Tôi thường hỏi các lớp sinh viên văn học có bao nhiêu người đọc thơ. Số lượng giơ tay không nhiều. Chưa tính đến chất lượng đọc. Đọc có hứng thú không? Có cảm nhận được không? Có cộng hưởng đồng sáng tạo không? Đây là đối tượng đọc có trình độ, gắn với văn chương. Hoàn toàn tri giác theo sở thích mỗi người. Nhưng khi làm bài tập cả lớp đều phải viết về thơ: một giai đoạn thơ, một vấn đề của thơ, một bài thơ Việt Nam hiện đại. Điều gì đã diễn ra? Nhiều sinh viên chú ý đến thơ trẻ, thơ của các tác giả thế hệ 7X, 8X. Xin được dẫn ra một vài bài viết của các sinh viên làm về thơ trẻ như Tìm hiểu thơ trẻ hôm nay. Thế giới tình cảm qua tác phẩm của một số nhà thơ trẻ. Về một số cây bút nữ đương đại. Tiếp cận thơ trẻ qua trường hợp Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư. Ngôn ngữ thơ Phan Huyền Thư qua hai tập Nằm nghiêngRỗng ngực. Cảm nhận thơ trẻ qua thơ Phan Huyền Thư. Với thơ Vi Thùy Linh. Thơ trẻ và những dấu hiệu đổi mới qua trường hợp Vi Thùy Linh. Nghệ thuật thơ Vi Thùy Linh. Sex trong thơ Vi Thùy Linh. Ngôn ngữ thơ Vi Thùy Linh. Thơ tự do trong tập Đồng tử. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn đi sâu phân tích các bài thơ riêng lẻ của các nhà thơ trẻ như Những đối lập, Người dệt tầm gai, Dấu vết, Phía này nắng tắt, Thiếu phụ và con đường, Nhật thực… và còn nhiều bài tương tự.

Những nhận xét, đánh giá có thể gặp trên sách báo, các trang mạng nhưng lộ rõ sự nhiệt tình, độ nhạy cảm, thông minh, thẳng thắn của sinh viên đối với thơ Việt đương đại. Hướng chung là khẳng định biểu dương thơ trẻ, thấy được mặt mạnh, ưu điểm và cả những bất cập, phiến diện của họ. Các bài viết nhắc đến Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Thúy Hằng, Vũ Thị Huyền….đều đánh giá cao những tìm tòi đổi mới của thơ trẻ. Thơ trẻ trình bày một cách nhìn thế giới, đời sống thông qua kinh nghiệm của cái tôi cá nhân. Con người cá nhân luôn muốn được bộc lộ và khẳng định một cách triệt để. Họ đi sâu khai thác bản thể, khám phá những bí ẩn đầy bất trắc của đời sống, khám phá tình yêu đa dạng đa chiều, thánh thiện và nhục cảm. Thơ trẻ sử dụng nhiều thủ pháp phân lập câu, lạ hóa từ ngữ, tận dụng yếu tố tạo hình, sử dụng dày đặc ẩn dụ. Thay vào cấu trúc truyền thống tuyến tính là cấu trúc đồng hiện, cấu trúc phân mảnh, cấu trúc lắp ghép. Kinh tế thị trường, khoa học, kỹ thuật hiện đại cũng in dấu lên sáng tác của các nhà thơ trẻ.

Mặt khác, các bài viết cũng nêu lên những bất cập của thơ trẻ. Khai thác quá đà tình dục, những hình ảnh không còn là tiếng nói của cơ thể, của bản năng mà là tiếng nói của lý trí khoác áo choàng tình dục. Các nhà thơ trẻ nhiều khi nỗ lực gạt bỏ quá khứ mà không thấy được quá trình thanh lọc quá khứ để từ đó sáng tạo ra những giá trị hiện đại. Khi nào quá khứ nghìn năm kết hợp được với hiện tại đương thời, các nhà thơ trẻ sẽ tạo ra những câu thơ mới và hay. Cần một tinh thần mới cho thơ, một cái nhìn mới đối với thực tại, nhiều nhà thơ trẻ lại chưa có. Dù sao trong những tác giả trẻ hiện nay, có người ngay khi xuất hiện đã xứng đáng là nhà thơ. Có người còn đang vùng vẫy trong những bất cập của chính mình và thế hệ mình. Nhưng những bất cập ấy không thể không vượt qua.

