Lữ Thị Mai

Quách vẫn đợi tôi ở góc quán quen thuộc, không gian được decor bằng họa tiết những cánh chuồn chuồn mỏng manh, xuyên thấu như mắt lưới với hai màu cơ bản trắng và đen. Chiều ấy, một mảnh trời cuối thu như rớt lại nơi này trong những tấm khăn trải bàn xanh dịu, hương hoa cúc héo khô và hơi gió hiu hiu lách qua khe cửa. Ngoài kia thì đã sang đông, trời đất mây mù không chút nắng. Tôi mở đầu câu chuyện bằng dự định đi xa đầy dùng dằng của cha mình.

Cha tôi là thương binh, trở về từ chiến trường Campuchia. Từ bấy đến nay, hiếm khi nào ông ra khỏi lũy tre làng. Ông có một niềm vui bất tận là trồng cây, xây nhà và viết nhật kí. Hơn ba mươi năm trôi qua, bỗng ông vân vi mở lời với vợ con chuyện muốn trở về thăm chiến trường xưa, thăm một bờ biển biếc trải dài, phía xa khơi thẳm sâu, bí ẩn, thương đau như những đôi mắt nhân gian dõi về nhau vạn kiếp. Đương nhiên, mẹ tôi một mực phản đối. Sức khỏe của cha đã yếu quá rồi, hành trình vào Nam rồi sang chiến trường cũ thật không đơn giản với một người như cha, dẫu bên cạnh còn có đồng đội. Mẹ đã gọi điện cho tôi trong nước mắt.

Câu chuyện của cha tôi gợi cho Quách kỉ niệm thời vừa chuyển lên Hà Nội. Anh kể, gần căn hộ tập thể của gia đình anh có một ông thương binh tên là Đông. Quách vẫn tò mò hỏi: “Bác Đông đi bộ đội, là thương binh, mù cả hai mắt nhưng vì sao hai hốc mắt trống rỗng ấy lại là hai vòng tròn nguyên vẹn khi đạn bom thì luôn để lại thương tích thịt da?” Ông khen Quách có một câu hỏi hay. Ông chỉ vào đứa con nhỏ đang chạy chơi ngoài sân và hỏi Quách: “Thế cậu có biết vì sao đứa con gái tôi tên là Giao Cam không?” Quách lắc đầu. Ông hồi tưởng, đó là một trận đánh vô cùng ác liệt, một câu chuyện đầy bi thương. Người chiến sĩ tên Đông bị phục kích, rơi vào tay giặc, chịu đòn tra tấn dã man nhưng quyết không hé răng nói một lời. Một lần tỉnh dậy sau tra tấn, thấy lưỡi lê của quân thù vung lên sắc lạnh, không gian im ắng bao trùm, sau đó trời đất bỗng tối sầm và đầu óc người chiến sĩ trẻ gần như tê liệt. Tỉnh dậy, anh nghe dân kể tìm thấy bộ đội bị ném ở bìa rừng, hai mắt đã bị kẻ thù dùng lưỡi lê khoét gọn… Sau này, ông lấy vợ, đặt tên con mình bằng dấu ấn trận địa, vùng đất đầy đau thương, can trường. Trong khu tập thể, ông nhớ tất cả tên tuổi, nghề nghiệp của mọi người, từ lời nói cử chỉ của ai đó cũng hằn in trong trí nhớ ông không sai một li. Ông cắt nghĩa: “Người mù như tôi có còn việc gì nữa đâu!” Quách kể, thương nhất là những lần trái gió trở trời, hai hốc mắt đau nhức, kí ức quay về, đầu óc ông quay cuồng như đang xông pha trận địa. Ông đưa hai tay móc đôi mắt giả ra, ném lăn lông lốc khắp nhà, vợ con sợ hãi lắm nhưng phải đợi ông dịu cơn đau mới dám tìm cặp mắt ấy đem đi rửa để cất, mỗi lần vui ông lại đeo vào lấp đi khoảng trống trên khuôn mặt. Hoặc những lúc khu tập thể mất điện, rồi có điện, đứa con reo to: “Bố ơi! Nhà có điện rồi”, ông lẩm bẩm: “Sao la lối om sòm thế? Mất điện với có điện khác gì nhau!”. Không khí im lặng lại bao trùm, và so với màn đêm ngoài kia, hẳn màn đêm vừa kéo đến còn đằng đẵng, bất tận hơn.

