Hường nhớ không nổi, ăn bao nhiêu ói ra bấy nhiêu. Người ta kêu, có lẽ má chịu cực nhiều quá suốt mấy chục năm trời, dồn lại tích tụ trong người thành bệnh. Hường ráng kiếm tiền mua biết bao nhiêu đồ ăn ngon, má ăn được vài muỗng lại ói. Má teo dần như một cái bong bóng xì hơi, rồi tan biến. Phải chi má ăn được, một phần thôi, chắc má sẽ qua khỏi. Có ăn mới có sức sống.

– Ba mày về thường không nhỏ? – Ông Sáu ngẩng đầu lên, đưa tay gãi sồn sột chùm râu lẫn lộn giữa bạc và xám cho đã ngứa.

Hường thở hắt:

– Ghé chơi chút rồi đi hà ông ơi.

– Có cho mày tiền không? – Ông Sáu nhìn Hường thật lâu, bằng con mắt còn tỏ.

– Có chút đỉnh, mà con không lấy – Hường cười khẩy – Để ổng ăn cho đẹp dáng, con đâu có cần!

Dứt lời, con nhỏ đội nón bước đi thẳng. Đi như gió, không chi níu nổi. Ông Sáu nhìn theo, vừa thở dài vừa lắc đầu. Ông biết trong suy nghĩ của Hường, ba nó cũng là một thứ cây kiểng đẹp mã để ngắm cho vui mắt.

*

Thắng đặt thiệp cưới trên bàn, cố nặn nụ cười. Bên cạnh anh, Nhiên rạng rỡ thiếu điều muốn hét lên cho cả xóm cùng nghe:

– Bữa đó Hường qua chơi với hai đứa tui nhe!

– Có ăn ngon ngu gì không đi – Hường cười như khói, vừa nhen lên đã tan, nhưng lại làm người thấy được cay cay mắt.

Thắng nhìn Hường trân trối, như van nài, sao em không tức giận đi không từ chối đi không giẫy giụa đi. Hay ít ra, em hãy buồn một lát, để tui yên lòng.

Hường làm như không hiểu ánh mắt anh, quay đi ngắm con mèo mướp nằm liếm lông cho con. Tự nhiên cô nhớ má. Nhớ da diết, nhớ như một thứ lửa bắt đầu bùng, mà xung quanh toàn những củi đước lá dừa khô dễ dàng bắt lửa. Cháy tới mức lòng nóng hổi, mắt khô ran.

Thắng nhăn nhó cầm tay Nhiên kéo đi. Nhiên không hay biết gì những giằng xé, vẫn tươi hơn hớn như những loài cây dại xanh lá quanh năm, hồn nhiên cầm thiệp chuẩn bị đi mời nhà khác.

Hường ngó theo, chà, kể cả khi buồn vẻ đẹp trai của Thắng cũng tròn đầy. Cô ghét cái đẹp đó, dù vì chính nó, cô đã rung động. Biết nói chi đây, nhiều lần cô đã thầm ước ngủ một đêm thức dậy Thắng sẽ xấu đi. Có như vậy, nỗi sợ trong cô mới không lớn lên thành con quái vật xấu xí, phá đạp cõi lòng cô tan nát.

Sợ từ lúc nào? Có phải từ khi Thắng tặng cô cái kẹp tóc gắn nơ, ngại ngùng kêu cô cài cho đẹp. Thắng ngại ngùng cũng đẹp trai. Làm gì cũng đẹp. Còn cô, hai từ “cho đẹp” xa xỉ và nhói như những mũi kim lụi sâu tới xương. Cái kẹp tóc là một thế giới xa xôi không ăn nhập gì với cô, thế giới mỏng manh dễ tan vỡ, không chịu nổi hột mưa dầm hay cơn nắng dội. Nhìn cái kẹp tóc, Hường dấy lên ghê sợ, như lũ sắp vượt đê chắn, nước liếm láp bờ nhe nanh cười đe dọa.

Không. Có lẽ từ trước đó nữa. Từ trước cả khi Hường nhớ ra, ba cô cũng là một người đẹp trai. Và má cô cũng đẹp. Những vẻ đẹp bi kịch. Chúng mỏng dờn như giấy quỳ dát thiệt mỏng, quý giá ngời ngợi sáng lóa, nhưng gió thoảng cũng tan. Làm sao giữ nổi những điều tinh tế vô cùng tận đó?

