Trong khung ảnh nơi thời gian biến mất

(truyện ngắn của Phạm Giai Quỳnh)

Dành tặng cho vợ chồng bạn tôi.

  1.  

Bấu vào lan can gỗ, giẫm gót chân lên bậc thang tiếp theo, y đưa mắt nhìn xuống. Bên dưới là rừng, trời sẩm tối phủ lên đó một thứ màu hơi u ám và man mác buồn. Y không biết chắc nó là gì, nhưng không phải cảm giác sợ hãi, thậm chí ngược lại, y thấy bản thân hơi hưng phấn, bởi y đã vượt qua được cánh rừng đó. Mùi không khí ẩm, lạnh, hơi sắc cứa vào khứu giác, khiến cho y tỉnh táo hơn. Hít sâu hương cây cối ngày một trở nên rõ ràng và thanh tân, y ngoảnh đầu, tiếp tục hướng về phía trước. Thời gian dần trôi song lại gần như ngưng đọng, y chẳng còn để ý xem mình đã đi mất bao lâu nữa. Từng bước, từng bước, ngón chân cấn vào giày buốt nhức, có lẽ khi đến nơi, y sẽ phải xin chủ nhà một chậu nước ấm để ngâm.

Trời tối hẳn, y đặt chân tới cổng của căn nhà mà mình đặt phòng trước. Ngoài cổng, một hàng dây leo vấn vít, nom kỹ ra là giống hoa sao mà y thường gặp trên suốt con đường mình đã đi. Bóng trăng lạnh hơn, song khi hòa vào ánh lửa tới từ hai chiếc đèn đá đặt phía trước thì nó lại trở nên ấm áp kỳ lạ.

Y loay hoay bên ngoài tìm chuông cửa, một lúc sau mới tìm thấy hai chiếc chuông rất nhỏ nom như chuông đeo trên cổ mèo. Tò mò chạm nhẹ vào chúng, rồi lần một, lần hai. Cuối cùng thì cũng có tiếng cửa mở vang lên, dựa vào âm thanh khe khẽ vọng ra, trước mắt y hiện lên hình ảnh của một liếp cửa đan bằng tre, ken dày những mắt đan.

Y đã vạch đủ kế hoạch mà mình sẽ làm khi tới căn homestay ấy, y thích sự chính xác, không chệch nhịp, ban đầu y bị nó thu hút bởi cách bài trí ngăn nắp và thẳng thớm, về sau là sự sạch sẽ của không gian. Dẫu bạn bè y đều cản lại, rằng với một nơi như thế, lại miễn phí thì quả thực là bất thường, có khi thông tin được đăng lên đó chỉ là trò chơi khăm mà thôi. Trò chơi khăm để lừa mọi người vào rừng.

Mà người ta thường dễ lạc đường trong rừng.

Tuy nhiên, y vẫn muốn đi, giống như nhân vật của muôn vàn câu chuyện khác đã đang và sẽ được viết, y muốn đi vì người viết yêu cầu thế, phải chăng? Y nghiêng nghiêng đầu nhìn về hướng người đang viết câu chuyện này, và sực nhận ra thiết lập nhân vật của mình ban đầu sẽ chẳng bao giờ can thiệp vào những chuyện bất thường, đáng lẽ y không phải là nhân vật chính, y đã được chọn trở thành nhân vật chính nhờ lần chệch hướng này.

– Vớ vẩn thật! – Y lầm bầm và bật cười, chẳng biết đang giễu cợt mình hay giễu cợt người đang viết nên câu chuyện nữa. Đương khi mải mê chìm đắm trong suy nghĩ của mình thì cổng đã mở, cái vỗ vai khe khẽ khiến y giật bắn mình, ngoảnh đầu lại.

Ẩn trong bóng tối và ánh sáng vàng vọt, một gương mặt hiện lên, y chưa kịp nhìn, chỉ biết đôi mắt của anh ta rất sáng, như thể đã thu gọn ngàn vạn ánh sao.

– Anh là người đã đặt phòng, đúng chăng?

Người nọ cất giọng hỏi bằng âm điệu nhẹ nhàng và có phần kiểu cách. Bây giờ y mới phát hiện mình thất thố khi nhìn người nọ quá lâu, vội vàng cúi đầu xuống, hắng giọng:

– Vâng, tôi là T. người đã đặt phòng.

Người nọ mỉm cười, gật đầu:

– Anh đi theo tôi, tôi đoán được có lẽ anh sẽ tới được trong hôm nay nên đã chuẩn bị sẵn rồi.

Bước đi theo chủ nhà trong vô thức, tới lúc vào tới sân, chủ nhà quay sang nói với y:

– Anh hãy đi cất hành lý trước rồi tới nhà chính ăn cơm. Anh muốn ăn một mình hay ăn cùng tôi?

