Chuyên mục TRUYỆN HAY hôm nay, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn CẬU “NGƯỜI CÁ” của tác giả DƯƠNG XUÂN HUYNH

Nhà văn Dương Xuân Huynh

– Bút danh nhà thơ là: Dương Vương Linh

– Sinh năm : 1947

– Quê quán: Xã Khởi Nghĩa -Tiên Lãng -Hải Phòng

-Thường trú: Khu 8 -Thị Trấn Tiên Lãng -Huyện Tiên Lãng -Hải Phòng

Bộ đội về hưu

Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

-Sách đã xuất bản:

+ “CÕI RIÊNG” tập thơ nhà xuất bản Hải Phòng năm2004

+ “NGỤ CƯ “ tập thơ  NXB Hải Phòng năm 2008

+  MẮT ĐÊM Tập thơ NXB Hội nhà Văn  2018

+ Nhiều tác phẩm in trên báo trung ương và địa phương

Mời quý vị nghe truyện ngắn CẬU “NGƯỜI CÁ” của tác giả Dương Xuân Huynh qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

TÁC GIẢ: Dương Xuân Huynh

CẬU “NGƯỜI CÁ”

Cậu tên là Nguyện, Nguyễn Chí Nguyện. Thời cậu, nhiều học sinh lớp 7 cao lêu nghêu, thậm chí có bạn còn nhiều tuổi hơn thầy. Trong những học sinh như vậy có cậu, mắt cậu to, sống mũi thẳng, tóc nâu màu hạt dẻ. Các bạn trong lớp gọi cậu là “Người Cá” bởi cậu có nét giống nhân vật chính trong bộ phim “Người Cá”, dựng theo tiểu thuyết viễn tưởng của nhà văn Nga Alexander Belyaev.

Năm học lớp 7, cậu được bí thư đoàn trường phân công phụ trách thiếu nhi lớp 5 (lớp cô Tâm chủ nhiệm). Hàng tuần cô có tiết dạy văn lớp cậu. Mỗi khi nghe tiếng guốc cóc… róc… ngoài hành lang, lòng cậu lại rộn ràng, hồi hộp mong cô. Cả lớp tư thế nghiêm trang, chuẩn bị đứng dậy chào cô. Giọng nói xứ Nghệ mặn mà, trìu mến của cô, sao cậu thấy yêu cô thế. Cô cũng quý mến cậu, cô cho cậu giấy viết, cho cả bút máy Trường Sơn, và chiếc quần âu màu xanh. Cậu để dành thi thoảng lại mang ra mặc thử, rồi cất đi. Một hôm cô hẹn cậu, sau giờ tan tầm em đến phòng cô, để trao đổi công việc thiếu nhi của lớp. Kẻng tan tầm vừa dứt, các bạn lục đục ra về, cậu lên khu nhà tập thể nơi các thầy cô ở. Khu nhà vách đất, chia làm bốn phòng, qua phòng thầy chủ nhiệm. Cậu rẽ phải sang phòng cô, đẩy cửa vào thì: bất ngờ, ngực cô trắng hồng, hai vú căng tròn, hai núm hồng hồng. Cậu không biết xử lý thế nào, cứ đần người ra. Cô vội lấy áo che lên ngực, cô nói vội: “Khoan khoan đã… Khoan đã”. Cậu ngại quá mặt nóng bừng. Cậu vội khép cửa chạy ra ngoài, thấy vợ chồng thầy chủ nhiệm lớp, cậu không nói gì, vội đi thẳng về nhà. Về rồi, cậu cảm thấy mình mắc tội, không thể tha thứ. Hôm sau, thứ 7 cậu làm đơn báo cáo ốm, xin nghỉ học, nhờ một bạn cùng lớp đưa hộ.

*

Nhưng cô giáo Tâm đã tìm đến nhà cậu.

– Sáng nay cô lên lớp thầy chủ nhiệm bảo em ốm, cô đến thăm em và để bàn tiếp việc hôm qua còn dở!

Cậu ngại ngần…

– Thưa cô… hôm qua em…

Cô ngắt lời cậu:

– Hôm qua… không sao, hôm qua em vô tình mà! Nhưng rút kinh nghiệm, lần sau vào gặp cô, thấy cửa khép, em gõ cửa trước. Giờ mình vào việc nhé!

Nghe cô nói vậy, cậu nhẹ bẫng người, cậu thấy mến cô thế.