Nghe chuyện, tôi hiểu bác Đông và cha có chung một điểm, đó là đặt tên cho con bằng kí ức trận mạc. Cha xuất ngũ vào một buổi bình minh, đứng trên boong tàu nhìn rõ một hàng tay vẫy toàn người già và trẻ nhỏ. Đám trẻ và lũ chó bơi mãi ra xa tiễn bộ đội Việt Nam. Khoảnh khắc ấy cha đã nghĩ rằng, nếu lấy vợ, có con gái, cha sẽ đặt cho nó cái tên mang ý nghĩa của buổi sáng, buổi sáng của những người lính sau năm tháng viễn chinh được trở về đất mẹ. Ban Mai, tên tôi, mọi người bảo là một cái tên trong trẻo, chỉ tôi hiểu, với cha đó còn là nỗi ngậm ngùi bởi đồng đội nhập ngũ cùng cha trở về chỉ đếm vừa một bàn tay…

***

Những cuộc điện thoại của mẹ cho tôi ngày càng dày hơn. Mẹ muốn tôi đứng về phe mẹ ngăn cản chuyến đi của cha. Mẹ muốn tôi có những lí lẽ thuyết phục hơn cái điệp khúc “đường xa, sức khỏe” của bà. Tôi không trả lời mẹ. Tự nhiên tôi nghĩ tới bác Đông bèn điện thoại cho Quách nhờ anh đưa tôi đến gặp.

Quách bảo công việc, biến động cuộc sống đẩy anh ra khỏi không gian ấy từ rất lâu mà chưa có dịp trở về. Người vợ của bác Đông sau này đã bỏ đi làm ăn xa mang theo đứa con gái. Khu tập thể ấy bây giờ hẳn đã khác trước nhiều nhưng có lẽ bác vẫn ở mãi đó thôi.

Quách phán đoán đúng. Bác Đông vẫn sống ở đó. Từ dạo vợ bác mang đứa con gái đi xa, cặp mắt giả lăn về phía nào không rõ, hai hốc mắt bác lại sâu hoắm trông vừa đáng sợ vừa đáng thương. Bác chỉ vào tôi khen: “Người đàn bà này đẹp quá!” Quách hỏi: “Làm sao bác biết?” “Cậu định bảo tôi mù lòa nhìn được gì mà khen đẹp ư? Người đẹp thì tiếng nói cũng êm, bước đi cũng lạ. Tóm lại, mĩ nhân chẳng thể mang một năng lượng thông thường.” Bác khiến chúng tôi ngạc nhiên và thầm thán phục.

***

Sau một thời gian xa nhau khá lâu tôi mới lại ngồi cùng Quách. Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng gần như thì thầm: “Khuôn mặt em vẫn thật sáng trong!” Anh vươn tay qua bàn nắm lấy bàn tay tôi rồi ủ mãi trong tay anh.

Buổi ấy nắng đầu mùa râm ran da thịt, những bóng lá non ríu ran lọt qua ô cửa chúng tôi ngồi. Từ dạo li hôn, đến khoảnh khắc ấy tôi mới lại ngồi đối diện đàn ông.

Lần cuối cùng đối diện trước chồng cũ, người ấy cần tôi đưa ra một lí do. Tôi chỉ thở dài. Dường như Hạ, bạn thân tôi, lờ mờ đoán được ý định của tôi nên nó giàn giụa nước mắt hỏi tôi là nó có nên quay về với chồng sau cuộc ngoại tình vừa bung bét hay không. Hạ đã bước trùng vào vấp ngã của tôi trước đó. “Sai lầm trong trái tim nhẹ dạ của đàn bà có thể khiến một gã đàn ông thiếu tử tế mang ra mà nhấm nháp, dằn vặt nhau cả đời. Liệu chồng mày có đủ tử tế để vĩnh viễn đào sâu chôn chặt?”, giọng tôi nhấn nhá đầy chua chát. Khác với tôi, Hạ quyết định quay về, thỉnh thoảng lại quặn thắt, nghẹn ngào tưởng chừng chết đi sống lại.

