Buồn là một trong những trạng thái tình cảm của con người, là sự rung cảm nội tại của mỗi người đối với môi trường sống xung quanh, là một mặt đối lập của vui.  Buồn ít hay buồn nhiều là tùy người, nhưng không ai tránh được nỗi buồn cả!

Hiển thị IMG_20151021_1.png

Tập thơ đầu tay của Phạm Thu Hằng có cái tựa đề thật dễ thương: “CHO EM BUỒN NỐT HÔM NAY”. Đọc hết 48 bài thơ trong tập thơ này, thì thấy, bản thân cái tựa đề đó đã bao quát hết nội hàm của tập thơ rồi. Tập thơ như là một sự tự thú về tâm trạng “buồn thường trực”, buồn như là một “bệnh mãn tính”  của tác giả. 48 bài thơ là 48 cung bậc buồn khác nhau. Lấy đối tượng tâm sự  là “anh”- một “anh”  nào đó, một “anh” mà chân dung thường không rõ rệt. “Anh” trong thơ Phạm Thu Hằng như là một khao khát của mong vọng, của đợi chờ, nhưng “anh” cũng chính là “niềm đau, nỗi khổ” như “tác nhân” trực tiếp gây nên những nỗi buồn man mác đó.

Thơ Phạm Thu Hằng thường có cái tựa đề ngắn và gợi: Miền xa, Valentine trắng, Lạc phố; Cúc Họa Mi; Cạn mùa, Nhân ảnh, Cho em buồn nốt hôm nay …  Những tựa đề không quá cầu kỳ, xa lạ nhưng cũng không quá chân quê, mộc mạc. Chính cái tựa đề của các bài thơ trong tập thơ này đã “tố giác” sự chắc tay trong thi pháp, trong bố cục từng bài thơ của một tác giả đã vượt qua rất nhiều hạng bậc để có mặt trong tốp những tập thơ tình hay (theo ý chủ quan của người viết bài này).

Từ bài thơ Miền xa, đầu tập, bài thơ viết về một hoài niệm tình yêu ở lứa tuổi mười bảy:

Tuổi mười bảy vời vợi xa chẳng thể nào trở lại

nhánh bằng lăng trên tay người đau gì mà tím mãi

góc trời xưa vành vạnh mảnh trăng đầy.

Những tháng ngày tết cỏ gà lên tóc mây

anh ngỏ lời ngày em tròn mười bảy

ngày một dòng sông bỗng ngừng chảy

cắn đắn trước triền đê vàng hoa

Phạm Thu Hằng bộc lộ sự “già dặn” trong việc lựa chọn chi tiết, hình ảnh ngay ở bài thơ đầu tiên. Và khi đọc tiếp những bài thơ sau đó của chị, ta không có cảm giác là tác giả bị đuối sức, bị đi xuống hoặc lỗ mỗ, hụt hẫng trong cảm xúc, cũng như trong biểu đạt. Những bài thơ lục bát của chị là những bài thơ hay và có khá nhiều câu hay, như:

Hình như mây ngúng nguẩy hờn

Không thèm cài nút sau cơn hoang tình
( Hình như)

Hoặc:

Giêng hai biêng nhánh hao hư

Chùng chình ngõ vắng ngọn thu đã tàn

( Phận)

Phạm Thu Hằng là một cô giáo, trong thơ chị, chí ít cũng là trong tập thơ này, không thấy dấu ấn của công việc dạy học, nhưng dấu ấn của cô giáo dạy văn thì khá rõ. Thơ Phạm Thu Hằng có sự tu từ, chọn lựa ngôn ngữ rất kỹ. Ít khi chị rơi vào sự cẩu thả, dễ dãi. Ngoài sức cảm, sức liên tưởng, thơ chị là khá biến hóa, mạch thơ phóng khoáng, biên độ thơ mở rộng, đan xen giữa quan sát, mô tả ngoại cảnh với sự rung cảm bên trong, rung cảm nội tại do cảm xúc mang lại.

Sẽ rất nhạt nếu như những bài thơ tự sự chỉ rơi vào kể lể, diễn tả cái buồn riêng cá nhân, cái cô đơn trống trải của mình không thôi, nhưng Phạm Thu Hằng đã biết mượn ngoại cảnh để san sẻ bớt nỗi lòng mình. Nỗi buốn của chị khi thì nhờ cơn mưa, góc phố, bông dã quỳ nở cô đơn đâu đó chia sẻ hộ… Có khi là một khung cửa sổ mở rất khẽ trong đêm, ánh đèn lọt ra qua khung cửa đó cũng rất khẽ, chỉ nghĩ về chủ nhà trong đó là ai, họ vui buồn ra sao, rồi thủ thỉ với “anh” của mình. Rất nhiều những trạng huống tình cảm đã bằng cách đó mà truyền sang người đọc, mà bộc lộ được “cái tôi” văn hóa của mình.

