Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, theo đề nghị của một số bạn bè và độc giả thân thiết của nhà văn.

Gồm các truyện sau:

– Chùm 3 truyện cùng series nhân vật: Cành phong hương, Mộc miên chưa nở hoa, Bông kiếm tiên vũ

   + Cành phong hương

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 9.10.2023

   + Mộc niêm chưa nở hoa

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 10.10.2023

   + Bông kiếm tiên vũ

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 11.10.2023

– Truyện ngắn Nhà có ba chị em

    Bắt đầu phát công chiếu vào thứ Năm, ngày 12.10.2023

– Chuyện kể về một đạo sĩ – Đặc biệt đây là truyện chưa công bố, liên quan thế giới tâm linh, thầy thuốc dân tộc và đạo sĩ.

    Bắt đầu phát công chiếu vào thứ Sáu, ngày 13.10.2023

 (Link đưa sau)

Xin được trích đăng nhận định của nhà văn Tạ Duy Anh về văn của Võ Thị Xuân Hà.

Tạ Duy Anh

BÍ ẨN VÀ TINH TẾ

(Nhân đọc tập truyện ngắnCÀNH PHONG HƯƠNGcủa Võ Thị Xuân Hà)

Bản trích:

Võ Thị Xuân Hà không ngại gây đột biến trong logic hành động nhân vật, tạo ra cái phi lý bề ngoài. Chẳng hạn những hành vi thể hiện tình yêu bằng bạo lực, bằng cưỡng bức tình dục. Nhưng nó vẫn không hoàn toàn là cưỡng dâm khi kẻ “gây án” không phải do ham muốn nhục dục, còn người bị hại thì hiểu rõ mình có phần chờ đợi điều đó? (Sao tâm hồn con người phức tạp đến vậy, đừng ai chủ quan áp đặt cách hiểu người khác theo định kiến của mình, nhất lại trong những không gian mà mình là kẻ ngoài cuộc?) Vì thế, dù bề ngoài của những hành động ấy giống như một sự làm nhục nhưng cuối cùng chẳng có sự trả thù hoặc hủy hoại nào cả, như đáng lẽ nó phải diễn ra. Sự tàn phá, hủy hoại sẽ làm chức phận của nó trong tâm hồn mỗi người đọc, với tư cách của công cụ gột rửa.

Không phải cứ gào thét lên mới là cách thể hiện nỗi đau. Sự chịu đựng, sự tha thứ, sự cam phận mà các nhân vật của Võ Thị Xuân Hà chấp nhận, không phải do họ hèn yếu hay đạo đức giả, mà bởi họ biết chính mình cũng cần được tha thứ. Những nhân vật của Võ Thị Xuân Hà luôn im lặng tự vấn mình rằng: liệu họ có thể biết chắc mình đã, sẽ không gây tội lỗi, làm tan nát cuộc đời người khác? Sự bí ẩn lớn nhất chính là ở cái thông điệp quan trọng này. Nhưng cuộc sống thì không cần phải có câu trả lời mới tiếp tục chảy về phía trước? Vấn đề rút lại chỉ là, chúng ta nhìn cuộc đời này bằng tâm thế nào? Võ Thị Xuân Hà đưa ra một đề xuất: Cần phải nhìn người khác, nhìn con người nói chung và (nếu/phải/định) phán xét ai đó thì hãy bằng tâm thế của người đầy rẫy tội lỗi (nếu chưa mắc thì có thể sắp mắc, không thể nào không mắc). Tất thảy chúng ta đều có tội, vì thế cần phải biết tha thứ cho nhau, cùng nhau tìm ra cách thức đi đến hạnh phúc, sống cho ra một con người. Cần phải cật vấn nghiêm khắc lương tâm mình trước khi nhặt lên viên đá bạo lực, hận thù và tội ác.