Gần đây đọc một số ấn phẩm sách báo, tôi bắt gặp một số người viết trẻ, rất trẻ như Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai, Lê Va, Phương Đặng…Quang Hưng và Lê Va tôi chưa rõ được năm sinh còn Lữ Thị Mai, Phương Đặng cùng sinh năm 1988. Thơ Quang Hưng rất dễ cảm, có cái nhìn mới về những điều đã cũ. Tôi rất yêu những bài Hưng viết về tập tục hồn vía làng quê (Trò chơi đốt mía, Tảo mộ, Từ thôn Nghĩa Lộ, Con đường Thạch Bích…) Ở đấy, Hưng đã thể hiện một nền văn hóa chắc chắn, giàu nội lực. Lê Va hiền, mộc, thâm trầm, từng trải hơn. Người đọc khen anh chặt chẽ sâu sắc ở bàiÔng tôi. Nhiều bài khác như Người vùng cao đón khách, Tản bước sông đêm, Chuyện về loài cây, Chuyện về con người cầm tinh một con vật dân tộc mà hiện đại. Ý sâu, khái quát từ hiện trạng đời sống, nâng lên triết lý, thứ triết lý kiểu dân gian. Lữ Thị Mai sớm già dặn. Từ cấu trúc bài thơ, đoạn thơ đến cách sử dụng ngôn ngữ tạo hình. Già dặn mà tài hoa tinh tế, nhiều câu thơ gợi cảm mà hiện đại: Tôi thường về nhà/ Bằng bước chân vay mượn từ kẻ khác/ Cô gái thất tình/ Gã đàn ông sang/ Đứa trẻ lang thang vé số… Bước chân không hợp chủ/ Ngôn ngữ bung khỏi đế giày (Bung). Người người không dám qua đường/Nơm nớp sợ những chiếc xe đã giảm ga mà hằn học cái nhìn vượt ẩu(Ngụ). Em chưa vu quy đã thành góa phụ (Bữa tiệc mùa thu) (1) Phương Đặng khó đọc, phải đọc không chỉ một hai lần, thoát ra khỏi ám ảnh câu chữ để bắt cho được điều gì toát ra ở đấy. Phương Đặng tốt nghiệp đại học ở Mỹ, sáng tác thơ bằng tiếng Anh (rồi dịch ra tiếng Việt). Tư duy thao tác cấu trúc văn bản nghệ thuật theo một mô thức khác với người sáng tác bằng tiếng Việt. Nhiều câu, nhiều đoạn thơ trùng điệp (hay trùng lặp) miêu tả chi tiết, tạo ấn tượng bằng những cặp đối lập: Tôi là người thắng, tôi là kẻ bại – tôi là người hùng, tôi là kẻ hèn nhát, tôi được ngợi khen, tôi bị làm nhục, tôi trắng tôi đen… tôi khác họ. Tôi chỉ là một khuôn mặt – trong đám đông (Giống như họ). Thơ Phương Đặng khao khát tự do, tự do cho mình cho bạn. Tự do đến với sống với cái đẹp. Cái đẹp có giá trị trong mọi hoàn cảnh, ở mọi thời đại. Nhiều chất vấn, tự vấn phân chia đối sánh các mặt của vấn đề. Bạn nghĩ là bạn tự do nhưng thật sự thì bạn tự do đến mức nào? Bạn không thể nhìn thấy song sắt nào – nhưng chúng đã được cấy mòn đầu bạn – Bạn sẽ lớn lên và lớn lên nữa trong ngục tối của chính bạn – Bạn sẽ bơi và bơi nhưng chỉ bơi trong cái bể nông của chính bạn mà thôi – và chẳng bao giờ ra được biển lớn (Dễ uốn). Cũng là một đòi hỏi một bản lĩnh để vượt qua những gì hạn hẹp. Đối với kiểu thơ này không thể chỉ thưởng ngoạn mà phải tư duy.