Thơ Phạm Thu Hằng có “nội lực” suy nghĩ, “nội lực” về ngôn ngữ biểu đạt. Những trạng huống tình cảm phức tạp của con người khi đối diện với hoàn cảnh sống, nhất là trong tình cảm, trong tình yêu nam nữ, nếu không đủ “nội lực” thì khó mà đạt tới  khả năng dẫn truyền cảm xúc tới người đọc. Đọc thơ, nhiều khi dễ nhận thấy sự đơn giản, đơn điệu, sự nông cạn, sự bất cập của ngôn ngữ trong diễn đạt ý tưởng. Để khỏa lấp, che đi phần thiếu hụt đó, nhiều khi tác giả dùng vần, dùng nhạc gõ hầu thay được điều đó, bởi vậy, nên nhiều khi, bài thơ đọc nghe vang vọng, trôi chảy, nhưng sẽ rất khó để để lại dư ba sau đọc. Trái lại. nếu đầy đủ “nội lực”, tác giả viết như không, như chưa hề có “động thái nghề nghiệp” nào cả, mà bài thơ vẫn tạo được dấu ấn thẩm mỹ, dấu ấn nhân văn cho người đọc nó!

Làm thơ, thường thì có mấy bước là tả, kể, và suy nghĩ. Có người, thơ nặng về kể, có người thơ nặng về tả, có người thơ  nặng về lý trí. Tùy theo tâm trạng mà lựa chọn cách thức tiếp cận đề tài cho phù hợp. Về thơ tình, thường thì, “thơ tình buồn” hay hơn “thơ tình vui”. Những bài thơ tình được cho là hay trên thế giới, xưa và nay, đều là những bài “thơ tình buồn” thơ tình viết về “sự đổ vỡ”, “sự yêu một chiều”, “, sự nhớ nhung” “sự xa cách”, “sự thất tình”…. Thơ tình phảng phất một nỗi buồn nhè nhẹ là một thế mạnh của Phạm Thu Hằng. Có thể kể tên những bài thơ tình buồn buồn, nhè nhẹ, gây được ấn tượng với người đọc như: Chiều cuối năm, Em là phố, Khúc muộn, Em mệt rồi anh ạ!, Bông dã quỳ cô đơn.…Trải dọc theo thời gian, từ bài thơ hoài niệm về mối tình đầu, ở lứa tuổi 17, cho đến những bài thơ mới, như là những mối tình trong đời thực, trong mộng tưởng gần đây của chị, người đọc cũng có thể hình dung ra một Phạm Thu Hằng đa cảm, đa tình và luôn chới với trước một tình yêu chưa trọn vẹn. Một bờ vai để dựa đối với một người đàn bà trí thức, chưa hẳn đã phải và chỉ là một chỗ dựa về kinh tế, về đời sống. Có vẻ như, chị cần chỗ dựa về tâm hồn nhiều hơn. Tôi nghĩ thế!

Tôi còn muốn nói thêm một điều nữa, rằng là, tôi đọc ở đâu đó, lâu rồi, hình như là câu nói của chí sĩ Lê Quý Đôn thì phải, đại ý câu đó thế này: “Làm thơ khó nhất câu mở đầu, nhưng câu mở đầu cũng không khó bằng câu kết thúc, nhưng câu kết thúc cũng không khó bằng, bài thơ mở ra sự tiếp tục”. Tôi hiểu câu nói đó là, làm được câu mở đầu cho hay đã khó, nhưng làm được câu kết thúc hay còn khó hơn. Nhưng khó hơn cả là bài thơ phải tạo ra được dư ba sau khi đọc. Một cách còn khiêm tốn, nhưng, thơ Phạm Thu Hằng đã manh nha có được một cách làm thơ có hậu.

Tôi hy vọng, sau tập thơ đầu khá thành công này, Phạm Thu Hằng sẽ có nhiều thành công khác nữa. Tôi tin chị còn đủ “nội lực” để bước tiếp trên con đường văn chương. Hy vọng là thế!

Vũng Tàu 12/09/2015

Theo LÊ HUY MẬU

Exit mobile version