Nhưng thứ làm nên sự hấp dẫn trong các sáng tác của Võ Thị Xuân Hà, cũng là thứ bền bỉ nhất mà chị giữ được suốt mấy chục năm qua, ấy là sự tinh tế. Chị luôn khiến người đọc ngạc nhiên về khả năng khám phá những ngóc ngách nhỏ nhất, bí mật nhất trong tâm hồn con người, chuyển tải chúng bằng thứ văn nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cực kỳ chính xác. Đôi khi chị làm ta phát sợ, cứ như chị biết tường tận chúng ta nghĩ gì, thèm khát gì, đang âm mưu điều gì đen tối, che giấu điều gì bất chính, mơ ước điều gì nhỏ tí xíu muốn cất sâu dưới đáy tâm hồn…

Đọc Võ Thị Xuân Hà thấy mọi thứ thật mong manh, thấy lo lắng cho những gì dễ vỡ, dễ biến mất, thấy không yên tâm với những gì vẫn bình thản diễn ra xung quanh mình. Nhưng chính khi ấy, khi bắt buộc phải suy nghĩ, phải đối mặt với mọi sự thật thay vì chạy trốn, là lúc ta thấy lóe lên ở đâu đó, có thể là trong sâu thẳm tâm hồn ta, những hy vọng.

Không phải người cầm bút nào cũng ý thức làm như vậy và làm được như vậy.

Hả Nội 8-8-2014

Võ Thị Xuân Hà

CÀNH PHONG HƯƠNG

Truyện ngắn

Tôi lên vùng núi lần này không phải vì ham vui. Thực sự trong lòng tôi không còn chỗ cho những buồn vui của cuộc sống thường nhật. Lòng tôi thực sự cô quạnh. Nỗi cô quạnh váng vất, bao bọc, bóp nghẹt từng hơi thở từng khoảnh khắc.

Khi trái tim bạn tràn đầy nước mắt, khi mỗi bước chân của bạn rỉ máu vì những mũi gai, hãy mỉm cười để cho mình thêm một chút dũng khí, để vững tin bước đi trên con đường đời phía trước. Và ít nhất thì mỉm cười để làm chỗ dựa cho người khác khi họ lâm vào hoàn cảnh như bạn, mỉm cười để không ai phải buồn khổ như ta nữa… Khi mỗi ngày mới đến với cuộc đời bạn, hãy mỉm cười để cảm ơn cuộc đời đã cho bạn thêm một ngày để được yêu thương, để có thêm thời gian nói với những người bạn yêu thương rằng bạn dành cho họ nhiều tình cảm đến mức nào…

Một ai đó đã gửi cho tôi bức thông điệp này. Tôi nhớ ra người đàn ông đã mấy năm nay kiên trì mỗi tuần một lần, gửi cho tôi những thông điệp như vậy. Những khi nhận được, tôi thường không mấy quan tâm. Những bức thông điệp chẳng mấy chốc bị ném ra thùng rác.

Chiếc xe lao lên cung đường có nhiều đèo dốc quanh co. Lên đến đỉnh đèo Non Cao, lái xe bảo:

– Ta nghỉ một lát nhé?

Xe tạt vào lề. Cả đoàn lục tục kéo vào cái quán nhỏ bên đường.

Trước cửa quán, một cây sau sau lá đang ngả sang màu đỏ, ánh đỏ hắt vào cửa quán những vầng lung linh mê hoặc.

Mùa thu đang về.

– Đẹp quá!

Mọi người cùng ngước nhìn những cánh lá mong manh màu đỏ dụ.

Trong quán có đủ thứ cho khách qua đường. Trứng gà trứng vịt luộc, trà, hồng ngâm… Lại có cả cà phê tan được pha và lắc trong những hộp nhựa, rồi đổ ra mấy cái ly được đánh bóng loáng.

Chủ quán là một thiếu phụ. Chị ngồi quay lưng ra đường. Ngay cả khi khách bước vào cũng cứ chìa cái lưng đập vào mặt khách một thân hình khá thon thả. Bộ đồ đen dày và khá tiện dụng của dân vùng cao có mấy cái túi căng phồng. Dễ tưởng tượng trong đó nào bọc tiền lẻ, nào bật lửa, nào các loại thuốc bằng lá được sấy khô.

Tôi nhìn chằm chằm vào cái lưng mặc đồ đen.

Thiếu phụ quay ra nhìn chúng tôi không nói không rằng, rồi đưa mắt lên mấy cành lá đỏ phất phơ ngoài cửa.

– Đấy là cây phong hương.

– Phong hương?

