Bắt đầu bằng những bài thơ tình yêu, Nguyễn Phan Quế Mai sớm mở rộng đề tài sang những xúc cảm về quê hương, đất nước, về số phận con người. Tạo nên sức hấp dẫn rất riêng là mảng thơ về chiến tranh chiếm số lượng không nhỏ trong số tác phẩm chị đã viết.
Trong một tản văn, Nguyễn Phan Quế Mai nói về những ám ảnh của chiến tranh trong tâm hồn của chị: kí ức về bà mẹ của hai liệt sĩ kiếm sống bằng nghề bán khoai lang luộc, hình ảnh một người bạn hơn 20 năm lặn lội khắp nơi tìm mộ người cha hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, màu trắng nhức lòng của nghĩa trang Trường Sơn, giọt nước mắt và những lời thổn thức của những người nông dân chắt góp tiền nong thuê xe thuê người sang Lào để tìm mộ người thân…
Sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, có tuổi thơ không ít nhọc nhằn lam lũ, học rộng đi nhiều, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, luôn mang trong mình niềm tự hào về những giá trị văn hóa dân tộc mình, Nguyễn Phan Quế Mai nhìn về quá khứ của quê hương đất nước sâu sắc, giàu ân nghĩa.
Với thế hệ nhà thơ lớn lên sau 1975, mượn cách nói của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, chiến tranh không còn là hiện thực được “nhìn thấy” mà chủ yếu hiện lên trong kí ức, là thứ hiện thực “tự cảm thấy”. “Với một khoảng cách thẩm mĩ như thế, chiến tranh không chỉ được nhìn từ mặt trước mà còn được nhìn từ phía sau với bao nỗi đau trĩu nặng, bao nhức nhối khó lành”. Các nhà thơ trẻ hiện nay, trong đó có Nguyễn Phan Quế Mai, “nhìn thấy” và “tự cảm thấy” chiến tranh theo cách riêng của thế hệ mình, trong cái dòng mạch chung của văn học dân tộc.
Tôi vượt đồng cói trở về Ninh Bình/ Đạn bom bổ nhào khi tôi vừa sinh (Mẹ tôi). Khi vẽ lại bằng thơ những hồi ức, những giấc mơ trong trẻo, nữ thi sĩ Quế Mai không quên những mảng màu có dáng nét của chiến tranh. Bởi vì cùng với nắng hạn, bão mưa, lũ lụt, chiến tranh có sức tàn phá ghê gớm. Trong những dòng thơ về nguồn, sau bóng dáng quê hương vẫn còn đó những ám ảnh: Quê nội vạt ngô dậy thì con gái ngày Cha bé dại đợi Bà về vàng vạt cỏ triền đê/ Quê nội mây chiều ngủ mê Ông ta thổi lửa nắng về tựa cửa mướp vàng bờ ao chuồn chuồn bay cao cào cào bay thấp giếng khơi trong vắt gọi mưa bay về/ Chiến tranh ập tới trai làng ra đi bóng người về lác đác nỗi đau trắng tạc trên tóc người già/ Tuổi thơ của Cha lớn cùng bom đạn sau mùa nắng hạn lũ lụt tràn về (Quê nội). Khi ngồi sau lưng của một người lính già làm nghề lái xe ôm, nghe những kí ức chiến tranh, nhà thơ đồng thời cũng đã “nghe” được những điều thẳm sâu từ tâm cảm: Lắng nghe ông kể chuyện/ Nghe gió Trường Sơn thổi về từ mái tóc bồng điểm bạc/ Nghe nắng miền Trung hát trên đôi vai gầy guộc/ Nghe tiếng súng xuyên về từ ngày tôi chưa sinh (Thời gian trắng). Dù không trực tiếp chứng kiến chiến tranh khốc liệt nhưng lớp trẻ lớn lên sau chiến tranh vẫn cảm nhận được rất rõ những dư âm, dư ảnh của nó.
Nguyễn Phan Quế Mai trong lễ ra mắt “Từ tuyết đến mặt trời” tại TP HCM.
