Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện của tác giả Đoàn Đức Châu.

Gồm các truyện sau:

– Mẹ của những người lính

– Bến đò xưa

– Cây dừa nước

– Cô bé câm

– Rau muống đầm

Tác giả Đoàn Đức Châu

Sinh ngày 5 tháng 8 năm 1951, thuộc thế hệ lính sinh viên năm 1972.                                                       Tuy không phải là người viết văn chuyên nghiệp, nhưng truyện của tác giả Đoàn Đức Châu kể về trải nghiệm của một người lính, hết chiến tranh ra quân đã làm nhiều nghề, trải qua nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên sát thực tế. Nội dung truyện nặng tình người, tình đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là cuộc sống thực tế của anh và của những người thân bạn bè yêu mến…                                                            Hiện tại anh giành nhiều thời gian để thực hiện mong ước thời trẻ của mình: viết truyện. Anh đã viết khá nhiều, và cũng chưa công bố khá nhiều.

Tác giả Đoàn Đức Châu tâm sự:

Chúng tôi là lứa lính sinh viên 1972. Sau 51 năm từ ngày nhập ngũ, có biết bao câu chuyện không thể kể hết những bi thương nhưng hào hùng của người thân bạn bè đã trải qua cuộc chiến tranh.

Thời gian có thể lấy đi của chúng tôi tuổi xuân, có thể lấy đi dáng vẻ hiên ngang của anh lính sinh viên trẻ ngày nào nhưng nó không thể lấy đi khỏi tâm hồn chúng tôi những tháng năm đẹp đẽ, đáng nhớ về một thời hoa lửa, không thể lấy đi lòng kiêu hãnh và tình yêu tổ quốc cháy bỏng của những người lính sinh viên năm nào cầm súng bước vào cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc.

CÂY DỪA NƯỚC

Đoàn Đức Châu

Tặng nhà tư sản đỏ thân mến của tôi

Sau ngày giải phóng Dũng tham gia vào Ban quân quản của thị xã Tân An tỉnh Long An. Đơn vị đóng ngay trong văn phòng một ngân hàng tư nhân của tỉnh. Họ nhường cho Ban quân quản toàn bộ phòng tiền sảnh để tiếp nhận sự trình diện của các quân nhân, viên chức chế độ Sài Gòn. Các bộ phận của ngân hàng chuyển vào hai phòng kề bên. Chúng luôn đóng kín cửa, chỉ loáng thoáng vài bóng người sau những chấn song sắt vững chắc. Văn phòng này đang hoạt động cầm chừng chờ thời thế.

Mới ở đây được mấy hôm mà Thật, ông bạn đồng đội vào sinh ra tử với Dũng, đã thì thầm: “Họ chỉ có hai người thôi. Nhân viên nghỉ hết rồi. Giám đốc là cô gái con ông chủ, vừa tốt nghiệp đại học bên Mỹ về, và một cô trợ lý rất xinh thường trực ở đây!”. Nó cười tít mắt bảo Dũng: “Ông hợp với cô chủ trẻ tuổi “danh gia vọng tộc” đấy, còn cô trợ lý để tôi tấn công!”. Dũng phì cười mắng nó: “Mày làm như phân công đánh điểm cao ngoài mặt trận ấy. Không dễ đâu ông tướng ơi!”. Thật trợn mắt đáp lại: “Rồi ông xem!”. Vậy mà Dũng bắt đầu hay liếc qua ô cửa sổ cạnh phòng mình. Đôi lần anh thấy cô giám đốc ngồi bên cạnh chiếc bàn làm việc. Cô gái khá đẹp nhưng nét mặt nghiêm nghị, lạnh lùng, già trước tuổi. Ngược lại, cô trợ lý trẻ trung, rất hay cười. Cô này luôn bị cô giám đốc chỉ sang phòng ngoài, ra hiệu im lặng. Hai cô gái sống trên tầng ba tòa nhà và chỉ ra ngoài đi chợ vào chủ nhật.