Từ những quan sát và đọc trực tiếp các văn bản thơ đã nói ở trên, tôi muốn nêu lên đôi điều:

1. Thơ trẻ đã có tiếng nói, vị thế riêng của mình được người đọc chú ý. Nói cách khác thơ trẻ có công chúng đọc và như vậy sẽ được tiếp sức. Có người đọc, thơ sẽ được chắp cánh lan tỏa mở rộng. Nhưng ai sẽ là người đọc đích thực của thơ trẻ, ai sẽ đồng cảm và là phản lực đẩy thơ trẻ lên cao? Những người đọc trẻ, đặc biệt là sinh viên đại học, đối tượng thích ứng, hướng tới cái mới, cái lạ có phần đã vượt ngưỡng. Phần nữa theo tôi những người làm công việc nghiên cứu, phê bình văn học cũng không nhiều. Trong số này nhiều người cỡ 6X ngược lên nói đến thơ trẻ là lắc (đầu), không đủ bình tĩnh, kiên trì để đọc. Và nếu có đọc qua thì dị ứng và gửi lại một ấn tượng không mấy tích cực. “Xềnh xoàng đánh bạn xềnh xoàng – Trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già.” Thơ trẻ cần có con mắt trẻ, tâm hồn trẻ để cảm thông chia sẻ. Mỗi thế hệ có cách sống, quan niệm thẩm mỹ, có tri thức và cách nhìn thế giới con người theo sự vận động, biến hóa của thời thế. Khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, kinh tế thị trường mở cửa ào ạt xô bồ hình thành đề tài và thi liệu cần thiết cho thơ trẻ. Thơ trẻ nhanh nhạy với những hiện tượng “nóng”. Người đọc thế hệ trước phải thay đổi cách đọc, muốn thế phải đổi cách nhìn về thế giới về cuộc sống và cả về chính bản thân mình, gạt bỏ những an nhiên quen thuộc.

2. Theo tôi tuổi trẻ tuổi hăng say hoạt động mơ mộng và sáng tạo gần với thơ. Những người cầm bút đa số bắt đầu từ thơ sau một thời gian khi kinh nghiệm sống, chất liệu sống phong phú và quan trọng nhất là đã nhận ra thể tạng, sở trường của mình thì dần dần mới chuyển sang văn xuôi. Ít gặp những người khởi nghiệp văn xuôi rồi chuyển sang thơ. Chỉ những ai giữ mãi được thanh xuân mới trung thành với thơ. Gần đây, trong lời giới thiệu một tập thơ, có tác giả đã viết “Nhiều người chỉ làm thơ khi đã về hưu hoặc sớm hơn “nghỉ quản lý” tức sau khi đã đạt được những viên mãn nào đó trên chính trường hoặc trong học thuật mới làm thơ theo cái truyền thống “trẻ Nho già Lão” (Trẻ văn xuôi, già thơ) của Đông Á..”. Tôi không biết sao lại hiểu trẻ Nho già Lão là trẻ thì viết văn xuôi, già thì làm thơ. Và từ đó khái quát lên đây là truyền thống của Đông Á? Cứ khảo sát thực tế tuổi trẻ gắn với thơ nhiều hơn, từ trong tâm hồn, khí cốt. Ta cũng thế mà Tây cũng thế. Hồi trẻ Nam Cao cũng làm thơ. Thế hệ sau, Hồ Phương làm thơ. Trong tuyển tập Thơ bộ đội 1947-1956 (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1957) in thơ Hải Hồ, Hữu Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi)… Nhưng các ông ấy sau này đều trở thành nhà văn cả. Có người viết văn, thỉnh thoảng “ngoại tình” với thơ, nàng thơ vốn rộng rãi, gặp ai cũng tiếp.

Những người làm thơ khi về hưu hay nghỉ quản lý, theo tôi, không mấy bài đạt tới phẩm chất thơ, mà thường là giống thơ thôi. Hiện nay các câu lạc bộ thơ nhiều và cũng không hiếm những người có tuổi, có tiền in thơ để được xếp vào thế hệ thơ “mầm non Văn Điển.”

Vậy nên thơ là tuổi trẻ, trẻ nhưng chỉ thuộc về ai có ý thức về nghề, về nghiệp thơ. Nghề thơ nghiệp thơ đòi hỏi luôn sáng tạo, cách tân. Những năm chiến tranh thơ Việt chuyển nhanh cứ độ mươi năm lại xuất hiện những yếu tố mới, tác giả mới. Bây giờ cùng với biến động xã hội về kinh tế đời sống văn hóa, thơ Việt cũng chừng mươi mười lăm năm lại cách tân tạo ra những gương mặt trẻ có trình độ, có ý thức với thơ. Những nhà thơ chuyên nghiệp dù đã thành danh không nhận ra điều này cũng dễ trở nên quen cũ.

