Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Vũ Xuân Tửu

– Bí mật cuốn gia phả

– Cánh chân sào

– Yếm thắm

– Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng

– Người tan vào không khí

Nhà văn VŨ XUÂN TỬU

Ngày tháng năm sinh: 26/02/1955.

Quê quán: xóm Ninh Tân, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Nơi ở hiện nay: số nhà 68, ngõ 141, đường Tân Trào, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam).

Hội viên:

Hội Nhà văn Việt Nam, kết nạp từ năm 2006.

Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang (1998 – 2014);

Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, kết nạp từ năm 2001;

Hoạt động VHNT:

– Năm 2005, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, Phân hội trưởng Văn học; năm 2011, xin nghỉ các chức vụ về VHNT.

– Từ 28/5-9/8/2007, Lớp trưởng, Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, khóa I, (Hội Nhà văn Việt Nam), Hà Nội. 

Khen thưởng:

– Bằng khen của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

– Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Giải thưởng (3 giải):

– Giải nhất, Cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội, (2005-2006).

– Giải A, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, 2018.

– Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2018.

Tác phẩm văn học đã xuất bản:

Sách đã xuất bản 36 cuốn.

Sách in chung với các tác giả khác 38 cuốn.

Nghiên cứu về VXT:

12 đề tài Nghiên cứu khoa học, Luận văn Thạc sĩ, Khóa luận tốt nghiệp đại học, về văn chương Vũ Xuân Tửu.

Suy nghĩ về nghề văn: Ngòi bút luôn hướng về người dân

Cánh chân sào

          Nhà tôi ở bên sông.

          Con sông quê tôi mênh mênh mang mang. Bọn trẻ chúng tôi hay ra bờ sông, ngắt những cuộng hành trong vườn, để thổi kèn te te và chờ xem tàu guồng chở khách, ngược qua nhà. Tàu chạy qua, sóng đánh dập dềnh bến nước, những bàn chân lẫm chẫm, sóng táp ướt cả đũng quần, không dám về nhà, phải rủ nhau chạy dọc bờ sông cho gió thổi, quần se se khô mới dám về, sợ bị thày bu đánh cho. Thày bu đánh không phải vì nhẽ áo khô quần ướt, mà là không ăn nhời, tự lội bến sông, thế nào cũng có ngày thuồng luồng nó bắt đưa về thuỷ cung. Thuỷ cung thì toàn nước là nước, người không thở được đâu!

          Lớn lên tôi đi làm chân sào.

          Suốt ngày đi đi lại lại trên be thuyền, hai tay cầm sào hóp lên nước nhẵn bóng, vai tì đẩy sào. Bột sào chọc vào bên bờ sông, nom như những mà cua, lỗ chuột. Khi mới vào nghề lóng ngóng, cắm sào vào vở mà không rút ra được, thuyền cứ trôi băng băng, thế là lăn tùm xuống nước. Cánh chân sào ngã xuống nước là chuyện thường, nhưng các tay anh chị cười hô hố, tôi xấu hổ, mặt đỏ lựng như da bàn tay cầm sào vậy.

          Cánh chân sào nay đây mai đó. Hôm nay ở Xanh, Vệ, Bợi, thì

 mai đã Gián, Khuất, mốt ngược Đầm Đa, Chi Nê… suốt ngày những sông nước là sông nước.

          Chủ thuyền bảo:

          – Mày nháy chúng nó, hôm nay cướp bến!

          Thế là chúng tôi hò nhau dừng lại nấu cơm ăn. Các thuyền bạn cũng dừng chèo, vạ vào bờ nấu cơm. Nhưng kỳ thực, bà vợ chủ thuyền chúng tôi đã nấu cơm rồi. Thế là chúng tôi buông chèo, cắm sào và vội bát cơm. Tôi to khoẻ nhất, mỗi bát cơm chỉ và ba miếng là hết. Một bữa vị chi chín miếng và. Cơm còn đầy trong mồm đã vội nhón cái tăm, khoác dây kéo thuyền, nhảy lên bờ.

          Các thuyền bạn nhao nhao:

          – Làm gì mà như đi ăn cướp không bằng?

          Tôi gò lưng kéo thuyền, vừa đi vừa xỉa răng. Cánh chân sào cũng cuống cuồng đẩy thuyền. Ông chủ vừa lấy chân cầm lái, vừa húp nốt bát canh tráng miệng, vừa cười hể hả. Chuyến này chúng ông sẽ cập bến trước, bốc hàng trước, xếp hàng trước. Nhưng sự ranh ma của chúng tôi bị hà bá ngầm sai xếp đá hộc ở bến sông. Chúng tôi không biết, cứ như mọi khi lao thuyền vào, liền bị đá hộc mới kè bến xuyên cho một lỗ. Nước tràn ào ào vào mũi thuyền. Ông chủ thuyền thất thanh kêu lên:

– Thôi chết bỏ bu tôi rồi. Chúng bay đâu, lấy bì kiện nhét vào. Một thằng lấy thúng gio, nhảy xuống nước mà rà.