Tôi chưa nghe tên loài cây này bao giờ.

– Nó chính là phong hương. Trên này chúng tôi không gọi là cây sau hay cây trước gì cả.

Tôi nhìn quanh căn nhà. Mọi thứ được sắp xếp khá gọn gàng và sạch sẽ.

– Mà… cô dùng gì? Mọi người cứ tự nhiên nhé. Tự pha trà cũng được. Đấy, các thứ tôi để sẵn…

Tôi hơi ngỡ ngàng. Người đàn bà này có giọng nói khá ấm, phát âm chuẩn âm ngữ vùng kinh bắc. Khi chị đưa hai bàn tay lên ngang mặt bàn, mới biết cả hai tay đang cuốn băng trắng xóa.

Mấy người cùng đoàn liền chủ động lấy ấm pha trà và cắn hạt hướng dương tí tách.

Tôi hỏi:

– Tay chị sao vậy?

– Bỏng ga thôi. Tôi bất cẩn.

– Sao lại băng? Bỏng không nên băng đâu.

– Tôi bó thuốc, phải băng mấy tiếng rồi tháo ra để tự khỏi.

Tôi nhìn quanh bức tường. Trên cao có mấy tấm ảnh không được rõ lắm. Những hình người nheo nheo con mắt nhìn đoàn lữ khách.

– Chị… có bánh dẻo bánh nướng không? Chúng tôi đi vội không kịp mua. Hôm nay là rằm 14 rồi. Tối nay chúng tôi mới đến nơi nghỉ, sợ không kịp mua để đón trăng.

Nói vậy là do tôi cũng vừa liếc thấy trong tủ kính bán hàng một cặp bánh dẻo.

Thiếu phụ lắc đầu:

– Tôi chỉ có một cặp bánh dẻo, lại không có bánh nướng. Tôi cũng chỉ cần một cái thôi. Cô lấy một cái đi.

– Nhà mình có mấy người mà chỉ cần một cái vậy chị?

– Một mình tôi thôi… Cô không lấy tôi cũng không ăn hết mà.

Tôi quay ra cái tủ kính cóc cạnh, mở cửa tủ lấy chiếc bánh dẻo.

Rồi lại quay ra bàn, ngồi xuống gần người phụ nữ hơn…

*

Câu chuyện của người đàn bà sơn cước

Phố núi của chúng tôi chỉ có khoảng chục nóc nhà tươm tất. Còn lại là những túp lều ken bằng đất sét với nan trúc.

Chị Miên là hình tượng đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Nhà chị ở kế bên, căn nhà có hàng rào ô rô xanh mướt. Tôi hay bám theo chị mọi lúc mọi nơi.

Đám trẻ con xóm núi, trong đó có thằng Lân cũng thích chị lắm. Dù đang đánh nhau hay có nghịch ngợm mấy trò quậy phá gì đó, nhưng khi chị Miên đến gần là thằng Lân thẳng đơ người, mặt đỏ như con gà quay. Cái màu đỏ trên mặt thằng Lân khiến tôi cảm thấy vô cùng thất vọng về nó.

Tôi nhớ hôm đó bầu trời xám xịt. Mây từ đâu kéo về đầy ứ trên núi khiến không gian lạnh cóng thô nhám.

Những con trâu được khua trên núi về, bước chân đi trên con đường dốc chậm chậm, mó

ng gõ xuống mặt đường những thanh âm buồn thảm.

Một chiếc xe có thùng xe bịt kín từ xa lao đến, từ từ đỗ xuống ven xóm núi. Trên xe lấp ló những cặp mắt tù.

Rồi họ được uống nước. Nước trà nóng bưng ra từ quán nhỏ bên đường. Cả thùng xe nhộn nhạo sôi động. Lũ trẻ con chúng tôi cũng nhộn nhạo không kém. Thật là một sự kiện hiếm hoi. Chúng tôi bám vào thùng xe, nhìn sâu vào bên trong.

Bên trong là mấy anh tù đang bị xích tay lại với nhau. Người này bị xích một tay vào người kia. Còn một tay để có thể dùng bưng ca nước lên uống.

Chị Miên đứng áp vào cửa ghise của thùng xe, nhìn như thôi miên một gã tù còn trẻ măng.