Thằng Thật đúng là anh lính trinh sát ranh ma. Ngày chủ nhật nó mượn chiếc xe honda 67 rồi rủ Dũng bám theo hai cô gái. Khi đến chợ hai đứa đứng bên ngoài chờ cơ hội tiếp cận. Đợi gần tiếng đồng hồ mà không thấy bóng dáng hai cô nàng, Dũng sốt ruột bảo Thật về. Đúng lúc ấy anh nghe thấy tiếng quát tháo ở ngôi nhà của ban quản lý chợ. Loáng thoáng bên trong là bóng hai cô chủ nhà của họ.

Dũng lại gần. Cô Hạnh trợ lý nhận ra anh vội rối rít vẫy tay cầu cứu. Dũng chỉnh trang quân phục bước vào. Khi biết anh quen với hai cô gái, anh dân quân cầm khẩu súng M16 giải thích: “Hai cô này không mang theo căn cước lại có nhiều biểu hiện đáng nghi nên chúng tôi giữ lại!”. Quá hiểu kiểu đùa này của mấy anh dân binh trẻ “30 tháng tư”, Dũng nghiêm mặt nói: “Đây là chủ nhà của Ban quân quản chúng tôi. Các đồng chí giữ người mà không có chứng cớ rõ ràng là phạm pháp và sẽ phải chịu kỷ luật đấy. Tôi yêu cầu cho gặp đồng chí chỉ huy!”. Thấy tình hình căng, lại nhìn vẻ oai nghiêm của hai anh lính chiến Bắc kỳ, cậu dân binh vội xin lỗi và đồng ý cho hai cô gái về.

Kết quả bất ngờ vượt ngoài dự tính.

Ra khỏi chợ, Thật hớn hở ra mặt, nói cười liên tục với hai cô gái. Dũng thì ngược lại. Buộc phải sắm vai người hùng anh thấy ngượng. Anh đột ngột chào họ rồi kéo ông bạn lên xe về trước, mặc cho Thật bực bội, miễn cưỡng theo anh.

Nhưng “cơm chưa nấu thì gạo còn đấy”. Từ hôm ấy hai cô gái bắt đầu hay chào hỏi các anh. Đôi lúc cô Hạnh còn nháy mắt trêu cậu Thật. Dũng cũng thấy vui vui vì không còn cái không khí lạnh nhạt, căng thẳng như trước. Họ thường lấy cớ mượn nhau cây viết, xin tờ giấy trắng, có lúc còn đưa cho nhau gói bích quy hay thanh kẹo sôkola để uống trà. Cứ khi nào rỗi bốn người lại bí mật rủ nhau đi chợ hoặc dạo một vòng quanh thị xã. Người trẻ tuổi thân nhau rất nhanh. Dũng cũng dần nhận thấy những nét đáng yêu dưới cái vẻ lạnh lùng, kiêu kiêu của cô giám đốc có cái tên rất đẹp “Tường Vi”. Hình bóng cô gái tự nhiên hay hiện lên trong đầu anh, xen vào giấc ngủ của anh. Anh thường nghĩ ra những chuyện vu vơ rồi tủm tỉm cười một mình.

Dũng là chủ bút và tác giả của nhiều bài văn, bài thơ khá hay trên báo tường của tiểu đoàn. Anh viết một bài thơ tặng Tường Vi nhưng không dám đưa cô xem vì sợ “người đẹp” chê. Vậy mà không hiểu ông bạn Thật huyên thuyên với hai cô gái thế nào, họ cứ nhìn anh với ánh mắt tò mò, chờ đợi. Bị nhắc nhiều, một sáng Dũng viết đại một bài thơ rồi dúi vào tay cô Hạnh. Chỉ lát sau căn phòng bên đã bật vang tiếng cười ròn rã của các cô gái. Anh chàng Thật mải vênh vang đắc thắng nên không nhận ra sắc mặt đỏ như tôm luộc của Dũng. Nó không biết rằng Dũng đã đưa cho các cô gái một bài thơ của… Bác Hồ. Bài thơ tả cảnh một cặp vợ chồng người tù nói chuyện với nhau qua hàng song sắt. Chắc chắn là hai cô gái không biết tác giả thật của bài thơ nên họ cứ rì rầm rồi lại cười khúc khích với nhau. Cũng từ hôm ấy ánh mắt họ nhìn Dũng khác hẳn, trìu mến, thân thiện.