Cô nói tiếp:

– Mai chủ nhật, đội thiếu nhi lớp cô bàn việc tổ chức cắm trại hè. Có tập nghi thức đội, cách đọc ký hiệu moóc chê, em chuẩn bị chu đáo cho đội tập luyện. Không những biết giải mã ký hiệu, mà còn biết cả mã hóa nội dung thông tin bằng ký hiệu, nên cô giao cho em tài liệu nghiên cứu trước, rồi hướng dẫn các bạn. Cắm trại vào cuối tuần, có chấm điểm thi đua của đội thiếu niên các khối trong trường. Là phụ trách đội, em tổ chức, và nhờ các anh chị đoàn viên lớp em tham gia giúp. Mai em nhớ đến trường sớm nhé!

– Vâng ạ! Mai em đến sớm ạ!

Cậu như giải được cơn sốt, đầu óc nhẹ tênh. Cậu tiễn chân cô về, mà lòng cứ lâng lâng, cậu thấy mến cô nhiều. Tiếng guốc theo nhịp bước chân cô cóc róc… cóc róc… làm rộn rã lòng cậu.

Công việc phụ trách thiếu nhi cuối khóa, càng nhiều thời gian tiếp xúc gặp gỡ cô. Chủ nhật cô rủ cậu sang bên kia sông thăm người quen. Cô đã chờ sẵn ở khu nhà giáo viên, hôm ấy các thầy đi vắng, chỉ có cậu và cô. Thu xếp công việc xong, cậu và cô đi bộ đường tắt qua cánh đồng, chuyện vui, chẳng mấy chốc đã đến bến đò. Hôm ấy trời mát, chiều như giang tay đưa cô và cậu sang sông. Con đò bồng bềnh, người lái đò chăm chú chèo thuyền, nước hai mạn thuyền róc rách, lòng cậu dào dạt lâng lâng, thi thoảng thuyền tròng trành, cô ôm choàng lấy cậu, mấy giọt nước trắng xóa tung lên, làm mấy sợi tóc mai của cô bết lại. Cậu ngắm sông, nhìn cô, nghe tiếng nước dưới mạn thuyền róc rách, róc rách, lòng cậu rộn lên bài ca. Chiều muộn về qua đò, cậu cùng cô chầm chậm trên đê, gió như mơn man, bờ đê hoa cúc trải vàng, lấm tấm. Chỉ còn một quãng đường nữa thôi là cậu và cô về tới nhà.

Cô bảo:

– Ta nghỉ nơi dốc đê này chút đã! 

Cô lấy trong túi xách một tấm vải mưa xanh trải xuống cỏ. Hai người ngồi nhìn ra sông, nhìn sang bên kia, làng quê xanh ngút ngát, có tiếng sáo diều vi vu. Cậu nhìn vào mắt cô như có điều gì thầm kín. Lòng cậu thương cô, chỉ muốn phút giây này kéo dài mãi mãi.

Đêm về cậu trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ về cô, về điều gì mà cô còn thầm kín. Sao cậu thấy thương cô thế!

*

Thời gian trôi nhanh, năm học cuối cấp cũng tới ngày mãn khóa. Các bạn lớp 7 rộn rã làm hồ sơ đi học chuyên nghiệp. Trạm y tế về khám sức khỏe cho các học sinh tại trường. Mỗi bạn chọn ngành nghề khác nhau, ghi lưu bút, tổ chức liên hoan.Tiếng ve còn râm ran tận đến khuya.

Một hôm cô đến tìm cậu:

– Hôm nay cô trực trường, em tìm thêm một bạn nữ, tối đến trực cùng cô

Cậu tìm một bạn nữ ở gần nhà, tối ấy cùng đến. Trường có hai dãy nhà tập thể dành cho giáo viên nội trú, cô bảo cậu ở dãy nhà trên, phòng đầu, nơi thầy hiệu trưởng làm việc. Cô và bạn gái ngủ ở phòng cô. Tối ấy cậu không sao ngủ được. Đã khuya tiếng dế ở vách tường cứ ri rỉ… làm cậu càng khó ngủ, cậu nghe rõ tiếng bước chân cô ngoài sân. Nhìn ra thấy cô đang đi, cậu bật dậy ra ngoài sân.

– Cô không ngủ à?

– Cô không nhắm mắt được!

– Em cũng vậy!

Rồi cậu và cô đi dạo quanh sân trường.

Cô hỏi:

– Sau này em thích nghề gì?

– Em ước mơ thành nhà văn.

Cô lại hỏi:

– Sao em ước thành nhà văn

– Vì em muốn viết lại cuộc đời em và những người cùng khổ ở làng!