          Thế là mấy tay chân sào lấy bao tải đay nhét lại. Còn tôi lấy một thúng gio, lặn xuống nước, áp vào lỗ thủng. Một chốc thì bịt kín lỗ rò. Bốc hàng xong, nhưng không xuống hàng ngay được như dự định, mà phải mất mấy tiếng đồng hồ kéo ghếch mũi thuyền lên, để sửa cho chóng. Mấy thuyền đến sau, sướng ra mặt:

– Tham thì thâm nhá.

          Có anh còn làm điệu bộ như diễn chèo và ư ử ngâm nga một điệu sử dầu:

                             “Đi đâu mà vội mà vàng

                   Mà vấp phải đá mà quàng phải dây“.

Ông chủ thuyền giận tím cả mặt. Chúng tôi cũng bẽ bàng, câm lặng lui cui lấy gỗ lòn lại chỗ thủng, rồi lấy sơn ta chít vào.

*

Mùa hè, nắng như thiêu như đốt, chúng tôi chống sào đẩy thuyền chỉ đội cái nón mê. Anh nào anh nấy da đen sạm. Mùa đông, gió rét như cắt da cắt thịt, chúng tôi chống sào đẩy thuyền khoác thêm cái bì kiện. Anh nào anh nấy da tím tái.

          Ông chủ thuyền vừa cầm lái vừa ê a hát:

                             “Gió thuôn thuôn anh luồn vào vú

                             Hỏi cô mình có thú hay không?

          Cánh chân sào khúc khích cười. Bà chủ thuyền đỏ mặt, lườm chồng một cái, rồi lủng bủng trong mồm:

          – Phải gió!

          Ông chủ thuyền gầy quắt xà lai. Người ta bảo, ông khôn ngoan lọc lõi quá nên gầy quắt lại. Mà nghiệm ra cũng phải, phàm những tay khôn ngoan đều nhỏ thó. Ông ta lại keo kiệt, bữa nào cũng xem cánh chân sào ăn uống ra sao. Ban đầu ngỡ ông thương chúng tôi lam lũ. Mãi sau mới biết là, nếu bữa nào chúng tôi ăn thừa, thì bữa sau ông rút bớt đi. Về sau chúng tôi nháy nhau, ăn thừa là đổ xuống sông. Mang tiếng làm chân sông nước, mà quanh năm suốt tháng, thức ăn chỉ có muối vừng và cá lẹp rang mặn chát.

          Ông chủ thuyền kể, như thể phân bua:

          – Phải năm loạn cá, cá bay đầy sông, đậu ngập khoang thuyền, thuyền nhỏ còn bị cá nhấn chìm. Cá chết trắng sông. Phải năm ấy, thì chỉ nhặt cá mà ăn, khỏi phải mua đắt, khỏi phải ăn cá lẹp.

          Tôi đọc câu sấm trạng, nghe lỏm từ hồi còn mồ ma ông nội tôi:

                             “Trên rừng thì loạn hổ lang

                   Dưới sông loạn cá, thế gian loạn tiền

                             Bao giờ loạn lúa mới yên.

          Bà chủ thuyền có ý khen tôi hay chữ. Gọi là bà, chẳng qua là vợ ông chủ, chứ thực ra còn kém tôi một cái tết. Bà chủ thuyền lúc nào cũng phây phây, tính lại xởi lởi, hay giấu ông chủ, cho chúng tôi thêm khúc cá kho, muôi tương, ấm chè xanh, phong thuốc lào Vĩnh Bảo.

          Ông chủ thuyền có người anh họ, mở cửa hàng làm bánh kẹo trên Hà Nội, cũng mướn người làng lên làm thuê. Cánh trai đinh nhà quê, lên chốn thị thành, thấy con gái tân thời thì mê lắm, hay kiếm cớ đi ra phố để ngó gái. Thế là ông chủ bực mình, giao hẹn:

          – Anh nào chịu làm thuê ở đây, thì phải gọt trọc đầu cho chấy khỏi rơi xuống bánh kẹo, khách hàng họ có ý chê rồi đấy.

          Thế là, để có chỗ kiếm công ăn việc làm, mấy cậu chàng phải gọt trọc đầu lông lốc như ông bình vôi. Trọc đầu thì ai dám ra phố, nhưng mắt vẫn để ngoài đường. Ông chủ lại thấy các chàng lơ đãng ngó ra đường, nhất là khi trường con gái  tan lớp. Thế là ông hạ ngay mấy tấm rèm cửa. Cái chiêu ấy nữa, thì khác gì lấy nút đậy hũ.

          Ông chủ thuyền cũng học cách người anh họ, gọt trọc cánh chân sào chúng tôi. Đến bến, chúng tôi cũng chả dám lên bờ. Anh nào cần mua bán gói diêm, hay sợi dải rút đều nhờ bà chủ.