Một hôm Tường Vi chủ động mời Dũng cùng về quê nội của cô ở dưới Long An. Suốt chặng đường đi Dũng ngồi không động đậy bên cô gái xinh đẹp. Anh có cảm giác tất cả hành khách trên chuyến xe đò đều chăm chăm nhìn vào mình. Ngược lại Tường Vi thản nhiên lim dim mắt, tin cậy ngả đầu vào vai anh. Không phải Dũng ít tiếp xúc với phụ nữ, nhưng chưa bao giờ anh gần một cô gái trẻ như vậy. Nhà nội của Tường Vi có cả một khu vườn rộng lớn, sum suê cây ăn quả. Giữa vườn là ngôi nhà ba gian to lớn, lợp ngói, khác hẳn những căn nhà bé nhỏ lợp lá dừa phổ biến ở vùng đất miền tây sông nước này. Nhà chỉ có một bà cô đơn thân sống ở đây để chăm nom gia tài dòng họ. Bà rất vui khi thấy cô cháu gái nhưng dè dặt nhìn anh bộ đội trẻ đi cùng. Chỉ khi nghe Tường Vi vui vẻ giới thiệu về Dũng, nét mặt bà mới dịu lại. Bà quay vào nhà chuẩn bị cơm nước để hai cô cậu tự do đi lại trong vườn. Hai người ngồi nghỉ trên bãi cỏ sát bờ sông, hóng những cơn gió mát thổi về qua khoảng trống của vạt dừa nước xanh mướt. Vạt dừa dày chạy dọc theo bờ con sông như một bức tường tự nhiên che chắn cho cả khu vườn. Đôi lúc không gian bị khuấy động bởi tiếng động cơ của những chiếc ghe chạy vút qua rồi lại nhanh chóng tĩnh lặng, lắng đọng trong ánh nắng vàng ươm. Dũng bỗng thấy miền sông nước này đẹp và thanh bình quá. Vậy mà trước đây anh không hề nhận ra điều đó dù đã bao năm lặn lội, ẩn náu, đánh giặc khắp vùng này. Dũng lấy dao cậy mấy trái dừa nước. Hai người vừa chuyện trò vừa nhấp từng ngụm nước thơm ngon từ những trái cây hoang dã. Nhìn đám hoa lục bình tím nhạt nối nhau, bồng bềnh trôi trên dòng nước mênh mang mùa lũ Tường Vi nép đầu vào vai Dũng hỏi: “Anh có thích quê em không?”. Dũng đỏ mặt, bối rối, gật đầu trong nhịp tim dồn dập. Ngôn ngữ của thần Amour rất phong phú và không phải lúc nào cũng cần nói. Nghe tiếng bà cô gọi vào ăn cơm Dũng đỡ Tường Vi đứng dậy. Khi cô gái hơi loạng choạng anh mạnh dạn kéo cô vào người mình. Tường Vi vừa ngẩng đầu lên nhìn anh thì đôi môi họ đã gắn chặt với nhau. Mọi vật xung quanh quay tròn, cả vườn cây, cả hàng dừa, cả bầu trời trong vắt trên cao. Họ đứng ôm nhau trong ánh chiều huyền ảo, trong tiếng sóng rì rào của con sông Vàm Cỏ, tiếng lao xao hân hoan của hàng dừa nước.

Từ ngoài sông chợt vọng tới một giọng hò miền tây ngân dài, thiết tha, ngọt lịm.

Trở về đơn vị Dũng chìm trong men say tình yêu. Anh bỏ bễ công việc. Lãnh đạo ban quân quản cũng nhận ra sự thay đổi của anh. Chính trị viên tiểu đoàn nhắc anh phải “giữ vững lập trường cách mạng”, phải tránh xa những “viên đạn bọc đường”. Dũng nghe mà chẳng bận tâm. Điều anh muốn bây giờ là được sống tự do, được gặp và nói chuyện với người yêu bất cứ lúc nào. Anh luôn thấy bức bối, tù túng vì không được gặp Tường Vi dù cô ở ngay bên cạnh. Đang buồn bực thì ông bạn Thật rỉ tai: “Mấy ngày nữa là sinh nhật Tường Vi đấy. Các cô ấy mời bọn mình buổi tối lên tầng ba dự tiệc, nhưng không đi theo lối cửa chính đâu!”. Tưởng mình nghe nhầm, Dũng hỏi lại hai, ba lần. Thì ra hai cô gái muốn chơi trò “Romeo và Juliet”. Dũng thấy cũng hay hay. Anh mỉm cười, gật đầu.