Cô lại hỏi:

– Vậy sao em làm đơn đi học sư phạm? 

– Em đi sư phạm là nơi rèn luyện chờ cơ hội để phấn đấu học tiếp.

Cô nói:

– Em phải biến ước mơ thành “hoài bão” bất kể ở đâu, bất kể khi em đang làm gì, em hãy thật tâm niệm về điều đó. Thì điều mong muốn ấy sẽ được hình thành trong cõi tâm linh Vũ Trụ, khi em quyết chí muốn điều gì thì hoàn toàn vũ trụ sẽ chung sức để em đạt được điều ấy. nên đừng chần chừ nữa, Đừng để ngày mai, hãy đứng lên theo đuổi hoài bão của mình.

Chao ôi! Câu nói của cô mở ra cho cậu một con đường mới mẻ! Là động lực thúc giục cậu cả cuộc đời, mỗi khi khó khăn, cậu lại nhớ tới câu nói của cô và quyết tâm thực hiện “Hoài bão”. Cậu muốn nói điều gì với cô… nhưng ngại lại thôi… Cô bảo:

–  Em có tâm sự gì cứ nói.

– Cô ơi!

– Chỉ còn hai tháng nữa là em xa cô! Em làm đơn đi học sư phạm, hai năm sau em trở thành thầy giáo, cô chờ em nhé!

Cô bảo:

– Em cố lên!

Rồi hai người cùng nhẹ nhàng bước quanh sân trường, lời cô hòa trong gió, phi lao vi vút.

Cô kể lại cho cậu nghe một kỉ niệm:

“Ngày xưa cô và anh ấy cùng học một trường. Hai người yêu nhau, cô và anh đi bên nhau, đường đầy cỏ may, ghim đầy hứa hẹn. Rồi anh ấy đi bộ đội. Cô học xong sư phạm. Có lần anh từ đơn vị về, cô và anh dạo chơi, vì mai chia tay. Ngồi bên nhau anh muốn những phút giây ân ái… để nhớ nhau nhiều hơn. Mỗi lần anh muốn… cô lại khóc òa lên, làm anh ngại… và không thể… Cô muốn để dành phút giây ấy cho ngày hai người thật sự là của nhau! Anh về đơn vị, cô ở lại, nhớ thương anh nhiều lắm, rồi anh không bao giờ về nữa!… Anh đã hi sinh trong trận chiến đánh máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Rồi cô khóc thút thít!

Nghe cô kể, lòng cậu bùi ngùi, thương mối tình đầu của cô và anh bộ đội. Cậu thỏ thẻ an ủi cô. Từ đêm ấy cậu càng thương cô nhiều hơn. Tự nhiên cậu nghĩ: “mình biết làm gì để cô đỡ khổ”.

Cậu nói với cô:

– Em đi học sư phạm hai năm ra trường, cô nhớ chờ em nhé!

Khi về cậu nghĩ:

“Không hiểu sao khi ấy cậu dám nói với cô như vậy!” 

*

Rồi cậu có giấy gọi đi nhập ngũ. Cậu chia tay bạn bè, người thân, các bạn trong lớp và các thầy cô. Rồi viết lưu niệm, rải rác mấy ngày. Cậu không thấy cô đến, tối ấy, cậu đến chia tay cô, nửa đường gặp cô ở ngã ba, nơi lối rẽ ra bờ sông. 

 – Chiều nay thầy chủ nhiệm và các bạn đến chia tay em, giờ cô mới đến được, em hiểu cho cô không?

– Dạ vâng em hiểu ạ! 

Rồi cô cầm tay cậu đi một mạch ra bờ sông, gió từ sông lên mát rượi.

Sáng hôm sau, các tân bình xuống sân bóng huyện, mỗi người được phát một nắm cơm nếp, và một phong kẹo lạc. Cậu và các tân binh được nhắc nhở một số việc cần thiết, khi đi đường, mọi người đều có người nhà tiễn chân. Cậu có cô giáo tiễn đưa tận bến phà. Trời đổ mưa, cô đưa cho câu mảnh vải mưa xanh đêm qua. Đường hành quân mỗi khi nhớ cô, cậu lại mang ra nâng niu kỷ niệm, rồi cất vào đáy ba lô.

*

Sau đợt huấn luyện, đơn vị cậu hành quân qua các tỉnh, dọc theo chiều dài đất nước: Ninh Bình -Nam Định – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh… Qua bao bến phà, bao dòng sông. Ban ngày, máy bay Mỹ đánh phá, phải chờ đêm mới hành quân, để giữ bí mật.