Y ngẫm nghĩ đôi chốc:

– Tôi muốn ăn riêng.

Chủ nhà nhoẻn miệng nở nụ cười:

– Vậy được, để tôi đi chuẩn bị.

– Cảm ơn anh nhiều. – Y nói.

Người nọ vẫn cười, chỉ lắc đầu se sẽ, ý rằng đấy là chuyện mà bản thân nên làm.

Dõi theo bóng lưng người kia cho đến khi khuất vào sau gian nhà rộng đối diện, y chợt nhận ra mình đã quên mất hỏi tên chủ nhà, mà có lẽ người đang viết câu chuyện này cũng bỏ quên chi tiết ấy cũng nên, thậm chí khéo hắn còn đương lẫn lộn xưng hô giữa hai người. Nghĩ tới đây thì y phì cười, hít sâu và thở ra một hơi dài, bước vào trong phòng, để lại tiếng côn trùng rả rích bên ngoài.

2.

Y đã đọc hết những bình luận về nơi đây trước khi tới, trong đó đa phần là đánh giá không hài lòng bởi chủ nhân của căn nhà chẳng mấy để tâm tới những đơn đăng ký, anh ta lựa chọn những vị khách hợp ý mình giống như một người bật đồng xu trên đầu ngón tay. Y là một người may mắn, có lẽ, hoặc giả đây là lần duy nhất mà y cảm thấy mình may mắn.

Bàn gỗ đặt ở giữa nhà, hướng về phía cửa chính, đó là dạng bàn trà thấp, chủ nhà ngồi ở đó, thấy y bước ra khỏi phòng bèn gật đầu thay cho lời chào. Y vươn vai, vẫn chưa qua cơn ngái ngủ, đi tới chỗ mà chủ nhà đang ngồi. Dẫu sao ở đây cũng không có ai để trò chuyện, chỉ có hai người họ với nhau mà thôi.

Dành dành đưa hương ngòn ngọt, một mùi hương gần tương tự nhài nhưng ngọt hơn và dày hơn, bằng mùi hương này, y có thể đoán định được màu hoa.

Ấy phải là màu trắng tựa như màu trắng của ánh trăng khi kinh qua những lần gột rửa giặt giũ đến khi thật sạch sẽ, y nói, không khác được đâu, màu hoa này phải như vậy. 

Ngồi cạnh nhau, chủ nhà rót cho y một chén trà. Nâng chén lên, y nhớ về những trận rượu say bí tỉ ngày nào, bây giờ nhìn vào lần nước trong vắt ánh xanh này, cứ tưởng như mọi chuyện đã ở kiếp khác.

Hồi nhỏ, tôi từng sống cùng với một gia đình nọ, vợ chồng họ có tuổi sêm sêm nhau, tầm ba mươi tuổi, người vợ làm giáo viên còn người chồng lái xe khách đường dài. Ở đó chừng hai năm thì người chồng đã ra tay sát hại người vợ trong một đêm mưa lớn, tôi trốn trong tủ quần áo, hé mắt nhìn ra ngoài, chỉ thấy khắp nơi toàn là máu. – Y kể lại với giọng đều đều.

Chủ nhà lặng im, nghe những câu chuyện mà bỗng nhiên y nhớ ra và có thể kể lại. Sau khi y nói xong, anh ta lại chuyên thêm trà vào chén. Y ngạc nhiên:

– Sao anh không hỏi tôi vì sao tôi lại sống với một gia đình xa lạ?

Chủ nhà ngoảnh đầu nhìn y, bây giờ, ánh mắt họ đối diện với nhau, dường như soi tỏ lòng nhau. Cả hai cùng nở nụ cười.

Tôi không rõ tiền căn hậu quả của sự việc ấy, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được những phức tạp trong một mối quan hệ gia đình, cho nên về sau tôi nhất quyết bỏ qua nó, chẳng thể nào giao kết bền chặt được với ai, y nói. Chủ nhà khẽ khàng bảo rằng đó không phải là lỗi của y, chỉ là trò chơi của tạo hóa mà thôi, rằng ai cũng có vận và mệnh, mệnh là thứ chẳng thể nào thay đổi được.

Y nổi cơn tò mò:

– Khách hàng của anh gồm những ai?

Chủ nhà hỏi lại anh:

– Ý của anh muốn hỏi là người sống hay người chết?

Y lặng người đi một lát, rốt cuộc cũng bật cười, song tiếng cười của y rất nhạt, mong manh, sau đó tan lẫn vào sắc hoa dành dành ngoài cửa.

3.