Hôm ấy, ăn cơm chiều xong hai đứa giả bộ xin phép ra thị xã rồi bí mật quay về. Với khả năng của những anh lính trinh sát thì việc trèo lên tầng ba ngôi nhà quá đơn giản. Nhưng đây là điều không thể tưởng tượng được đối với hai cô tiểu thư con nhà giàu, vốn chỉ quen đóng khung trong những phong cách xã giao lịch thiệp. Miệng há hốc, mắt mở to hết cỡ, hai cô gái phải lấy tay bịt chặt miệng để khỏi bật lên tiếng kêu kinh ngạc khi thấy hai anh lính trẻ leo theo đường ống nước, lần lượt trườn qua lan can tầng ba tòa nhà. Hai chàng trai còn làm điệu bộ trao tặng các cô những bông hoa tường vi vừa hái trộm từ khu vườn bên cạnh. Các cô gái cười ngất, cười nghiêng ngả, đứng không vững. Món quà bất ngờ, trẻ trung, tinh nghịch làm họ choáng ngợp trong hạnh phúc. Không chút e ngại các cô âu yếm hôn lên má hai anh lính. Bữa tiệc sinh nhật vui vẻ kéo dài tới tận nửa đêm, tràn ngập tiếng cười, tiếng nói vô tư, yêu đời của những người trẻ tuổi.

Nhưng họ đã phải trả một giá đắt.

Hôm sau Dũng được lệnh chuyển về đơn vị quân quản ở Đồng Tháp kèm theo lời nhắn gửi cho Ban chỉ huy dưới đó: “Lập trường cách mạng không vững vàng. Cần theo dõi để giáo dục thêm”. Ở tuổi đôi mươi, ai đã từng phải xa người yêu thì dễ hiểu tâm trạng của anh lính trẻ, bạn tôi. Mấy tháng liền Dũng như người mộng du. Anh chểnh mảng công việc, thích ngồi một mình. Ngày lại ngày trôi qua trống trải, lê thê. Anh chỉ mong ngóng ngày chủ nhật để phóng về Long An. Buồn chán anh viết và định gửi cho người yêu bài thơ nói về nỗi nhớ nhung của mình thì nhận được mẩu tin nhắn của Thật: “Tường Vi sắp đi Mỹ. Cô ấy hẹn gặp ông ở trong quê Long An vào chủ nhật tới”.

Dũng như bay về Long An. Tường Vi đã chờ anh ở đó. Họ không nói gì, chỉ ôm nhau, hôn nhau và khóc. Bất chợt cô gái lau nước mắt bảo Dũng: “Anh đi với em đi. Như thế chúng mình sẽ được ở bên nhau!”. Dũng như tỉnh lại, anh bình tĩnh nói: “Anh không làm như vậy được. Anh không muốn sống mà phải nhờ vả người khác. Nếu em không thể ở lại với anh thì hãy cho anh thời gian. Anh sẽ tự tạo dựng cho mình một sự nghiệp để em có thể dựa vào đó, để cuộc sống của chúng ta không phải nhờ cậy ai cả!”. Tường Vi thở dài. Cô cay đắng hiểu rằng mình không thể làm thay đổi được sự suy nghĩ của anh lính trẻ giàu lòng tự trọng này. Tính cách ấy thật ngây thơ trong thời buổi đầy rẫy những kẻ lợi dụng, nịnh bợ, lừa đảo. Cái tính bướng bỉnh ấy có thể phá hỏng tình yêu của họ, khiến họ phải xa nhau nhưng cũng vì nó mà cô đã yêu anh, say mê anh, yêu cả những suy nghĩ giản đơn, non nớt, xa thực tế của anh. Nước mắt đầm đìa cô gái lặng lẽ hôn lên môi anh, lên mắt anh, thổn thức: “Sao ông trời lại ác độc như vậy. Tại sao ông không cho chúng tôi sinh ra cùng một nơi cơ chứ!”. Trên bầu trời đen thẫm chợt lóe sáng một ngôi sao băng. Nó rớt nhanh rồi vụt tắt giữa màn đêm mênh mang, vắng lặng. Dũng thấy ớn lạnh. Anh rùng mình bởi một cảm giác lo lắng, bất an chợt nảy ra trong đầu.