Cậu được bổ sung về một đại đội, đóng quân ở phía bắc sông Bến Hải (Quảng Bình). Năm 1968 đơn vị cậu tổ chức lễ kỷ niệm mùng 1 tháng 5 ngày quốc tế lao động trước 10 ngày. Đêm mùng 7 tháng 5 đơn vị cậu vượt sông, đến vị trí chiếm lĩnh trận địa, khu vực gần Cửa Việt – làng Nhị Hà- Đông Hà. Ở đó đơn vị đào công sự và chuẩn bị tư thế đánh địch. Đêm đầu tiên, chưa đến được vị trí quy định, thì trời sáng. Cậu cùng đồng đội phải bới cát vùi mình và vũ khí xuống, chỉ để hở mũi để thở, mắt quan sát, chờ đêm tối lại tiếp tục tiến vào. Cậu nằm dưới cát mắt ngước lên trời. Trời Đông Hà, những đám mây xám xịt, những cánh chim xao xác, vút bay vội vàng. Cậu nghĩ đến tự do, nghĩ tới những ngày đi học! Ôi sao mà đẹp thế! Cậu nghĩ tới cô giáo, lúc này cậu mới thấy giá trị của thời tuổi trẻ đã qua, của tuổi học trò, cậu càng nghĩ càng nhớ cô giáo, nhớ mái trường, bạn bè, làng quê. Cậu khấn Trời, khấn Đất, khấn Phật, khấn Tổ Tiên, phù hộ cho cậu vượt qua nguy hiếm, gian khổ, vượt qua bom đạn, để trở về.

Nhất định cậu sẽ trở thành nhà văn. Và sẽ viết về cô giáo tên Tâm. Thực ra cô chỉ hơn cậu hai tuổi.

Qua hai ngày, không thấy địch mò ra. 2 giờ sáng mùng 10 tháng 5 đột nhiên toàn bộ khu chốt đại đội 2 bị chìm trong đợt pháo kích từ biển bắn vào, 2 giờ liên tục. Sau mỗi đợt chúng ngừng bắn, đồng đội hỏi nhau, nghe thấy trả lời không ai sao là mừng lắm.

Từ phía hầm sau, tiếng anh Liên (A Trưởng) hô:

– Chuẩn bị thủ pháo

Câu nói nhanh gọn dứt khoát, kiểm tra súng đạn, thủ pháo, chuẩn bị xuất kích. 3 ngày rồi! mỗi người chỉ có vài bát gạo rang mang theo, đã ăn hết. Bộ phận anh nuôi ở ngoài mang cơm vào giữa đường hi sinh, bị thương, nên đơn vị không có lương thực ăn, Đói quá. Ở đây tiếng là làng, nhưng chẳng còn thứ gì. Những gì còn, chỉ mấy bụi tre và mấy cây phi lao, thỉnh thoảng còn cây chuối. Thứ gì dùng được cậu và đồng đội đã hạ cả xuống ăn hết. Sốt ruột quá, chỉ mong xuất kích. Tiếp theo anh Duyên thông báo:

– Pháo binh ta bắt đầu dội lửa.

Các cậu không còn nói nhỏ nữa, reo lên giỏi…  giỏi quá… bắn đi…

Đúng 2h 30, lệnh xuất kích, tất cả rời khỏi hầm trong ánh sáng đèn dù. Các cậu bám sát nhau, cách rặng tre đầu làng Nhị Hà không xa. Các cỡ súng bộ binh địch đồng loạt bắn lên, chát chúa. Lửa đạn sáng rực cả góc trời. Các cậu dựa vào dãy mộ của dân ở bìa làng, vừa tiến vừa bắn. Gần sáng trận chiến đấu đến giai đoạn ác liệt. Quân Mỹ bắt đầu lùi lại, lúc đó, lệnh đại đội trưởng Thuần hô:

– Xung phong…

Cậu cùng tiểu đội xông lên. Chừng một đại đội hỏa lực địch chặn lại. Đằng sau bộ đội đã hy sinh, và bị thương rất nhiều.