Ít lâu, Hạ bắt đầu huyên thuyên câu chuyện có phần viển vông, mộng tưởng. “Ông thầy bói bảo bản mệnh tao kiếp trước là sơn nữ tuổi mười lăm, đi hái măng bị lạc rừng, sẩy chân rơi vào bẫy thú được nhà quan cứu giúp cưu mang, nhận làm con cái, có người hầu kẻ hạ đường hoàng. Sau này, bi kịch đứa con ân nghĩa phải lòng cha nuôi. Ngoài năm mươi tuổi ông ấy còn xông pha trận mạc, phơi thân vùng biên viễn mù sương. Bản mệnh ấy trước đây chẳng cho tao lấy chồng. Giờ có chồng rồi sớm muộn gì cũng truân chuyên, đổ vỡ.” Nói rồi Hạ đưa tay vén những lọn tóc rủ xuống gáy khoe hình xăm hoa dại. “Mày thấy không, từ lúc dậy thì tao đã thích xăm trổ, đeo nhiều khuyên tai, cả khuyên mũi… hoang dại giống sơn nữ đấy chứ? Đâu như mày!”. Rồi Hạ cười sảng khoái, nhấp ngụm vang chát, chớp chớp bờ mi sũng ướt.

Chẳng hiểu sao câu chuyện vu vơ ấy lại thường len lỏi trong giấc mơ tôi. Quách đã ngoài năm mươi tuổi. Anh vẫn cười nửa bao dung nửa hối lỗi mỗi lần tôi nũng nịu: “Anh cưới em đi!” Cả tôi và Quách đều hiểu sẽ chẳng bao giờ có cái kết ấy. Tôi trí nhớ tốt nhưng luôn quên tất cả những con đường hai đứa đã đi qua. “Em chỉ quên những điều mình không muốn nhớ. Nhớ nhiều, sau này xa cách, buồn thêm!”, tôi nói bằng giọng điệu kiêu hãnh đến xót xa. “Vậy thì anh sẽ buồn hơn em, vì anh nhớ tất cả. Mãi mãi anh không muốn quên”, lời Quách thật ân cần. Trong cơn chiêm bao đứt gãy của tôi, chợt thấy Quách nhận mình chính là cha nuôi Hạ. Người đàn ông vừa thân gần vừa xa lạ ấy nói: “Phải mất bao năm để kiếm tìm, chờ đợi. Bây giờ đành nhìn nhau trong nước mắt, chia phôi.” Người ấy còn nói, bản mệnh kiếp trước của tôi là một cánh chuồn chuồn, suốt ngày đậu trên vai Hạ. Tôi bình an khi Hạ sẩy chân… Nửa đêm bàng hoàng tỉnh giấc, tôi lần mò tủ lạnh, ngửa cổ dốc thẳng chai nước khoáng vào họng. Hơi lạnh lan man như nhấc bổng tôi đi.

Minh họa: Hoàng Phúc Quý

“Tao phải tìm thầy làm lễ. Phải gọi hồn ông quan ấy về!”, Hạ quả quyết thế, tôi cũng chẳng có ý can ngăn. Gia đình Hạ đang đứng trước cơn đổ vỡ. Hai đứa con thơ bìu ríu lấy mẹ khóc thút thít suốt ngày đêm. Mọi chuyện xảy ra đúng như điều tôi từng nghĩ. Một người đàn ông thiếu tử tế luôn tìm cách cứa thật sâu vào nỗi đau buồn, không cho đàn bà lầm lỡ một cơ hội nào để đứng lên mà bước tiếp. Thế mà Hạ vẫn chần chừ, hoang mang, khủng hoảng tột độ mỗi lần định đặt bút kí vào đơn li hôn. Chồng Hạ ngoại tình dăm bảy bận, nó biết nhưng tự nhủ lòng thà mù lòa, câm điếc bởi nỗi sợ sẽ bị mang lỗi lầm khi xưa ra dằn vặt, cân đong.