Tường Vi theo gia đình sang Mỹ định cư được một năm thì Dũng ra quân. Anh thi vào trường đại học tổng hợp Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp anh làm việc trong một tờ báo lớn. Khát vọng trở thành một nhà báo nổi tiếng, anh say sưa làm những phóng sự sắc sảo, mạnh mẽ, tố cáo thói quan liêu, tham nhũng của các quan chức. Anh dũng cảm vạch trần không khoan nhượng những việc làm xấu xa, bất lương của những kẻ giàu có, lộng quyền, coi thường pháp luật. Người khen anh cũng lắm. Kẻ chê anh cũng nhiều. Bất chấp tất cả anh kiên định trên con đường của mình. Nhưng thực tế đáng buồn của cuộc sống vẫn níu chân anh lại. Sau cả chục năm làm việc cật lực, dù nổi tiếng anh vẫn phải ở nhà thuê. Anh vẫn phải chạy vạy bạn bè để tự mua sắm các trang thiết bị cho một phóng viên hiện trường. Anh khinh bỉ những kẻ “bán văn” để làm giàu nhưng không tránh khỏi cảm giác chua chát vì sự nghèo túng và bất lực của mình. Lời thề với mối tình xưa vẫn canh cánh trong lòng. Dũng quyết định bỏ nghề. Ở hiền sẽ gặp lành. Lòng tốt không phải lúc nào cũng bị lãng quên. Một vài doanh nhân thành đạt, giàu có cảm phục sự trung thực, dũng cảm của anh, đã khuyên anh chuyển sang làm thương mại. Họ giúp Dũng vay vốn, tìm địa điểm sản xuất. Khi Dũng quyết định mở xưởng in, họ bao thầu đầu ra cho anh. Công việc ổn định. Kinh nghiệm và sự nhạy bén của một phóng viên giúp Dũng nắm bắt các nhu cầu thị trường rất nhanh. Anh cập nhật thông tin, làm dự án vay vốn ngân hàng, mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến để đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng. Uy tín và thương hiệu công ty anh nổi như cồn. Việc làm ăn ngày càng tiến triển.

Để mở rộng sản xuất Dũng bán lại xưởng in trong thành phố và chuyển nhà máy về Long An. Những người bạn cũ, những lãnh đạo “tình cũ nghĩa xưa” ở đây mừng lắm. Họ giành cho anh những điều kiện ưu đãi nhất. Dũng trở thành ông chủ của một nhà máy in nổi tiếng cả nước trên mảnh đất mà anh luôn thấy mình mắc nợ với nó. Bạn bè chúc mừng và gọi đùa anh là “nhà tư sản đỏ”. Ngoài năm mươi tuổi Dũng đã có đủ mọi thứ, nhà cửa, tiền bạc, tiếng tăm. Nhưng dưới cái vẻ bề ngoài tự tin, mãn nguyện không mấy ai biết được rằng anh vẫn giấu kín trong lòng nỗi đau của một lời thề.

Thương gia thì cũng là con người. Họ cũng có mong muốn được chia sẻ lòng mình để tâm hồn được nhẹ nhõm, thanh thản. Có điều, với thói quen cẩn trọng, họ chỉ có thể nói ra với những người kín đáo, hiểu họ, tôn trọng câu chuyện của họ. Đã từng là người lính, nay cùng tham gia vào thương trường nên tôi và Dũng dễ đồng cảm. Ngoài việc tư vấn góp ý trong làm ăn, hai đứa cũng thích kể cho nhau “những chuyện thầm kín của mình”.