Thực sự gã này còn rất trẻ, chỉ như cỡ học cùng khóa với chị Miên trên trường cấp ba phố huyện, cách xóm núi của chúng tôi hàng chục cây số. Mà tôi đâu biết họ có quen nhau từ trước hay không? Chỉ biết chị Miên đang đứng như chôn chân bên cái xe thùng chở tù nhân. Đứng như con linh dương cái đến mùa phong hương đỏ lá. Tôi ngước nhìn con linh dương cái ấy, ngưỡng mộ đến vô cùng. Tôi cũng nhìn thấy thằng Lân, hai tay nắm chặt lại như vào thế thủ. Nó đứng cách một đoạn xa, nhìn con linh dương biến ảo, như muốn lao vào cắn xé, lại như muốn quỳ xuống ôm lấy đôi chân dịu dàng mềm mại như nhung kia.

Gã tù chỉ có một tay cầm ca nước. Gã vừa uống vừa nhìn chị Miên không chớp mắt. Uống xong, gã đưa cái ca qua cửa ghise trả lại cho chị Miên. Rồi gã móc trong túi ngực ra một cuốn sổ nhỏ. Cuốn sổ cũ kỹ quăn bìa chứng tỏ chủ nhân thường đem ra ghi chép luôn. Tần ngần ngắm nghía trong vài giây, rồi bỗng gã chìa cuốn sổ ra đưa cho chị Miên.

Chính chị Miên cũng bất ngờ.

Tôi không nghe thấy họ nói gì. Hay họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng nào? Chỉ thấy trong tích tắc, cuốn sổ đã nằm gọn trong tay chị Miên.

Rồi chiếc xe nổ máy lăn đi từ từ trên đỉnh dốc.

Chị Miên vẫn đứng sững bên đường, nơi có vệt bánh xe in hằn cả vết lốp mới. Chị khiến cho tôi và thằng Lân cũng cứ sững lại, mỗi đứa một kiểu, như những cành phong hương tơi tả trong gió đông sắp ùa về trên cái đỉnh đèo Non Cao quanh năm gió xoáy và mây mù.

*

Sau đó mấy hôm, tôi được chị Miên cho xem cuốn sổ.

Trái tim non nớt của đứa bé gái như tôi chỉ biết cảm nhận nỗi sung sướng khi được chị chia sẻ chút gì riêng tư.

Không có thằng Lân trong câu chuyện bí mật của chị Miên.

Chị Miên thì thào:

“Bí mật của chị đấy. Anh ấy học lớp trên”

Tôi thì thào theo:

“Sao anh ấy bị tù vậy?”

Chị Miên ấp úng.

“Ờ ờ, có lẽ do đánh nhau làm bị thương ai đó…”

Những dòng chữ của gã tù hiện lên, nét chữ khá đẹp và rắn rỏi. Chính tôi sau này cố công tập viết từng nét chữ rắn rỏi như gã, thậm chí tôi còn nhớ cả cách móc đuôi, cách tung nét của từng chữ cái trong cuốn sổ ấy.

“Không gian vắng vẻ, buồn buồn, làm cho người qua đèo bâng khuâng giữa núi đồi sơn cước phía trước và đồng bằng đang trôi xa phía sau. Vách đá lởm chởm đeo bám những mầm dương sỉ xanh nõn vươn lên tầng không. Phía bên vực, dòng suối chảy uốn lượn làm nghiêng những vạt ngô, vạt chuối bao la…

Mùa thu về làm rực biếc cánh đồng xa bởi những cơn mưa đêm thấm đẫm. Trên triền núi xa xa, có cô bé tay khư khư bông hoa to, cơn gió nhẹ thổi từ cánh đồng làm cho bông hoa chao như ánh lửa.

– Hoa gì vậy em?

– Hoa mùa thu!

Em còn nhớ không em?” (1)

– Cô rất thẳng thắn. Có lẽ tôi đã đánh giá thấp về cô

– Có lẽ là thế. Tôi và anh, có lẽ chỉ là…

– Là gì?

– Tiện thì gặp.