Như đã hứa, tôi cùng Hạ đến nhà ông thầy. Tấm vải điều xổ tung khỏi mái đầu bạc trắng. Tiếng sênh tiếng phách đảo điên. Hương trầm tỏa bay nghi ngút. Trên cao tượng Phật chênh chao. Một giọng đàn ông trầm khan, quánh đặc như giáng xuống từ thẳm xanh chất ngất: “Mắt người rụng rơi. Chân dò bóng tối. Gặp nhau mưa núi mây ngàn. Cánh chuồn bình an còn nàng sẩy bước. Âm dương cách biệt khôn nguôi. Duyên ta đi với một người. Duyên nàng đậu lại bời bời bão giông…” Hạ khóc như chưa bao giờ được khóc. Hình ảnh cánh chuồn lại chờn vờn trước mắt tôi. Cả Quách, cả đôi mắt giả rụng rơi, lăn lông lốc như bi của bác Đông… Mọi thứ quay cuồng, hỗn loạn xung quanh những cơn mơ với tất cả viển vông, mộng tưởng.
***
Xin đừng vò xé tim em. Em chỉ của anh mãi thôi. Em yêu anh trong từng hơi thở… Quán quen vẫn đều đều nhạc Pháp mỗi ngày bỗng vang lên khúc nhạc phim Những người sống bên tôi. Quách nhắc: “Em còn nhớ đôi mắt rất đẹp của Lan Hương hồi đóng phim ấy không?” Tôi gật đầu xác nhận, đôi mắt ấy đọng mãi trong tôi với bao ám ảnh. Hồi đó Quách đã qua tuổi ba mươi, tôi còn chưa bước sang thời thiếu nữ. Cả xóm mỗi nhà tôi có tivi, cả gia đình Quách sang xem nhờ. Ai cũng khen cô diễn viên xinh đẹp, chỉ tôi và Quách thấy mắt cô buồn. “Anh có bao giờ nghĩ em là một cánh chuồn chuồn không?” Câu hỏi bâng quơ của tôi làm Quách cười nghiêng ngả. “Có đấy! Anh không đùa đâu. Vì em cứ ngờ nghệch, chấp chới bên anh mãi. Từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ.” Tôi kể cho Quách nghe về giấc mộng lặp đi lặp lại của mình và rất nhiều quãng nửa đêm choàng dậy dốc thẳng nước lạnh vào cổ họng. Quách ôm chặt tôi vào lòng an ủi: “Anh thương em quá! Đêm với người đàn bà sống một mình luôn dằng dặc. Hay là…”.

Tôi rời xa Quách đơn giản, chóng vánh sau tiếng “hay là”. Quách có gia đình, không thể sống bên tôi, tiếng “hay là” ấy chỉ có thể là Quách ngụ ý muốn đẩy tôi về căn nhà cũ, cuộc hôn nhân cũ hoặc dấn thêm một lần đò nữa mà không biết bờ bến nơi đâu. Tôi không rõ mình tổn thương chính xác vì điều gì. Cũng có thể bởi sự bao dung vụng về nơi Quách.

***

“Cô khóc đấy à?” Bác Đông hỏi, mặc dầu tôi đã cố nén tiếng nấc chìm sâu trong lồng ngực. “Đàn bà đẹp nhất khi khóc. Nhưng cái đẹp đó khơi nguồn đớn đau. Đau đến rụng rời. Hồi bà nhà tôi đi, bà ấy cũng nén sâu tiếng nấc như cô bây giờ.”

Bác chậm rãi đưa đôi tay mốc nẻ, gân guốc xoay xoay chén trà nóng, giọng xuýt xoa: “Trà cô cho ngon quá! Mạn trên ấy, ngày xưa toàn sơn nữ hái trà. Chỉ bàn tay sơn nữ trinh nguyên mới không làm đau búp trà, trà sao lên mới có sương có tuyết, ngọn trà bị bấm lìa mới lại tái sinh thêm nhiều kiếp tinh khôi.”