Tôi gặp lại Dũng trong lần tham gia triển lãm “Saigon foodexport” (Thực phẩm xuất khẩu Sai gon). Dũng mời tôi đến căn biệt thự mới mua hơn bảy mươi tỷ tại khu đô thị “Sala Saigon”. Điều đặc biệt làm tôi thích ở đây không phải là những căn nhà sang trọng giành cho các ông chủ giầu có, không phải là khu trung tâm mua sắm cao cấp xa hoa, không phải là lớp lớp cổng bảo vệ và hệ thống an ninh hiện đại, nghiêm ngặt mà là một bãi cỏ dại khá rộng, chạy dài bên hàng dừa nước, dọc theo nhánh sông Sài Gòn chảy qua đây. Vẻ hoang dại của nó bên cạnh các ngôi biệt thự lộng lẫy như gợi nhớ cho những cư dân giàu có về một miền quê nghèo thanh bình, về những ký ức không thể quên trong lòng những người đã nếm trải bao đắng cay của cuộc đời. Hai chúng tôi ra ngồi trên bãi cỏ ấy với một chai rượu “nếp cái hoa vàng”. Cảm giác nhẹ nhõm vì thoát ra khỏi tòa nhà nguy nga, đồ sộ để đến với không gian khoáng đạt bên dòng sông khiến tôi thích chí cười vang. Dũng cũng cười theo. Ông còn chỉ cho tôi một con chim bìm bìm đuôi xanh, mình nâu vừa chạy vút qua rồi lủi nhanh vào bụi cây cạnh chiếc ghế đá. Tôi im lặng nghe bạn mình kể nốt câu chuyện tình.

Sau hơn hai mươi năm họ bất ngờ gặp lại nhau.

Lần ấy công ty Dũng tham gia cuộc triển lãm của thành phố về “những sản phẩm bao bì tiên tiến”. Một buổi trưa anh ghé qua quầy trưng bày của công ty. Đang xem lại một số mẫu hàng thì cô nhân viên vào báo có một phụ nữ Việt kiều muốn gặp anh. Vừa ngước mắt lên Dũng nghe thấy tiếng reo to mừng rỡ: “Anh Dũng!”. Giọng nói ấy xô mạnh vào tim anh. Dũng ngây người như bị thôi miên. Người phụ nữ bật cười, bước vội vào trong gian hàng kéo anh ngồi xuống. Cô nhân viên đon đả rót nước mời khách rồi đi ra, không giấu nụ cười tủm tỉm trên môi. Chưa bao giờ cô bé thấy chú tổng giám đốc bị “sét đánh” như vậy. Mấy phút sau Dũng trấn tĩnh lại. Anh mời người yêu cũ ra quán cafe đầu khu triển lãm. Ở đấy anh cứ chăm chăm nhìn Tường Vi. Nhưng anh như người bị hoa mắt. Hình ảnh người phụ nữ ngồi trước mặt anh cứ mờ mờ, ảo ảo khiến Dũng không nhận ra những đường nét tươi tắn, đáng yêu năm xưa đã phôi phai đi nhiều.

Cảm nhận được sự xúc động của anh, Tường Vi tủm tỉm cười. Cô liếc mắt nhìn xung quanh, gõ nhẹ vào trán anh, nói khẽ: “Em đây mà. Em về thật rồi mà!”. Dũng run run nắm hai bàn tay cô. Anh thấy mình như kẻ đánh mất chìa khóa một kho báu từ rất lâu, nay bỗng vô tình tìm lại được. Ngồi được một lát Dũng đột ngột mời Tường Vi về Long An thăm nhà máy của mình. Cô đồng ý ngay. Cô gọi điện thoại báo cho ai đó. Giọng hai người phụ nữ nói chuyện vui như những cô gái trẻ. Kết thúc cuộc gọi Tường Vi cười vang, giọng nhí nhảnh: “Bí mật. Đang trở lại tuổi hai mươi đây. Gặp lại sẽ kể!”.