*

          Một đêm, giăng thanh gió mát, cánh chân sào túm tụm trên mui thuyền, uống nước chè xanh, hút thuốc lào và nghe cá đớp động chân bèo bên mạn thuyền. Tôi nằm khểnh nghêu ngao, vận vần:

                             Chúng anh là cánh chân sào

                   Đầu thì trọc lốc ma nào dám mê…

          Cánh chân sào khoái chí cười hơ hớ, vang cả khúc sông.          

          Chuyện ấy tôi cũng quên đi, cánh chân sào cũng coi như bỏ ngoài tai, nhưng bà chủ thì nhớ.

          Một hôm, thuyền cập bến Nho Quan, ông chủ thuyền dẫn con lên bờ. Cánh chân sào cũng vác đầu trọc lên chợ. Vì ở đây toàn người Mường, chẳng ai còn ngại gì cái đầu trọc của mình. Nhìn thấy cảnh ông chủ đang ăn bánh đa kẹp mỡ sống, cánh chân sào cám cảnh, rỉ tai nhau: “Chão chàng đang cố bổ dương, để bà chủ khỏi xị mặt đấy”.

Trên thuyền, chỉ còn mỗi tôi với bà chủ thuyền. Bà chủ thuyền gội đầu bồ kết thơm lừng. Đàn bà mà gội đầu, hình như trẻ lại và đẹp ra. Tôi nhìn chăm chắm vào ngực bà chủ. Bà chủ má đỏ au, gọi tôi, bảo:

          – Này, cái nhà anh kia…

          Tôi hãi như kẻ ăn trộm bị bắt quả tang, vội thưa:

          – Bà cho gọi ạ.

          – Phải, anh lại đây tôi nhờ…

          Tôi sán lại gần, bà chủ thỏ thẻ:

          – Thế anh cũng hay chữ, cũng biết vận vần à?

          Tôi còn hồ nghi chưa hiểu bà chủ hỏi gì, thì đã nghe hơi thở nóng hổi của bà chủ bên tai:

          – Người hay chữ thế, có khối cô chết mê chết mệt, chứ sao lại bẩu chẳng ma nào…

          Tôi ớ người, bẽn lẽn thưa:

          – Chẳng qua là cái sự đùa thôi ạ.

          – Này, sửa hộ người ta cái dải yếm.

          Tôi ngập ngừng, bà chủ lại bảo:

          – Anh hay chữ, anh thử giải cái câu: gió thuôn thuôn… là gió thế nào ấy nhỉ?

          Nhìn tấm lưng nõn nà, dải yếm thắm lơi lơi, tôi không cầm được lòng mình. Bàn tay trai tráng chuyên cầm sào của tôi, vồ vập ôm lấy khuôn ngực thây lẩy, nóng hôi hổi. Bà chủ khẽ giật tay tôi ra. Tôi toan rút tay ra, bà chủ lại níu vào. Thế rồi, như đôi giao long, chúng tôi quấn quít lấy nhau.

          Từ đấy, chúng tôi bén hơi nhau, có đêm ấp nhau đến năm, sáu bận. Ông chủ thì không hay biết gì, nhưng cánh chân sào thì biết. Có anh cũng định giở trò tòm tem, bị bà chủ cho cái tát, nảy đom đóm mắt, nên cạch. Cánh chân sào không ton hót ông chủ thuyền, mà còn coi tôi như kẻ trả thù thay cho họ.

          Đận sau, tôi bảo bà chủ:

          – Có khi, tôi lên bờ thôi.

Bà chủ ngập ngừng:

          – Thế…       

– Tôi chỉ phải lòng mỗi cô… Này, về với tôi nhá?

          Bà chủ nước mắt lưng chòng, thổn thức:

          – Nhưng tôi không bỏ con tôi được.

          Tôi bảo:

          – Tôi thương cô, nhưng đâu dám ép cô. Biết phận mình tài hèn đức kém, cô chả thương cùng, nhưng cũng cho tôi hàng đêm được tương tư với hình, với bóng… Bây giờ, cô chay tịnh giữ mình độ ba ngày, rồi lên bến, mua hộ tôi một ít hương, hoa để tạ thần sông nước…

*

          Tôi trở về ngôi nhà bên sông của thày bu tôi để lại.

          Một bận, thấy con thuyền xưa qua bến. Tôi lấy cuộng hành thổi te te. Ông chủ thuyền và cánh chân sào í ới gọi. Nhưng tôi chỉ để ý một người mặc yếm thắm, thấp thoáng trong khoang thuyền.

          Tôi chạy xuống bến nước, bắc loa tay mà vận vần, hò với theo:

                             Bây giờ thuyền ngược, nước xuôi

                   Chống sào cho khéo, kẻo lơi bến bờ…

          Sóng đánh ướt cả dải rút, mà tôi vẫn đứng trôn chân dưới bến. Không biết người yếm thắm có thấu lời tôi không? Cánh chân sào giơ sào lên, lắc lắc. Bột sào lấp loá trong nắng như ngọn giáo. Con thuyền cũng như chững lại.

          Hình như có cái gì đó màu đỏ, từ khoang thuyền vương xuống dòng sông.