“Cô Hạ hôm trước vừa qua đây, luôn miệng trêu chọc tôi, còn khoe hình xăm mới. Cô ấy hỏi bác thấy đẹp không, đố bác biết hình gì, rồi cười khúc khích như con nít. Tôi cần gì nhìn bằng đôi con ngươi như thiên hạ, cánh chuồn chuồn ấy lúc nào chẳng rõ mồn một trong trí óc. Cô biết tôi nhìn bằng gì không? Bằng thẳm sâu đôi miệng vực này này. (Ông vừa nói vừa đưa tay chỉ vào hai hốc mắt). Cô Hạ kinh ngạc lắm, lại bảo, giá mà cô biết hình xăm ấy rồi thể nào cô ấy cũng nghĩ là cô kể cho tôi nghe cơ đấy!”.

“Hôm rồi, khu tập thể mất điện rồi có điện, nhanh như chớp mắt. Ấy vậy mà tôi biết hết cô ạ. Lạ thế chứ! Bỗng thấy nhớ con bé Giao Cam đến quặn lòng. Tôi chẳng biết tìm đâu ra cặp mắt, để mà khóc cho đúng nghĩa, để thỏa nỗi nhớ con. Ngày xưa, mỗi lần tôi cằn nhằn, đánh đập mẹ nó, con bé không dám khóc. Hàng xóm kể, nó thường ngồi hiên nhà, hai bàn tay nhỏ khum khum che giấu, giữ gìn đôi mắt giả của tôi.”

Bác Đông hồi nhớ bằng giọng đầy ân hận, rất nhiều lần trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, bác lao vào đánh vợ như điên. Giá kể người đàn bà ấy phản kháng lại có khi còn ăn ở được với nhau. Sự cam chịu âm ỉ khiến lúc tỉnh táo bác quyết đuổi vợ đi. Là bác đuổi vợ, tự tay gói ghém đồ đạc cho hai mẹ con chứ không phải người đàn bà ấy bỏ chồng như lời đồn đại.

***

Dáng ngồi của Quách không lẫn vào đâu được. Anh xoay lưng lại quán nước, mắt nhìn ra đường phố, không biết tôi đứng phía sau, cách nhau vài tấm biển hiệu hàng quán. Đang vào mùa thi, Quách nhẫn nại chờ con trai út bước ra sau cánh cổng trường vồn vã chạy đến bên bố. Cách người đàn ông ấy quàng vai, lắng nghe, khuyến khích con cũng không lẫn vào đâu được. Họ như hai người bạn, hai người đàn ông trưởng thành. Hình ảnh ấy càng khiến tôi tin quyết định ra đi của mình là đúng.

Tôi rời bỏ góc quán quen. Những giấc mơ trùng lặp, chắp vá viển vông đã trượt trôi đâu đó, không trở lại. Hạ bây giờ thật khác. Nó khiến được người đàn ông từng thích nhấm nháp lỗi lầm của mình phải quỳ sụp dưới chân xin tha lỗi. Hạ cũng đã xóa hết mọi hình xăm trừ cánh chuồn chuồn. Nó bảo, vì đó là lá bùa hộ mệnh. Từ ngày họa tiết ấy được trổ sâu ở vùng xương quai xanh, cuộc sống của Hạ không còn sóng gió. Chuyện tôi tin hay không nó cũng chẳng quan tâm. Hạ ngồi cà phê bên tôi, đung đưa cặp chân dài, chờ chồng con qua đón. Quách giờ này hẳn đã ngồi trước mâm cơm, hỏi han bông đùa con cái và nói những lời khôi hài với vợ. Còn tôi, tôi thấy mình giống cánh chuồn chậm trôi, chẳng biết tìm đâu bản mệnh giữa vùng quai xanh thăm thẳm u buồn. Đêm vẫn phủ lên tôi thứ sương tuyết của vị trà vùng rẻo cao huyền thoại với những bàn tay và linh hồn sơn nữ. “Mắt người rụng rơi/ Chân dò bóng tối/ Gặp nhau mưa núi mây ngàn…” Ai đó trót đánh rơi từng lời ai oán kia vào một bài ca mới, để nhiều lần tôi tự hát mình nghe.
***
Quai Xanh còn là tên một ngôi làng xa xôi, nhỏ bé tựa cái dấu chấm lửng trên ngọn núi quanh năm mây phủ. Nghe đồn trong một ngôi chùa nơi đó có một bà lang rất lạ, bào chế một vị thuốc cũng rất lạ. Tôi nói với cha mẹ muốn lên đó sống một thời gian. Mẹ rên rẩm những câu gì đó tôi không nghe rõ, nhưng hiểu rằng mẹ không đồng tình. Cha thì gật đầu. Trong gia đình, chỉ có cha tin tôi hoàn toàn bình thường. Cha hiểu tôi muốn được thư giãn, nghỉ ngơi ở không gian yên tĩnh và cách biệt.