Một giọt nước mắt rớt, khiến tấm thiệp đỏ thẫm giọt tròn. Chỗ thẫm là cô, khác biệt với màu đỏ tươi đẹp đẽ bốn phía.

Hường ngạc nhiên vô cùng, hóa ra cô còn nước mắt để khóc.

*

Đêm không ngủ được, Hường bật dậy mở cửa sổ cho mát. Bữa nay rằm. Trăng tròn như một người đàn bà đẹp, chảnh chẹ nhìn thế dương phủ phục dưới váy áo mình. Ánh trăng rọi khắp nơi, phủ sắc vàng lên mọi thứ, dư thừa tràn qua cửa sổ đắp lên cả Hường. Cũng chẳng làm cô sáng lên nổi, khi buồn bọc cô bằng gam tím nhờn nhợt.

Trăng đẹp, điều đó khiến cô nhớ tới ba. Ba mới ghé hồi chiều. Chắc ái ngại bữa cơm chỉ có tàu hủ kho với rau lang luộc, ba đi vội. Ừ đó, ba quen ăn đủ chất đủ vị, để tóc đen để giữ cơ bắp, để lộng lẫy như trăng rằm không bao giờ khuyết.

Ánh trăng hắt sâu như cái nhìn tọc mạch, khiến tấm gương trên đầu tủ lóa lên.  Hường không hiểu nổi mình, đứng dậy cầm gương soi mặt. Hiển hiện trong đó, dù cô đã cố dùng nắng gió mài cho mòn đi, vẫn là một dạng đẹp. Cái đẹp kế thừa từ cả ba và má, thêm sự ngổ ngáo của mái tóc ngắn và cái nhìn kênh kênh, thành ra một món ăn lạ miệng. Có phải vì vậy mà Thắng thích cô?

Má từng là một người đàn bà đẹp nhất xóm. Một hòn ngọc đặt nhầm chỗ, lẫn trong đá sỏi dưới lòng sông, một ngày kia lũ đẩy trôi vô tình choài lên, bắt đầu hành trình lận đận. Má sinh ra trong một gia đình quần quật quanh năm áo không lành nổi. Một miếng vải trải bàn may mắn mua được giá rẻ, được bà ngoại cắt ra may khéo thành áo cho cả nhà. Những cái áo đẹp nhất, có hoa văn chim chóc sinh động, khiến đứa con nít là má mê mẩn. Cho tới khi qua nhà bạn chơi, đứng kế bàn nước, thấy mình tiệp với khăn bàn hòa vô làm một, má mới biết buồn. Đi học, bạn bè chọc má là gia đình khăn trải bàn. Chuyện đó không đủ để buồn lâu, tới lớp ba, nhà bể nợ má phải nghỉ ngang đi giữ em cho người ta kiếm tiền phụ bà ngoại.

Cái nghèo gieo vô má sự ám ảnh. Không phải ám ảnh bản thân mình khổ, mà ám ảnh phải nhìn những người mình yêu thương chịu khổ. Bà ngoại lụm nùi giẻ người ta quăng ra, chọn miếng lành cắt thành những miếng lục giác may thành mền đắp cho ấm mấy mùa trở gió. Miếng nào lớn, bà ngoại vá liền giấu chỉ, may thành áo cho ông ngoại mặc đi làm. Bà ngoại khéo tay, nhưng không làm thay đổi được bản chất vải. Ông ngoại đi làm mộc, con ông chủ nhìn ra, cười khanh khách chỉ bạn bè ê cái áo ông đó mặc có miếng nùi giẻ nhà tao lau nhà. Má nhìn ông ngại không dám ngẩng mặt, tức tưởi nắm tay kéo ông về, nhất định bỏ không làm nữa. Vừa đi má vừa khóc, trong uất ức lẩn tủi nghẹn. Má thề không để cho những người mình thương chịu khổ.

Vậy mà khi má đi làm kiếm được tiền nhiều, ông bà ngoại đều không chờ nổi. Má gặp ba. Người ta kêu là định mệnh, ba với má đẹp đôi quá chừng. Tướng phu thê sinh ra là để cho nhau, những lời khen sáo rỗng như bọt bóng xà bông. Sự ám ám sống dậy trong má, ở một cấp độ khác, như giông. Má lao vô bán buôn, bào mình ra để nuôi ba, rồi nuôi Hường. Má giữ lời thề không để cho hai ba con chịu khổ. Việc nhà ba không đụng móng tay, để vẹn nguyên vẻ đẹp. Người ta kêu ba như con sáo trong lồng, nuôi để nghe hót cho hay.

