“Nỗi buồn trong suốt” là tên tập tản văn đầu tiên và là cuốn sách thứ hai của cây bút trẻ An Giang – Nguyễn Đức Phú Thọ. Cầm trên tay cuốn sách có bìa giản dị, không quá dày và đủ cám dỗ để một người dù có bận rộn đến mấy nếu lỡ đọc trang đầu cũng lật tiếp.

Đúng như chữ khởi đầu của cuốn sách “nỗi buồn”, 61 bài tản văn đều có chung tâm trạng buồn. Buồn của Nguyễn Đức Phú Thọ có cả sự mất mát, đau đớn tột cùng khi phải chấp nhận mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời. Nhưng bên cạnh đó, ở cây bút trẻ này nhiều khi “cơn cớ” để buồn rất dễ đến, tự nhiên, nhỏ xíu và dễ thương như một bàn tay con gái.

Có thể chỉ là một chiều được ngồi lại trong cái quán Trầm với cái tên cũng đủ gợi nỗi lòng, rồi quan sát cận cảnh từ ô cửa, lớp kính cho đến không gian vượt thoát cao hơn với bầu trời “Khung ảnh nhỏ bé vậy mà xanh níu xanh, xanh chạm xanh trải ra những kết nối bất tận. Cả trong trí tưởng”. Rồi ánh mắt lại sợ, không dám tận hưởng thỏa thích cái góc nhìn của chính mình, của riêng mình để co cụm, khéo léo chối từ. Và những khuôn mặt hiện diện trong quán như nhắc khéo về hoài niệm ấu thơ, bạn bè… miên man trong nền xanh như một ký tự tự dưng chèn vào những khuôn hình vừa thực vừa ảo. “Quán tên Trầm/ Là nơi dù cứng chật không gian, người vẫn cố dặn mình ngồi lại./ Để mơ xanh.”

Còn với nắng “có những ngày nắng tràn cả vào cơn mơ giấc ngủ. Những giọt nắng rơi về giữa tâm tư bao hình ảnh sáng lòa. Nhưng tất cả lung linh, vô định. Những bóng người đã vĩnh viễn xa ta”. Nắng còn là giấc mơ của những ngày bão về, của sự sống và sự di chuyển..

Và mưa “những cơn mưa lại trở về thành phố. Như một thói quen”, như chuyến tàu thân thuộc đến giờ hiện diện trước ga, tưởng chẳng có đủ sức níu kéo tâm hồn ai. Vậy mà với tâm hồn quá đỗi nhạy cảm, mưa đã tái hiện biết bao những “đoạn rời” của ký ức để nối về hiện tại. Trong cái không gian hiện tại và quá khứ ấy dường như đường biên quá mỏng manh để “Từng câu chuyện quá khứ tan vào mưa, li ti vỡ. Gió bỗng lùa một cơn thật mạnh qua hàng hiên. Thông thốc. Mát rượi. Hoài niệm ùa về không cách nào ngăn nổi. Tôi khẽ khàng áp đôi gò má xương xẩu lên đầu gối, nằm mơ. Và xa xôi, ở ngoài kia. Dường như những tiếng mưa rơi cứ dần nhỏ lại…”.

Đến gió “Ngày nhiều gió. Cứ chênh chao nỗi âu lo./ Đôi khi, muốn mình là ngọn gió, dang tay giữa đám cây… Gió có biết đến niềm vui, hay gió chỉ là những hình dung trống rỗng. Và đi trong bất tận phương trời. Dù sâu thẳm gió cũng tìm đến được./ Như cuộc đời, chẳng ai biết trước./ Chỉ nghe gió vi vu”.

Đặc biệt trong cuốn tản văn “Nỗi buồn trong suốt” có đến 30 “thư muộn” phần lớn gửi cho một người con gái tên K. với một câu chuyện buồn xuyên suốt. Đó là những hối tiếc, dằn vặt, tan vỡ, những kỷ niệm đẹp, những phút giây hạnh phúc nhưng mong manh của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nông nổi, khát khao mơ về một miền đất lạ đã không trở lại. Rồi cả khi người con gái tên K. ấy đã vĩnh viễn đi xa, nỗi đau bất ngờ đến nỗi người ta không thể tin ngay đấy là sự thật…

Tác giả có những lý giải khá triết lý nhưng lại không khiến người đọc thấy “già” mà khá tự nhiên như đang được ngồi cùng bàn tâm sự, được tác giả trải lòng một cách chân thật: Chúng ta nghĩ kinh nghiệm là thứ sẽ giúp ta đứng vững trước cuộc đời. Nhưng đứng trước tình yêu nó trở nên vô nghĩa. Nếu yêu bằng kinh nghiệm, đó chẳng phải tình yêu. Nó gần giống với một thói quen, được nuôi dưỡng bằng lý trí và dự tính.

Những “thư vội” trong “nỗi buồn trong suốt” không quá dài, mỗi thư chỉ tầm hơn trang giấy in. Nhưng hình như mỗi thư là một câu chuyện được kể lại mà người gửi chẳng còn gửi được cho người nhận nữa. Thư là nơi lưu giữ cảm xúc thật nhất của người viết ở những khoảnh khắc khác nhau bất chợt đến, bất chợt ùa về trong cuộc sống thường ngày.

Thư vội là viết vội theo dòng cảm xúc chảy tràn hay thư vội là thư đã lỡ chuyến gửi cho người nhận? Có thể chẳng suy đoán nào đúng, hoặc cũng có thể đúng cả hai. Nhưng nó đem đến cho người đọc cảm xúc về hoài niệm tuổi trẻ với một nỗi buồn “trong suốt” vừa nhạy cảm, mong manh lại vừa khó tan biến vĩnh viễn.

Đọc “Nỗi buồn trong suốt” bỗng nhiên như sống lại thời trẻ của những năm tháng tuổi hai mươi với nỗi buồn đầy cơn cớ. Buồn đấy nhưng không làm con người ta bi lụy và tuyệt vọng. Mà buồn để chiêm nghiệm, để thấy cuộc sống này đáng sống và chúng ta đã đi qua nỗi buồn như thế, đi qua tuổi trẻ như thế. Và phải đúng là người làm thơ, có tâm hồn thơ thì mới viết được những tản văn đầy chất thơ như thế.

Nhà văn Đặng Thiên Sơn nhận xét: “Nỗi buồn trong suốt” chủ yếu là những tản văn viết về tình yêu và những trải nghiệm, kí ức của tuổi trẻ của chính tác giả. Ở đó pha trộn nhiều cảm xúc trước nhưng va vấp, chia li và hoài niệm. Những mảng màu có khi đối lập, có khi trộn lẫn hòa quyện vào nhau, có khi bàng bạc, chỉ như một nốt lặng mờ ải… Để rồi sau tất cả, khi nhìn lại, những nỗi buồn ấy hiện lên như một thứ pha lê, trong suốt mong manh.

Còn nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa thì chia sẻ: “Chảy vào tôi một làn hơi bàng bạc mang tên nỗi buồn. Làn hơi ngỡ thoảng nhẹ, mong manh và se sắt ngẩn ngơ, ai đó từng hoang mang trôi giữa những ngày tuổi trẻ vây bọc lắm cô đơn. Có mất mát, có hoang hoải, có cả phút chiêm nghiệm sâu lắng đến không ngờ. Tôi đã định chỉ lướt qua. Nhưng rốt cuộc, lại thấy mình như bị hút lấy, bị nhập vào cùng với những con chữ được viết bằng thơ ấy”.

Hà Anh – Văn học Quê nhà

Exit mobile version