Hồng Sơn
Trước diễn biến thị trường 2 tháng qua, việc dự báo và thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm 2018 là bài toán không dễ thực hiện đối với cấp điều hành. Năm nay, nền kinh tế hướng tới hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, vì vậy đặt ra yêu cầu là cần tăng cường kiềm chế CPI ngay từ đầu năm…

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Anh Tuấn
Chưa có diễn biến bất thường

Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 2 của cả nước tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao, cần theo dõi, tăng cường phân tích dự báo để tìm biện pháp kiểm soát từ nay đến hết năm.

Tháng 2, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,53%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,75%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; giao thông tăng 0,79%; giáo dục tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,72%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74% so với tháng trước. Rõ ràng, các con số này cho thấy nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là tác nhân lớn nhất, thúc đẩy CPI tăng lên trong tình huống nhu cầu thực phẩm tăng vọt khi đón Tết Nguyên đán 2018.

Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung chỉ số giá của nhóm này sẽ sớm “hạ nhiệt” để ổn định từ tháng 3 trở đi. Xét từ góc độ cung – cầu, có thể yên tâm vì khả năng cung ứng của hầu hết các loại lương thực, thực phẩm đã xác lập được thế sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng do sự dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại.

Tuy vậy, lương thực và thực phẩm lại là nhóm hàng “nhạy cảm” với thay đổi thời tiết, đặc biệt là phản ứng tiêu cực ngay khi gặp diễn biến thời tiết cực đoan. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là sự chủ động trong công tác tồn trữ để bình ổn thị trường; không để xuất hiện sự tăng giá bất hợp lý. Làm được như vậy sẽ là biện pháp thiết thực để kìm giữ tốc độ tăng CPI.

Đáng lưu ý, nhóm dịch vụ bưu chính – viễn thông hầu như sẽ không còn nguyên cớ để có thể tăng giá do nhu cầu sử dụng của xã hội đang đi vào ổn định, đồng thời các nhà cung cấp dịch vụ phải vào cuộc, căng sức để cạnh tranh về giá và chất lượng phục vụ. Thời gian tới, chỉ số giá nhóm này vẫn còn “dư địa” để tiếp tục xu hướng giảm như thời gian vừa qua và như vậy người tiêu dùng ngày càng được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, giá dầu thô – yếu tố quan trọng hàng đầu, là tác nhân có thể kích đẩy hoặc làm giảm tốc độ tăng CPI, đồng thời là vấn đề rất khó dự báo nên vẫn sẽ nằm ngoài khả năng chi phối của cơ quan quản lý. Nói cách khác, đó là ẩn số khó lường, nhưng lại ảnh hưởng rất mạnh và trực tiếp đến tất thảy hoạt động kinh tế, nhất là hoạt động giao thương của xã hội. Song, ở thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu sẽ tăng mạnh hoặc đột ngột trong những tháng tới mà chỉ tăng ở mức độ thấp. Đây là hy vọng sẽ tạo ra sự ổn định (hoặc tăng thấp) đối với nhóm giao thông – tức sẽ có lợi cho mục tiêu khống chế lạm phát cả năm.

Đến thời điểm hiện tại có thể thấy, các nhóm hàng và yếu tố chủ quan và khách quan, tình hình thị trường đang diễn ra khá ổn định; chưa xuất hiện sự thay đổi đột ngột hay bất lợi nào. Điều đó đồng nghĩa với việc không quá lo ngại về khả năng kiềm chế lạm phát.

Chủ động ứng phó, kiểm soát

Việc kìm giữ lạm phát ở mức dưới 4% cũng là một thách thức không nhỏ, khi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã triển khai trong năm 2017, như đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng tín dụng sẽ tác động trễ – tức là ứng vào năm 2018, do đó tác động đến diễn biến CPI. Đơn cử, tăng cường cung tiền ra thị trường sẽ là nguyên nhân gây ra lạm phát, vì vậy, đặt ra yêu cầu tập trung kiểm soát chất lượng tăng trưởng tín dụng năm 2018 của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng.

Lạm phát năm 2018 còn chịu áp lực từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công khi được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố bên cạnh việc điều chỉnh mức lương cơ sở sẽ tác động không thuận lợi với mục tiêu khống chế mức tăng CPI. Ngoài ra, giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% đến 10% trong năm 2018, có khả năng tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm nay.

Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị cần chủ động thực hành sản xuất sạch, an toàn; biết tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng và tiến tới thể hiện giá trị thực của hàng hóa. Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hoạt động của giới doanh nghiệp đang trong xu thế tích cực, được cải thiện về niềm tin, từng bước đẩy mạnh cung cách làm ăn bài bản, thể hiện khát vọng làm giàu một cách rõ nét.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và mức cạnh tranh ngày càng gay gắt, mỗi đơn vị trong nước cần bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng như nâng cao tính sẵn sàng, chuyên nghiệp trong thực hiện dịch vụ liên quan. Cơ quan quản lý cũng phải làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm, nhất là nạn hàng giả, găm hàng, thổi giá…, bảo vệ những đơn vị làm ăn chân chính, dẹp bỏ đơn vị vi phạm pháp luật; từ đó góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Hy vọng, với những diễn biến khách quan, chủ quan và nỗ lực đáng ghi nhận nói trên, nền kinh tế Việt Nam sẽ bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát khi kết thúc năm kế hoạch 2018.

Nguồn Báo Hà Nội mới
Dương Thanh đăng bài