– Cô nhầm rồi…

 “Tôi không nghĩ rằng, chờ đón chúng ta là cả một mùa thu duyên dáng đến ngọt lịm. Lâu rồi, nhiều năm, kể từ ngày tôi ra đi, rất hiếm khi được trở lại quê mình vào mùa cuối thu.

 Mùa thu miền núi, mùa của sự no ấm, mùa yêu đương, mùa phồn thực, sinh sôi, nảy nở và mùa của các “luân xa” nở rộ!

Mùa này người miền núi thường “yêu” nhau say đắm. Yêu đến độ núi cũng tan ra thành lúa, còn lúa lại cao lên thành núi. Yêu đến độ, sông biến thành thác, và thác chảy thành sông.

Hãy ngửa cổ lên trời, hít một hơi thật dài, thật khẽ, từ từ, nhè nhẹ… các tế bào sẽ nở ra, nhảy múa trong thân xác mệt mỏi của các bạn.

Các bạn đã đi xuyên qua núi, ân ái trọn vẹn Hang Ngườm, miên man trong tiếng rì rầm, ôm ấp của thác Hoa Hiên. Được gột rửa bàn chân bằng hương lúa ngọt lịm. Nước đầu nguồn suối Nắng sẽ tẩy rửa khứu giác của các bạn để nhận biết được cái mùi phong hương đầy bí ẩn và quyến rũ!

 Về cơ bản là như vậy. Về cơ bản là thế. Tất cả vì quyền năng của mùa thu miền biên viễn tuyệt đẹp…” (2)

“Mùa đông đến gần, mưa mỗi ngày mỗi rơi, khi nhiều cơn dông, trĩu nặng từng hạt nước long lanh, khi nhiều cơn mưa lất phất, bay vào không trung nhẹ nhàng vô định. Tôi luôn cảm nhận rằng có một hơi ấm nhẹ nhàng cứ lướt qua, hơi thở vội vàng nào cũng vừa chợt ghé qua. Miên man…

Tôi nhớ hoài nụ cười ấy, ấm áp lắm, khao khát lắm và chắc hẳn cũng tràn đầy những yêu thương. Tâm trí tôi không cho phép quên đi nụ cười ấy. Nụ cười ấy luôn xuất hiện xung quanh tôi, nhắc nhở tôi muôn vạn lần đau cũng phải mỉm cười…” (3)

“Tôi biết xóm núi của em có loài phong hương. Loài cây mềm mại trong gió, dẻo dai trong gió và kiên cường với gió.

Những cây phong hương vào mùa thu lá ngả màu đỏ tươi, rồi dần chuyển sang màu huyết dụ. Đi từ xa tới lữ khách sẽ nhìn thấy trong thấp thoáng xóm núi những cây phong hương rực một màu đỏ, như báo hiệu sự chín đẫm của mùa thu.

Trong gió ngàn của hương rừng gió núi, phong hương lặng lẽ khiêm nhường tô thắm vẻ đẹp miền sơn cước.

Em trong tôi tựa như cành phong hương nhỏ bé. Thấm đẫm sự cô đơn mà dũng mãnh trên đỉnh dốc Non Cao”

*

Nhưng chị Miên không đợi được người về.

Đêm đó, thằng Lân đã quyết định việc trọng đại trong cuộc đời.

Nó đẩy cánh cửa liếp nhà tôi, bảo:

– Cô đừng nhìn tôi như thế nữa. Tôi không bao giờ thuộc về cô.

– Tại sao anh lại…?

– Vì tôi không bao giờ quên được chị Miên, cô hiểu không? Nếu không có chị Miên trên cõi đời này, thì có khi tôi sẽ lấy cô.

Tôi lùi lại sau cánh cửa. Vệt máu đỏ tươi tuổi dậy thì đang nhỏ âm thầm xuống nền đất nện mịn màng. Tim tôi run lên nỗi cô độc và tủi nhục.

Nếu tôi biết sự việc sau đó ra sao, chắc gì tôi đã cưỡng lại được. Sự việc rất đơn giản và kinh hoàng đã xảy ra sau đó. Thằng Lân nhảy vào buồng chị Miên, khóa chân tay chị lại và nằm đè lên người chị như loài dã thú.