Trời thu dịu mát. Đường về Long An vắng vẻ, yên tĩnh như chiều lòng người. Tường Vi hạ kính xe. Những cơn gió đồng nội thổi tung mái tóc làm cô mơ màng, trẻ trung. Cô khe khẽ hát và thấy mình lâng lâng như trong mơ. Giấc mơ càng đẹp khi bên cạnh cô là người đàn ông mà cô đã từng yêu tha thiết, người đã khiến cô bao lần chìm trong nước mắt vì nhớ nhung, hờn giận. Ở phương trời xa đã bao năm cô ngóng chờ tiếng gọi của anh, sẵn sàng bay về bất chấp mọi tai họa, rủi ro có thể xảy ra với mình. Tiếng gọi đó đã không đến. Vậy mà giờ đây ngồi bên nhau cô lại phải kìm lòng, không dám nắm tay anh, không dám tựa vào người anh mà chỉ ngắm anh như nhìn một người bạn thuở xưa. Một thoáng thất vọng. Cô không tìm thấy những nét đáng yêu ngày nào trên khuôn mặt giờ đây khô lạnh, dạn dày, vô cảm. Không nén được nỗi buồn Tường Vi thở dài: “Thời gian thật phũ phàng!”. Thấy vậy Dũng quay sang hỏi: “Trông anh già lắm à?”. Tường Vi mỉm cười: “Ai mà chẳng già đi cơ chứ. Nhưng em thích thấy anh cười. Lúc ấy trông anh thật dễ thương. Anh có hàm răng đẹp, trắng đều như của con gái. Lúc anh cười nó làm khuôn mặt anh sáng lên, trẻ trung, cuốn hút. Em mê nụ cười đó lắm. Anh cười đi. Em muốn thấy anh như ngày xưa!”. Trời đã xẩm tối nên Tường Vi không nhận thấy khuôn mặt nóng bừng của Dũng nhưng cô biết tim anh đang đập rất mạnh. Dũng không đưa người yêu cũ vào thăm nhà máy. Họ về thẳng trang viên của anh, cách không xa ngôi nhà trước kia của gia đình Tường Vi. Vừa bước qua chiếc cống vòm cong, lợp bằng lá dừa nước Tường Vi đã run lên. Mọi vật ở đây như bản copy ngôi nhà cũ của cô. Căn nhà gỗ ba gian rộng lớn đứng giữa khu vườn cây trĩu quả. Chiếc ao rộng, vuông vắn với bầy cá tranh nhau ăn và con đường nhỏ bên dãy hoa tường vi dẫn ra dòng sông Vàm Cỏ. Dọc bờ sông cũng là hàng dừa nước, loài cây hoang dã, thủy chung của vùng đất miền tây Nam bộ. Cô nhận ra, dù đã bao năm trôi qua, dưới cái vẻ bề ngoài lầm lì, khô khan của một thương gia từng trải, Dũng vẫn giữ kín trong lòng mình tình cảm sâu nặng với mối tình xưa.

Tường Vi nghẹn ngào: “Em cám ơn anh. Em đã không nhầm khi chọn một người tri kỷ như anh. Tuổi trẻ và tình yêu của chúng mình thật đẹp anh ạ. Em thấy yêu cuộc đời này, yêu mảnh đất này, yêu những con người thủy chung ở đây lắm!”.

Lặng lẽ bên nhau trong khu vườn rộng lớn, họ thầm ước thời gian quay trở lại để được sống trong mối tình xưa. Mối tình ấy trong như giọt sương mai, đượm buồn như màu tím nhạt của bông lục bình trên dòng Vàm Cỏ. Buồn vui lẫn lộn. Lời thề năm nào đã thành hiện thực. Có điều nó đến quá muộn.

Màn sương chiều lạnh lẽo phủ khắp khu vườn. Dũng bỗng thấy một Tường Vi nhỏ bé, yếu đuối ngày nào. Anh kéo cô sát vào mình. Hơi ấm người anh làm cô run lên. Cô muốn ngả đầu vào lòng anh, muốn òa khóc, muốn buông thả. Nhưng họ vẫn đứng im trong luyến tiếc, nhớ nhung. Nghị lực của những người đã trải qua nhiều biến cố cuộc đời, những người giàu lòng tự trọng giúp họ đủ lý trí để không phá hỏng cuộc sống yên bình của người mình yêu.

Dũng chợt nhớ lại bài thơ đã viết tặng người yêu. Anh định đọc nó cho cô nhưng lại tủm tỉm cười một mình làm Tường Vi lườm anh, chất vấn: “Có gì mà bí mật thế?”. Anh nói lảng đi: “Anh nghĩ giá như có phép lạ cho bọn mình quay lại ba mươi năm trước thì hay lắm nhỉ!”. Tường Vi cười phá lên: “Hãy còn lãng mạn gớm. “Let bygone be bygone “ (Điều gì đã qua thì để nó qua đi). Hãy giữ lại những gì đẹp nhất cho chúng mình thôi anh ạ!”.