Hường không biết có phải vì vậy làm ba tự ái? Hay do má không giữ mình tròn lâu được, khuyết nhanh như mảnh trăng ốm nhách, tàn tựa những ngày cuối tháng? Ba bỏ đi theo vợ bé, một người đàn bà thơm đẫm phấn son. Tới lượt Hường khiến má thất vọng, khi kiên quyết đòi đi làm cho bằng được. Ngày cô cắt tóc ngắn, má khóc như trời sập. Nước mắt hình như làm héo hết giàn thiên lý và đám mồng gà kiểng ba trồng. Rồi má bệnh và từ biệt thế gian nhiều đau khổ này.

Một lần nữa Hường ngạc nhiên, khi mặt cô đầm đìa nước mắt. Cũng may sân không còn cây bông kiểng nào để nước mắt làm úa phai.

*

– Không nằm nghỉ ở nhà đi, chống nạng ra đây chi con? – Ông Sáu nạt, bỏ cần câu lẹ lẹ bắc ghế cho Hường ngồi.

– Ra ngồi coi ông câu cá cho vui, ở nhà chán thấy mồ – Hường cười ngượng.

– Ba mày dọn về luôn rồi hả? – Ông Sáu móc mồi mới, quăng bỏ khúc giun đất đã tái ngắt lạt màu, vung cổ tay chọn chỗ gieo câu. Sóng nước lan ra, chạm bờ, tiếp tục lan cả lên người Hường, bắt đầu từ cái chân bó bột. Rờn rợn lòng.

– Về luôn từ hồi nghe con bị xe đụng – Hường đặt đôi nạng xuống, đưa tay ngắt mấy bông xuyến chi chơi. Thứ bông yếu ớt, đụng là rớt cánh, rời thân lát là gục quéo – Con tưởng về thăm thôi, ai ngờ bữa sau thồ về cả xe đồ.

– Rồi giờ ổng làm gì? – Ông Sáu đưa cần cho Hường cầm giùm, bước lẹ vô nhà, lấy cái bánh dừa kêu con nhỏ ăn cho đỡ buồn.

– Xin đâu được làm công nhân ông ơi – Hường trả cần câu cho ông, lấy bánh lột vỏ, cắn một miếng lớn – Chắc vài bữa cũng nghỉ hà, chịu cực gì nổi!

– Rồi mày sẽ bất ngờ, con ơi! – Ông Sáu bật cười, tiếng cười hào sảng làm dậy cả sóng ao. Có con cá định ăn mồi sợ hãi quẫy đuôi bỏ đi, nhưng mặt ông không gợn chút buồn.

*

Hường bất ngờ thật. Ba bền hơn cô tưởng. Một, hai tháng, rồi tới khi cô sắp đi lại bình thường, ba vẫn đi làm mỗi ngày.

Mặt ba lộ vẻ mệt mỏi, ba ngủ dễ ợt, nằm xuống là ngáy pho pho. Nhưng Hường lại thấy ba khỏe ra thật kì cục. Ba như cây mười giờ bị cắt ngang rớt xuống nước, bén rễ lên nụ tỉnh bơ. Trổ bông phơi phới.

– Chừng nào ba nghỉ? – Hường hỏi, khi ba đang lăng hấp cá trê với rau ngổ. Có mùi là lạ bay lên, chắc con cá sắp khét rồi.

– Để coi, chắc cuối tháng này ba được nghỉ phép mấy ngày – Ba mở nắp nồi coi thành phẩm, nhăn nhó tìm cách cứu món cá – Tới đó ba chở con đi mua mấy bộ đồ mới ha!

Ba cười như trẻ con. Hường làm như không thấy. Cô đâu có ý hỏi ngày ba nghỉ phép. Cô hỏi ngày ba nghỉ luôn, dọn đồ về lại bên nhà dì. Chân cô đã lành, tự lo được rồi.

Nhưng thấy ba vui, Hường nuốt câu hỏi vô lòng. Nó có ngạnh, vướng nơi cổ họng cào vết trầy sâu. Đau nhói.

*

Trời mưa, Hường không kịp về nên ngồi trong chòi ông Sáu chờ tạnh hẳn. Đám điên điển gặp nước có vẻ mừng, cành lá vẫy rối rít. Những chùm bông nhỏ nhỏ, nhìn như những cái chuông làm bằng nắng. Những cái chuông nắng rung trong mưa, vô thanh mà tạo nên âm vọng trong lòng người. Hóa ra, ở trong không gian đẫm nước lành lạnh này, những chùm chuông vàng rực kia lại dấy lên nhiều cảm xúc tới vậy. Vừa yên bình, vừa lẻ loi. Vừa mất mát.