3. Trẻ có lợi thế về thơ. Tôi hy vọng nhiều ở các nhà thơ trẻ và cũng cảm thông với những gì là bất cập, thái quá của họ. Nhưng cái điều cần nói (nhiều người cũng đã nói) thì không bao giờ thừa khi mà yêu cầu vẫn đang đặt ra. Cách đây sáu, bảy năm trong giáo trình Văn học Việt Nam sau 1975dành cho sinh viên ngành văn học, tôi cũng đã viết, đã nhắc đến những cây bút có ý thức cách tân quyết liệt như Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư… Họ thực sự đã biến đổi thói quen, thị hiếu thẩm mỹ truyền thống thơ ca ra diện mạo mới, thi pháp mới cho thơ. Biểu thị cuộc sống bằng những ám dụ, ẩn dụ, tư duy gián đoạn không liên tục, tự do ghép chữ tạo hình theo biểu tượng, sử dụng câu thơ vắt dòng. Và cũng có những ngộ nhận hồn nhiên về tính hiện đại của thơ, muốn vứt bỏ truyền thống, muốn từ khoảng không vùng vẫy tự do, tạo ra những ly kỳ khác lạ đến rối rắm, không đầu không cuối để rơi vào nghi ngờ xa lánh, không có sự đồng cảm vì không ai hiểu nổi. Thơ trẻ, có trường hợp quá sa đà khai thác tình dục như một thách thức dư luận. Với nghệ thuật, tình dục không phải là điều cấm kỵ. Cái chính là cần hiểu, cần tài năng để thể hiện vấn đề đó, tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ, nếu không ngược lại sẽ là dung tục hóa, gây phản cảm. Và một điều không nên quên là sáng tạo gì thì cũng cần dựa trên giá đỡ tâm lý và mỹ tục của dân tộc.

Người đọc phàn nàn thơ trẻ khó đọc quá, nhiều chữ quá, nặng nề, khó hiểu. Dù sao thơ cũng là loại hình nghệ thuật ngôn từ cần tinh và gợi, không thể xô bồ, bắt từ ngữ phơi mặt đầy trang giấy. Và cũng không chỉ là từ ngữ mà là quan niệm, cách tiếp thu thơ ngoại. Thơ Âu Mỹ nhiều chi tiết, dồn dập, trùng điệp gây ấn tượng. Thơ phương Đông chú trọng giao cảm, tâm tình phù hợp với tâm thế thị hiếu thẩm mỹ đa số người Việt. Nhưng lớp trẻ lại có khuynh hướng, lựa chọn của lớp trẻ.

Các quan niệm sáng tác cho riêng mình là không thuyết phục. Khi tác phẩm hiện trên trang in tức là có nhu cầu liên thông với người khác, gửi tới người đọc điều gì hay mong sự chia sẻ. Thế thì ý của thơ là cần thiết, cao hơn là ý nghĩa và cao hơn nữa là tư tưởng. Tư tưởng càng lớn thơ càng có giá trị. Tôi thích những khái quát nâng lên tầm triết lý, tính triết học cho thơ, điều này không dễ.

Một điều khó tránh, những người viết trẻ, buổi đầu thường đi vào khai thác cái tôi bản thể cá nhân riêng biệt độc đáo của mình, người khác khó hình dung, chỉ bản thân tác giả mới có điều kiện và thuận lợi. Những cũng cần nhanh chóng hướng đến những số phận khác, ngoài mình. Đào sâu vào số phận riêng mình, phong phú đến đâu cũng chóng cạn kiệt. Số phận của nhiều người, của số đông của cộng đồng bao giờ cũng đa dạng, đa tầng hơn số phận của một cá thể. Quan tâm tới người khác, tinh thần nhân bản sẽ cao hơn, đẹp hơn.

Đôi điều về thơ trẻ là đòi hỏi thế hệ trẻ có bản lĩnh, trí tuệ, nội lực mạnh mẽ bứt phá làm mới nền thơ Việt hôm nay. Và ý thức một thế hệ sau nữa sẽ nhận thấy những bất cập của thế hệ này, lại tìm tòi cách tân, vượt lên. Như thế, nền thơ chúng ta luôn luôn vận động trong một hành trình đổi mới hướng tới những giá trị kịp thời của thời đại.

M.G.L

Nguồn: VNQĐ

…………………..

1.Xem thêm Đoàn Minh Tâm “Vài cảm nghĩ về Giấc của Lữ Thị Mai” Sách Văn học trẻ như tôi hình dung. NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2012

Exit mobile version