Chiến tranh không chỉ là kí ức mà còn là những vết thương chưa lành, còn đồng hành với chúng ta. Sự hi sinh của mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc là bản hòa ca bi tráng. Nghiêng mình trước anh linh các chị, Nguyễn Phan Quế Mai lắng nghe “mười suối tóc mười tiếng đàn ngân hát”, trân trọng và cảm phục sự hi sinh của các chị ,đồng thời không kìm nén được: Mười dải mềm nối một dải Trường Sơn/ Mười ánh mắt đã thành ánh sáng// Hoa không ngăn nổi mình hóa dòng tang trắng/ Chảy về trời trong tiếng hát chị tôi (Đồng Lộc). Cũng như Đồng Lộc, địa danh Quảng Trị gợi nhớ về chiến trường một thời ác liệt. Với Quế Mai: Quảng Trị – vết thương chưa lành. Chứng kiến cảnh người mẹ “nắng héo đôi vai/ xác xơ tóc trắng” gào tên chồng và hai đứa con từ “tràn hai hốc mắt”, “lõm sâu lồng ngực”, nhà thơ đau: Trời sập nắng kéo lê tôi trên những quãng đường chi chít hố bom mắt người chết toang hoác mở/ những ruộng đồng nẻ khô thoi thóp thở// Hoa phượng loang tươi đỏ những con đường/ Còn sâu hoắm vết thương/ Quảng Trị (Quảng Trị).
Chiến tranh làm những thế hệ “lạc nhau” đến triệu dặm đường, nghìn thế kỉ, đến hai nẻo trời và đất: Trắng trời những ngôi mộ vô danh/ Trắng đất những người con đi tìm một bố/ … Những đứa con chưa biết mặt cha/ Những người cha không thể trở về nhà/ Tiếng gọi “con” còn chôn sâu trong ngực/ Tiếng gọi “cha” hơn 30 năm thao thức (Hai nẻo trời và đất). Những câu thơ thức dậy những suy ngẫm sâu sắc. Khi đặt mỗi bước chân trên đất nước của chúng ta, đừng quên dưới đất nâu còn biết “bao nhiêu thân thể lạnh khói hương” và trong đất nâu thấm đẫm biết bao nhiêu nước mắt của những con người “lạc nhau” .
Chiến tranh là câu chuyện của số phận con người, của những giá trị con người. Trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai viết về chiến tranh, chúng ta gặp “những câu hỏi vẫn trừng trừng mở mắt”. Gợi thật nhiều trăn trở là hình tượng một cựu chiến binh làm nghề xe ôm “kiên nhẫn đứng như một chấm than giữa phố phường lũ lượt còi xe”, trong một cuộc chiến mới – cuộc chiến mưu sinh: Ông một mình/ Lặng lẽ/ Nhỏ bé/ Thời gian chảy qua hai bàn tay. Sao mà đơn lẻ và bất lực đến thế, trái ngược với chính tầm vóc của ông trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa! Người lính già chạy xe ôm đã: Đem giọt mưa xa đặt vào mắt tôi/ Giọt mưa mang vị ngọt chiến thắng, vị đắng cuộc chiến đã xa ông vĩnh viễn ghi tên mình vào nó/ Vị mặn trăn trở – “rồi có ai còn nhớ tới Trường Sơn”/ Và, vị cay của cuộc sống đời thường tấp nập chảy quanh tôi/ như chỉ biết vươn mình về phía trước/ về phía trước/ phía trước…(Thời gian trắng).
Chúng ta nhận về mình những câu hỏi/ những bài toán mà để trả lời được cần phải có những khoảnh khắc lắng lại, nhìn thẳng vào những chua xót, đớn đau để bước chân vươn lên phía trước không vô tình. Những người trẻ nghe “những điệu nhạc ộc từ quán bar/… tiếng còi xe người người bắn vào nhau như đang ở trong cuộc chiến”, đừng quên nghe những câu chuyện của ngày hôm qua rất “cần được kể”!
Câu chuyện quá khứ “cần được kể”, cũng như những vấn đề bức thiết trước mắt rất cần được quan tâm. Chiến dịch Không vận Cô nhi (Operation Babylift) của Mỹ trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam đã chuyển bằng đường hàng không ra khỏi Việt Nam hơn 30.000 em nhỏ – không phải tất cả đều là cô nhi; các em được nhận làm con nuôi ở Mỹ và một số nước khác. Nhiều người đã trở về Việt Nam tìm lại cha mẹ với rất ít hy vọng. Họ đã về. Tóc không vàng. Da không trắng. Miệng không tiếng Việt/ Không bơ sữa nào có thể trả lời cho câu hỏi dài hơn 35 năm, sâu hơn 12.775 ngày/ “Tôi là ai?”// Không vòng tay cưu mang nào ướm vừa vòng tay cha mẹ/ Không xét nghiệm DNA nào có thể nối họ với cội nguồn/ Mái tóc đen không nghĩ bằng tiếng Việt// Babylift/ Lật 12.775 tờ lịch bằng nước mắt/ Đi qua 35 năm bằng nỗi đau/ Những câu hỏi vẫn trừng trừng mở mắt (Babylift).