– Nhìn gì dữ vậy con? – Ông Sáu đưa Hường ly gừng uống cho ấm người – Chân cẳng sao rồi?

– Sắp thi chạy maratông được rồi ông – Hường vỗ vỗ vô chân chứng tỏ mình mạnh cùi cụi. Nói chớ cô còn chưa đi nhanh được – Con nhìn cây điên điển, nghĩ coi chừng nào ông chặt bỏ.

– Mày thiệt tình, hăm tụi nó hoài – Ông Sáu bật cười, giọng cười chuông rền ấm như ly trà Hường đang ôm bằng hai bàn tay – Thương lắm, không chặt!

– Có ích gì đâu mà ông thương! – Hường nói như trách cứ xa xôi.

Ông Sáu lặng im. Ông ngầm quan sát Hường, biết lòng cô còn giữ rịt chuyện ba má, như người ôm đá nặng chìm lún đáy sâu một mực không buông.

– Đâu phải nhờ vả được gì mình mới thương đâu con! Cái thương đó hèn mọn lắm. Thương cao cả hơn, chẳng vì điều chi rõ ràng hết – Ông Sáu quay qua, xoáy ánh nhìn vô mắt Hường. Ông ném cho cô sợi dây cứu sinh bằng con mắt cũng sắp trở nên mờ đục – Như ông thương con nhớ con cháu trong nhà, con hiểu hông?

Hường nắm hờ sợi dây, tay vẫn ôm đá tảng. Cô nhìn ra cây điên điển. Tiếng chuông nắng lanh lảnh vang trong lòng cô. Chúng thật đẹp. Cô muốn có một bụi điên điển như vậy, trước nhà, chỉ để ngắm thôi. Phải chăng đó gọi là thương?

*

Nghe Hường nói thích, ba đã kiếm điên điển về trồng. Mấy ngày đầu chưa bén rễ lá rũ quắt, nhờ mưa nay ngẩng đầu dậy xanh rờn. Vài cái chuông nắng nhỏ đã nhú ra. Đủ để ánh nhìn nhấm nháp.

Bữa nay sinh nhật Hường, cô mặc áo mới ba mua cho. Ba lui cui trong bếp, nấu nồi chè đậu cô khoái. Bóng lưng ba ốm teo, mất cơ và gù hơn, nhìn mất phong độ một chút. Mà lại vững chãi vô cùng.

– Ba, chải tóc cho con! – Hường nhẹ nói.

Ba cứng đờ, vài giây sau mới phản ứng. Nhắc nồi chè xuống, tắt bếp, ba lúng túng cầm lượt. Tóc Hường đã dài hơn. Ba đưa tay chầm chậm, như vuốt những sợi nắng mỏng tang, sợ làm cô đau.

Hường không hay nước mắt rớt. Cô biết ba đang cười. Ông Sáu nói cho cô biết lý do hồi đó ba đi, cũng vì muốn má thoát một gánh nặng. Trời ơi những yêu thương thầm lặng cuối cùng lại thành giày vò nhau tan nát. Ai mà ngờ được, niềm vui của ba là san sẻ, là gánh vác hụ hợ. Là chăm sóc người mình thương.

Phải chi lúc đó má hiểu ra, cuộc sống đã không đè gẫy đôi vai má. Có những vẻ đẹp không cần phải lộng kính, đóng khung, mà chỉ khi được đặt vào đúng chỗ, mới bừng nở thật sự. Vẻ đẹp của người được làm gì đó, dù tủi cực cỡ nào đi nữa, cho người mình thương.

Như giờ, ba đang chải tóc cho Hường. Thứ tình thương cho ba sức mạnh vượt qua những ngày tăng ca mà thân xác thư sinh chưa quen được. Tay ba chai, chạm tóc Hường nham nhám. Nhưng ba rạng rỡ như những cái chuông nắng ngoài kia, rung những tiếng trong veo hạnh phúc.

Hường nhắm mắt lại, cảm nhận thứ xúc cảm ấm áp và ngọt hậu dâng đầy mình. Như nắngm, ướp vàng cô, biến cô thành một cái chuông nhỏ. Rung lên.

Phát Dương