Dũng im lặng gật đầu. Trong thâm tâm anh cũng không muốn làm mất đi sự trong sáng, tươi mát của mối tình thời tuổi trẻ. Nó như một kỷ vật bằng pha lê, lấp lánh nhưng mỏng manh, dễ vỡ.

Bóng chiều đã buông xuống sông Sài Gòn. Thành phố lên đèn. Trên bờ sông bên kia, khu trung tâm thương mại với những cao ốc san sát nhau bừng sáng. Tòa Landmark rực rỡ ánh đèn led như một ngọn đuốc kiêu hãnh vươn cao lên bầu trời. Sự lộng lẫy của nó làm lu mờ cả những vì sao mọc sớm. Nhưng bên này sông, cuộc sống vẫn còn vẻ tĩnh lặng, trầm lắng. Dường như nó chưa muốn rời bỏ sự yên bình của một vùng ngoại ô. Ở đây vẫn còn những khu đất thưa ánh đèn, vẫn nghe thấy tiếng sóng rì rầm, vẫn nhìn thấy những đám lục bình bồng bềnh lướt qua hàng dừa nước. Đôi lúc, trong màn chiều tĩnh mịch, còn vẳng lên giọng trầm lắng, buồn buồn của con bìm bìm gọi bạn trên bãi cỏ hoang.

Giờ thì tôi hiểu tại sao ông bạn giàu có của tôi lại chọn khu đô thị mới này. Ông muốn có khoảng trời nhỏ để đôi lúc nhớ về một miền quê, đôi lúc được tự do thả hồn về với những kỷ niệm ngọt ngào, được sống cho mình, được là chính mình.

Chai rượu đã hết. Chuyện cũng đã kể xong. Dũng bỗng ngượng ngùng như một chàng trai trẻ.

Ông dè dặt bảo tôi:

“Bọn mình già rồi. Cuộc đời gian truân làm tôi phải thay đổi, phải luôn dè chừng, đề phòng. Mệt mỏi lắm. Được dốc bầu tâm sự như hôm nay tôi nhẹ nhõm đi bao nhiêu. Ông có giận vì tôi bỗng dưng lắm lời không?”.

Tôi cười to: “Lòng vả như lòng sung. Ông kể hết chưa để đến lượt tôi. Tôi rất thích câu chuyện của ông!”.

Tôi thích là phải thôi. Mối tình xưa của bạn tôi như cây dừa nước. Nó nảy sinh, cắm rễ, lớn lên trên đồng nước hoang vu. Nó chống chọi với nắng gió, bão lũ để tồn tại, để vươn lên, để đứng vững, để sinh sôi nảy nở rồi bảo vệ chính mảnh đất đã sinh ra mình. Nó có vẻ đẹp thật mạnh mẽ và quyến rũ. Vẻ đẹp ấy như được chắt lọc từ những cơn lũ đỏ đục phù xa, từ cái nắng gay gắt của mặt trời phương Nam, được giấu kín trong những quả dại xù sì, chai rắn. Nó làm người ta say mê như lúc uống cốc nước ngọt lịm, thơm tho, mát lành từ những trái dừa hoang.

Tôi gật gù bảo Dũng:

“Mối tình ngày xưa của ông thật đáng trân trọng. Thương trường đã phủ lên tâm hồn chúng ta nhiều lớp bụi. Tại sao lại không tìm cách gột rửa bớt chúng đi. Nếu chúng ta có một quá khứ trong sáng thì hãy soi mình vào đó. Tâm hồn ta sẽ sáng trong trở lại, ông bạn ạ!”.

Nghe tôi nói vậy Dũng cười tít mắt, để lộ hàm răng trắng đều rất đẹp mà không hiểu sao đến giờ ông ấy vẫn giữ được như ngày còn trẻ.

Chắc là nhờ tình yêu đấy thôi.

                                                                          Hải Phòng Mar. 2023