Một thi ảnh xuất hiện với tần suất khá cao trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai, đặc biệt trong mảng thơ về chiến tranh này, là những hình ảnh có màu sắc trắng hết sức ám ảnh: thời gian trắng qua đôi bày tay, màu trắng của những đám tang, trắng trời những ngôi mộ vô danh, trắng đất những người con đi tìm mộ bố, nỗi đau trắng tạc trên tóc người già, xác xơ tóc trắng, Mẹ trái đất oằn mình khắn tang trắng… Và, phải chăng hình ảnh chúng ta đang đối diện những câu hỏi vẫn trừng trừng mở mắt kia cũng là câu – hỏi – trắng?!
Sự đổi mới quan niệm về đề tài chiến tranh từ các thế hệ cha anh được các nhà văn trẻ tiếp nối. Trên tinh thần lấy con người làm hệ quy chiếu, thơ Nguyễn Phan Quế Mai đề cập đề tài chiến tranh bằng cái nhìn rất mới, từ đó, tiếp tục nêu lên những câu hỏi nhức nhối. Trước bức tường Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington, chị đã viết:… Bức tường đen/ 58.267 cái tên không quen biết// 58.267 tên người đã nã súng vào trí nhớ tôi/ Mũi giày họ còn loang vết máu/ Tôi muốn chôn họ thêm lần nữa/ (Bức tường chiến tranh Việt Nam). Từ sự căm phẫn, Quế Mai bất ngờ nhìn thấy những nỗi đau ở bên kia chiến tuyến: Chợt một đóa hồng nhỏ thắp lên, đau nhói/ Bức thư nhòa lệ một người còn sống viết cho cái tên đã chết: “Cha ơi, hôm nay là ngày sinh nhật con gái con. Ước gì cha ở đây để cùng cháu thổi nến mừng tuổi mới. Không ngày nào con không nghĩ đến cha. Tại sao cha ơi? Tại sao cha phải đến Việt Nam, tại sao cha phải chết… (Bức tường chiến tranh Việt Nam).
Nỗi đau chiến tranh không của riêng ai. Từ những phát hiện ấy, gặp một cảnh tượng đẹp trong bài Với một cựu binh Mỹ: Chúng tôi đối diện với nhau/ Màn sương hận thù được thay bằng làn khói phở bốc hơi nghi ngút. Với tình hữu nghị, sự sẻ chia, Nguyễn Phan Quế Mai cũng hiểu những ám ảnh của hội chứng chiến tranh Việt Nam: Chiến tranh chưa bao giờ bị bỏ quên/ Chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt/ Hằng đêm ông vẫn phải sống sót những giấc mơ (Với một cựu binh Mỹ).
Vẫn lấy giá trị con người làm trung tâm, với tầm nhận thức của một người trẻ đầy trách nhiệm, thơ Nguyễn Phan Quế Mai nói tiếng nói của tinh thần dân tộc thiêng liêng, của lòng yêu nước, của niềm khao khát hòa bình. Bài thơ Tổ quốc gọi tên của chị đã tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ: Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/… Đó là những dòng thơ đầy tính thời sự, tiếp nối mạnh mẽ nguồn cảm hứng yêu nước trong nền văn học dân tộc. Những tội ác man rợ của chiến tranh luôn có nguy cơ sống lại trong dã tâm của những thế lực chống lại loài người. Nguyễn Phan Quế Mai đã cất lên những lời cảnh báo bằng thơ: Trên màn hình TV, một cuộc chiến tranh đang sống dậy/ Cách chúng tôi một gang tay, cái chết đang há miệng ngoạm lấy/ nuốt chửng những số phận// Cách chúng tôi chỉ một gang tay. (Với một cựu binh Mỹ). Chiến tranh với những ám ảnh kinh hoàng của tiếng thét, tiếng bom dội, tiếng khóc, tiếng người ngã xuống được chị gọi là ác mộng: Những cơn ác mộng sẽ tiếp diễn trong Chiến tranh thế giới thứ III?/ Mẹ trái đất oằn mình khăn tang trắng?/ Sẽ òa khóc bế xác những đứa con?/ Những đứa con, những đứa con của Mẹ!/… à ơi”/ Mẹ ru cho sóng biển Đông lắng xuống/… Hãy lắng nghe tiếng Mẹ, tiếng Mẹ tôi! (Mẹ Trái Đất).
Đi vào một mảng hiện thực cuộc sống khá bề bộn, mặc dù không có được nhiều trải nghiệm trực tiếp từ chiến tranh, Nguyễn Phan Quế Mai ghi dấu ấn của một nhà thơ trẻ dám dấn thân, đầy trách nhiệm với lịch sử, với cộng đồng, với nghệ thuật. Đúng như chia sẻ của nhà thơ với người viết bài này: Viết về chiến tranh không bao giờ đủ, vì chiến tranh gắn liền với số phận con người. Khi nào con người còn đau thì người cầm bút còn cần phải viết.
Nguồn: Vanvn.net