Sáng hôm sau tôi không nhìn thấy chị Miên và thằng Lân đâu nữa. Có người bảo họ đã về xuôi làm ăn, thành cặp vợ chồng rất đẹp đôi.

Có người nói họ chỉ gặp mình thằng Lân đang buôn gỗ từ miền ngược về. Nom hắn dữ dằn, người xăm trổ, mắt vằn đỏ như có máu tuôn.

Có người nói chị Miên vào rừng ăn lá ngón…

Một hôm, từ trên đỉnh dốc, chỗ có khúc cua ngắn, tôi nhìn thấy một người đàn ông thất thểu đi về phía xóm núi của chúng tôi.

Tim tôi run lên từng chặp. Tôi che mắt nhìn về phía ấy. Tôi hình dung người ấy đã trở về.

Nhưng đó chính là gã tù năm xưa.

Gã nhìn tôi lạnh lùng.

– Miên đâu rồi?

Tôi lắc đầu:

– Tôi không biết chị ấy đi đâu hay đã ăn lá ngón rồi?

Gã không nói gì, chỉ nhìn hút mắt ra phía đầu rừng. Nơi ấy có những cây phong hương lá đã bắt đầu ngả từ màu xanh sang màu đỏ.

Tôi lấy nước cho gã.

– Anh hãy uống nước thù hận này đi. Đã bao năm nay, tôi uống thứ nước này. Hàng ngày tôi ghi lòng sự thù hận.

Gã nhìn tôi ngờ vực:

– Cô yêu hắn ta?

Nước mắt tôi bắt đầu rơi xuống lã chã:

– Tôi yêu cả hai. Tôi đâu muốn mất họ…

Gã tù khoát tay:

– Cô thật là…

Tôi níu tay áo gã:

– Hay anh ban cho tôi sức mạnh của đàn bà? Được không?

Gã nhìn tôi một lúc, gỡ tay tôi ra rồi lắc đầu bảo tôi:

– Cô rất đẹp. Cô đẹp không kém gì Miên. Cô hãy đợi đi. Làm trinh nữ mà đợi chờ…

Tôi cố vớt vát:

– Tôi đã đọc cuốn sổ ghi chép của anh.

– Vậy sao? Cô thấy gì trong đó?

Tôi ngồi như một pho tượng. Rồi tôi nói với gã, tôi chỉ thấy sự sống quẫy đạp trong từng câu chữ ngày ấy của gã, quẫy đạp một cách tuyệt vọng.

Gã bỏ đi. Không uống thêm chút nước thù hận nào nữa.

Tôi ngửa cổ uống bằng sạch thứ nước sóng sánh trong chiếc ca nhôm nhỏ ngày nào chị Miên dùng cho gã tù uống nước.

Mà sao tôi chỉ nhìn thấy hình bóng Lân trong đáy ca?

Lời kết truyện

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Đoàn Lư, nhà văn Hoàng A Sáng và bạn bè thân thiết đã cho tôi cảm hứng kể lại câu chuyện này.

Vì lý do tế nhị, xin không chú thích tên các tác giả của những đoạn tản văn (1, 2, 3) được đưa vào truyện.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về cội nguồn.

Tôi ngồi trên xe vượt dốc và ghập ghềnh đá núi, vẫn như thấy những cành phong hương lá đỏ đón thu về trên núi.

Người đàn bà mặc áo chàm đen vẫn ở lại trên đỉnh đèo Non Cao.

Chiều chiều, nàng ra đứng bên đường nhìn xa ngút ngát. Nơi đó, những đàn trâu no cỏ đang thủng thỉnh bước về trên thung cao. Tiếng mõ lốc cốc vang trong sương mù bảng lảng.

Nàng đứng bên cây phong hương đã già.

Mùa đông sắp đến gần, những chiếc lá phong hương đang chuyển màu đỏ dụ. Từ xa nhìn thấy như những vầng hoa đỏ rực in trên nền trời.

Thời gian cứ trôi lặng lẽ. Người đàn bà vẫn đứng đợi bên đỉnh dốc.

Nụ cười sơn cước phảng phất trên môi nàng…

                                                                                                                                                                                                                                – Thiên Kỷ Ánh Sáng, đêm 3.10.2013 –