Ngày qua ngày, tôi phụ giúp người đàn bà luống tuổi hong thuốc ở sân chùa. Bà dặn tôi: “Thứ thuốc này phải ngấm đủ gió sương biên viễn, ngấm từng mảng nắng vạm nửa đồi khói ám hắt xiên xiên lúc ban chiều mới hiệu nghiệm.” Thỉnh thoảng, lại có người dưới xuôi lên cắt thuốc của bà. Một vài người khỏi bệnh ngỏ ý ở lại cùng làm việc thiện. Họ sống trong chùa trước khi tôi đến. Ai đó kể tôi nghe, dân chúng quanh vùng đồn đại, bà lang còn có đứa con gái nhưng nó đã bôn ba về xuôi. Chồng bà, một thương binh mù lòa, hai hốc mắt là hai vòng tròn vẹn nguyên, sâu hoắm. Chính người này đã xua đuổi vợ con đi. “Bác có bao giờ nghe đến cái tên Giao Cam chưa?”, tôi hỏi bà lang, đôi tay vẫn đều đều đảo từng lớp thuốc thoảng mùi thơm ngai ngái. Tiếng bà hòa lẫn tiếng chuông: “Ta chưa nghe bao giờ.” Xẩm tối, giữa sân chùa, ở miền non cao tít tắp này, lũ chuồn chuồn túa ra như vỡ tổ, chẳng bay cao cũng không bay tà tà mặt đất, cả nghìn đôi cánh mỏng cứ chờn vờn ngang tầm mắt con người. Bà lang vừa thái thuốc vừa giải thích, chuồn chuồn ở đây không báo mưa báo nắng, mà nhắc phận người chuyển kiếp đầu thai. Bà nổi tiếng cả vùng Quai Xanh với loại thuốc chữa căn bệnh trầm kha về trí nhớ. Lạ lùng, chính bà lại quên mình đến từ đâu. Ai hỏi, bà chỉ một mực nói mình từng là sơn nữ. “Ngay khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy cô, ta biết duyên lành đã tới, ta truyền cho cô tên vị thuốc cuối cùng, quan trọng nhất. Cô hãy nhớ, đó là những búp trà trinh nguyên được tái sinh trong đau đớn.” Lời bà lang trổ sâu vào tâm trí tôi khi ngửa mặt nhìn trời chỉ thấy những cánh chuồn kéo về bóng tối.

Mẹ lại gọi điện. Không phải để hỏi thăm tôi sống thế nào, mà nói rằng cha vẫn nằng nặc đòi đi. Cha nói với mẹ rằng tôi xin bà đấy, chỉ một lần thôi…

Tôi cứ giữ mãi điện thoại bên tai mà ứa tràn nước mắt. Tôi biết, đầu dây đằng kia mẹ cũng thế. Từ ngày xuất ngũ, cưới vợ, có con, bao năm tháng cuốc cày cực nhọc, đau ốm thuốc thang…, cha chưa hề hé răng xin xỏ hay kêu ca với ai. Đây là lần đầu tiên cha mở lời xin. Cái kí ức về một thời trai trẻ ở cái đất nước xa xôi ấy thật không dễ giãi bày hoặc lãng quên, nó ngày càng lớn dần lên, thúc giục cha phải đi. Với cha, chuyến đi này là để trở về.

Trong buổi chiều mùa đông trên vùng Quai Xanh biên ải, giữa những cánh chuồn chuồn lượn rợp, tôi đã đồng tình với cha. Với tất cả những cuộc trở về.

Hà Nội tháng 12/2017

L.T.M

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version