Trên vách treo một khung ảnh lớn, bên trong xếp đầy những tấm ảnh nhỏ hơn, vàng úa như lá thu, nom tựa những lát cắt trong chuỗi thời gian đằng đẵng không hồi kết. Viền khung vẽ một đóa dành dành bung nở. Như cơn ảo giác, y còn ngửi được mùi hương của nó. Trên những bức ảnh nhỏ có ghi rõ thời gian được chụp, bức sớm nhất là vào năm 1939, bức mới nhất là vào năm 1990. Mỗi bức đều có hai người đứng cạnh nhau, họ đứng dưới tán cây cam ngọt… Y giật mình nhận ra rằng chỉ có gương mặt của người đứng bên tay trái là thay đổi, còn lại thì người đứng bên phải vẫn vậy. Phải, y không hoa mắt, người đứng bên tay phải đó chính là chủ của căn nhà.

– Chúng ta đã từng gặp nhau ở đâu đó, đúng không? – Y hỏi người vẫn đang ngồi cạnh chiếc bàn gỗ.

Chủ nhà ngước mắt nhìn y, mắt của anh rất sáng, đôi lúc khiến y tưởng như có thể soi tỏ được linh hồn của người khác:

– Nếu tôi nói rằng chúng ta đã gặp nhau từ rất lâu rồi thì sao?

– Mười năm hay hai mươi năm? – Y hỏi.

– Nếu tôi trả lời anh rằng là hàng thiên niên kỷ, hàng thế kỷ? – Chủ nhà mỉm cười.

Món quà mà con người được ban phát là sự quên lãng, nhờ có nó mà người ta có thể sống tiếp được, chủ nhà nói, tuy nhiên tôi không có được may mắn ấy.

Vậy nên anh mới ít kết giao với mọi người? – Y hỏi.

Phải – Chủ nhà đáp – Và rồi tôi nhận ra rằng càng ít giao kết, càng ít ký ức thì những ký ức đó trong tôi lại càng hiện lên rõ ràng hơn, tiến thoái lưỡng nan thật đấy.

Tôi luôn nghĩ rằng mình là nhân vật trong một câu chuyện nào đó, y bảo.

Chủ nhà lắng tai nghe y nói chuyện, mỉm cười chẳng đáp.

Sau này y hỏi rằng vì sao chủ nhà biết y sẽ tới vào tối hôm đó trong khi y không hề thông báo trước.

Chủ nhà đáp: Tôi biết, chỉ vậy thôi.

4.

Y đã chẳng còn nhớ được mình dừng chân ở chốn này được bao lâu, thời gian đông cứng, giống như đọng lại trong khung ảnh nọ, gột rửa dần thời thơ ấu, trả lại mọi thứ sạch sẽ và phẳng lặng. Chủ nhà trồng rất nhiều hoa, cặm cụi chăm tưới cho chúng, y bắt tay vào phụ giúp việc xới đất nhổ cỏ, quên lãng cả thế sự ngoài kia.

Sát khung ảnh đó là một chiếc gương, y nhìn vào hình ảnh mình trong đó, và rồi chủ nhà bước tới đứng cạnh bên tự khi nào. Như một ảo cảnh, họ bị đẩy vào trong những tấm ảnh xưa cũ, ấp ôm bằng hương dành dành và hoa cam dìu dịu. Chủ nhà vẫn thế, vẫn với đôi mắt sáng như sao và vẻ thiếu niên tươi trẻ, còn y thì đã già nua rồi.

Giới thiệu tác giả:
Tác giả Phạm Giai Quỳnh, sinh năm 1997 ở Hoà Bình, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội, chuyên về sáng tác văn xuôi.
Một số tác phẩm đã xuất bản: Nhện, Trịnh và Thiên thu (NXB Hội Nhà văn và Công ty Thiên Đức liên kết ấn hành); Sợi chỉ đỏ kết nối (NXB Hội Nhà văn và Công ty Thiên Đức liên kết ấn hành); Trăng trong cõi (NXB Trẻ); Của Thần và của Người (NXB Hội Nhà Văn và Công ty Sbooks liên kết ấn hành)

Về tác phẩm:
Phạm Giai Quỳnh:
Truyện ngắn “Trong khung ảnh nơi thời gian biến mất” được viết dành tặng cho vợ chồng của bạn tôi, họ là những người dũng cảm trong tình yêu của mình và sẵn sàng tiến về phía trước cùng nhau, đồng thời tôi cũng muốn khắc hoạ nên hình ảnh của những người có sợi dây kết nối linh hồn truyền kiếp, dẫu có đi đến đâu, dẫu có trở thành ai, trải qua gian khổ thế nào thì cuối cùng họ cũng tìm được nhau, bầu bạn bên nhau.

Cầm Kỳ Official trên một số nền tảng số khác như:

Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial

Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

#Võ Thị Xuân Hà

#Cầm Kỳ

#Nàng Thê