Trời lại sáng rõ, trực thăng chúng kéo đến. Cậu thấy mấy chiếc quần đảo trên đầu, cự ly giữa địch và ta quá gần. Chúng thả hỏa mù, khói đen mù mịt, khắp trận địa. Phía C1 – C3 súng ta vẫn nổ dòn dã. Đại đội trưởng Thuần, giữa đội hình, bắn ba phát súng ngắn, rồi hô:

– Nguyện tiến lên…

Tổ ba người của cậu có Mây, là lính Vĩnh Phúc, mới bổ sung. Các cậu vẫn bám sát nhau, chưa ai việc gì, nghe tiếng hô của đại đội trưởng, tất cả bắn và đồng loạt xông lên. Đang chạy ngang nhau, Mây bỗng khựng lại đổ sập xuống. Cậu chưa kịp làm gì thì Huy, B phó chạy tới, anh hô to: 

– Mây hy sinh rồi!

Trong thời khắc ấy! Tiếng súng giữa ta và địch đang gầm xé, không thể nghe rõ gì hết. Đồng chí B trưởng vụt xông lên, hô to: 

– Hãy trả thù cho Mây… Xung phong…

Cùng lúc đó cậu vụt theo B trưởng, được mấy bước thì thấy mình nặng cả hai chân, ngã lăn ra sau. Huy B phó quát: 

– Nguyện mày bị thương rồi…

Anh kéo cậu xuống hố pháo.

Cậu lạng người đi. Trong phút giây đó cậu mơ mơ hồ hồ nhìn thấy gương mặt cô giáo Tâm đnag thoảng qua trước mặt mình.

Khi cậu tỉnh, biết mình bị thương, cả người và hai tay, chân chỗ nào cũng thấy máu. Tháo hết các băng của Huy và của cậu mới bó được hết vết thương.

Sau nửa giờ tiểu đoàn 1 đã làm chủ trận địa. Anh Liên chính trị viên quay lại, đôn đốc thương binh, ai bò về được thì cố gắng về hầm xuất kích. Chậm rất nguy hiểm, một số anh em cố gắng mới về được hầm. Khoảng nửa giờ sau, các loại pháo từ bờ biển, dưới biển bắn lên, trực thăng bắn xuống, phản lực nhào tới, cả hai cái làng nhỏ bé chìm trong khói lửa. Tối hôm đó vận tải cứu thương vào không đưa được hết thương binh, những người bị thương nhẹ thì bám vào cán thương đi ra. Cuối cùng là cậu và anh Thuần đại đội trưởng. Tối hôm đó phía trận địa đã yên hẳn, không thấy địch phản kích nữa, bộ phận còn lại về cả. Đại đội cậu chỉ còn 8 người nguyên vẹn. Anh Thư A trưởng chỉ huy.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 11 tháng 05 năm 1968 tiểu đoàn có lệnh, tất cả rời khỏi trận địa, súng đạn mang không hết, được phép vùi lại, vào lấy sau, bằng mọi giá đưa hết thương binh ra ngoài.Tất cả quá mệt, nhưng vẫn dìu nhau đi, pháo sáng ngoài biển bắn lên chặn đầu các lối của ta. Anh Luận quá mệt đề nghị:

– Hãy tạm nghỉ ở đây, tìm du kích khênh hộ.

Cậu lên tiếng:

– Ta cố lên, sống chết không ai biết được, nằm lại mai chúng lống ra liệu còn ai không?

Sau một lát im lặng. Tất cả lại tiếp tục đi, đến sáng ngày 12 tháng 05 năm 1968, các cậu mới được đưa qua sông Bến Hải – Quảng Bình. Mấy hôm sau, tại đội điều trị 30 (Vĩnh Linh), mấy đồng chí từ trung đoàn đến làm giấy tờ cho cậu và đồng đội chuyển viện. Các đồng chí ấy nói: 

– Tiểu đoàn 1 trung đoàn 48, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh mất sức chiến đấu của tiểu đoàn Một kỵ binh bay, thuộc sư đoàn 25 Kỵ binh bay Mỹ.

Cậu nghĩ:

“Giá của thắng lợi này, phải đổi bằng bao xương máu của đồng đội. Nhất định rồi cậu sẽ trở thành nhà văn”

Cậu nhớ lại gương mặt cô giáo Tâm khi choáng gần như ngất đi vì những vết thương nặng.

Nhất định mình sẽ trở thành nhà văn

*

Sau đợt điều dưỡng cậu được về tranh thủ thăm nhà.

