Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong một bài viết của mình, nhà thơ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, Nazim Hikmet khẳng định “thơ là một công trình kiến trúc chặt chẽ, đến nỗi chỉ cần bỏ đi một dấu phẩy thì cả bài thơ đã sụp đổ”. Cũng chính từ sở thích rồi thành sở trường của các nhà văn đã gây khó cho người đọc trong cách tiếp cận như là một yêu cầu, đòi hỏi lựa chọn người đọc. Như là một “cấu trúc động” để tạo ra sức sống cho tác phẩm của mình.


Vấn đề đầu tiên nảy sinh là những tranh biện xoay quanh cách tiếp cận những hiện tượng văn học như thế. Đương nhiên, bất kì nhà văn nào dù ý thức cao độ hay mải miết say đắm theo cảm hứng, cũng sẽ xây dựng cho riêng tác phẩm của mình một cấu trúc riêng. Cấu trúc ấy tựa như thần thái, vóc dáng của một nhân vật. Thậm chí, văn bản văn học có đạt đến sự tự thân đến mức có người từng cho rằng “tác giả trở thành xác chết và sự viết bắt đầu” (R.Barthes). Nhưng, ở một xu hướng khác, nhất là các nhà văn, học giả trường thành từ vốn sống và kinh nghiệm cầm bút, thường né tránh hoặc phủ nhận những cách thức tiếp cận đấy. Để đến một quan niệm của Roland Barthes: “một cấu trúc không còn chỉ có một ý nghĩa như chủ nghĩa cấu trúc quan niệm nữa, mà cấu trúc có thể có nhiều tầng nhiều lớp ý nghĩa và luôn luôn mở rộng. Như vậy việc đọc một tác phẩm văn học không còn là đi tìm cấu trúc nội tại của tác phẩm, mà là mượn “mã” ngôn ngữ của tác phẩm để phân giải và mở rộng ý nghĩa của nó. Cấu trúc nội tại của tác phẩm chỉ bao hàm hệ thống ý nghĩa thứ nhất, còn hệ thống ý nghĩa thứ hai là do bạn đọc và nhà phê bình thể nghiệm khi tiếp xúc với tác phẩm. Người đọc và nhà phê bình (đặc biệt là nhà phê bình) giải đáp vấn đề của tác phẩm, từ đó lại xuất hiện vấn đề mới, cứ như thế, cấu trúc tác phẩm không ngừng vận động và phát triển.” (Theo Nguyễn Văn Dân)

Đó là phản ứng từ góc độ tiếp nhận và phê bình, còn với nhà văn, bất chấp tiếng gó rít bên tai, như những con tuấn mã mải miết với hành trình chinh phục những đỉnh cao, người viết vẫn say sưa được vất vả vật lộn với những mã, những dòng, những kiểu sắp đặt rất riêng của các tác giả. Nếu như người đọc chẳng lạ gì với lối thơ giàu chất tự sự của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Trần Nhuận Minh… Nhưng, đâu chỉ có giãi bày, Nguyễn Duy còn đưa người đọc vào một kí ức quên lãng bằng cách kể, Thoạt tiên là một kí ức sống từ:

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

níu váy bà đi chợ Bình Lâm

bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần.

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.

(Đò Lèn)

Nhưng, tất cả mới chỉ là một kí ức sống. Một nửa của sự thật kia nằm ở một kí ức nghĩ bắt đầu bằng sự tự thức của những: “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”;“khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”. Hai dòng kí ức cùng nằm trên trục thời gian nhưng phân giã, đối kháng gay gắt. Lời kể thứ nhất như sự kiểm chứng năng lực thấu thị của người đọc: xem anh có tinh tường nhận ra sự bình lặng, êm đềm của tuổi thơ không? Lời kể thứ hai là một sự phán quyết vào chính sự lãng quên của một quan niệm sống chứ đâu chỉ là sự vô tư đến vô tâm của tuổi thơ đẩy đến cái kết nghiệt ngã của số phận.

Người thứ hai buộc người đọc phải đến với những cấu trúc lạ là Thanh Thảo. Biểu tượng trong thơ anh chính là một cấu trúc. Cấu trúc nén trong những từ ngữ thân thuộc như máu, tre, đàn ghi ta… họa chăng mới mẻ lắm mới là Metro. Trong cuộc chơi với cũ kĩ đó nhà thơ được gì và mất gì? Những tưởng, dùng những “sáo mòn” ấy, Thanh Thảo chấp nhận mạo hiểm. Nhưng không, nhà thơ mặc nhiên như muốn nói với người đọc: chưa đi đến tận cùng cái mới thì chưa thể coi là đã cũ. Và cứ thế, thừa thắng, anh chỉ ra từng biểu tượng cho hết tầm. Nào là “máu” nhưng phải là máu thật: Máu đỏ thật không ồn ào/ máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo (Thử nói về hạnh phúc); là tre. Chẳng mới. Nhưng là tre ngâm, cái ngâm thấm đẫm tinh thần dân tộc, “nằm gai nếm mật”, “dầm sương dãi nắng”: Đêm nghiến răng ngày lam lũ / thở gai khóc lá than cành (Trường ca chân đất). Nhưng, độc đáo hơn cả, là một Metro (Trường ca metro) như chiếc máy thời gian khi tầm vóc triết gia nhìn ngược chiều của xu thế hiện sinh với tốc độ lao về phía trước. Hình như, gắng đi ngược, cố thắng được lực cản của sự vô tâm, lãng quên, ta sẽ trở lại được những 38 năm với 2000 cây số của quá khứ:

những khoảnh khắc ga

đoàn tàu thời gian băng tới

ký ức vùn vụt trôi ngược lại

metro

hai trong một

chạy tới chạy lui

trên cùng một đường ray

Thật đáng thương cho những ai bị quen với cách đọc thơ tĩnh tại, thụ động và tư duy cấu trúc “phẳng” quá. Thế mới biết, đâu phải chỉ thơ bậc thang, vắt dòng, thơ không chữ. Cũng không hẳn lúc nào cũng cần đến những Jờ roạcx (Trần Dần) thơ mới đủ lực bắt người đọc nghĩ, đẩy những định kiến kia vào sự lúng túng. Tất cả phải bắt đầu từ năng lực và cũng là nỗ lực đọc, như lời của Umberto Eco: “mọi tác phẩm, dù được sáng tạo theo thi pháp tất yếu nào cũng mở theo các kiểu đọc, mỗi kiểu đọc mang tới cho tác phẩm một đời sống mới từ một triển vọng nào đó theo thị hiếu cá nhân của người đọc”.


Phương Mai

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version