Hành trang mang theo chỉ có chiếc dù pháo sáng, chiến lợi phẩm và một chiếc nhẫn, trong thời gian điều dưỡng rỗi rãi cậu mài dũa từ mảnh nhôm xác máy bay. Chiếc nhẫn cậu sẽ kỷ niệm cô giáo, cậu đã dự kiến rồi, lần này về gặp cô, cậu sẽ kể cho cô nghe chuyện đời lính, chuyện chiến đấu gian khổ và những tâm tư. Trong lúc sống chết cận kề, cậu vẫn không quên nghĩ về “hoài bão” mà giờ đây cậu có thêm chất liệu cuộc sống để viết văn.

Cậu nghĩ: Không hiểu sao hình ảnh cô giáo lúc nào cũng hiển hiện.

Qua bao nhiêu miền quê, quen biết nhiều người, mà trong lòng chỉ nhớ tới cô giáo thôi, có phải đây là duyên phận? Giờ đây, cậu đã là chàng trai – là anh bộ đội, có đủ tư cách rồi, cô giáo chỉ hơn cậu hai tuổi mà, gái hơn hai, trai hơn một.

Về đến bến phà đã nửa đêm, phà không chở. Cậu phải ngủ ở quán bán nước bến phà của vợ chồng bác chủ quán. Nhà bên kia sông, lòng cậu cứ nao nao khó tả. Nằm mong trời sáng, cậu lại nghĩ về cô, về câu chuyện cảm động của cô.

Sáng sớm hôm sau cậu sang chuyến phà đầu tiên. Vai đeo ba lô, tay xách túi dù, chân dép cao su, cậu đứng trên phà, bên một cô gái tay dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu cánh chả. Trong lúc chờ phà cậu được biết cô gái là học sinh trường sư phạm, hôm nay chủ nhật về nhà. Hai người về cùng đường lại cách nhà chừng ba cây số, nên cô gái nhã ý cho cậu đi nhờ.

  Lên phà cậu bảo cô gái:

 –  Trên đường về qua trường ta rẽ vào trường cũ chút nhé!

 Hai người rẽ vào trường, trường cũ vắng tanh! 

Chỉ có bác bảo vệ trường đang lúi húi dọn dẹp.

Cậu cùng cô gái dừng xe chưa kịp hỏi, bác bảo vệ đã nhanh nhảu:

– Hôm nay chủ nhật, từ ngày máy bay Mỹ đánh phá ác, các thầy cô sơ tán vào trong dân. Cô cậu tìm ai?

Cậu dắt xe tiến lại gần bác bảo vệ:

– Thưa bác, chúng cháu là học sinh cũ, nay trên đường về qua ngắm nhìn cảnh cũ một chút thôi ạ!

Nhìn cảnh trường đìu hiu, cậu hỏi tiếp:

–  Thưa bác, cô Tâm sơ tán về làng nào ạ?

– Cô Tâm xin chuyển về quê dạy học và chăm sóc mẹ già, nghe đâu mãi Thanh Chương – Nam Đàn gì ấy! 

Cậu thần người ra một lúc.

Cảnh cũ còn đây! Mà người xưa xa vắng, hàng phi lao vẫy gió xào xạc. Chỉ còn xác những chú ve bấu vào thân cây, như cố níu kéo tháng ngày xưa. Cậu miên man nghĩ về những kỉ niệm êm đềm, quên hẳn cô gái đang đi cùng cậu. 

– Anh có nhiều thời gian không mà lan man thế?

Câu hỏi cắt ngang ý nghĩ của cậu!

Trong lòng cậu đã đã nghĩ đến phương án mới: “Mình sẽ về quê ít ngày hơn, dành thời gian về trong Nghệ An tìm gặp cô giáo”

Cậu nói bâng quơ như thể cô giáo Tâm đang đứng trước mặt mình:

“Em sẽ tìm cô. Em sẽ thực hiện hoài bão của mình như từng nói với cô”

Cô gái đi cùng nhìn người bộ đội trẻ với gương mặt phong sương. Cô không hiểu anh đang nói gì.

Cô cũng không thể ngờ rằng, sau nhiều năm nữa, anh trở thành một nhà văn; đã thực hiện được hoài bão đầu đời. Và cô giáo mà anh muốn tìm gặp, mãi mãi là hình ảnh người con gái đẹp nhất trong lòng anh.

Vĩ thanh

Câu chuyện này là do một nhà văn kể lại.

Trong chuyến quay vào Nghệ An để tìm cô giáo, anh đã không tìm được. Hết phép anh trở lại đơn vị. Sau bao nhiêu năm ở chiến trường, cuối cùng anh cũng được biết tin cô.

Cô giáo đã lấy chồng và có một cuộc sống hạnh phúc.

Ở chiến trường quay ra, hình như họ đã có gặp nhau…